Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/2005/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 11 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ KIỂM SOÁT MA TÚY QUA BIÊN GIỚI ĐẾN NĂM 2010” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 187/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010”;

Theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 22/TT-CAT(PV11) ngày 03/10/2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện biên giới chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an, VPCP,
- Cục KTVBPQ-BTP,
- TTTU, TT.HĐND tỉnh,
- CT, PCT,
- VKSND, TAND tỉnh,
- Như Điều 3,
- UBND các huyện biên giới,
- LĐVP, CV các khối,
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ KIỂM SOÁT MA TÚY QUA BIÊN GIỚI ĐẾN NĂM 2010” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121/2005/QĐ-UBND ngày 11/10/2005 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 187/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010”; căn cứ tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

TÍNH CẤP THIẾT VÀ MỤC TIÊU CỦA VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. TÌNH HÌNH CHUNG:

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới giáp với 3 tỉnh Munđunkiri, Kratíe và Kongpongchàm thuộc Vương quốc Campuchia, dài khoảng 240 km. Phía Campuchia có 04 huyện và 6 xã đối diện, với dân số 5.919 hộ, 29.105 người. Dân số thuộc 15 xã biên giới ở 3 huyện Bù Đốp, Phước Long, Lộc Ninh là 96.335 người, trong đó có 24.000 người dân (chiếm 24,9%) từ các tỉnh khác đến cư trú, chưa kể số dân di cư tự do, số đến làm ăn cư trú bất hợp pháp.

Khu vực biên giới có 3 cửa khẩu và rất nhiều đường tiểu ngạch qua lại dễ dàng, vì vậy hàng ngày số người, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu bằng đường hợp pháp và bất hợp pháp tương đối lớn, gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát. Lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia có khoảng 1.000 quân, triển khai 16 Đồn Cảnh sát biên giới, 20 Chốt và 3 Trạm Công an; do đời sống khó khăn, một số Chốt, Trạm đã tổ chức buôn bán, móc nối người, phương tiện Việt Nam qua buôn bán, làm ăn trái phép.

Qua công tác nắm tình hình khu vực biên giới, cửa khẩu của các đơn vị nghiệp vụ liên quan (CA-HQ-BP) cho thấy tại các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia đã xuất hiện nhiều đối tượng móc nối, tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam qua địa bàn Bình Phước. Tình hình buôn bán ma túy cũng biểu diễn phức tạp, tạo ra những nguy cơ, tiềm ẩn đối với tỉnh Bình Phước trong công tác đấu tranh ngăn chặn ma túy xâm nhập.

Việc phát hiện, ngăn chặn, thu giữ ma túy qua biên giới, cửa khẩu những năm qua chưa đáp ứng yêu cầu. Tội phạm về ma túy và tệ nạn nghiện ma túy trong tỉnh được kìm chế nhưng vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hoạt động kiểm tra, kiểm soát ma túy ở biên giới và cửa khẩu thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp; các lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn ma túy qua biên giới còn mỏng về lực lượng và thiếu về phương tiện; hệ thống chính trị tại cơ sở chưa huy động được sức mạnh và trách nhiệm của quần chúng nhân dân ở các huyện, các xã giáp biên giới vào công tác đấu tranh PCMT.

Lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng đã xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành thực hiện Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng trong phòng, chống TPMT trên tuyến biên giới, cửa khẩu và đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp PCMT, nhưng do biên chế ít, tuyến biên giới dài, địa hình phức tạp nên việc bố trí lực lượng ở tuyến biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác hợp tác quốc tế (với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia) còn nhiều khó khăn nên chưa đủ sức ngăn chặn được hoạt động móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy qua biên giới.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 187/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPMT qua biên giới.

II. MỤC TIÊU VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN:

1. Mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2010, cơ bản ngăn chặn được các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, góp phần làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Mục tiêu cụ thể:

+ Tăng cường năng lực và sự phối hợp hoạt động của các lực lượng chuyên trách PCMT của Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và UBND các huyện, các xã giáp biên giới cũng như các ngành Bưu điện, Công nghiệp, Y tế … để phát hiện, xử lý triệt để các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; triệt phá các tụ điểm tàng trữ ma túy; khắc phục, hạn chế những sơ hở, thiếu sót trong quản lý địa bàn, không để bọn tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

+ Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và UBND các huyện biên giới giáp Campuchia, nhằm phối hợp chặt chẽ giữa trong và ngoài nước để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa và ngược lại.

3. Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2010.

III. XÁC ĐỊNH TUYẾN – ĐỊA BÀN – ĐỐI TƯỢNG CẦN TẬP TRUNG:

1. Tuyến: Tuyến biên giới thuộc phạm vi quản lý của các Đồn Biên phòng từ Đồn Biên phòng 809 (xã Lộc Thịnh) đến Đồn Biên phòng 779 (xã Bù Gia Mập).

2. Địa bàn:

+ 15 xã biên giới thuộc 03 huyện Lộc Ninh – Bù Đốp – Phước Long (gồm các xã Lộc Hòa, Lộc Tấn, Lộc An, Lộc Thành, Lộc Thiện, Lộc Thịnh, Lộc Thạnh, Tân Thành, Tân Tiến, Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện, Đăk-ơ, Bù Gia Mập) và xã Minh Đức (xã nội địa) thuộc huyện Bình Long.

+ Khu vực cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý xuất nhập cảnh qua lại biên giới của PA35, các Đồn Biên phòng cửa khẩu và quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu, Đội kiểm soát Hải quan và tại các Trung tâm Bưu chính – dịch vụ chuyển phát bưu phẩm hàng hóa từ nước ngoài vào Bình Phước và ngược lại.

3. Đối tượng:

- Đối tượng, đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Campuchia vào Việt Nam qua địa bàn biên giới, cửa khẩu Bình Phước.

- Đối tượng tệ nạn ma túy trên địa bàn 15 xã biên giới.

- Đối tượng là các chất ma túy, thuốc gây nghiện, tiền chất; các loại hàng hóa, phương tiện và người qua lại cửa khẩu, biên giới và các dịch vụ bưu chính – bưu phẩm từ nước ngoài vào Bình Phước và ngược lại có liên quan đến ma túy và tội phạm về ma túy.

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM: Các ngành Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Bưu điện, Công nghiệp, Y tế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, điều tra, bắt giữ tội phạm và tịch thu ma túy ngay tại biên giới, cửa khẩu. Cụ thể:

1. Đối với lực lượng Công an: Có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Công an trực thuộc thực hiện các vấn đề sau:

a) Công an các huyện giáp biên, gần biên: Công an các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long, Bình Long có trách nhiệm:

- Tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản trên tất cả các xã trên tuyến biên giới, gần tuyến biên giới và lập hồ sơ các đối tượng liên quan đến ma túy thuộc thẩm quyền. Quản lý chặt đối tượng, nắm chắc tình hình ma túy trên địa bàn.

- Chịu trách nhiệm phối hợp với Phòng PX28 – Công an tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, chính quyền xã, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tổ chức công tác tuyên truyền PCMT trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện tốt các biện pháp cai nghiện theo Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh; giải quyết (phá, xóa) các tụ điểm tệ nạn ma túy trên địa bàn quản lý, không để tồn tại gây bức xúc và phức tạp.

- Triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng thuộc thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Kịp thời trao đổi thông tin và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất khi các đơn vị, lực lượng khác có yêu cầu.

b) Các Phòng nghiệp vụ (An ninh – Cảnh sát):

- Các Phòng nghiệp vụ như Phòng An ninh điều tra (PA24), Phòng quản lý XNC (PA35), Phòng BVCT IV (PA38), Phòng PB11, Phòng QLHC về TTXH (PC13), Phòng CSĐTTP về TTXH (PC14), Phòng CSĐTTP về TTQLKT và Chức vụ (PC15), qua công tác nghiệp vụ chủ động phát hiện các đối tượng có biểu hiện hoạt động tội phạm về ma túy từ nội địa qua CPC hoặc từ CPC xâm nhập nội địa để kịp thời trao đổi thông tin với Phòng CSĐTTP về ma túy (PC17) hoặc lực lượng CSĐTTP về ma túy của Công an các huyện giáp biên, để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chuyên trách PCMT (PC17, BĐBP, HQ) triển khai các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu, tham gia các chuyên án ma túy theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh.

c) Lực lượng chuyên trách PCMT: Phòng CSĐTTP về ma túy (PC17) là lực lượng chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy:

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình TNMT. Tiến hành lập hồ sơ điều tra cơ bản toàn bộ tuyến biên giới, qua đó xác định số đối tượng tệ nạn ma túy hoạt động liên tỉnh, có liên quan CPC. Phối hợp với Công an các huyện biên giới, BĐBP, HQ lập án đấu tranh khi có đủ điều kiện, khởi tố điều tra và kịp thời tiếp nhận các vụ án về ma túy thuộc thẩm quyền do Công an các huyện, BĐBP, HQ chuyển giao.

- Trao đổi thông tin, tình hình nắm được để các lực lượng khác (Công an các huyện biên giới, PA35, PB11, BĐBP, HQ) triển khai công tác quản lý, theo dõi đối tượng; phòng ngừa, đấu tranh trong phạm vi quyền hạn; hỗ trợ tốt nhất cho các lực lượng khi có yêu cầu.

- Trên cơ sở thông tin thu nhập được và cung cấp của các lực lượng, chịu trách nhiệm tổng hợp chung toàn bộ tình hình tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới và kết quả công tác phối hợp giữa các lực lượng, chủ trì báo cáo sơ, tổng kết và họp giao ban giữa các đơn vị.

2. Đối với lực lượng Biên phòng:

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ đặc thù, riêng biệt của lực lượng Biên phòng, qua đó chủ động tiến hành điều tra cơ bản địa bàn các xã biên giới và quản lý nghiệp vụ đối tượng ma túy, nắm chắc tình hình và đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy trong phạm vi xã biên giới và địa bàn ngoại biên đối diện. Phối hợp cùng lực lượng Công an chủ động đấu tranh, triệt phá các vụ án về ma túy theo chỉ đạo của lãnh đạo BCH BĐBP tỉnh. Chủ động hoặc phối hợp Công an các huyện, chính quyền địa phương cấp xã tổ chức công tác tuyên truyền PCMT.

- Kịp thời trao đổi thông tin tình hình nắm được và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng PC17, Công an các huyện, Hải quan khi có yêu cầu triển khai các biện pháp nghiệp vụ ở khu vực quản lý.

- Phối hợp PC17 và Công an các huyện trong việc lập hồ sơ đối tượng tệ nạn ma túy và cung cấp tài liệu để Công an huyện lập hồ sơ đối tượng đưa đi cai nghiện.

3. Đối với lực lượng Hải quan:

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ đặc thù, riêng biệt của lực lượng Hải quan, nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng phạm tội ma túy lợi dụng thông qua XNK hàng hóa tại cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu để hoạt động.

- Kịp thời phát hiện, bắt giữ hoặc thông tin phối hợp lực lượng Công an, BĐBP bắt giữ các đối tượng vận chuyển, buôn bán chất ma túy qua cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu. Chuyển giao kịp thời các vụ ma túy bắt giữ được cho PC17 hoặc Công an huyện theo quy định của Bộ luật TTHS.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lực lượng (Công an, BĐBP) khi có yêu cầu, triển khai các biện pháp nghiệp vụ tại cửa khẩu hoặc thông qua quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Tham gia chuyên án do lực lượng Công an xác lập khi có chỉ đạo của Cục Hải quan tỉnh.

4. Đối với ngành Bưu chính – Viễn thông: Sở Bưu chính – Viễn thông có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSĐTTP về ma túy thực hiện các quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát bưu phẩm và hàng hóa để vận chuyển ma túy; tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống về tội phạm ma túy cho các nhân viên để chủ động phát hiện các hành vi liên quan đến ma túy.

5. Đối với Sở Y tế, Sở Công nghiệp: Có trách nhiệm cung cấp, trao đổi các thông tin và phối hợp kiểm tra, kiểm soát với lực lượng chuyên trách PCMT khi có phát sinh việc xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, quá cảnh tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua địa bàn tỉnh.

II. PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ TRONG PCTP, MUA, BÁN VÀ VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY QUA BIÊN GIỚI:

1. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp PCMT:

- Lực lượng chuyên trách PCMT của 3 lực lượng Công an, Hải quan, BĐBP tỉnh phải chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền các huyện biên giới chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, Chính quyền xã, phường, thị trấn ở địa bàn biên giới, cửa khẩu thực hiện tốt công tác PCMT; kiên quyết xử lý trách nhiệm về Đảng, Chính quyền đối với lãnh đạo chủ chốt của các xã, thị trấn để xảy ra phức tạp về tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy.

- Lực lượng BĐBP mà trực tiếp là các Đồn Biên phòng phối hợp cán bộ Công an huyện phụ trách xã tham mưu cho cấp ủy, UBND các xã, thị trấn biên giới xây dựng và triển khai các phương án PCMT gắn với việc nâng cao dân trí, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tiến hành thực hiện kế hoạch xóa đói giảm nghèo, giải quyết triệt để những phức tạp về ANTT, trong đó có tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy.

- UBND các huyện biên giới chú trọng chỉ đạo tăng cường chất lượng và củng cố bộ máy UBND cấp xã biên giới, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và kiểm soát ma túy qua biên giới.

2. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội:

- Phòng PX28 – Công an tỉnh, Công an các huyện, Đồn Biên phòng, Trạm Hải quan thường xuyên tiến hành tuyên truyền pháp luật PCMT, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý đối với tội phạm về ma túy, để người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia PCMT, chú ý các đối tượng, địa bàn trọng điểm, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, có nhiều yếu tố phức tạp.

- UBND các cấp phải động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCMT. Phát huy vai trò của các Ban, ngành, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, HLHPN, Đoàn Thanh niên, MTTQ trong việc vận động PCTP về ma túy, làm trong sạch địa bàn từ cơ sở. Đưa việc thực hiện xét địa bàn không có ma túy theo Quyết định số 1057/2005/QĐ-UB ngày 27/5/2005 của UBND tỉnh vào xét thi đua hàng năm của địa phương.

- Phong trào quần chúng PCMT phải được phát động ở khắp các địa bàn biên giới, tập trung vào các địa bàn có nhiều phức tạp, khu vực cửa khẩu. Các xã nằm sát biên giới, nơi có nhiều đường qua lại biên giới. Các Đồn Biên phòng, Công an huyện phụ trách xã và Công an xã biên giới phải là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho UBND cấp xã và trực tiếp thực hiện việc vận động nhân dân.

- Trong nội địa, cần chú ý các địa bàn có trồng cây chứa các chất ma túy, các khu vực dân cư trên tuyến giao thông từ cửa khẩu vào nội địa, các địa bàn mà tội phạm có thể lợi dụng làm nơi cất giấu, trung chuyển hoặc tiêu thụ ma túy.

- Các Đồn Biên phòng và Công an huyện phụ trách xã thường xuyên tập huấn kiến thức PCMT và nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ. Vận động, tuyên truyền pháp luật, giáo dục, cảm hóa đối tượng và cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện, quản lý các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy.

- Xây dựng các hộp thư tố giác tội phạm, thiết lập đường dây nóng, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân dễ dàng và bí mật tham gia phát hiện, tố giác, truy bắt các đối tượng ma túy.

3. Các biện pháp để thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế về PCMT:

a) Thực hiện tốt nội dung hợp tác quốc tế với Công an tỉnh Kratíe, Monđunkiri, Kongpongchàm (thuộc Vương quốc Campuchia), bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thuốc gây nghiện và tiền chất qua biên giới. Trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh, nâng cao hiệu quả kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu; trong quản lý, chỉ đạo công tác PCMT ở địa bàn biên giới, cửa khẩu.

Các lực lượng trực tiếp đấu tranh PCMT tại biên giới, cửa khẩu phối hợp tuần tra, kiểm soát; phối hợp điều tra bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy hoạt động qua biên giới. Truy bắt các đối tượng phạm tội về ma túy hoặc liên quan đến ma túy lẩn trốn qua biên giới; trao đổi thông tin và hỗ trợ quản lý đối tượng, người nghiện ma túy thường xuyên qua lại biên giới.

b) Phân công, phân cấp hợp tác quốc tế:

- Công an tỉnh, BCH BĐBP, Cục Hải quan thực hiện chế độ trao đổi thông tin về PCMT 6 tháng 1 lần với các cơ quan tương ứng 2 bên, tổ chức theo thể thức luân phiên địa điểm và các cuộc họp đột xuất khi cần thiết.

- BCH BĐBP chủ trì và chỉ đạo lực lượng chuyên trách PCMT và các Đồn Biên phòng triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và hợp tác quốc tế PCMT tại khu vực biên giới; Đồn Biên phòng chủ trì, phối hợp với UBND các xã biên giới, các Trạm kiểm soát Hải quan cửa khẩu và Công an huyện định kỳ giao ban công tác PCMT mỗi tháng 1 lần. Các đơn vị làm công tác PCMT ở biên giới thường xuyên phối hợp với các lực lượng tương ứng của các huyện giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia tổ chức tuần tra để phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ tội phạm về ma túy; phát hiện và triệt phá các loại cây có chứa chất ma túy tái trồng ở hai bên biên giới.

- Cục Hải quan chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu tăng cường các biện pháp hợp tác quốc tế với Hải quan cửa khẩu Campuchia trong việc trao đổi kinh nghiệm, thông tin về tội phạm liên quan đến kiểm soát hải quan để phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy.

- Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ và Công an các huyện biên giới tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế toàn diện về kiểm soát ma túy và hợp tác, đấu tranh ngăn chặn ma túy qua biên giới.

- UBND các huyện giáp biên thực hiện chế độ trao đổi thông tin và bàn biện pháp cụ thể về đấu tranh PCMT, giải quyết nội dung các bên cùng quan tâm. Ngoài các cuộc họp đột xuất khi cần thiết, thời gian họp giao ban định kỳ 3 tháng 1 lần theo thể thức luân phiên địa điểm. Các cuộc họp có thể đủ thành phần Công an, Hải quan, BĐBP hoặc chỉ riêng các ngành giữa 2 bên tùy theo nội dung công việc cần giải quyết. Khi cần thiết, có thể mời đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát, đại diện chính quyền địa phương. Các cuộc họp liên ngành định kỳ, cơ quan Thường trực PCMT cấp huyện chuẩn bị và báo cáo Ban Chỉ đạo PCTP, phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

4. Củng cố, kiện toàn tổ chức và biên chế cho lực lượng chuyên trách PCTP về ma túy:

- Đối với lực lượng BĐBP: Khẩn trương thực hiện đúng tiến độ Đề án tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ lực lượng chuyên trách PCMT của BĐBP theo Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 11/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo là lực lượng nòng cốt thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện đề án này tại địa bàn biên giới.

- Đối với lực lượng Hải quan: Thành lập Tổ kiểm soát ma túy thuộc các Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc giao cho lực lượng kiểm soát Hải quan kiêm nhiệm. Ban hành quy chế về trách nhiệm và xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm để lọt ma túy và TPMT của người đứng đầu và cán bộ kiểm soát tại các Trạm, Đồn và các địa bàn thuộc địa vị mình phụ trách.

- Đối với lực lượng Công an: Tăng biên chế cho lực lượng CSĐTTP về ma túy thuộc Công an tỉnh và các huyện biên giới; củng cố các Đội CSĐTTP về ma túy thuộc Công an các huyện Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long và thành lập Đội CSĐTTP về ma túy – Công an huyện Bù Đốp.

Phần thứ ba

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Giao Ban chỉ đạo PCTP, phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch này. Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực giúp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp theo quy định của Luật PCMT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì triển khai kế hoạch thực hiện đề án; hàng năm tiến hành báo cáo sơ kết việc triển khai thực hiện về Ban chỉ đạo để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc thực hiện.

3. BCH BĐBP, Cục Hải quan chỉ đạo lực lượng chuyên trách tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

4. Đề nghị TAND tỉnh, VKSND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra, tiến hành truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án về ma túy, đặc biệt là các vụ án có yếu tố nước ngoài để răn đe tội phạm.

5. Kế hoạch này được lồng ghép với nội dung của Kế hoạch tổng thể đấu tranh PCMT đến năm 2010 của UBND tỉnh (Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 13/9/2005) và Kế hoạch tổng thể kiểm soát ma túy đến năm 2010 của Chính phủ và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện biên giới có trách nhiệm tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh)./.