Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 122/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG "QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI"

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Quyết định số 8571/QĐ-UB ngày 13.12.2002 của UBND Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội;
- Căn cứ Quyết định số 1333/QĐ-UB ngày 06.3.2003 của UBND Thành phố về việc ban hành “Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội”;
- Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-UB ngày 21.5.2004 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh các thành viên thuộc Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 79/TTr-NN-CS ngày 07.6.2004 về việc bổ sung Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1333/QĐ-UB ngày 06.3.2003 của UBND Thành phố.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên Môi trường và Nhà đất; Công nghiệp; Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận; huyện, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122/2004/QĐ-UB ngày 06/8/2004 của UBND Thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản quy chế này quy định các hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố Hà Nội. (gọi tắt là BCĐ Thành phố), nhằm phát triển nông nghiệp, kinh tế ngoại thành; thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp - hiện đại hoá nông thôn; ưu tiên phát triển nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

Điều 2: BCĐ Thành phố hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội.

BCĐ Thành phố có nhiệm vụ thực hiện các quy định tại Quyết định số 3177/QĐ-UB ngày 21.5.2004 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh các thành viên thuộc BCĐ Thành phố.

Điều 3: Các thành viên trong BCĐ Thành phố có trách nhiệm thực hiện việc điều hành chung do Trưởng BCĐ Thành phố thống nhất phân công; làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; trực tiếp chỉ đạo ngành phụ trách; có kế hoạch, giải pháp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn để thực hiện nhiệm vụ của BCĐ Thành phố giao.

Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực giúp BCĐ Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các sở, ban, ngành và UBND các huyện báo cáo BCĐ Thành phố hàng quý, hàng năm.

Điều 4: Kinh phí hoạt động của BCĐ Thành phố do Ngân sách Thành phố cấp hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán trình UBND Thành phố quyết định, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí này theo chế độ tài chính hiện hành.

Chương II

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BCĐ THÀNH PHỐ

Điều 5: BCĐ Thành phố hoạt động theo chế độ cá nhân phụ trách, chỉ đạo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Điều 6: Trách nhiệm của các thành viên BCĐ Thành phố:

1/. Đồng chí Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Trưởng Ban.

- Chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố về các hoạt động của BCĐ Thành phố.

- Điều hành hoạt động BCĐ Thành phố; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành Thành phố với UBND các quận, huyện và các cơ quan Trung ương trong việc chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ Thành phố.

- Các văn bản do Trưởng BCĐ Thành phố ký, được đóng dấu UBND Thành phố Hà Nội.

2/. Đồng chí Nguyễn Huy Diến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Phó Ban thường trực. Giúp việc và thay mặt Trưởng Ban giải quyết công việc của BCĐ Thành phố khi trưởng Ban uỷ quyền.

- Đôn đốc kiểm tra, triển khai lập đề án quy hoạch phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

- Chỉ đạo Tổ chuyên viên giúp việc, dự thảo các văn bản của BCĐ Thành phố, theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện chương trình.

- Hướng dẫn, đốn đốc các ngành, UBND các huyện, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ được Trưởng BCĐ Thành phố thống nhất phân công.

- Phối hợp, lồng ghép nội dung phát triển nghề và làng nghề với chương trình 12-CTr/TU của Thành uỷ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

- Các văn bản do Phó Ban Thường trực ký, được đóng dấu Sở Nông nghiệp và PTNT.

3/. Đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phó Ban.

- Kiểm tra, đôn đốc và lập quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Tổng hợp các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội các huyện ngoại thành, trong đó có các dự án phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung.

- Chỉ đạo, theo dõi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Đông Anh và Sóc Sơn trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề tại địa phương.

4/. Đồng chí Hoàng Mạnh Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Phó Ban.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng vốn từ ngân sách phục vụ cho chương trình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan: thống nhất đề xuất chính sách tạo nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư cho phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND Thành phố phê duyệt kinh phí phục vụ cho hoạt động của BCĐ Thành phố.

- Chỉ đạo, theo dõi Sở Tài chính, UBND huyện Gia Lâm, UBND quận Long Biên trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề tại địa phương.

5/. Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất: Phó Ban.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp giao đất, thuê đất cho các dự án xây dựng phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Hướng dẫn trình tự, thủ tục Hồ sơ giao đất, thuê đất cho các dự án xây dựng phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chỉ đạo, theo dõi Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất, UBND quận Tây Hồ trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề tại địa phương.

6/. Đồng chí Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp: Uỷ viên.

- Tổng hợp tình hình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phát triển ngành nghề.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề, trên cơ sở Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24.11.2000 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo, theo dõi Sở Công nghiệp và UBND huyện Thanh Trì trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

7/. Đồng chí Tô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc: Uỷ viên.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan lập quy hoạch sử dụng đất phục vụ chương trình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chỉ đạo, theo dõi sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND huyện Từ Liêm trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Thực hiện chức năng nhiệm vụ của Sở Quy hoạch Kiến trúc đối với chương trình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

8/. Đồng chí Phạm Văn Pháp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Uỷ viên.

- Chỉ đạo, theo dõi Sở Xây dựng, Sở Lao động thương binh và xã hội trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng đối với chương trình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

9/. Đồng chí Phi Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: Uỷ viên.

- Hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đối với phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chỉ đạo, theo dõi Cục Thuế Hà Nội thực hiện chức năng nhiệm vụ về phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

10/. Đồng chí Đỗ Ngọc Khải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội: Uỷ viên.

- Xây dựng chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ với Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố.

- Chỉ đạo, theo dõi Cục Thống kê Hà Nội trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

11/. Đồng chí Tô Xuân Dân, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội: Uỷ viên.

- Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành nghề liên quan lập, bổ sung và hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; các quy hoạch chi tiết tại các xã trong vùng quy hoạch phát triển làng nghề.

- Chỉ đạo, theo dõi Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội thực hiện chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực phát triển nghề và làng nghề hà Nội.

12/. Đồng chí Trần Đức Thăng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội: Uỷ viên

- Xây dựng tiêu chí, quy chế công nhận nghệ nhân, công nhận nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chỉ đạo, theo dõi Liên minh HTX Hà Nội thực hiện nhiệm vụ về phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

Điều 7: Lịch làm việc của BCĐ Thành phố.

- BCĐ Thành phố thực hiện chế độ họp giao ban mỗi quý/lần. Nội dung họp do Thường trực BCĐ Thành phố hoặc Trưởng Ban chuẩn bị.

- Ngoài họp định kỳ, BCĐ Thành phố có thể họp đột xuất do Trưởng Ban triệu tập.

- Trước mỗi kỳ họp, Thường trực BCĐ Thành phố sẽ thông báo nội dung họp cho các thành viên.

- BCĐ Thành phố họp tổng kết công tác năm trước và bàn kế hoạch công tác năm sau vào quý 1 năm sau.

- BCĐ Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của Chương trình Thời gian và nội dung kiểm tra sẽ do Thường trực Ban thông báo. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ nội dung chương trình báo cáo theo yêu cầu của BCĐ Thành phố.

- Tuỳ theo tính chất, nội dung của các cuộc họp BCĐ Thành phố, có thể mời thêm các ngành không là thành viên BCĐ Thành phố và chuyên viên giúp việc cho các đồng chí thành viên BCĐ Thành phố.

- Hàng năm, UBND Thành phố tổ chức xét duyệt thi đua khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện công tác phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

Điều 8: Chế độ làm việc của Thường trực BCĐ Thành phố.

- Thường trực BCĐ Thành phố thay mặt BCĐ Thành phố điều hành công việc thường xuyên của BCĐ Thành phố.

- Đôn đốc các thành viên, các sở, ban, ngành, UBND các huyện chuẩn bị nội dung các báo cáo sơ kết, tổng kết và các cuộc kiểm tra của BCĐ Thành phố.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động của BCĐ Thành phố, kế hoạch thực hiện chương trình để trình BCĐ Thành phố thông qua, triển khai, đôn đốc thực hiện.

- Tổng hợp tình hình thực hiện chương trình và kết quả hoạt động của BCĐ Thành phố.

- Xây dựng kế hoạch tài chính và quản lý sử dụng kinh phí hoạt động của BCĐ Thành phố theo chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

- Tiếp nhận, xử lý thông tin, lưu trữ công văn, giấy tờ của BCĐ Thành phố.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9: Thành viên BCĐ Thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Các cá nhân làm tốt, có thành tích trong hoạt động sẽ được BCĐ Thành phố xem xét đề nghị UBND Thành phố khen thưởng.

Những cá nhân không thực hiện đúng quy chế này tuỳ mức độ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.

Điều 10: Quy chế được thực hiện kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, BCĐ Thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp.