Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 122/2006/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH 2 CUỘC ĐIỀU TRA THỐNG KÊ NĂM 2006 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP, ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố
năm 2006 (ban hành theo Quyết định số 03/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thống kê thành phố
Hồ Chí Minh tại Tờ trình số 382/CTK-PPCĐ ngày 08 tháng 8 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Giao Cục Thống kê thành phố tổ chức thực hiện hai (2) cuộc điều tra thống kê trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1.1. Điều tra thu thập thông tin lập Bảng cân đối liên ngành (I-O) năm 2005;

1.2. Điều tra trình độ văn hóa và đời sống để tính Chỉ số HDI năm 2006.

Mục đích của các cuộc điều tra là nhằm tính toán đúng các số liệu thống kê về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và chất lượng đời sống dân cư thời kỳ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Trên cơ sở tính toán này sẽ có số liệu đầy đủ, đáng tin cậy cho việc dự báo kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm trong thời kỳ 2006 - 2010.

Điều 2. Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 01 tháng 9 năm 2006. Số liệu điều tra là số thực hiện năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các chủ hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm báo cáo đầy đủ số liệu và tình hình theo biểu mẫu điều tra đã được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố để tiến hành các cuộc điều tra theo đúng phương án điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Kinh phí tiến hành hai cuộc điều tra này do ngân sách thành phố cấp theo đề nghị của Cục Thống kê thành phố tại Tờ trình số 382/CTK-PPCĐ ngày 08 tháng 8 năm 2006 và giao Sở Tài chính thành phố thẩm định để chi theo chế độ của Nhà nước.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành.

Điều 7. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Cục trưởng Cục Thống kê, Viện trưởng Viện Kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
CỤC THỐNG KÊ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA THU THẬP THÔNG TIN LẬP BẢNG CÂN ĐỐI LIÊN NGÀNH (I-O)
(Thực hiện theo Quyết định số 122/2006/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

Điều tra lập bảng cân đối liên ngành (I-O) năm 2005 nhằm các mục đích sau:

1. Thu thập thông tin chi tiết về chi phí đầu vào và kết quả đầu ra để lập bảng I-O của nền kinh tế theo 55 ngành sản phẩm.

2. Phân tích kết quả sản xuất, chi phí sản xuất, tích lũy tài sản, xuất - nhập khẩu chi tiết theo ngành sản phẩm. Trên cơ sở đó đánh giá sự thay đổi cơ cấu chi phí sản xuất, tích lũy, tiêu dùng thời kỳ 2000 - 2005.

3. Làm cơ sở để tính toán các hệ số cơ bản phục vụ biên soạn hệ thống tài khoản quốc gia trong những năm tới.

4. Xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô phục vụ công tác phân tích kinh tế về cơ cấu sản xuất và sử dụng sản phẩm, về tính cạnh tranh giữa sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, dự báo kinh tế cho những năm tới.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU TRA:

1. Đối tượng điều tra: bao gồm:

- Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh:

·   Các doanh nghiệp Nhà nước;

·   Các hợp tác xã;

·   Các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân;

·   Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Các đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Các hiệp hội.

- Các hộ sản xuất kinh doanh cá thể và hộ tiêu dùng.

2. Phạm vi điều tra:

- Đối với doanh nghiệp: Điều tra mẫu 5% các doanh nghiệp đã hoạt động tính đến cuối năm 2005 thuộc mọi thành phần kinh tế phân bổ trong tất cả các ngành (1500 đơn vị).

- Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội: Điều tra 5% đơn vị mẫu đã hoạt động tính đến cuối năm 2005 (400 đơn vị).

- Đối với hộ cá thể:

·                      Chọn mẫu 30% số quận - huyện điều tra;

·                      Điều tra mẫu 3% các hộ sản xuất kinh doanh và hộ tiêu dùng dân cư trong tất cả các ngành kinh tế được chọn từ các quận - huyện mẫu (750 hộ).

III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA:

1. Thu thập thông tin toàn bộ:

-   Thông tin về thu chi ngân sách, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;

-   Thông tin về giá trị sản xuất.

2. Thu thập thông tin từ các đơn vị điều tra chọn mẫu:

-   Lao động;

-   Vốn, tài sản;

-   Doanh thu;

-   Chi phí;

-   Thu nhập của người lao động;

-   Lợi nhuận;

-   Thuế;

-   Tồn kho;

-   Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

3. Biểu mẫu điều tra:

- Biểu 01/ĐT-I0: Biểu thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành (áp dụng cho doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp).

- Biểu 02/ĐT-I0: Biểu thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành (áp dụng cho hộ phi nông nghiệp).

- Biểu 03/ĐT-I0: Biểu thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành (áp dụng cho hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản).

IV. THỜI ĐIỂM ĐIỀU TRA VÀ THỜI KỲ THU THẬP SỐ LIỆU:

1. Cuộc Điều tra bắt đầu triển khai từ 01 tháng 10 năm 2006.

2. Thời kỳ thu thập số liệu là năm 2005 hoặc ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2005.

V. CHỌN MẪU ĐIỀU TRA VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA:

Mỗi doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, hộ cá thể hoặc hộ tiêu dùng là 1 đơn vị Điều tra.

1. Chọn mẫu điều tra: Dựa trên danh mục các đơn vị đã được cập nhật tại Cục Thống kê để chọn số lượng đơn vị điều tra.

- Đối tượng là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp: Căn cứ vào tổng thể danh sách đã được cập nhật đến 31 tháng 12 năm 2005, chọn 5%.

- Đối với hộ cá thể: Căn cứ trên 30% quận - huyện, chọn tiếp 30% số phường - xã đại diện. Dựa vào danh sách hộ sản xuất cá thể phi nông nghiệp có đến thời điểm 01 tháng 10 năm 2005 trong các phường - xã mẫu, chọn tiếp 5% số hộ.

Nếu trường hợp phường - xã đại diện là các phường - xã có sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, điều tra viên tiến hành lập danh sách các hộ và tiến hành điều tra 50% cho mỗi loại hộ.

* Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu hệ thống, danh sách các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh được sắp xếp theo ngành kinh tế. Chọn mẫu được thực hiện độc lập theo từng nhóm ngành và từng thành phần kinh tế.

2. Phương pháp điều tra: Do đối tượng đa dạng, nhiều loại hình và trình độ hạch toán khác nhau, vì vậy sẽ tổ chức thu thập theo 2 phương pháp điều tra:

-   Điều tra gián tiếp: Tổ chức tập huấn cho các đơn vị phương pháp ghi biểu điều tra và những quy định cụ thể về nơi gửi, hình thức và thời gian gửi để các đơn vị tự ghi phiếu và gửi về cơ quan tổ chức điều tra. Phương pháp này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, sự nghiệp.

-   Điều tra trực tiếp: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn đối tuợng điều tra và ghi biểu điều tra. Phương pháp này áp dụng đối với các hộ cá thể.

VI. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA:

1. Chuẩn bị Điều tra: Từ đến /2006

-   Xây dựng phương án điều tra;

-   Lập dàn chọn mẫu;

-   Chọn mẫu điều tra;

-   Xây dựng hệ thống biểu điều tra và biểu tổng hợp;

-   In biểu mẫu và các tài liệu hướng dẫn;

-   Xây dựng chương trình nhập tin và xử lý tổng hợp.

2. Triển khai điều tra: Từ đến /2006

-   Chọn điều tra viên và giám sát viên;

-   Tập huấn cho điều tra viên và giám sát viên;

-   Triển khai điều tra thu thập thông tin đến các đơn vị;

-   Thu phiếu điều tra, chỉnh lý, đánh mã số.

3. Xử lý tổng hợp: Từ đến /2006

-   Nhập tin và kiểm tra số liệu nhập tin;

-   Tổng hợp kết quả điều tra;

-   Phân tích và công bố kết quả điều tra.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chỉ đạo điều tra:

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra. Giúp việc Cục trưởng có Ban Chỉ đạo điều tra bao gồm: 01 Cục phó và các Trưởng, Phó phòng có liên quan. Trưởng Phòng Thống kê các quận - huyện chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra trong phạm vi được phân công theo kế hoạch điều tra của Cục Thống kê thành phố.

2. Tổ chức điều tra và xử lý tổng hợp:

- Tổ chức điều tra:

·   Cục Thống kê thành phố: Chịu trách nhiệm điều tra các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị hành chính - sự nghiệp và các doanh nghiệp ngành tài chính - tín dụng.

·   Phòng Thống kê quận - huyện: Chịu trách nhiệm điều tra doanh nghiệp ngoài Nhà nước và hộ cá thể.

- Xử lý tổng hợp: Cục Thống kê chịu trách nhiệm nhập tin toàn bộ biểu điều tra, kiểm tra, làm sạch, tổng hợp kết quả điều tra và viết phân tích.

VIII. KINH PHÍ ĐIỀU TRA:

Căn cứ vào kinh phí được địa phương cấp, Cục Thống kê tiến hành phân bổ kinh phí cho từng công việc cụ thể.

 

CỤC TRƯỞNG




Dư Quang Nam


 

CỤC THỐNG KÊ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG THỜI ĐIỂM 01 THÁNG 10 NĂM 2006
(Thực hiện theo Quyết định số 122/2006/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc nghiên cứu chất lượng cuộc sống của người dân thành phố trong những năm gần đây (theo các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ). Cục Thống kê thành phố ban hành Phương án Điều tra chọn mẫu trình độ văn hóa và đời sống năm 2006 với những nội dung sau:

I. Mục đích yêu cầu của cuộc điều tra:

Cuộc điều tra trình độ văn hóa và đời sống năm 2006 nhằm thu thập những thông tin cơ bản về dân số và tình hình di cư, thông tin về tình trạng đi học, trình độ học vấn của người dân và thông tin phản ánh điều kiện sống của người dân. Trên cơ sở những thông tin thu thập sẽ tính toán chỉ số phát triển con người của thành phố.

II. Phạm vi, đối tượng và đơn vị điều tra:

1. Phạm vi điều tra:

Cuộc điều tra trình độ văn hóa và đời sống thời điểm 01 tháng 10 năm 2006 là cuộc điều tra chọn mẫu 5% số hộ được tiến hành tại 600 địa bàn thuộc 24 quận, huyện. Những địa bàn mẫu này được Cục Thống kê chọn từ danh sách các địa bàn trong cuộc điều tra dân số giữa kỳ năm 2004.

2. Đối tượng điều tra:

Đối tượng điều tra là toàn bộ nhân khẩu thực tế thường trú của hộ (và sự kiện di cư xảy ra từ 01 tháng 4 năm 2004 đến 01 tháng 10 năm 2006) trong các địa bàn mẫu.

3. Đơn vị điều tra và người cung cấp thông tin:

+ Đơn vị điều tra là hộ. Khái niệm hộ được hiểu như sau:

Hộ bao gồm một hay một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với những hộ có từ 02 người trở lên thì các thành viên có thể có quỹ thu chi chung, có thể có mối quan hệ hôn nhân, ruột thịt hoặc kết hợp cả hai.

Một hộ thường sử dụng toàn bộ hay một phần của ngôi nhà, căn hộ để ở.

+ Người cung cấp thông tin cho điều tra viên là chủ hộ (hoặc người lớn có trách nhiệm trong hộ khi chủ hộ đi vắng).

III. Nội dung điều tra:

Ngoài thông tin định danh, phiếu điều tra gồm 2 phần: phần điều tra về dân số, trình độ văn hóa và phần điều tra về điều kiện sống của người dân. Số câu hỏi chính của 2 phần là 20 câu.

A. Phần điều tra về dân số, văn hóa thu thập các chỉ tiêu sau:

Họ và tên từng người thực tế thường trú trong hộ;

Quan hệ với chủ hộ;

Giới tính;

Tháng năm sinh;

Thời gian cư trú tại xã - phường;

Tình hình di cư từ năm 2004 đến nay;

Tình trạng biết đọc, biết viết;

Tình trạng đi học hiện nay;

Trình độ học vấn.

B. Phần điều tra về điều kiện sống của dân cư gồm các chỉ tiêu sau:

Hộ có sử dụng điện cho sinh hoạt;

Nguồn nước ăn chính;

Tình trạng xử lý nước thải;

Loại hố xí đang xử dụng;

Phương tiện đi lại chính;

Loại nhà đang ở;

Có hay không có radio, tivi, điện thoại (để bàn và di động), máy vi tính.

IV. Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra:

1. Thời điểm và thời gian điều tra:

+ Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01 tháng 10 năm 2006.

+ Thời gian điều tra ở địa bàn là 10 ngày, bắt đầu từ 01 tháng 10 năm 2006 đến 10 tháng 10 năm 2006.

2. Phương pháp điều tra:

Công tác điều tra thu thập số liệu ở các hộ sẽ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp; Điều tra viên phải đến từng hộ để hỏi chủ hộ hoặc người có trách nhiệm trong hộ thông tin về hộ và ghi đầy đủ các câu hỏi, câu trả lời vào phiếu điều tra.

Khi thu thập các thông tin về điều kiện sống của hộ, Điều tra viên hỏi chủ hộ kết hợp với việc quan sát ngôi nhà, căn hộ để ghi vào phiếu điều tra.

V. Các bước tiến hành:

1. Công tác chuẩn bị:

a) Thiết kế mẫu và lập bảng kê:

Mẫu của cuộc điều tra trình độ văn hóa và đời sống ngày 01 tháng 10 năm 2006 là mẫu hệ thống phân tầng đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn và đại diện cho từng quận - huyện của thành phố. Quy mô mẫu gồm 600 địa bàn với khoảng 72.000 hộ. Các địa bàn mẫu do Cục Thống kê chọn từ danh sách địa bàn điều tra lập trong điều tra dân số giữa kỳ năm 2004. Cục Thống kê sẽ thông báo với các quận - huyện danh sách địa bàn mẫu để rà soát và thống nhất. Sau đó mở lớp tập huấn lập bảng kê cho phường - xã để tiến hành lập bảng kê hộ trước khi triển khai bước điều tra.

b) Chọn cử Điều tra viên và Tổ trưởng:

Điều tra viên (ĐTV) là lực lượng quyết định cuộc điều tra vì vậy yêu cầu phải chọn những người có trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ lớp 12 trở lên và được huấn luyện chu đáo. Mỗi ĐTV phụ trách 1 địa bàn, 1 Tổ trưởng phụ trách 3 Điều tra viên. Ngoài định mức trên cần chọn thêm 10% số điều tra viên và Tổ trưởng dự phòng. Như vậy cuộc điều tra này cần có 800 người làm ĐTV và Tổ trưởng. Tổ trưởng là cán bộ thống kê các xã - phường mẫu. Giám sát viên là cán bộ thống kê của quận - huyện và thành phố.

c) Công tác tập huấn:

Cục Thống kê thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra ghi phiếu cho Phòng Thống kê quận - huyện và giám sát viên thành phố. Phòng Thống kê quận - huyện tập huấn cho Tổ trưởng và Điều tra viên. Việc kiểm tra phiếu, ghi mã số sẽ được tập huấn riêng (tại Cục Thống kê).

d) Thiết kế phiếu và phân phối tài liệu:

Phiếu điều tra và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ do Cục Thống kê thiết kế, soạn thảo, in ấn và phân phối tới các quận - huyện.

2. Công tác điều tra tại địa bàn:

Việc điều tra được tiến hành theo trình tự sau:

+ Ngày 25 tháng 9: Điều tra viên, Tổ trưởng phải có mặt tại Phòng Thống kê quận - huyện để nhận phân công và nhận các tài liệu điều tra. Sau đó Điều tra viên cùng Tổ trưởng về xã - phường và đi thực địa tại địa bàn mình phụ trách, thăm hỏi một số hộ và chuẩn bị cho việc điều tra ngày hôm sau.

+ Công tác điều tra ghi phiếu sẽ thực hiện trong 10 ngày, từ 01 tháng 10 năm 2006 và kết thúc chậm nhất vào ngày 10 tháng 10 năm 2006. Bình quân mỗi ngày Điều tra viên sẽ điều tra 12 hộ.

3. Công tác giao nhận tài liệu và xử lý tổng hợp:

+ Điều tra viên ghi phiếu xong phải kiểm tra lại và hoàn chỉnh phiếu điều tra ngay trong ngày, sau đó Tổ trưởng phải kiểm tra lại nội dung phiếu. Phiếu điều tra phải được sắp xếp theo thứ tự hộ từ nhỏ đến lớn. Toàn bộ tài liệu điều tra bao gồm phiếu điều tra, báo cáo tổng hợp nhanh, bảng kê phải được gửi về Phòng Thống kê quận - huyện chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 năm 2006.

+ Các Phòng Thống kê quận - huyện sau khi nhận tài liệu điều tra từ phường - xã, phải tiến hành kiểm tra, làm tổng hợp số lượng phiếu. Cục Thống kê thành phố sẽ nghiệm thu phiếu điều tra của quận - huyện từ ngày 25 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm 2006.

+ Cục Thống kê thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đánh mã, nhập tin toàn bộ phiếu điều tra trong tháng 11 - 12 năm 2006.

+ Đầu tháng 01 năm 2007: tổng hợp xong kết quả điều tra phục vụ cho việc tính toán chỉ số phát triển con người của thành phố và viết báo cáo.

VI. Tổ chức thực hiện:

Cuộc điều tra trình độ văn hóa và đời sống tiến hành ở 24 quận - huyện là cuộc điều tra lớn và phức tạp liên quan đến đông đảo người dân ở địa bàn mẫu của thành phố. Vì vậy cán bộ tham gia điều tra cần tranh thủ sự chỉ đạo của cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương từ khâu chuẩn bị đến kết thúc điều tra. Trong thời gian các em sinh viên xuống làm nhiệm vụ điều tra, đề nghị chính quyền xã - phường cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu mục đích cuộc điều tra và ủng hộ, giúp đỡ Điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ.

Nhằm đảm bảo cuộc điều tra tiến hành theo đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng thông tin thu thập, cán bộ thống kê thành phố, quận - huyện, phường - xã và đội ngũ Điều tra viên phải thực hiện nghiêm túc phương án và hướng dẫn nghiệp vụ điều tra.

 

 

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lê Thị Thanh Loan