Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1233/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ NHẬP KHẨU ĐẾN NĂM 2020 PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 4125/TTr-BCT ngày 24 tháng 4 năm 2015 về việc phê duyệt Đề án các biện pháp quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Định hướng xây dựng một hệ thống các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng bộ công cụ các biện pháp quản lý nhập khẩu trong thời gian tới phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tạo dựng môi trường pháp lý công khai, minh bạch, ổn định, có thể dự báo được cho doanh nghiệp, góp phần kiểm soát nhập khẩu, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

b) Định hướng công tác quản lý nhập khẩu đảm bảo mục tiêu đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030: Xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11%/năm, nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân dưới 10%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Giảm dần thâm hụt thương mại và tiến tới cân bằng thương mại vào năm 2020.

II. NỘI DUNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NHẬP KHẨU

1. Về định hướng chung

a) Duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

b) Tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

c) Xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách cũng như các quy định có tính thực tiễn, khả thi để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

d) Tạo dựng và áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, chú trọng công tác thông tin cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp áp dụng.

đ) Thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý là đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và các mục tiêu công cộng khác, vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

2. Về các biện pháp cụ thể

a) Biện pháp thuế quan

Sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (thuế bảo vệ môi trường...) nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết. Với những hàng hóa trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

b) Biện pháp hạn ngạch thuế quan

Nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

c) Biện pháp cấm nhập khẩu

Giữ nguyên hệ thống hiện hành trong việc áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động và các mục tiêu công cộng chính đáng khác phù hợp với những điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết, tham gia.

d) Biện pháp hạn ngạch nhập khẩu

Tuân thủ cam kết với WTO không sử dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu. Có thể xem xét khả năng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử trong một số trường hợp khẩn cấp WTO cho phép áp dụng.

đ) Biện pháp giấy phép nhập khẩu

- Sử dụng biện pháp quản lý nhập khẩu dưới hình thức giấy phép nhập khẩu đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, an toàn lao động, an toàn giao thông, môi trường và sức khỏe nhân dân.

- Xây dựng hệ thống quản lý liên ngành để trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát nhập khẩu đối với những mặt hàng an ninh quốc phòng, mặt hàng lưỡng dụng, hóa chất, hóa chất độc và tiền chất.

- Ban hành cụ thể Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Quy định rõ hình thức và nguyên tắc quản lý, có mã số HS đúng trong Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định.

- Biện pháp giấy phép nhập khẩu tự động được xem xét áp dụng trong những trường hợp cần thiết để theo dõi, kiểm soát việc nhập khẩu nhằm phục vụ công tác điều hành cũng như phân tích và nghiên cứu số liệu để xây dựng chính sách.

- Việc cấp phép nhập khẩu, thủ tục cấp phép nhập khẩu phải tuân thủ đúng thủ tục cấp phép theo cam kết WTO và Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về cấp phép nhập khẩu hàng hóa.

e) Biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành

- Tăng cường xây dựng và áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với các cam kết quốc tế dưới hình thức hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và kiểm dịch động thực vật (SPS) nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường, vật nuôi, cây trồng, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn xây dựng.

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét điều chỉnh những quy định chưa phù hợp về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ban hành hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mặt hàng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2).

- Chủ động nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hình thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với tính chất của sản phẩm, mức độ ảnh hưởng tới kim ngạch nhập khẩu cũng như tác động của các biện pháp này tới các doanh nghiệp trong nước.

- Tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp, thừa nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận sự phù hợp theo từng chuyên ngành.

- Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài để áp dụng quản lý nhập khẩu thông qua biện pháp kiểm dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm theo hướng chỉ những doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở sản xuất, an toàn thực phẩm mới được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

- Đối với một số chủng loại trái cây, vật nuôi, cây trồng, các mặt hàng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nghiên cứu áp dụng các biện pháp kiểm tra tại nước xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận được phép xuất khẩu sang Việt Nam.

- Việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các biện pháp này phải đảm bảo các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) và tối huệ quốc (MFN).

g) Biện pháp phòng vệ thương mại

- Hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh biện pháp phòng vệ thương mại để phù hợp với các quy định của WTO. Bổ sung những quy định chi tiết hơn về các thủ tục, quy trình, phương pháp tính toán để tạo điều kiện cho việc áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại thuận lợi, tránh sai sót khi áp dụng.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp về sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

- Nâng cao năng lực của cơ quan chuyên trách về phòng vệ thương mại. Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng trong công tác tập hợp thông tin, khởi xướng điều tra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

h) Biện pháp về xuất xứ hàng hóa

- Quy tắc xuất xứ trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là biện pháp quản lý nhập khẩu hàng hóa với thuế quan ưu đãi giúp sàng lọc, hạn chế ưu đãi tiếp cận thị trường đối với những mặt hàng cần hỗ trợ sản xuất trong nước.

- Tăng cường công tác quản lý chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, hàng hóa có xuất xứ giả được hưởng ưu đãi thuế, tạo lợi thế cạnh tranh không chính đáng, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

i) Biện pháp tỷ giá hối đoái

Điều hành linh hoạt tỷ giá hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với định hướng điều hành xuất nhập khẩu và góp phần duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

k) Các biện pháp quản lý nhập khẩu khác

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở ban hành danh mục cụ thể hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, quy định trình tự, thủ tục kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và bảo đảm yêu cầu quản lý nhập khẩu. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để đảm bảo thống nhất quản lý, giảm sự chồng chéo trong triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành.

- Xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, sản phẩm theo các quy định về môi trường (nhãn sinh thái, bao bì phế thải và tái chế bao bì...).

- Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài được in cảnh báo, in hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không cho phép sử dụng nhãn phụ. Trước mắt, xem xét thí điểm áp dụng đối với một số mặt hàng.

- Nghiên cứu khả năng áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quản lý nhập khẩu có xét đến tương quan trình độ phát triển của Việt Nam và các quy định khác liên quan.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành theo nhiệm vụ được phân công theo phụ lục kèm theo Quyết định này tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ thực hiện.

2. Để bảo đảm sự đồng bộ về chính sách quản lý nhập khẩu hàng hóa, khi ban hành các chính sách, giải pháp mới liên quan đến quản lý nhập khẩu, các Bộ, ngành phối hợp, trao đổi với Bộ Công Thương để thống nhất trước khi triển khai thực hiện.

3. Bộ Công Thương chủ trì thành lập Tổ liên ngành về công tác xuất nhập khẩu do Lãnh đạo Bộ Công Thương làm Tổ trưởng, đại diện các Bộ, ngành liên quan làm thành viên. Tổ công tác theo dõi tình hình triển khai Đề án, tình hình hoạt động nhập khẩu, kiến nghị các giải pháp điều chỉnh kịp thời.

4. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

PHỤ LỤC

NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN QUẢN LÝ NHẬP KHẨU ĐẾN NĂM 2020 PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ )

TT

Nội dung nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Hình thức

Thời gian hoàn thành

1

Biện pháp thuế quan

 

 

 

 

 

Sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết

Bộ Tài chính

Các Bộ, ngành liên quan

Nhiệm vụ thường xuyên

 

2

Biện pháp hạn ngạch thuế quan

 

 

 

 

 

Nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành liên quan

Nhiệm vụ thường xuyên

 

3

Biện pháp cấm nhập khẩu

 

 

 

 

 

Giữ nguyên hệ thống hiện hành trong việc áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động và các mục tiêu công cộng chính đáng khác phù hợp với những điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết

Các Bộ, ngành

 

Nhiệm vụ thường xuyên

 

4

Biện pháp hạn ngạch nhập khẩu

 

 

 

 

 

Tuân thủ cam kết với WTO không sử dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu. Có thể xem xét khả năng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử trong một số trường hợp khẩn cấp WTO cho phép áp dụng.

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành liên quan

Nhiệm vụ thường xuyên

 

5

Biện pháp giấy phép nhập khẩu

 

 

 

 

a)

Ban hành chi tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa nước ngoài. Danh mục hàng hóa kèm theo hình thức quản lý và có mã số HS đúng trong Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Các Bộ, ngành liên quan

 

Rà soát, ban hành đầy đủ Danh mục

2015

b)

Nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống liên ngành về quản lý nhập khẩu các mặt hàng chuyên ngành để trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát đối với những mặt hàng an ninh quốc phòng, mặt hàng lưỡng dụng, hóa chất, hóa chất độc và tiền chất.

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành liên quan

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2016 - 2017

c)

Áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động trong những trường hợp cần thiết để theo dõi, kiểm soát việc nhập khẩu nhằm phục vụ công tác điều hành cũng như phân tích và nghiên cứu số liệu để xây dựng chính sách.

Bộ Công Thương

 

Ban hành Thông tư khi cần thiết

 

6

Biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành

 

 

 

 

a)

Thường xuyên cập nhật, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, môi trường, an toàn thực phẩm, xem xét điều chỉnh những quy định chưa phù hợp.

Các Bộ, ngành

 

Nhiệm vụ thường xuyên

 

b)

Đẩy mạnh đàm phán ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp, thừa nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận sự phù hợp theo từng chuyên ngành.

Các Bộ, ngành

 

Nhiệm vụ thường xuyên

 

c)

Rà soát, ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mặt hàng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2).

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành trong lĩnh vực được phân công phụ trách

Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2015

d)

Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới và máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành liên quan

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

2016

đ)

Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn ô tô và phương tiện vận tải các loại nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bộ Giao thông vận tải

Các Bộ, ngành liên quan

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

2016

e)

Nghiên cứu tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ xa bằng việc xây dựng các quy định, quy trình kiểm tra tại nước xuất khẩu trước khi cho phép thương nhân nước ngoài được phép xuất khẩu vào Việt Nam các sản phẩm hoa quả, vật nuôi, cây trồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nghiên cứu khả thi, áp dụng khi cần thiết

2016 - 2017

g)

Lựa chọn một số chủng loại trái cây, vật nuôi, cây trồng, các mặt hàng có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người để nghiên cứu xây dựng và áp dụng quy trình kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài và cấp giấy chứng nhận được phép xuất khẩu vào Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nghiên cứu khả thi, áp dụng khi cần thiết

2016 - 2017

7

Biện pháp phòng vệ thương mại

 

 

 

 

a)

Hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh biện pháp phòng vệ thương mại để phù hợp với các quy định của WTO. Bổ sung những quy định chi tiết hơn về các thủ tục, quy trình, phương pháp tính toán

Bộ Công Thương

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

2017

b)

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp về sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Bộ Công Thương

Các Hiệp hội ngành hàng

Nhiệm vụ thường xuyên

 

c)

Nâng cao năng lực của cơ quan chuyên trách về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2017

d)

Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng trong công tác tập hợp thông tin, khởi xướng điều tra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương

Các Hiệp hội ngành hàng

Nhiệm vụ thường xuyên

 

8

Biện pháp xuất xứ hàng hóa

 

 

 

 

a)

Chống gian lận xuất xứ hàng hóa để ngăn chặn hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, hàng hóa có xuất xứ giả được hưởng ưu đãi thuế

Bộ Tài chính

Bộ Công Thương

Nhiệm vụ thường xuyên

 

b)

Áp dụng linh hoạt quy tắc xuất xứ trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp sàng lọc, quản lý nhập khẩu các nhóm hàng được hưởng thuế quan ưu đãi theo cam kết nhưng cần hỗ trợ sản xuất trong nước

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngành hàng

Khi tham gia đàm phán Hiệp định FTA

 

9

Biện pháp tỷ giá, tiền tệ

 

 

 

 

 

Áp dụng chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với định hướng điều hành xuất nhập khẩu và góp phần duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các Bộ, ngành liên quan

Nhiệm vụ thường xuyên

 

10

Các nhóm giải pháp khác

 

 

 

 

a)

Ban hành danh mục cụ thể hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, quy định trình tự, thủ tục kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu quản lý nhập khẩu. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để đảm bảo thống nhất quản lý, giảm sự chồng chéo trong triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành

Các Bộ, ngành liên quan

 

Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2016

b)

Nghiên cứu áp dụng quy định về cửa khẩu nhập khẩu đối với một số mặt hàng cần đảm bảo có đủ điều kiện cơ sở vật chất tại cửa khẩu để kiểm tra, quản lý chất lượng.

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành liên quan

Ban hành Thông tư khi cần thiết

 

c)

Nghiên cứu bổ sung quy định về nhãn mác hàng hóa theo hướng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cần được in cảnh báo, in hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không cho phép sử dụng nhãn phụ, trước mắt, lựa chọn áp dụng thí điểm đối với một số mặt hàng.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nghiên cứu khả thi, áp dụng khi cần thiết

 

d)

Cung cấp số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa đầy đủ, kịp thời khi được đề nghị để các Bộ, ngành có cơ sở điều hành và xây dựng chính sách quản lý nhập khẩu.

Bộ Tài chính

 

Nhiệm vụ thường xuyên

 

đ)

Áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quản lý nhập khẩu có xét đến tương quan trình độ phát triển của Việt Nam và các quy định khác liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành liên quan

Xây dựng Kế hoạch

2015 - 2016

e)

Xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, sản phẩm theo các quy định về môi trường (nhãn sinh thái, bao bì phế thải và tái chế bao bì,...).

Bộ Tài nguyên môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Nghiên cứu khả thi, áp dụng khi cần thiết

2016