Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1243/2004/QĐ-UB

Hưng Yên, ngày 28 tháng 05 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Quyết định số 311/QĐ-TTG ngày 20/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010;

Căn cứ Chỉ thị số 1122/TM-CSTTN ngày 21/3/2003 của Bộ Thương mại về quản lý và phát triển chợ theo quy hoạch và các văn bản pháp lý liên quan.

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 503/TT-KH ngày 26/5/2004 về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1- Tên dự án: Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2- Địa điểm quy hoạch, thực hiện: Các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

3- Chủ dự án: Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Hưng Yên.

4- Mục tiêu của dự án:

* Mục tiêu tổng quát

Thiết lập qui hoạch mạng lưới chợ hoàn chỉnh, ổn định gắn liền với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (đã được điều chỉnh): Qui hoạch dân cư đô thị, qui hoạch các ngành liên quan khác của tỉnh trong thời kỳ từ nay đến năm 2010. Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của dân cư, phục vụ và tác động tích cực đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên thời kỳ từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

* Các mục tiêu cụ thể

- Thiết lập mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đảm bảo yêu cầu phục vụ cho nhu cầu mua, bán của dân cư trong vùng, đảm bảo tính liên kết theo hệ thống tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng các chợ trong tỉnh với nhau cũng như giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh khác.

- Đảm bảo các điều kiện để các chợ hoạt động có nề nếp phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị, phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, trật tự, tăng cường quản lý nhà nước, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, giữ gìn vệ sinh môi trường.

- Làm cơ sở cho Sở Thương mại và Du lịch lập kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

* Lộ trình thực hiện:

Từ nay đến năm 2010 toàn tỉnh có 139 chợ trên 10 huyện thị trong tỉnh được qui hoạch lại:

Trong đó:

- Loại chợ đầu tư sửa chữa nâng cấp : 81 chợ

- Loại chợ xây dựng mới: 45 chợ

- Loại chợ di dời: 13 chợ

- Định hướng đến năm 2020: Phấn đấu mỗi xã phường có 1 chợ.

Cụ thể:

1- Thị xã Hưng Yên: 12 chợ

2- Huyện Phù Cừ: 15 chợ

3- Huyện Tiên Lữ: 12 chợ

4- Huyện Kim Động: 19 chợ

5- Huyện Ân Thi: 14 chợ

6- Huyện Khoái Châu: 29 chợ

7- Huyện Yên Mỹ: 9 chợ

8- Huyện Mỹ Hào: 7 chợ

9- Huyện Văn Lâm: 11 chợ

10- Huyện Văn Giang : 11 chợ

* Phân theo loại hình chợ trên toàn tỉnh:

- Chợ đầu mối nông sản thực phẩm: 3 chợ

- Chợ loại I: 8 chợ

- Chợ loại II: 17 chợ

- Chợ loại III: 111 chợ

5- Khái toán tổng vốn đầu tư xây dựng chợ đến năm 2010 (Phân theo loại hình chợ)

- Khái toán tổng vốn đầu tư: 178,95 tỷ đồng

Trong đó: - Giai đoạn 2004-2006: 92,60 tỷ đồng

- Giai đoạn 2007-2010: 83,35 tỷ đồng

6- Các giải pháp về khuyến khích, thu hút vốn đầu tư.

- Tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạng lưới chợ, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung vốn đầu tư phát triển. Coi trọng nguồn vốn trong nước đặc biệt là nguồn vốn của các doanh nghiệp và nguồn vốn trong dân.

- Hàng năm căn cứ vào chương trình hỗ trợ vốn cho các dự án chợ đầu mối, chợ vùng khó khăn của Chính phủ để đề xuất mức hỗ trợ cho từng dự án.

- Chính sách quản lý và sử dụng đất để kiện toàn hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh, sử dụng đất trên cơ sở qui hoach được duyệt, thường xuyên kiểm tra quá trình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thuê đất theo đúng quy dịnh của Nhà nước.

- Chính sách quản lý và khai thác cơ sở vật chất chợ.

- Sau khi thực hiện dự án phê duyệt cần công khai hóa qui hoạch mạng lưới chợ, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi trong nhân dân nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư. Mạng lưới chợ được phân cho cấp nào quản lý thì cấp đó huy động vốn đầu tư xây dựng và phát triển.

7- Kế hoạch thực hiện:

- Từ nay đến năm 2010 sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh 139 chợ nằm trên 10 huyện, thị xã.

- Giai đoạn 2010-2020 đầu tư cho các công trình còn lại.

Khi triển khai đầu tư xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, nghiêm túc thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước, nước ngoài và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Trên cơ sở qui hoạch được phê duyệt giao Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành liên quan có trác nhiệm đề xuất:

- Các giải pháp và chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh của mọi thành phần kinh tế.

- Chính sách quản lý khai thác cơ sở vật chất chợ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

- Căn cứ nhu cầu cụ thể của từng vùng để đề xuất thứ tự ưu tiên hàng năm cho các loại hình chợ.

Điều 3. Các Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Thịnh