Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY THƯƠNG MẠI HÀ NỘI THÍ ĐIỂM HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ - CÔNG TY CON”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 86/2003/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội giai đoạn 2003-2005;
Căn cứ Quyết định số 129/2004/QĐ-TTg ngày 14/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thành lập Tổng Công ty Thương mại Hà Nội thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Thành lập TỔNG CÔNG TY THƯƠNG MẠI HÀ NỘI, thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

- Tên giao dịch quốc tế: HANOI TRADE CORPORATION;

- Trụ sở đặt tại: số 38-40 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

1. Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty Sản xuất Dịch và Xuất khẩu Nam Hà Nội (HAPRO) trực thuộc Sở Thương mại Hà Nội.

2. Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại các Ngân hàng và Kho bạc nhà nước, Trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các Công ty con, Công ty cổ phần và các Công ty Liên doanh, liên kết.

3. Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Công ty Sản xuất Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hà Nội.

4. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND Thành phố Hà Nội, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành khác của Trung ương và địa phương theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội :

1. Chức năng:

- Thực hiện quyền Đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố Hà Nội về việc bảo toàn và phát triển số vốn được giao.

- Giữ vai trò chủ đạo, tập trung, chi phối và liên kết các hoạt động của các công ty con theo chiến lược phát triển ngành Thương mại Thủ đô trong từng giai đoạn và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và các Công ty con được UBND Thành phố giao;

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các chế độ chính sách, phương thức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con theo Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Điều lệ của các Công ty con và các đơn vị phụ thuộc đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là kinh doanh Thương mại, Xuất nhập khẩu và Dịch vụ; Sản xuất và chế biến hàng nông, lâm, hải sản, thực phẩm ... Ngoài ra Tổng Công ty Thương mại Hà Nội còn thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh và đầu tư trong các lĩnh vực: Tài chính, Công nghiệp, Du lịch, Xuất khẩu lao động, Xây dựng phát triển nhà, khu đô thị, ... phục vụ nhiệm vụ phát triển Thương mại và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

2. Nhiệm vụ chủ yếu:

- Tham gia với các cơ quan chức năng để xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành Thương mại theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố cũng như của Chính phủ..

- Lập quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng Thương mại bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn vay, vốn huy động của Tổng Công ty;

- Trực tiếp tổ chức các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ XNK tổng hợp các mặt hàng: Nông, lâm, hải sản, thủ công mỹ nghệ, khoáng sản, hóa chất ... Vật tư, hàng hóa, máy nóc, thiết bị, linh kiện, phụ kiện ... đa ngành phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu;

- Hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài và các thành phần kinh tế trong nước xây dựng và tổ chức các mạng lưới kinh doanh như: Các trung tâm thương mại, các siêu thị và hệ thống cửa hàng lớn; Tổ chức quản lý và kinh doanh một số Chợ đầu mối, chợ bán buôn trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

- Đầu tư, liên doanh, liên kết xây dựng các khu công nghiệp chế biến thực phẩm và nông sản, các nhà máy; Tổ chức thu mua nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa để sản xuất, chế biến các mặt hàng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhằm góp phần điều tiết, bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Thành phố và các tỉnh thành trong cả nước;

- Tổ chức các hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ thương mại; Sản xuất và kinh doanh các mặt hàng; Thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, chè uống; Dịch vụ ăn uống, nhà hàng; Kinh doanh khách sạn, du lịch, vận chuyển hàng hóa thương mại; Kinh doanh xuất khẩu lao động và chuyên gia;

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả, vị thế của Thương mại Thủ đô.

- Lập, quản lý và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà; Kinh doanh bất động sản:

- Đầu tư và kinh doanh Tài chính; Kinh doanh các loại dịch vụ khác;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng trong và ngoài ngành phục vụ cho các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty, cho nhu cầu của xã hội và xuất khẩu lao động.

Điều 3: Vốn điều lệ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội

Vốn Điều lệ tại thời điểm thành lập bao gồm:

- Vốn Nhà nước thực có trên sổ sách kế toán được hạch toán tập trung tại Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội;

- Vốn Điều lệ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên mà Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội làm chủ sở hữu;

- Vốn Nhà nước mà Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nắm giữ ở các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết với nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.

- Các vốn hợp pháp khác (nếu có).

Điều 4: Tổ chức bộ máy của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội

1. Bộ máy quản lý điều hành gồm:

- Hội đồng quản trị;

- Ban Kiểm soát;

- Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc;

- Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

Việc bổ nhiểm, miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc và các chức danh khác trong bộ máy quản lý điều hành của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội được thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và theo phân cấp quản lý cán bộ của Thành phố.

2. Bộ máy điều hành giúp việc (các phòng, ban nghiệp vụ) của Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đồng thời là bộ máy giúp việc của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, bao gồm:

- Phòng Tổ chức cán bộ – Lao động tiền lương.

- Phòng Kế hoạch – Đầu tư.

- Phòng Nghiên cứu và Phát triển thị trường.

- Phòng Tài chính – Kế toán.

- Văn phòng Tổng Công ty.

3. Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có các đơn vị trực thuộc sau:

- Trung tâm kinh doanh hàng tiêu dùng;

- Trung tậm Xuất nhập khẩu máy và thiết bị

- Trung tâm Du lịch lữ hành;

- Trung tâm Thương mại Dịch vụ Du lịch Bốn mùa;

- Phòng xuất nhập khẩu 1;

- Phòng xuất nhập khẩu 2;

- Phòng xuất nhập khẩu 3;

- Phòng xuất nhập khẩu 4;

- Xí nghiệp liên hiệp chế biến Thực phẩm Hà Nội;

- Xí nghiệp Dịch vụ sinh thái;

- Xí nghiệp Toàn Thắng;

- Ban Quản lý Khu công nghiệp HAPRO;

- Xí nghiệp Gốm Chu Đậu;

- Xí nghiệp sắt mỹ nghệ Bình Dương;

- Ban quản lý dự án Xí nghiệp mỳ phở;

- Xí nghiệp kho hàng xuất nhập khẩu Dị Sử, Mỹ Hào – Hưng Yên;

- Chi nhánh HAPRO tại Thành phố Hồ Chí Minh;

- Ban quản lý các Dự án đầu tư phát triển Thương mại;

- Trường Đào tạo Nghiệp vụ thương mại.

4. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có các Công ty con sau:

a/ Các Công ty TNHH Nhà nước một thành viên mà Công ty mẹ giữ 100% vốn Điều lệ:

- Công ty Thực phẩm Hà Nội

- Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (bao gồm cả Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội, Công ty Xuất nhập khẩu hàng Tiêu dùng và Thủ công mỹ nghệ sáp nhập theo Quyết định số 86/2003/QĐ-TTG ngày 07/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ).

b/ Các Công ty Cổ phần:

- Công ty Cổ phần Thương mại Hà Nội

- Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hà Nội

- Công ty Cổ phần Bách hóa Hà Nội

- Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản Hà Nội (bao gồm cả Công ty Thương mại Khách sạn Đống Đa sáp nhập vào theo Quyết định số 86/2003/QĐ-TTg ngày 7/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ);

- Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Thời Trang;

- Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tràng Thi;

- Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp (Servico);

- Công ty Cổ phần Thủy Tạ;

- Công ty Cổ phần Cửu Long;

- Công ty Cổ phần Bách hóa số 5 Nam Bộ;

- Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội;

- Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội (SIMEX);

- Công ty Cổ phần sứ HAPRO – Bát Tràng;

c/ Các Công ty khác có vốn góp của Công ty mẹ:

- Công ty Cổ phần Thăng Long;

- Công ty Cổ phần Đông á;

- Công ty Cổ phần Phát triển Xuất nhập khẩu và Đầu tư (VIEXIM);

- Công ty Cổ phần Thực phẩm truyền thống HAPRO;

- Công ty Cổ phần Mành trúc HAPRO – Bình Minh;

- Công ty Cổ phần Rượu vang HAPRO – Thảo mộc;

d/ Các Công ty Cổ phần có vốn góp của Công ty con:

- Công ty Cổ phần Thương mại Long Biên;

- Công ty Thương mại Dịch vụ Nghĩa Đô;

5. Các Công ty Liên doanh thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội do các Công ty con tham gia đầu tư liên doanh với đối tác nước ngoài và trong nước:

- Công ty Liên doanh á Châu;

- Công ty Liên doanh Siêu thị SEIYU;

- Công ty Đầu tư Thương mại Tràng Tiền.

Điều 5: Giao nhiệm vụ

1. Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì và phối hợp với Giám đốc các Sở: Thương mại, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Giám đốc Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu & Đầu tư Hà Nội và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Thành phố có liên quan tiến hành tổ chức bàn giao toàn bộ: đất đai, tài sản, tài chính, vốn, quỹ, vật tư, hàng hóa, trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh và làm việc...; Toàn bộ cán bộ công nhân viên và lao động; Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp trực thuộc Sở Thương mại Hà Nội, Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu & Đầu tư Hà Nội cho Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc – Tổng Công ty Thương mại Hà Nội quản lý, điều hành theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Việc bàn giao phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Bàn giao nguyên hiện trạng

- Bàn giao phải đảm bảo họat động sản xuất – kinh doanh bình thường

- Bàn giao không để thất thoát tài sản của nhà nước và tập thể.

2. Giao Ban Đổi mới phát triển Doanh nghiệp Thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành Thành phố có liên quan và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội xây dựng phương án sáp nhập, cổ phần hóa và chuyển đổi các Doanh nghiệp thành Công ty TNHH một thành viên (theo Quyết định số 86/2003/QĐ-TTg ngày 07/5/2003 và Quyết định số 129/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) trình UBND Thành phố quyết định.

3. Giao Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan hoàn chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động; Xây dựng Quy chế tài chính của Tổng Công ty Thương mại báo cáo UBND Thành phố Hà Nội để trình Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn; Nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định để thống nhất chỉ đạo về quản lý và điều hành nhằm từng bước đưa Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đi vào ổn định và phát triển.

4. Giao Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và sớm đề xuất phương án bán đấu giá một số địa điểm nhỏ, lẻ do Tổng Công ty quản lý để tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ trình UBND Thành phố quyết định.

5. Trong khi tiến hành chuyển giao các Doanh nghiệp trực thuộc Sở Thương mại Hà Nội về Tổng Công ty Thương mại Hà Nội quản lý và điều hành thì các Doanh nghiệp không được điều động, luân chuyển hoặc bổ nhiệm cán bộ trong nội bộ đơn vị của mình.

6. Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ được giao, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội được nghiên cứu thành lập thêm một số phòng, ban, Công ty hạch toán phụ thuộc đồng thời được tiếp nhận thêm một số Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Thành phố và các tỉnh về tham gia làm thành viên của Tổng Công ty theo quy định hiện hành của pháp luật; Quyết định của UBND Thành phố và theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.

Điều 6: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 7: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc – Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và Giám đốc các Doanh nghiệp có tên tại mục 1 Điều 1, mục 4 Điều 4 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu