BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1258/QĐ-BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2013 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Thông tư số 15/2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Quyết định số 3246/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 - 2020 tại 05 Phụ lục đính kèm.
Điều 2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện. Căn cứ vào Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm đã được phê duyệt, Trung tâm khuyến nông quốc gia, các tổ chức và cá nhân xây dựng các dự án khuyến nông trung ương nhằm đáp ứng mục tiêu, nội dung và sản phẩm dự kiến của Chương trình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Tên chương trình: Khuyến nông trồng trọt
2. Mục tiêu
Khuyến khích, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua một số mô hình liên kết hiệu quả theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng chủ lực để nhân rộng.
Góp phần phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia và an sinh xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Đào tạo tập huấn kỹ thuật và kỹ năng kinh doanh cho nông dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động khuyến nông. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
3. Định hướng ưu tiên
3.1. Phát triển sản xuất cây lương thực
- Đối tượng ưu tiên: lúa, ngô, sắn
- Nội dung: phát triển các giống cây lương thực mới tạo ra trong nước; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, theo hướng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các vùng sản xuất trọng điểm.
- Sản phẩm dự kiến: 3-5 mô hình/vùng/năm cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất đại trà.
3.2. Phát triển sản xuất cây rau và nấm
- Đối tượng ưu tiên: rau các loại, nấm ăn, nấm dược liệu
- Nội dung: phát triển các giống rau mới, rau bản địa; phát triển sản xuất rau, nấm theo hướng GAP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, sản xuất theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất trọng điểm.
- Sản phẩm dự kiến: 3-5 mô hình/năm/vùng cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất đại trà.
3.2. Phát triển sản xuất cây công nghiệp
- Đối tượng ưu tiên: đậu tương, lạc, mía, cà phê, chè, điều, tiêu, cao su, ca cao, dừa.
- Nội dung: phát triển các giống cây công nghiệp mới; phát triển sản xuất hàng hóa, bền vững, áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, theo hướng GAP (đối với cà phê, chè) để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại các vùng sản xuất trọng điểm.
- Sản phẩm dự kiến: 3-4 mô hình/vùng/năm cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 15%.
3.4. Phát triển sản xuất cây ăn quả chủ lực
- Đối tượng ưu tiên: thanh long, dứa, chuối, cây có múi, xoài, nhãn vải.
- Nội dung: phát triển các giống cây ăn quả mới; phát triển sản xuất hàng hóa, bền vững, áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng tại các vùng sản xuất trọng điểm.
- Sản phẩm dự kiến: 3-4 mô hình/vùng/năm cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 20%.
3.5. Phát triển sản xuất cây hoa
- Đối tượng ưu tiên: một số loại hoa bản địa và nhập khẩu có giá trị kinh tế cao.
- Nội dung: phát triển sản xuất một số loại hoa bản địa và hoa nhập nội mới có giá trị kinh tế cao;
- Sản phẩm dự kiến: 3-4 mô hình/vùng/năm cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 20%.
3.6. Phát triển sản xuất cây làm thức ăn chăn nuôi
- Đối tượng ưu tiên: một số loại cỏ, cây họ đậu.
- Nội dung: áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp phát triển một số cây làm thức ăn gia súc (cỏ, cây họ đậu) có năng suất cao, chống chịu điều kiện bất thuận, phục vụ nguồn nguyên liệu thức ăn xanh, thô hoặc giàu protein cho chăn nuôi.
- Sản phẩm dự kiến: 3-4 mô hình/vùng/năm cho mỗi loại; hiệu quả kinh tế tăng trên 20%.
4. Địa bàn triển khai theo đối tượng ưu tiên
- Đồng bằng sông Hồng: lúa, rau các loại, nấm, đậu tương, chuối, xoài, nhãn, vải, cây hoa.
- Trung du miền núi phía Bắc: lúa, ngô, sắn, rau các loại, đậu tương, lạc, mía, chè, cà phê, (Tây Bắc), dứa, chuối, cây có múi, xoài, nhãn, vải, cây hoa, cây thức ăn chăn nuôi.
- Bắc Trung bộ: lúa, đậu tương, lạc, mía, cà phê, dứa, cây có múi, cây hoa, cây thức ăn chăn nuôi.
- Nam Trung bộ: lúa, ngô, sắn, rau các loại, đậu tương, lạc, mía, dừa, dứa, chuối, thanh long, cây có múi, xoài, cây hoa, cây thức ăn chăn nuôi.
- Tây Nguyên: lúa, ngô, sắn, rau các loại, mía, dừa, chè, cà phê, tiêu, cao su, ca cao, cây hoa, cây thức ăn chăn nuôi.
- Đông Nam bộ: lúa, ngô, sắn, rau các loại, đậu tương, lạc, mía, cà phê, điều, tiêu, ca cao, dừa, chuối, thanh long, cây có múi, cây hoa, cây thức ăn chăn nuôi.
- Đồng bằng sông Cửu Long: lúa, rau các loại, nấm, đậu tương, lạc, mía, ca cao, dừa, dứa, chuối, thanh long, cây có múi, xoài, nhãn, cây hoa.
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM LĨNH VỰC CHĂN NUÔI THÚ Y GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Tên Chương trình: Khuyến nông chăn nuôi - thú y
2. Mục tiêu
Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình quản lý tiên tiến, mô hình liên kết trong chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo.
3. Định hướng ưu tiên
3.1. Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường trong nông hộ và trang trại
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi nông hộ và trang trại.
- Địa điểm triển khai: trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên tập trung Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Xây dựng được 15-20 vùng chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.
+ Phổ biến được một số giống gia cầm năng suất cao, chất lượng tốt, quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm đã được công nhận vào chăn nuôi nông hộ, trang trại tạo vùng sản xuất hàng hóa.
+ ≥ 95% mô hình chăn nuôi được áp dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
+ Tăng thu nhập cho người chăn nuôi gia cầm trong mô hình trên 10%.
3.2. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc theo hướng VietGAHP; áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi nông hộ và trang trại.
- Địa điểm triển khai: trên phạm vi toàn quốc
- Sản phẩm dự kiến:
+ Xây dựng được 10-20 vùng chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP; 10-15 mô hình chăn nuôi áp dụng đệm lót sinh học.
+ 100% mô hình chăn nuôi được áp dụng và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quản lý theo hướng VietGAHP.
+ Tăng thu nhập cho người chăn nuôi lợn trong mô hình trên 10%.
3.3. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, ưu tiên sử dụng thức ăn sẵn có, hiệu quả tại địa phương, góp phần giảm phát thải khí nhà kính
- Nội dung: phổ biến và chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, bò sữa, dê, cừu...), ưu tiên sử dụng thức ăn sẵn có, hiệu quả tại địa phương nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
- Địa điểm triển khai: trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên tập trung vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Xây dựng được 5-10 vùng chăn nuôi bò thịt có năng suất tăng trên 10%, ưu tiên sử dụng thức ăn sẵn có tại địa phương.
+ Xây dựng 3-5 vùng chăn nuôi bò sữa an toàn sinh học theo hướng VietGaHP có sự liên kết của các hộ gia đình nông dân nuôi bò sữa với các doanh nghiệp chế biến sữa.
+ Xây dựng 3-5 vùng chăn nuôi trâu tại các địa phương có đàn trâu phát triển nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc phục vụ nhu cầu cày kéo và tăng khả năng cho thịt trên 10%.
+ Xây dựng 3-5 vùng chăn nuôi dê, cừu tăng khả năng cho thịt trên 15%; tăng khả năng sinh sản và cho sữa của dê trên 10%.
+ Tăng thu nhập cho người chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên 10%.
3.4. Phát triển chăn nuôi ong, tằm và một số vật nuôi bản địa nhằm đa dạng hóa vật nuôi
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi ong, tằm và một số vật nuôi bản địa
- Địa điểm triển khai: trên phạm vi toàn quốc.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Phát triển được 3-5 vùng chăn nuôi ong, tằm có sản phẩm chất lượng cao.
+ Phát triển được 5-10 giống vật nuôi bản địa.
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM LĨNH VỰC THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Tên Chương trình: Khuyến ngư
2. Mục tiêu
Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái chung và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
3. Định hướng ưu tiên
3.1. Phát triển nuôi thủy sản nước lợ, mặn
- Đối tượng nuôi chính: giáp xác (cua biển, tôm sú, tôm thẻ); cá (cá song, cá giò, cá bống bớp, cá hồng mỹ, cá chẽm, chim vây vàng, cá đối mục); nhuyễn thể (sò huyết, ốc hương, ngao, nghêu, hầu).
- Nội dung: chuyển giao, phổ biến kỹ thuật tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật nuôi đáp ứng yêu cầu quy phạm VietGAP; ASC, GlobalGAP với một số đối tượng nuôi, vùng nuôi; sử dụng thức ăn công nghiệp hợp lý và đạt hiệu quả cao và các biện pháp phòng trị bệnh và bảo vệ môi trường.
- Địa điểm triển khai: các tỉnh ven biển.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Trên 70% nông ngư dân nuôi trồng thủy sản được trang bị những kiến thức về kỹ thuật nuôi và quản lý nguồn lợi thủy sản nước lợ, mặn theo từng đối tượng nuôi phù hợp với vùng sinh thái.
+ Sản phẩm đảm bảo VSATTP; bảo vệ môi trường; hiệu quả sản xuất cao hơn ngoài mô hình ít nhất 10% -15%; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông ngư dân trên 10%.
3.2. Phát triển nuôi trồng thủy sản biển, hải đảo
- Đối tượng nuôi chính: cá (cá song, cá giò, cá hồng mỹ, cá chẽm, chim vây vàng); tôm hùm; ghẹ; nhuyễn thể (ốc hương, tu hài, bào ngư); rong biển (rong nho, rong sụn).
- Nội dung: chuyển giao, phổ biến kỹ thuật nuôi lồng bè trên biển; khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp và các biện pháp phòng trị bệnh và bảo vệ môi trường; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản biển của nước ngoài.
- Địa điểm triển khai: nuôi tại các vùng trên biển và hải đảo.
- Sản phẩm dự kiến: trên 70% nông ngư dân nuôi trồng thủy sản được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề và tạo việc làm; tăng sản lượng sản phẩm nuôi trồng tại vùng biển đảo tăng thêm 5%; đa dạng đối tượng nuôi, bảo vệ nguồn thủy sản.
3.3. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt
- Đối tượng nuôi chủ lực: cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh và các loại bản địa đặc hữu có giá trị kinh tế cao.
- Nội dung:
+ Phổ biến kỹ thuật ương nuôi, nuôi thương phẩm và quản lý theo phương pháp công nghiệp thân thiện môi trường.
+ Kỹ thuật nuôi thủy sản ruộng trũng theo hướng luân xen canh thủy sản - lúa phù hợp với điều kiện canh tác của mỗi vùng sinh thái.
+ Ứng dụng quy phạm VietGAP với một số đối tượng nuôi tại vùng nuôi phù hợp; quy trình nuôi hướng theo VietGAP với các đối tượng và vùng nuôi khác.
- Địa điểm triển khai: tùy thuộc cụ thể đối tượng nuôi.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Trên 70% nông ngư dân nuôi trồng thủy sản được bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng bền vững và đảm bảo ATVSTP, đa dạng vật nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Hiệu quả sản xuất cao hơn mô hình ngoài ít nhất 10% đối với vùng trung du, miền núi, vùng khó khăn và 20% đối với các vùng khác; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông ngư dân trên 10%.
3.4. Trang bị ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến trong khai thác hải sản xa bờ
- Đối tượng: các tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ của ngư dân.
- Nội dung:
+ Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ khai thác: nghề vây được khai thác cá ngừ vằn, lưới rê hỗn hợp, rê cá dưa, rê trôi, rê cá rạn, rê thu ngừ, lưới vây rút chì kết hợp ánh sáng, lưới chụp mực, pha xúc, các nghề câu vàng, các ngư cụ cố định ...
+ Ứng dụng các thiết bị khai thác hiện đại: máy dò ngang, radar hàng hải, tời thu lưới, thu câu, máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy thông tin liên lạc.
+ Xây dựng các tổ đội sản xuất trên biển
- Địa điểm triển khai: Các tỉnh ven biển
- Sản phẩm dự kiến:
+ 80% tàu khai thác xa bờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về khai thác hải sản xa bờ trên biển; giảm thiểu lao động thủ công và đảm bảo an toàn trong sản xuất trên biển, bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.
3.5. Sơ chế bảo quản sản phẩm sau thu hoạch
- Đối tượng: tàu thuyền khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần trên biển.
- Nội dung: chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển (hầm bảo quản bằng vật liệu PU, thiết bị xử lý hạ nhiệt, hệ thống máy lạnh, quy trình bảo quản sản phẩm).
- Địa điểm triển khai: các tỉnh ven biển
- Sản phẩm dự kiến: chất lượng, giá trị hải sản khai thác tối thiểu tăng 10%; đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15% so với tổn thất 25% hiện nay; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM LĨNH VỰC KHUYẾN LÂM GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Tên Chương trình: Khuyến lâm
2. Mục tiêu
Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật và sản xuất kinh doanh để phát triển và quản lý rừng bền vững theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng rừng nhằm tăng thu nhập cho người trồng rừng, kinh doanh và dịch vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
3. Định hướng ưu tiên
3.1. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, giống mới phục vụ trồng rừng cung cấp gỗ lớn và rừng trồng kinh tế chủ lực
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật trồng rừng cung cấp gỗ lớn làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc và trồng rừng các loài cây mọc nhanh làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến ván nhân tạo, đồng thời phát triển các mô hình lâm nông kết hợp trên đất dốc, đất cát ven biển.
- Địa điểm triển khai: ưu tiên thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, vùng ven biển.
- Sản phẩm dự kiến:
+ Rừng trồng thâm canh các loài cây bản địa cho gỗ lớn: Lát hoa, Xoan ta, Vối thuốc, Tông dù, Trám, Lim xanh, Tếch, Sao đen, Giổi xanh, Tống quá sủ, các loài cây mọc nhanh với chu kỳ 8-10 năm: Keo, Bạch đàn, quy mô: 2.500 ha;
+ Rừng trồng các giống tiến bộ kỹ thuật: Keo Tai tượng, Keo Lai, Bạch đàn,... với năng suất rừng trồng tăng từ trên 10%, quy mô: 5.000 ha;
+ Các mô hình trồng các loài kinh tế chủ lực, cây gỗ lớn (Keo, Bạch đàn, Gioi, Dầu gió, Samu....) kết hợp với một số cây nông nghiệp (ngô, sắn, các loại đậu, ...), quy mô: 1.200 ha;
+ Tăng thu nhập trên 10% cho người trồng rừng thâm canh và trên 15% cho các mô hình nông lâm kết hợp.
3.2. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, giống mới phục vụ trồng rừng cây Lâm sản ngoài gỗ
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật trồng thâm canh tập trung hoặc trồng dưới tán rừng, phân tán trong vườn hộ,... một số loài cây lâm sản ngoài gỗ.
- Địa điểm triển khai: ưu tiên thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên
- Sản phẩm dự kiến:
+ Các mô hình trồng cây Lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm: các loại tre lấy măng, các loại rau đặc sản, cây rừng cho quả…;
+ Mô hình trồng thâm canh các loài cây Lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu: Thảo quả, Ba Kích, Sa nhân, Sâm Ngọc Linh, quế, Hồi, ... theo hướng chuyên canh hoặc xen canh dưới tán rừng;
+ Mô hình trồng thâm canh các loài cây Lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu: Tre, Luồng, Song, Mây,... theo hướng chuyên canh hoặc xen canh dưới tán rừng;
+ Quy mô: 2.000 ha;
+ Tăng thu nhập cho người trồng rừng trên 10%.
3.3. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản, chế biến một số sản phẩm lâm sản chủ yếu
- Nội dung: phổ biến quy trình kỹ thuật về bảo quản, chế biến một số sản phẩm lâm sản chủ yếu (Song, Mây, Tre, Trúc, Quế, Hồi, Thảo quả, gỗ rừng trồng...)
- Địa điểm triển khai: ưu tiên các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên
- Sản phẩm dự kiến:
+ Một số mô hình về bảo quản, chế biến sản phẩm Lâm sản chủ yếu, ưu tiên các sản phẩm về lâm sản ngoài gỗ như Song, Mây, Tre, Thảo quả, Quế, Hồi, nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến đồ gia dụng, mỹ nghệ;
+ Quy mô: ít nhất 3 mô hình/năm;
+ Nâng cao chất lượng của các sản phẩm lâm sản, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng trên 10%.
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG TRỌNG ĐIỂM LĨNH VỰC KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Tên chương trình: Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
2. Mục tiêu
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về máy móc, thiết bị, công nghệ trong sản xuất, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề nông thôn và muối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành, tăng thu nhập cho người nông dân, giảm ô nhiễm môi trường.
3. Định hướng ưu tiên
3.1. Cơ giới hóa trong trồng trọt
- Nội dung: tập trung vào các cây trồng hàng hóa có khả năng cạnh tranh, hiệu quả cao, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (lúa, cây rau, mầu, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu,...), bao gồm các khâu cơ bản: cơ giới hóa khâu làm đất (cho vùng trung du, miền núi), gieo trồng, tưới tiết kiệm nước, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến.
- Địa điểm triển khai: tại các tỉnh nằm trong quy hoạch, vùng trồng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình cánh đồng mẫu lớn.
- Sản phẩm dự kiến: tăng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất từ 25-35%, tăng năng suất cây trồng từ 5-10%, giảm tổn thất quá trình thu hoạch xuống còn dưới 3%, tiết kiệm năng lượng trên 10%.
3.2. Cơ giới hóa trong lĩnh vực chăn nuôi
+ Nội dung: đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại công nghiệp, gia trại tập trung, thâm canh, có chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm: cơ giới hóa thu gom, chế biến thức ăn, chuồng trại, giết mổ tập trung.
+ Địa điểm triển khai: trên cả nước, ưu tiên vùng nuôi tập trung đối với từng loại vật nuôi.
+ Sản phẩm dự kiến: tăng tỷ lệ chuồng trại được cơ giới hóa 5 - 10%, tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ theo dây chuyền đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm trên 50%, tiết kiệm trên 10% năng lượng.
3.3. Cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản
+ Nội dung: tập trung áp dụng cơ giới hóa chế biến thức ăn, cải tạo vệ sinh ao nuôi, sục khí.
+ Địa điểm triển khai: các tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản cho sản lượng hàng hóa lớn.
+ Sản phẩm dự kiến: tăng sản lượng trên 10%. Giảm chi phí sản xuất trên 10%. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3.4. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối
+ Nội dung: đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trải bạt ô kết tinh, che mưa, thiết bị thu gom ở các đồng muối phơi nước; chạt lọc và vận chuyển ở các đồng muối phơi cát.
+ Địa điểm triển khai: các tỉnh sản xuất muối.
+ Sản phẩm dự kiến: tăng năng suất từ 15-20%, nâng cao chất lượng muối sạch, giảm công lao động nặng nhọc cho diêm dân, tăng hiệu quả kinh tế trên 200%.
3.5. Ngành nghề nông thôn
+ Nội dung: ứng dụng các loại máy móc thiết bị nâng cao năng suất lao động đối với các làng nghề, thu gom xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa của các ngành nghề truyền thống (thủ công mỹ nghệ, mây tre đan...).
+ Địa điểm triển khai: các tỉnh phát triển ngành nghề nông thôn.
+ Sản phẩm dự kiến: tăng năng suất lao động 30-50%, giảm chi phí sản xuất, giá trị các sản phẩm tăng từ 10 đến 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.
- 1 Quyết định 5124/QĐ-BNN-KHCN năm 2014 Định mức tạm thời áp dụng cho dự án khuyến nông lĩnh vực thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT quy định thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 3246/QĐ-BNN-KHCN năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020
- 4 Quyết định 3124/QĐ-BNN-KHCN năm 2011 phê duyệt Danh mục chương trình, dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông
- 7 Quyết định 20/QĐ-BNN-KHCN năm 2010 phê duyệt “Danh mục các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8 Nghị định 75/2009/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 9 Quyết định 3276/QĐ-BNN-KHCN năm 2008 ban hành Định mức kỹ thuật tạm thời áp dụng cho các chương trình Khuyến ngư do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10 Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 1 Quyết định 5124/QĐ-BNN-KHCN năm 2014 Định mức tạm thời áp dụng cho dự án khuyến nông lĩnh vực thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 3124/QĐ-BNN-KHCN năm 2011 phê duyệt Danh mục chương trình, dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 20/QĐ-BNN-KHCN năm 2010 phê duyệt “Danh mục các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 3276/QĐ-BNN-KHCN năm 2008 ban hành Định mức kỹ thuật tạm thời áp dụng cho các chương trình Khuyến ngư do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành