ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/QĐ-UB | Lào Cai, ngày 11 tháng 7 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ vào Nghị định 17/CP ngày 28/12/1992 của Chính phủ về quản lý các ngành nghề đặc biệt;
Căn cứ Thông tư số 11/TL.CNCL ngày 13/3/1996 của Bộ Công nghiệp;
Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Công nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Điều 2. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 126/QĐ-UB ngày 11 tháng 7 năm 1996 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là vật liệu nổ dùng trong công nghiệp, bao gồm thuốc nổ và các phụ kiện nổ thành phẩm, là loại vật tư kỹ thuật đặc biệt, do Nhà nước thống nhất quản lý từ khâu sản xuất, cung ứng, sử dụng đến xuất nhập khẩu.
Điều 2.
- Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp là quá trình sử dụng công nghệ tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh là thuốc nổ + phụ kiện nổ.
- Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là quá trình đưa vật liệu nổ ra dùng trong thực tế nhằm đạt được mục đích nhất định trong các ngành kinh tế.
- Cung ứng vật liệu nổ công nghiệp là quá trình lưu thông từ nơi sản xuất, bảo quản đến nơi sử dụng.
- Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp là quá trình cất giữ vật liệu nổ công nghiệp trong kho trước khi đem sử dụng.
Điều 3. Chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng mới được sản xuất và kinh doanh cung ứng vật liệu nổ công nghiệp.
Việc vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lào cai do ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất quản lý.
Điều 4. Ủy ban Nhân dân tỉnh kiểm tra và cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập, cho phép hoạt động.
Chương II:
QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 5. Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy định, chỉ thị quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kiểm tra cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều 6. Sở Công nghiệp là cơ quan tham mưu, đầu mối giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc thực việc chức năng quản lý Nhà nước đối với vật liệu nổ công nghiệp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công nghiệp thẩm định các hồ sơ xin vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh cấp giấy phép.
Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Sở Khoa học công nghệ và môi trường, Sở Lao động thương binh và xã hội, Thanh tra tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trong việc kiểm tra giám sát vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 7. Sở Lao động thương binh và xã hội tổ chức học tập và cấp thẻ an toàn lao động cho các tổ chức, cá nhân lao động có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp.
Sở Lao động thương binh và xã hội cùng với các ngành liên quan phối hợp thanh tra định kỳ kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 8. Công an tỉnh kiểm tra và cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có đủ điều kiện trật tự an ninh xã hội theo Nghị định 17/CP ngày 28/12/1992.
Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan Pháp luật ở địa phương tiến hành điều tra xử lý các vụ vi phạm trong công tác quản lý vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 9. Sở khoa học công nghệ và môi trường phối hợp thường xuyên với Sở Công nghiệp trong việc hướng dẫn và thực hiện luật bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 10. Tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải làm đầy đủ hồ sơ xin phép và phải được ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép sử dụng. Hàng tháng phải báo cáo tình hình sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về Sở Công nghiệp. Sở Công nghiệp tổng hợp và báo cáo Bộ Công nghiệp theo hướng dẫn.
Chương III:
VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 11. Đối tượng được vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là các doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị và cá nhân sau:
- Các doanh nghiệp Nhà nước thành lập theo Luật doanh nghiệp ngày 30/4/1995.
- Doanh nghiệp tư nhân thành lập theo Luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân.
- Doanh nghiệp thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam.
- Các đơn vi, cá nhân được cơ quan chức năng Nhà nước xác nhận là tổ chức kinh tế cá nhân, kinh tế tập thể có nhu cầu sử dụng.
Các đơn vị trên muốn sử dụng vật Liệu nổ công nghiệp phải có giấy phép vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
- UBND tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc tỉnh.
Điều 12. Việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo các quy định của TCVN liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, phải có phương tiện vận chuyển và được phép của Công an tỉnh.
Điều 13. Các đơn vị sử dụng phải có kho để bảo quản, kho bảo quản phải tuân theo các quy định của TCVN liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp và phải được phép của Công an tỉnh về an toàn phòng chống cháy nổ.
Trường hợp không có kho và phương tiện vận chuyển, đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải ký hợp đồng thuê kho, thuê phương tiện vận chuyển của các đơn vị, tổ chức được cấp giấy phép. Trước khi ký hợp đồng được Công an tỉnh, Sở Công nghiệp đồng ý.
Điều 14. Đối với các tổ chức, cá nhân không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thường xuyên, nếu muốn sử dụng vật liệu nổ phải báo cáo với Sở Công nghiệp, Công an tỉnh, Thanh tra Nhà nước về an toàn tại địa phương, sua khi được sự đồng ý sẽ đến các cơ quan, tổ chức có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ký hợp đồng thực hiện.
Chương IV:
THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 15. Hồ sơ gửi đến Sở Công nghiệp để xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:
1. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vào việc khai thác mỏ:
a. Bản sao (có công chứng) quyết định thành lập đơn vị.
b. Giấy phép khai thác mỏ do Bộ Công nghiệp hoặc UBKD tỉnh cấp ( bản sao có công chứng),
c. Quyết định đầu tư và quyết định xét duyệt thiết kế khai thác mỏ (bản sao có công chứng),
d. Giấy phép sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
e. Quyết định cứ người lãnh đạo công tác nổ mìn do Chủ đơn vị ký.
g. Giấy xác nhận có đủ điều kiện về trật tự an ninh xã hội theo Nghị định 17/CP ngày 28/12/1992 do Công an tỉnh cấp.
2. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vào mục đích khác như nổ mìn làm nền đường, tạo hố móng xây dựng công trình, đánh đổ cây, phá vỡ công trình, thủy lợi,…
a. Bản sao (có công chứng) quyết định thành lập đơn vị.
b. Văn bản xét duyệt thiết kế tổ chức thi công công trình, thiết kế (hộ chiếu) nổ mìn.
c. Quyết định cử người lãnh đạo công tác nổ mìn do chủ đơn vị ký.
d. Giấy xác nhận có đủ điều kiện về trật tự an ninh xã hội theo nghị định 17/CP ngày 28/12/1992 do Công an tỉnh cấp.
e. Văn bản thỏa thuận với Công an, thanh tra Nhà nước về an toàn địa phương nơi tiến hành nổ mìn.
Điều 16. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp:
a. Đơn xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do chủ đơn vị ký và đóng dấu.
b. Các bản sao (có công chứng) ghi tại điểm 1,2 điều 15 quy định này.
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ Sở Công nghiệp kiểm tra và trình UBND tỉnh để UBXD tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc tỉnh.
Đối với các đơn vị quốc phòng, quân đội do Bộ quốc phòng cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 17. Cán bộ quản lý và công nhân viên của đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có sức khỏe, năng lực, được đào tạo huấn luyện chuyên môn tương xứng với trách nhiệm.
- Người lãnh đạo công tác nổ mìn phải là người đã có bằng tốt nghiệp Đại học các nghề: Khai thác mỏ, hóa chất, vũ khí, công nghệ thuốc nổ, thuốc phóng. Nếu là trung cấp các nghề trên phải có thâm niên công tác ít nhất 3 năm, trước khi bổ nhiệm phải qua kiểm tra kiến thức về vật liệu nổ công nghiệp do Thanh tra Nhà nước về an toàn phối hợp với Sở Công nghiệp tiến hành kiểm tra đạt kết quả tốt.
- Đối với thợ mìn và những người làm công tác liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp như vận chuyển, điều khiển phương tiện, áp tải, bảo vệ, thủ kho,…ngoài bằng cấp chuyên môn còn phải có giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận học tập về quy phạm an toàn có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp do Thanh tra an toàn cấp.
+ Giấy xác nhận đủ điều kiện về trật tự an ninh xã hội để hành nghề đặc biệt theo Nghị định 17/CP ngày 28/12/1992 do Công an tỉnh cấp.
Chương V:
KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18. Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở Công nghiệp chủ trì cùng với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo những quy định của Thông tư hướng dẫn số 11 ngày 13/3/1996 của Bộ Công nghiệp và quy định này.
Điều 19. Các hành vi cần được xem xét để xử lý:
1. Hành vi trái phép:
Các đơn vị tổ chức, cá nhân không được phép vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
2. Hành vi vi phạm:
- Vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và làm tác hại đến môi trường.
- Bố trí, sử dụng những cán bộ, công nhân không có trình độ hiểu biết về vật liệu nổ công nghiệp, không được học tập và cấp chứng chỉ.
- Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng mục đích, không theo đề án.
- Người được giao quản lý, công nhân sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm để mất mát, cháy nổ và các thiệt hại khác…
- Các hoạt động kinh doanh lại.
Điều 20. Tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
Chương VI:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các tổ chức nước ngoài hoạt động vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào cai phải chấp hành nghiêm chỉnh Thông tư hướng dẫn thống nhất của Bộ Công nghiệp và quy định này.
Điều 22. Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sở Công nghiệp Lào cai có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện quyết định này.
- 1 Quyết định 608/2005/QĐ-UBND về Quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 2 Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2010 công bố danh mục văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành từ năm 1991 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009 hết hiệu lực thi hành
- 3 Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2010 công bố danh mục văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành từ năm 1991 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009 hết hiệu lực thi hành
- 1 Quyết định 03/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 2 Chỉ thị 18/2005/CT-UBND về vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do tỉnh An Giang ban hành
- 3 Thông tư 11-TT/CNCL-1996 hướng dẫn Nghị định 27/CP-1995 về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công Nghiệp ban hành
- 4 Nghị định 27/CP năm 1995 về việc quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
- 5 Luật Doanh nghiệp Nhà nước 1995
- 6 Luật Công ty sửa đổi 1994
- 7 Luật Doanh nghiệp tư nhân sửa đổi 1994
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 9 Nghị định 17-CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt
- 10 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 1992
- 11 Luật Công ty 1990
- 12 Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990
- 13 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 1990
- 14 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987