Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1262/2010/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 27 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG, THUÊ, THỜI HẠN VÀ CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ ĐIỂM KINH DOANH TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban quản lý chợ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 548/TTr-SCT ngày 25 tháng 6 năm 2010 và Báo cáo thẩm định số 523/BC-STP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Thương nhân kinh doanh tại chợ; người kinh doanh không thường xuyên tại chợ; Ban quản lý chợ, đơn vị kinh doanh - khai thác - quản lý chợ (gọi chung là Ban quản lý chợ) và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đơn vị kinh doanh - khai thác - quản lý chợ là tên gọi chung cho các loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

2. Thương nhân kinh doanh tại chợ là các tổ chức, cá nhân có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với Ban quản lý chợ và hoạt động kinh doanh thường xuyên, ổn định trong phạm vi chợ.

3. Người kinh doanh không thường xuyên tại chợ là những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông sản, thợ thủ công, …) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt trong phạm vi chợ.

4. Phạm vi chợ là khu vực quy hoạch dành cho hoạt động chợ, bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như: bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.

5. Điểm kinh doanh tại chợ là quầy hàng, sạp hàng, kiốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm.

Điều 3. Sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ

1. Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm các loại sau:

a) Loại giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong đưa vào hoạt động;

b) Loại cho thương nhân thuê để kinh doanh.

2. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân được giao quyền sử dụng điểm kinh doanh:

a) Có quyền cho thuê lại hoặc chuyển quyền sử dụng điểm kinh doanh đang còn thời hạn sử dụng. Việc cho thuê lại hoặc chuyển quyền sử dụng điểm kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Ban quản lý biết, trừ trường hợp Ban quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ có thoả thuận khác trong hợp đồng;

b) Dùng quyền sử dụng điểm kinh doanh để thế chấp, vay vốn kinh doanh tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

3. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân thuê điểm kinh doanh:

a) Được ưu tiên tái ký hợp đồng. Việc tái ký hợp đồng phải được thông báo cho Ban quản lý chợ chậm nhất là 30 ngày trước khi hợp đồng hết thời hạn;

b) Không được tự ý cho thuê lại điểm kinh doanh khi chưa thông báo bằng văn bản cho Ban quản lý chợ biết. Nếu thương nhân không có nhu cầu tiếp tục thuê điểm kinh doanh, thì phải bàn giao lại cho Ban quản lý chợ và tiến hành thanh lý hợp đồng để Ban quản lý chợ cho thương nhân khác có nhu cầu thuê;

c) Bảo quản điểm kinh doanh trong quá trình kinh doanh. Trường hợp gây hư hỏng điểm kinh doanh, thương nhân thuê điểm kinh doanh phải chịu chi phí sửa chữa;

d) Tuân thủ sự sắp xếp của Ban quản lý chợ khi có yêu cầu sắp xếp lại điểm kinh doanh ở vị trí khác nhằm đảm bảo quy hoạch ngành hàng quản lý. Việc sắp xếp lại phải thông báo cho thương nhân trước ít nhất 30 ngày (bằng văn bản hoặc tổ chức cuộc họp). Các chi phí phát sinh trong quá trình di dời, sắp xếp lại điểm kinh doanh phải được các bên thoả thuận cho phù hợp.

4. Ngoài quyền và nghĩa vụ nêu trên, các thương nhân phải chấp hành nghiêm túc một số quy định sau:

a) Chấp hành tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự tại chợ và các quy định khác theo nội quy chợ và theo các quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Không được lấn chiếm lối đi hoặc lấn chiếm ngoài vị trí diện tích đã thuê để sơ chế, chất xếp hàng hoá; không bày hàng hoá, bao bì bừa bãi, quá phạm vi điểm kinh doanh được quyền sử dụng; không được tự ý sửa chữa, cơi nới, đào bới nền chợ làm thay đổi, biến dạng và làm hư hại cấu trúc công trình chợ;

c) Bảng hiệu tại điểm kinh doanh (nếu có) phải đúng kích cỡ theo quy định của Ban quản lý chợ;

d) Phải sử dụng điểm kinh doanh hợp pháp và đúng mục đích sử dụng đã thoả thuận với Ban quản lý chợ; phải tuân thủ các quy định về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ;

e) Chấp hành các quy định của Nhà nước về đăng ký, cấp phép kinh doanh và nộp các khoản thuế liên quan đến việc kinh doanh;

f) Thanh toán các khoản phí và các dịch vụ khác (nếu có) cho Ban quản lý chợ theo đúng thời gian quy định; đồng thời có quyền yêu cầu Ban quản lý chợ cung cấp biên lai, vé thu phí, lệ phí hay dịch vụ (nếu có) khi thu tiền. Có quyền và trách nhiệm giám sát việc thu tiền của Ban quản lý chợ.

5. Một số quy định khác:

a) Thương nhân kinh doanh tại chợ phải được thông tin và được quyền tham gia ý kiến về quy hoạch và chủ trương phát triển chợ (mở rộng, nâng cấp, xây mới …) nơi thương nhân đang sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh;

b) Thương nhân kinh doanh tại chợ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

c) Ban quản lý chợ có quyền chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại điểm kinh doanh trong các trường hợp: thương nhân vi phạm nghiêm trọng nội quy hoạt động chợ; không thanh toán các khoản phí theo quy định và các vi phạm khác theo thoả thuận trong hợp đồng. Việc chấm dứt hợp đồng phải thực hiện bằng văn bản, Ban quản lý chợ có trách nhiệm thông báo cho thương nhân trước 30 ngày trước khi thu hồi điểm kinh doanh và tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng;

d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ, nếu có khó khăn vướng mắc, Ban quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ cùng bàn bạc giải quyết trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau; nếu tranh chấp không tự thoả thuận được sẽ đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

e) Thương nhân kinh doanh tại chợ, người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu vi phạm nội quy chợ, vi phạm pháp luật trong phạm vi chợ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của nội quy chợ đã được duyệt hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật (xử lý về hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật).

Điều 4. Người kinh doanh không thường xuyên tại chợ

1. Tuân thủ sự sắp xếp của Ban quản lý chợ, không được kinh doanh ở khu vực dành riêng cho người kinh doanh cố định tại chợ.

2. Không được tự ý dựng cọc, che phên, dựng lều quán, căng dây bừa bãi, … làm ảnh hưởng đến mỹ quan và quy hoạch chung của chợ.

3. Nộp phí chợ theo quy định.

Điều 5. Thời hạn sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ

1. Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thoả thuận bằng văn bản (hợp đồng) giữa Ban quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ.

2. Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn được giao đất hoặc được cho thuê đất để đầu tư chợ.

3. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh, thương nhân có trách nhiệm bàn giao lại điểm kinh doanh cho Ban quản lý chợ.

Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban quản lý chợ

Ban quản ký chợ có trách nhiệm quản lý điểm kinh doanh tại chợ theo nội quy chợ đã được duyệt. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý chợ bao gồm:

1. Lập phương án tính giá cho thuê hoặc giao quyền sử dụng điểm kinh doanh và phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy định tại Điều 7); thực hiện bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh theo phương án được duyệt và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại.

2. Thực hiện quy định về đấu thầu để lựa chọn thương nhân khi số lượng thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí tại chợ theo phương án được duyệt; tổ chức ký hợp đồng giao quyền sử dụng hoặc hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh tại chợ theo quy định.

3. Bàn giao điểm kinh doanh đúng thời hạn, vị trí, kích thước theo hợp đồng; thu các khoản phí đúng quy định và đảm bảo cho các thương nhân kinh doanh tại chợ sử dụng điểm kinh doanh ổn định trong thời gian hoạt động kinh doanh.

4. Quản lý việc thương nhân cho thuê lại hoặc chuyển quyền sử dụng điểm kinh doanh.

5. Thu hồi lại điểm kinh doanh khi hết thời hạn cho thuê.

6. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan cấp trên trong việc phổ biến, hướng dẫn các chính sách, quy định của pháp luật cho các thương nhân tại chợ; thông báo, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của thương nhân khi có chủ trương thực hiện quy hoạch, phát triển chợ.

7. Quản lý các hoạt động kinh doanh tại chợ và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm nội quy chợ. Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến pháp luật, Ban quản lý chợ có trách nhiệm lập biên bản và chuyển giao cho chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) xem xét, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện thương nhân kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ... trong phạm vi chợ, Ban quản lý chợ được quyền lập biên bản tạm giữ (hoặc niêm phong tại hiện trường) trong vòng 24 giờ đồng thời liên hệ ngay với chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh: có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tính giá cho thuê hoặc giao quyền sử dụng điểm kinh doanh và phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh đối với chợ hạng 1. Giao Sở Tài chính và Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (cấp huyện): xem xét, phê duyệt phương án tính giá cho thuê hoặc giao quyền sử dụng điểm kinh doanh và phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh đối với chợ hạng 2 và 3.

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (cấp xã):

a) Quản lý và phối hợp với các cơ quan cấp trên quản lý các chợ trên địa bàn;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, giải thích, vận động thương nhân kinh doanh tại chợ trong các trường hợp có chủ trương thực hiện quy hoạch, phát triển chợ (đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa chợ, …) nhằm tránh việc khiếu kiện có thể xảy ra;

c) Xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chợ do Ban quản lý chợ chuyển giao. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị