THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2018 |
DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quy định một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu sau:
Ranh giới lập Quy hoạch vùng tỉnh Gia Lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99 km2, bao gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện K’Bang, Đak Đoa, Chư Păh, la Grai, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, la Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, ranh giới được xác định như sau:
- Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên;
- Phía Tây giáp Campuchia;
- Phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk;
- Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum.
a) Mục tiêu
- Xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
- Cụ thể hóa các mục tiêu quy hoạch của Quốc gia, vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với mục tiêu ổn định đất đai - dân tộc - tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
- Tổ chức phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí và tài nguyên thiên nhiên, tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như:
+ Nông - Lâm nghiệp: Mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc vùng kinh tế Đông Trường Sơn; phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, cà phê…, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu tại vùng kinh tế Tây Trường Sơn;
+ Phát triển vùng công nghiệp tập trung; duy trì khai thác các công trình thủy điện có hiệu quả cao, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đặc biệt là bảo vệ rừng và nguồn nước của hệ thống hồ, sông, suối;
+ Phát triển thương mại - dịch vụ tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê; vùng trao đổi thương mại và kinh tế, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
- Xác định không gian hạ tầng các khu chức năng đặc thù như: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - lịch sử nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch đồng thời bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hóa - lịch sử.
- Bổ sung phát triển hợp lý mô hình hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên toàn tỉnh, trong đó tập trung phát triển đô thị tại thành phố Pleiku và thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê, tạo sự liên kết chặt chẽ thúc đẩy phát triển ổn định lâu dài.
- Định hướng cho việc lập các quy hoạch chuyên ngành, các khu chức năng trên phạm vi toàn tỉnh. Xác định những dự án, chương trình ưu tiên đầu tư tạo động lực phát triển vùng;
- Xác định khoanh vùng các khu vực cấm xây dựng, các vùng bảo tồn.
b) Tính chất:
- Là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia;
- Là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên;
- Là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, vùng đệm an toàn cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực Tây Nguyên;
- Là trung tâm lễ hội văn hóa của vùng Bắc Tây Nguyên, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng;
- Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Quốc gia.
3. Sơ bộ dự báo quy mô dân số và đất đai
a) Về dân số:
- Đến năm 2025 dân số toàn tỉnh khoảng 1.580.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%.
- Đến năm 2035, dân số khoảng 1.850.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
- Dự báo khách du lịch: Đến năm 2025 khoảng 750.000 lượt khách, đến năm 2035 khoảng 3.000.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng của khách du lịch bình quân 15 - 18%/năm.
b) Về đất đai:
- Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 10.200 - 10.500 ha, đến năm 2035 khoảng 12.000 - 13.500 ha, đến năm 2050 là 15.500 - 16.500 ha.
(Các dự báo về quy mô dân số, đất đai sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch).
a) Vị thế mối quan hệ vùng:
- Nghiên cứu tác động ngoại vùng: Xác định các ngành, lĩnh vực có tác động đối với vai trò và vị thế của tỉnh Gia Lai trong mối quan hệ vùng quốc tế, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới Việt Nam, Campuchia, vùng duyên hải Nam Trung bộ trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia;
- Nghiên cứu tác động nội vùng: Ảnh hưởng từ các không gian chức năng chính của vùng tỉnh Gia Lai như: Hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai; các khu công nghiệp tập trung; khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, sân bay Pleiku, các cụm công nghiệp; các di sản tự nhiên, văn hóa.
b) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và môi trường:
- Đánh giá đặc điểm tự nhiên. Đánh giá các tai biến thiên nhiên (nếu có), tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai.
- Đánh giá tiềm năng về quỹ đất xây dựng, phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng dựa trên những phân tích, đánh giá ảnh hưởng tiêu cực, tích cực của điều kiện tự nhiên.
- Xác định các khu vực có tiềm năng về quỹ đất xây dựng, có thể khai thác xây dựng các khu chức năng, đầu mối hạ tầng cơ sở, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, ngành, lĩnh vực.
c) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển vùng: Hiện trạng về kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của vùng.
- Đánh giá các công trình và dự án năng lượng thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Phân tích tác động tích cực, tiêu cực đến phát triển Kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái của vùng tỉnh Gia Lai. Đặc biệt là tác động của các dự án năng lượng đến vai trò “Phòng hộ đầu nguồn, vùng đệm an toàn cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực Tây Nguyên của tỉnh”.
- Đánh giá tổng quan các tiềm năng và nguồn lực phát triển; những tồn tại và bất cập trong phát triển vùng; đánh giá các vấn đề về hiện trạng và bổ sung các nội dung phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai.
- Phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với các yếu tố mang tính đặc thù của vùng nhằm phát triển thế mạnh của khu vực (SWOT).
d) Đánh giá kết quả thực hiện các đồ án quy hoạch kinh tế - xã hội, các quy hoạch chuyên ngành, các quy hoạch đang có hiệu lực của tỉnh Gia Lai. Đánh giá các quy hoạch chuyên ngành về đô thị, nông thôn, hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật..., nêu các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch.
đ) Xác định tầm nhìn và các mục tiêu phát triển vùng: Xác định bối cảnh phát triển tương lai vùng quốc tế, vùng quốc gia, vùng biên giới Việt Nam- Campuchia, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ; xác định vai trò vị thế của vùng tỉnh Gia Lai trong các mối quan hệ vùng; xác định mục tiêu phát triển, tốc độ đô thị hóa vùng; xác định các tiềm năng, tính chất và động lực phát triển vùng.
e) Dự báo phát triển kinh tế, quy mô dân số, lao động, nhu cầu về đất đai, tỷ lệ đô thị hóa (đến năm 2025 và năm 2035, tầm nhìn đến 2050); xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật theo mục tiêu phát triển của tỉnh Gia Lai.
g) Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh:
- Đề xuất phát triển không gian vùng tỉnh Gia Lai phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên.
- Đề xuất phân bố các vùng công nghiệp; phân bố các vùng du lịch - vùng cảnh quan - vùng bảo tồn thiên nhiên; phân bố các vùng nông - lâm nghiệp - thủy sản; đề xuất phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và thương mại dịch vụ như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - TDTT, thương mại - dịch vụ.
- Đề xuất khung phát triển vùng, phân bố các vùng kinh tế động lực, như: Vùng đô thị, vùng công nghiệp tập trung, vùng du lịch sinh thái, vùng nông - lâm nghiệp chủ đạo; Đề xuất hình thành các khu trọng điểm về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử; công nghiệp chế biến nông - lâm sản, vùng nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên, tài nguyên của vùng và quốc gia, đáp ứng với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Xác định quy mô các khu vực bảo tồn, bảo vệ rừng, nguồn nước, đa dạng sinh học, môi trường cảnh quan.
- Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn; xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với định hướng phát triển đô thị toàn quốc, vùng Tây Nguyên, dự báo kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đồng thời phù hợp điều kiện thực tế, tiềm lực của tỉnh và các quy định hiện hành về phát triển đô thị.
+ Đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, danh mục các đô thị nâng cấp mở rộng, đô thị mới, dự kiến phân loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển; các đô thị động lực tiểu vùng; các đô thị chuyên ngành gắn với vùng du lịch sinh thái, vùng công nghiệp. Xác định sơ bộ hướng phát triển không gian các thành phố, huyện thị trong vùng, các trục kinh tế - đô thị chủ đạo, đô thị trung tâm cấp vùng và tiểu vùng, các đô thị chuyên ngành gắn với việc bảo vệ tài nguyên rừng của Quốc gia, đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị - nông thôn.
+ Tập trung nghiên cứu sâu về quy hoạch xây dựng thành phố Pleiku và vùng phụ cận trong đó thành phố Pleiku là một trong những đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia, đây là động lực quan trọng để phát triển tỉnh Gia Lai.
- Nghiên cứu xác định, định hướng phát triển khu vực nông thôn: phát triển dân cư nông thôn gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa. Gắn phát triển nông thôn với quá trình đô thị hóa, tạo động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; Kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực du lịch, thương mại tập trung.
h) Định hướng phân bố và xác định quy mô mạng lưới công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gồm: Trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao có quy mô lớn, mang ý nghĩa vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng; khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị cấp vùng và quốc gia. Đối với vùng chức năng đặc thù phải xác định các trung tâm chuyên ngành theo chức năng đặc thù. Đối với vùng dọc các hành lang kinh tế Quốc tế, hành lang kinh tế liên tỉnh, phải xác định hệ thống các trung tâm công cộng dọc tuyến.
Bố trí các trung tâm đào tạo cấp vùng; Trung tâm du lịch cấp quốc gia.
Đề xuất các vùng hoặc khu du lịch, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ các vùng tự nhiên.
i) Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh:
- Giao thông:
Xác định khung giao thông, các công trình đầu mối giao thông toàn vùng tỉnh, nối kết giữa các đô thị và các khu vực đầu tư trọng điểm trong tỉnh, nối kết vùng với đầu mối giao thông quốc gia trên cơ sở đẩy mạnh liên kết giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh lân cận; Đề xuất quy mô và tuyến các trục hành lang giao thông quốc tế, quốc gia, giao thông nội tỉnh để tăng hiệu quả khai thác quỹ đất mới tại các vùng huyện, kết nối khu kinh tế cửa khẩu (Lệ Thanh), các khu công nghiệp với các trung tâm đô thị của tỉnh. Đề xuất phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng tỉnh Gia Lai với các đô thị quan trọng vùng Tây Nguyên, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia trên cơ sở các tuyến giao thông chính như Quốc lộ 14, 19, 25; đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, sân bay Pleiku... Đề xuất mạng lưới giao thông đối ngoại bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt.
- Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:
Xác định các giải pháp khai thác quỹ đất thuận lợi xây dựng và cảnh báo khai thác quỹ đất các vùng địa chất tự nhiên không thuận lợi. Giải pháp tạo quỹ đất xây dựng các vùng đô thị hóa, công nghiệp tập trung; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các giải pháp chống ngập lụt, tai biến địa chất... kết hợp với hệ thống thủy lợi, tiêu thoát lũ của vùng. Phân tích, đánh giá về địa hình, các biến đổi khí hậu, các biến động địa chất: Động đất, sụt lún, trượt, xói lở núi, sông, suối, cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng. Các giải pháp về san nền, thoát nước, phòng chống và xử lý các biến động địa chất, ngập lụt. Xác định cao độ nền của các đô thị. Lưu ý lồng ghép với các kịch bản biến đổi khí hậu. Xác định lưu vực, hướng thoát nước chính. Cập nhập quy hoạch thủy lợi của vùng nghiên cứu.
- Cấp nước:
Xác định trữ lượng nguồn nước trong vùng; Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn áp dụng; Dự báo tổng hợp các nhu cầu dùng nước; Các giải pháp cấp nước; Xác định quy mô các công trình đầu mối; Các giải pháp về bảo vệ nguồn nước. Nghiên cứu các giải pháp cấp nước phù hợp với đặc điểm đặc trưng của vùng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
- Cấp điện:
Xác định nhu cầu sử dụng điện toàn tỉnh, đề xuất giải pháp bố trí các công trình đầu mối cấp điện, mạng lưới các tuyến điện cao thế; nghiên cứu đề xuất các nguồn năng lượng tự nhiên khác.
- Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn (CRT), nghĩa trang:
Xác định các chỉ tiêu, nhu cầu nước thải, chất thải rắn, đất nghĩa trang theo loại đô thị; dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang; các giải pháp chính thoát nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang.
k) Đánh giá môi trường chiến lược
Xác định những vấn đề môi trường có phạm vi tác động lớn; phân tích, đánh giá hiện trạng nguồn gây ô nhiễm lớn, các vùng bị suy thoái môi trường, các vùng sinh thái cảnh quan; dự báo xu thế các vấn đề môi trường do tác động của việc lập và thực hiện quy hoạch; định hướng phân vùng bảo vệ môi trường; chiến lược bảo vệ môi trường; khoanh vùng các khu vực cần bảo vệ nguồn nước, các khu vực cần cách ly như bãi rác, nghĩa trang... Nêu các giải pháp tổng thể và cơ chế quản lý nhằm kiểm soát, giảm thiểu và xử lý các tác động có hại đến môi trường. Nghiên cứu lồng ghép về đánh giá môi trường chiến lược vào công tác quy hoạch không gian vùng.
l) Các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển vùng.
- Đề xuất Chương trình phát triển hệ thống đô thị, Chương trình định canh định cư, sắp xếp lại dân cư khu vực vùng sạt lở, vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới, Chương trình cung cấp nước sạch đô thị - nông thôn, Chương trình thoát nước đô thị, Chương trình trồng rừng và phát triển rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng cảnh quan, vườn quốc gia. Các dự án Phát triển đô thị; các khu thương mại dịch vụ; các dự án khu du lịch sinh thái.
- Các chương trình kết cấu hạ tầng: Phát triển các tuyến đường tỉnh liên vùng kết nối đường quốc gia; nâng cấp hệ thống giao thông tăng tính kết nối các đô thị trung tâm và vùng nông thôn, nâng cấp các tuyến đường trục liên kết đô thị trung tâm vùng, tiểu vùng với QL, đường tỉnh và vùng phụ cận ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc liên kết vùng; Xây dựng mạng lưới cung cấp năng lượng toàn vùng; Phát triển hệ thống cấp nước toàn vùng.
- Các chương trình nâng cao chất lượng sống bảo vệ môi trường: Phát triển không gian đô thị vùng trung tâm và các tiểu vùng; phát triển các công trình dịch vụ công cộng cấp quốc gia và vùng; các chương trình kiểm soát bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn nước; các chương trình phát triển các vùng du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái; Chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và các khu công nghiệp tập trung...
m) Các yêu cầu quản lý xây dựng vùng: Đề xuất các cơ chế ưu đãi khuyến khích; về quản lý nhà nước; lập kế hoạch triển khai quy hoạch vùng; lập quy chế quản lý vùng.
n) Các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch: Giải pháp về huy động nguồn vốn; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng tỉnh Gia Lai và các địa phương vùng Tây Nguyên, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia; đề xuất tổ chức thực hiện.
Thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và các văn bản pháp lý có liên quan.
6. Tiến độ thực hiện: 15 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ,
- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp cùng với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Công văn 4074/VPCP-CN năm 2018 về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 378/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
- 3 Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 2076/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 1924/TTg-CN năm 2017 về chủ trương lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 7 Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 8 Luật Xây dựng 2014
- 1 Công văn 1924/TTg-CN năm 2017 về chủ trương lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 2076/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 4074/VPCP-CN năm 2018 về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 378/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050