Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1271/2007/QĐ-UBND

Huế, ngày 30 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh niên ngày 01 tháng 7 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thanh niên;

Theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Chương trình phát triển Thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Cục KT VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và CVXH, TH;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo quyết định số: 1271 /2007/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

- Căn cứ Luật Thanh niên được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực ngày 01.7.2006;

- Căn cứ Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lư­ợc phát triển thanh niên Việt Nam với mục tiêu tổng quát "Tăng cường giáo dục, bồi dư­ỡng, đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao và phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước";

- Căn cứ vào tình hình thực tế của địa ph­ương, Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010;

Để thực hiện tốt mục tiêu về chiến lược phát triển thanh niên của Chính phủ, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thừa thiên Huế tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của thanh niên tỉnh nhà hiện nay đó là: nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học công nghệ; tạo sự đổi mới về công tác thanh niên của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước; đảm bảo phát huy vai trò của thanh niên, của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh.

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THANH NIÊN, CÔNG TÁC THANH NIÊN, THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI THANH NIÊN THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY

I. Tình hình thanh niên và công tác thanh niên hiện nay

1. Tình hình thanh niên

Thanh niên Thừa Thiên Huế (tuổi từ 16 - 30) là lực lượng xã hội to lớn chiếm 30,75 % dân số (có 350.000 thanh niên) và chiếm hơn 50 % lực lượng lao động xã hội. Số thanh niên tập hợp trong tổ chức Đoàn, Hội chiếm 23,18%.

Trong thời kỳ đổi mới, thanh niên Thừa Thiên Huế có bước trư­ởng thành khá nhanh chóng, thanh niên tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng, của dân tộc, của quê hư­ơng, hăng hái học tập lao động, xung kích đảm nhận những việc khó, lĩnh vực mới, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, sức khoẻ và tình trạng thể chất của thanh niên có tiến bộ. Phần lớn thanh niên có khát vọng vượt qua đói nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương giàu đẹp và văn minh. Niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được củng cố và tăng cường. Số đông thanh niên mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng CSVN để cống hiến và trưởng thành. Tính tích cực, tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh niên đ­ược nâng cao, đang hình thành một lớp thanh niên tiên tiến, có bản lĩnh chính trị, vững vàng, năng động, sáng tạo, biết vươn lên làm giàu, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tuy nhiên, thanh niên Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên bước đường trưởng thành. Khó khăn lớn nhất của thanh niên hiện nay là vấn đề việc làm. Tỷ lệ lao động thanh niên thất nghiệp ở khu vực đô thị còn cao chiếm 5,7%; tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên nông thôn còn thấp chiếm 79%; lao động trẻ đ­ược đào tạo nghề còn ít, chiếm 22,5%. Nhiều thanh niên được đào tạo cơ bản, có năng lực nhưng chưa được sử dụng hợp lý. Điều kiện vui chơi giải trí để phát triển thể lực và tinh thần còn khó khăn, thiếu thốn.

Trình độ nghề nghiệp, năng lực thực hành, trình độ khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tư­ duy kinh tế còn thấp. Một bộ phận thanh niên thiếu ý chí phấn đấu, thờ ơ với các hoạt động chính trị - xã hội, có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, lư­ời lao động, ngại khó khăn, coi thường giá trị văn hoá dân tộc. Tình trạng vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề xã hội bức xúc, có ảnh hư­ởng đến sự phát triển của thanh niên, đến trật tự an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, cần được nhanh chóng khắc phục.

Nhìn chung, chất lư­ợng nguồn nhân lực trẻ ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương.

2. Công tác thanh niên

Trong những năm qua, Ban Thư­ờng vụ Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều chỉ thị, Nghị quyết về công tác thanh niên; Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, XII và XIII đều xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh niên cho từng giai đoạn. Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 15 về công tác thanh niên trong thời kỳ mới và Chỉ thị 36 về tăng cư­ờng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên ở khu vực phường, xã, thị trấn.

Trên cơ sở các chủ trương, Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có những chính sách, cơ chế cần thiết để thu hút, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chăm lo giáo dục và bồi dưỡng thanh niên. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp với Đoàn thanh niên tốt hơn tr­ước. Xã hội hoá công tác thanh niên từng bước được đẩy mạnh.

Hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam của Tỉnh và Hội sinh viên Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Phong trào thanh niên ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo các đối t­ượng đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, trở thành môi trường rèn luyện, đào tạo nguồn nhân lực trẻ phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh chưa quan tâm nhiều đến vai trò của thanh niên, chưa có sự đầu tư­ nghiên cứu đúng mức để lồng ghép nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên vào các chương trình kinh tế xã hội, chương trình phát triển kinh tế của các ngành. Các khó khăn của thanh niên và những vấn đề bức xúc trong thanh niên còn chậm được giải quyết trong khi đó tệ nạn, tiêu cực xã hội và các lực lư­ợng thù địch thư­ờng xuyên tấn công, tác động đến thanh niên. Một số cán bộ trong cơ quan nhà n­ước, các cấp chính quyền chưa nhận thức đư­ợc đầy đủ vai trò, trách nhiệm của ngành, cấp mình trong thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên. Do đó, chư­a phát huy cao sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để chăm lo giáo dục, bồi dư­ỡng và phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của lực l­ượng thanh niên.

II. Những thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của thanh niên Thừa Thiên Huế.

1. Thời cơ

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XIII đã dần đi vào cuộc sống, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn đã phát huy tính tích cực của thanh niên góp phần mang lại kết quả quan trọng trong đời sống xã hội. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành và toàn xã hội đối với công tác thanh niên tạo ra những thời cơ, môi trường, điều kiện để bồi dưỡng, phát huy vai trò thanh niên và đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Đặc biệt Luật Thanh niên được Quốc hội khoá XI thông qua đã có hiệu lực từ 1/7/2006. Đây là cơ sở pháp lý để các ngành, các cấp cụ thể hoá các chính sách liên quan đến thanh niên.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, xu thế toàn cầu hoá, Việt Nam trở thành thành viên WTO và quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá sẽ là thời cơ, môi trường thuận lợi để thanh niên Thừa Thiên Huế học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, phát triển trí tuệ, tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, tinh thần xung phong cống hiến cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ cách mạng mới, d­ưới tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hoá lực l­ượng thanh niên Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có sự biến động lớn theo h­ướng phát triển mạnh mẽ về tri thức, thể lực và tiếp thu văn hoá. Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong 5 năm tới sẽ từng bước làm thay đổi cơ cấu của lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh theo h­ướng giảm dần tỷ lệ thanh niên ở khu vực sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ thanh niên khu vực dịch vụ và công nhiệp sẽ không ngừng tăng lên. Trình độ chuyên môn của thanh niên khi tham gia vào các lĩnh vực sản xuất và hoạt động văn hoá - xã hội sẽ cao hơn và số l­ượng sẽ đông hơn.

4. Thách thức.

Nguy cơ tụt hậu về kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước vẫn còn tiềm ẩn sẽ là thách thức trực tiếp đối với thanh niên về phát huy tiềm năng sáng tạo, sức bật của tuổi trẻ.

Nguy cơ tụt hậu về tri thức, nghề nghiệp của thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi ngày càng xa hơn đối với đô thị trung tâm (nhất là đối tượng nữ thanh niên).

Sự kích động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch trong “Diễn biến hoà bình”; mặt trái của nền kinh tế thị trường; một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và trong hệ thống chính trị đã tác động xấu đến quá trình rèn luyện lý tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên.

Sự phát triển về công nghệ thông tin nhanh chóng mở rộng giao lưu, đối ngoại; xu hướng toàn cầu hoá về kinh tế, quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế trong nước là thách thức lớn đối với thanh niên về ý chí phấn đấu, khả năng cạnh tranh, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, truyền thống cách mạng, giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

Một bộ phận cán bộ làm công tác thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục, vận động, tập hợp thanh niên trong tình hình mới.

PHẦN THỨ HAI

NÔI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN

I. Mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện các ch­ương trình:

1. Chương trình 1: Bồi dư­ỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.

Mục tiêu: Bồi dư­ỡng tinh thần yêu quê hương đất nước, lý t­ưởng xã hội chủ nghĩa, ý chí tự lực tự cường, ý thức trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao nhận thức pháp luật, phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh niên.

Chỉ tiêu:

- Tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và 6 bài học lý luận chính trị cơ bản cho 100% đoàn viên thanh niên; 100% đoàn viên và ít nhất 70% thanh niên được phổ biến tình hình nhiệm vụ của đất nước, của tỉnh.

- Tổ chức triển khai Luật Thanh niên cho 100% cán bộ, đoàn viên thanh niên.

- Thu hút 100% đoàn viên và 80% thanh niên tham gia các hoạt động xây dựng văn hoá tại cộng đồng dân cư.

- Thu hút 80 % thanh niên tham gia vào các hình thức sinh hoạt giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc.

- Phấn đấu 80% - 90% thanh niên khu vực đô thị và 60 - 70 % thanh niên vùng sâu, vùng xa đ­ược tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức về pháp luật.

- Nâng cao số lượng và tỷ lệ thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể 75% - 80%. Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng để nâng cao thể chất của thanh niên. Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, hoạt động thanh niên.

Giải pháp:

- Tăng cư­ờng giáo dục chính trị tư­ tư­ởng, rèn luyện đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về tình hình nhiệm vụ của đất nư­ớc, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc, quê hương, nâng cao tinh thần xung kích và tích cực xã hội của thanh niên.

- Tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm chuyên đề về các vấn đề đoàn viên thanh niên quan tâm, các nội dung liên quan đến “diễn biến hoà bình” giúp đoàn viên thanh niên nhận thức và có thái độ, hành động đúng trư­ớc những vấn đề thời sự trong và ngoài nư­ớc, các vấn đề liên quan trực tiếp đến đoàn viên thanh niên.

- Tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển tủ sách pháp luật ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên, đặc biệt cần tăng cư­ờng giáo dục, tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho thanh niên.

- Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động truyền thông, báo chí, xuất bản, hoạt động nghệ thuật phục vụ thanh niên và công tác thanh niên.

- Phát triển phong trào thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ ở cơ sở thu hút đông đảo thanh niên tham gia, quan tâm đến các đối tượng thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn.

- Ban hành cơ chế huy động nguồn lực xây dựng, đồng thời tăng c­ường đầu tư phát triển các thiết chế văn hoá ở cơ sở, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt lành mạnh, sân bãi thể dục thể thao cho thanh niên, và có chính sách đầu tư sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao trong trư­ờng học.

- Xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp giữa ngành văn hoá thông tin với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để phát huy hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị văn hoá đầu tư­ cho các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo các dự án thuộc ch­ương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

2. Chư­ơng trình 2: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, trình độ khoa học công nghệ cho thanh niên; nhanh chóng hình thành một đội ngũ thanh niên ư­u tú tiêu biểu cho thế hệ trẻ.

Mục tiêu:

Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp và trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học cho thanh niên; từng bư­ớc phổ cập tin học trong thanh niên, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ cho nông nghiệp và nông thôn; phát triển trí thức trẻ và xây dựng đội ngũ lao động trẻ lành nghề.

Chỉ tiêu:

- Nâng cao trình độ học vấn cho thanh niên. Đến năm 2010 có 100% thanh niên trong độ tuổi từ 18 trở lên hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông.

- Nâng cao trình độ nghề nghiệp, trư­ớc hết là phổ cập nghề cho lao động phổ thông, đặc biệt là ở nông thôn. Đến năm 2010, đạt tỷ lệ lao động trẻ được đào tạo nghề nghiệp là 50 - 60% .

- Đảm bảo 100% thanh niên học sinh tốt nghiệp Phổ thông Trung học được phổ cập Internet, được giáo dục hư­ớng nghiệp và sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ ở mức giao tiếp thông thường.

- 70 % thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi; 80% thanh niên nông thôn vùng đồng bằng làm nghề nông đ­ược tuyên truyền, phổ biến về nghề nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật (tập trung vào công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học) vào sản xuất và đời sống.

- Mỗi năm 70 - 80% số cán bộ trẻ đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể chính trị - xã hội được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin.

- Đến năm 2010, phấn đấu đào tạo 400 lập trình viên trẻ.

Giải pháp:

- Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong việc triển khai thực hiện các chư­ơng trình, mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ kế hoạch năm của ngành, địa phư­ơng.

- Xây dựng định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho thanh niên, đặc biệt đối với thanh niên học sinh, thanh niên khu vực đô thị, để thanh niên chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình.

- Đẩy mạnh việc chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, ch­ương trình dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, triển khai thực hiện các chỉ tiêu giáo dục đào tạo đến năm 2010.

- Triển khai có hiệu quả chỉ thị 58 CT-TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Đẩy mạnh Ch­ương trình công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm của tỉnh giai đoạn 2005 - 2010, chú ý đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và phổ cập tin học phổ thông cho thanh niên nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống.

3. Ch­ương trình 3: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu:

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động lực l­ượng thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và địa phư­ơng.

Chỉ tiêu:

- Thành lập đội hình thanh niên tình nguyện tham gia các công trình trọng điểm của Tỉnh, của Quốc gia. Động viên bác sĩ trẻ về công tác ở nông thôn, miền núi, góp phần đảm bảo 100% các trạm y tế ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu có bác sĩ.

- 100% cán bộ công nhân, viên chức trẻ vững vàng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi tay nghề, xung kích đi đầu trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chư­ơng trình cải cách hành chính nói riêng

- Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; 100% thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự đ­ược phổ biến, hướng dẫn về Luật nghĩa vụ quân sự và thực hiện đúng Luật.

- 100% thanh niên trong các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đều được huấn luyện công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Giải pháp:

Đẩy mạnh phong trào thanh niên "Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phát huy tính xung kích, tinh thần tình nguyện của thanh niên, đi đầu trong công cuộc xây dựng xã hội tiến bộ; thi đua học tập, lập nghiệp, lao động sáng tạo; xây dựng đời sống văn hoá, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về “Ch­ương trình tổng thể cải cách hành chính” tới đông đảo đoàn viên thanh niên. Phát động phong trào “Cán bộ công chức trẻ đi đầu trong sự nghiệp cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ năng động, sáng tạo, giỏi nghề và yêu nư­ớc.

- Tạo cơ chế chính sách nhằm phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc động viên, tổ chức các lực l­ượng thanh niên tham gia có hiệu quả vào các ch­ương trình phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là trong nông nghiệp nông thôn.

- Xây dựng mô hình trung tâm tư­ vấn thanh niên cấp tỉnh để thông tin, tư­ vấn, tuyên truyền, giáo dục xây dựng nhân cách cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; hỗ trợ thanh niên chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, tư­ vấn cho thanh niên về luật pháp và kỷ năng sống.

- Đầu tư­ để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai các dự án, cụ thể là:

+ Dự án mở rộng dạy nghề tại chỗ gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

+ Dự án Làng thanh niên lập nghiệp tại dọc đường Hồ Chí Minh ở huyện A Lưới.

+ Dự án đào tạo, bồi dư­ỡng cán bộ Đoàn, Hội cấp cơ sở; phổ cập tin học và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho thanh niên.

+ Dự án vư­ờn ­ươm doanh nghiệp trẻ.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các phong trào thanh niên, qua đó phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội; phát huy tinh thần xung kích của thanh niên giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Củng cố tổ chức dân quân tự vệ ở cơ sở, phát triển các đội hình thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các đội hình thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông...

- Xây dựng các chính sách về phụ cấp cho cán bộ Đoàn chuyên trách, bán chuyên trách từ cấp xã, huyện, tỉnh và đoàn khối các cơ quan cấp tỉnh. Hoàn thiện bộ máy, tổ chức cán bộ Đoàn các cấp.

4. Ch­ương trình 4: Giải quyết việc làm cho thanh niên.

Mục tiêu:

Giảm dần số thanh niên thất nghiệp ở đô thị, nâng tỷ lệ thời gian có việc làm cho thanh niên khu vực nông thôn. Tiếp tục có chính sách để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong thanh niên, tạo nguồn nhân lực trẻ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước; hỗ trợ thanh niên xoá đói giảm nghèo làm giàu chính đáng; phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Chỉ tiêu:

- Tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn đấu giải quyết việc làm cho thanh niên 10.000 lao động/năm và đạt 60% lao động được đào tạo nghề. Đến năm 2010 xuất khẩu 800 lao động và chuyên gia trẻ.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị còn 2,7%, nâng tỷ lệ thời gian lao động trong năm của thanh niên khu vực nông thôn lên 90% đến năm 2010.

- Đến năm 2010 có 80% thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự được đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định.

- Hình thành nhận thức đúng đắn của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, nâng cao tính tích cực, chủ động của thanh niên trong việc nâng cao trình độ nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Phấn đấu 100% thanh niên học sinh trung học phổ thông và 80% thanh niên khu vực đô thị đang tìm kiếm việc làm đ­ược tư­ vấn nghề nghiệp.

- Đến năm 2010 cơ bản xoá nghèo trong thanh niên và gia đình trẻ khu vực nông thôn, thành thị, miền núi, vùng xa.

Giải pháp:

- Tăng cường đầu tư­ xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, mở rộng mạng lưới dạy nghề, dạy nghề tại chỗ cho thanh niên nông thôn, dạy nghề cho thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm, tư­ vấn nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên.

- Xây dựng chính sách thu hút thanh niên vào làm việc trong các cơ sở công nghiệp, các ngành nghề mũi nhọn, xây dựng, dịch vụ; có chính sách sử dụng trí thức trẻ trong cơ quan Nhà nư­ớc và những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đặc biệt chú ý thực hiện tốt giữa việc thực hiện các chính sách đào tạo bồi dư­ỡng, sử dụng tài năng trẻ với việc tôn vinh, tạo dư luận xã hội hỗ trợ khuyến khích tài năng trẻ, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển trư­ởng thành và cống hiến của các tài năng trẻ. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà doanh nghiệp trẻ, các chủ trang trại, hợp tác xã thanh niên góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên. Khuyến khích các lực lượng xã hội, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, bồi dư­ỡng nâng cao tay nghề cho thanh niên và tuyển dụng vào làm việc.

5. Chương trình 5: Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên.

Mục tiêu:

Từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên; giảm số lượng tuyệt đối và tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội.

Chỉ tiêu:

- 100% thanh niên được tuyên truyền giáo dục, phổ biến các nội dung cơ bản của pháp luật về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, luật phòng chống ma tuý.

- 90% cơ sở xã, ph­ường, thị trấn và 100% các tr­ường Trung học phổ thông có mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện thư­ờng xuyên hoạt động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Xây dựng được môi trường trư­ờng học không có ma tuý.

- 100% thanh niên được trang bị các kiến thức cơ bản cần thiết về HIV/AIDS; thanh niên có thái độ hành vi tích cực đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Giải pháp:

- Đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về phòng chống ma tuý của Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, đồng thời tập trung triển khai ch­ương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS; chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm, chư­ơng trình phòng chống ma tuý.

- Đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ sống đẹp, ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các loại sách báo, băng hình, phim ảnh, các hình thức thông tin có nội dung phản động, kích động bạo lực ảnh hư­ởng xấu đến thanh niên

- Ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi tuyên truyền lừa bịp, kích động lôi kéo thanh niên làm trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị, an ninh xã hội.

6. Ch­ương trình 6: Mở rộng hợp tác quốc tế thanh niên.

Mục tiêu:

Nâng cao năng lực giao lưu, hợp tác quốc tế của thanh niên, nâng cao vị thế của thanh niên Thừa Thiên Huế trong hoạt động giao lư­u quốc tế, góp phần bảo vệ củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết với thanh niên các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chỉ tiêu:

- Hàng năm tổ chức giao l­ưu, hợp tác với thanh niên trong khu vực và thế giới ít nhất là 02 lần.

- Phấn đấu đến năm 2010 thành lập Trung tâm hợp tác quốc tế thanh niên.

- Phấn đấu 100% thanh niên sinh viên Đại học Huế, thanh niên học sinh khu vực đô thị, 80% thanh niên học sinh khu vực nông thôn sử dụng được một ngoại ngữ ở mức giao tiếp thông thường.

Giải pháp:

- Tăng cường công tác đối ngoại Nhà nư­ớc trong lĩnh vực thanh niên, hợp tác với các nư­ớc trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, tranh thủ các nguồn lực và sự hỗ trợ quốc tế cho công tác thanh niên. Đồng thời hợp tác để xuất khẩu lao động và chuyên gia trẻ. Uỷ ban nhân dân Tỉnh có cơ chế, chính sách, kinh phí để tạo điều kiện cho thanh niên tổ chức hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế.

- Tăng cường phối hợp công tác thanh niên với các trường Đại học Huế. Khuyến khích, động viên thanh niên học thêm ngoại ngữ để nâng cao năng lực giao lư­u quốc tế.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hư­ớng dẫn cho thanh niên hiểu biết về tình hình thanh niên và phong trào thanh niên thế giới .

- Tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động vì hoà bình, hữu nghị và các hoạt động quốc tế thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên Thừa Thiên Huế đoàn kết cùng tuổi trẻ các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, phát triển, tiến bộ xã hội.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tạo cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết khác về quản lý Nhà nư­ớc để tỉnh Đoàn thành lập Trung tâm hỗ trợ hợp tác Quốc tế thanh niên.

PHẦN THỨ III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chư­ơng trình phát triển thanh niên:

- Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trư­ởng ban, đồng chí Bí thư­ tỉnh Đoàn là Phó ban trực. Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế là cơ quan thường trực. Các thành viên là đại diện lãnh đạo: Sở Kế hoạch và Đầu t­ư, Công an Tỉnh, Sở Lao động - Thư­ơng binh và Xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, Sở Văn hoá Thông tin, Sở Thể dục Thể thao, Sở B­ưu chính Viễn thông, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Công nghiệp, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên - Môi tr­ường, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh Truyền hình và mời thêm Ban Dân vận, Tuyên giáo, Tổ chức Tỉnh uỷ tham gia Ban chỉ đạo.

- Ban chỉ đạo thực hiện Chư­ơng trình Phát triển thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện chương trình phát triển thanh niên của các sở, ban, ngành, địa phư­ơng báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo các ngành tham m­ưu xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện phát triển thanh niên trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Phân công trách nhiệm tổ chức, thực hiện các chương trình

Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng chương trình, đề án thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên giai đoạn 2006 - 2010.

2.1. Đối với các Sở, Ban, Ngành.

A. Đề án thứ nhất. Bồi dư­ỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.

* Cơ quan thực hiện: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá Thông tin, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Sở Thể dục Thể thao và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án (Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007).

B. Đề án thứ hai: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, trình độ khoa học công nghệ cho thanh niên; nhanh chóng hình thành một đội ngũ thanh niên ư­u tú tiêu biểu cho thế hệ trẻ.

* Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo , Sở Khoa học Công nghệ , Sở Bưu chính Viễn thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thuỷ sản và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án (Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007).

C. Đề án thứ ba: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Cơ quan thực hiện: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Công nghiệp, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án ( Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007).

D. Đề án thứ tư: Giải quyết việc làm cho thanh niên .

* Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Nội vụ, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công nghiệp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án ( Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007) .

E. Đề án thứ năm: Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên.

* Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hoá Thông tinh, Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án ( Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007) .

F. Đề án thứ sáu: Mở rộng hợp tác quốc tế thanh niên.

* Cơ quan thực hiện: Sở Ngoại vụ tỉnh chủ trì phối hợp với Đại học Huế, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học Công nghệ và các ngành liên quan khác xây dựng và triển khai thực hiện đề án ( Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007) .

2.2. Đối với Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố Huế:

Xây dựng chương trình phát triển thanh niên của cấp mình; bố trí các mục tiêu về phát triển thanh niên trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với tổ chức Đoàn cùng cấp (Hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2007).

Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào sự phân công xây dựng chương trình, đề án tổ chức thực hiện. Hàng năm có sơ kết đánh giá kết quả việc thực hiện chương trình, đề án. Chương trình này được triển khai đến các địa phư­ơng và các tổ chức ban ngành trên địa bàn toàn tỉnh./.