Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1285/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;

Căn cứ Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 của Bộ Công Thương Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Căn cứ Thông tư số 39/2012/TT-BCT ngày 20/12/2012 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2013/NQ-HĐND ngày 18/9/2013 về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại nội dung Tờ trình số ……./TTr-SCT ngày …/…/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu được tiến hành trên nguyên tắc xác định rượu là hàng hóa hạn chế kinh doanh, không khuyến khích tiêu dùng. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ sự phát triển và phân bố của mạng lưới kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tập quán văn hóa truyền thống để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

b) Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu đảm bảo cho hoạt động kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh mang tính hệ thống, đồng bộ từ khâu sản xuất đến kinh doanh.

c) Phát triển lực lượng thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng và tuân thủ các điều kiện, quy định của Nhà nước về kinh doanh sản phẩm rượu. Trong đó, chú trọng phát triển các thương nhân có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát:

Từng bước xây dựng, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu hợp lý nhằm hình thành một hệ thống các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu chuyên nghiệp, có năng lực, có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên từng địa bàn trong tỉnh; hạn chế kinh doanh tự phát, kinh doanh không có giấy phép; kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa; kiểm soát và hạn chế việc kinh doanh rượu nhập lậu; kiểm soát việc sử dụng rượu để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2015:

+ Đảm bảo 100% cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

+ Số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 2.886 giấy phép vào năm 2015.

+ Kiềm chế tốc độ tăng trưởng sản lượng rượu tiêu thụ; dự kiến tốc độ tăng trưởng sản lượng rượu tiêu thụ là 13,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015.

+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Đảm bảo duy trì 100% cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

+ Số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 3.207 giấy phép vào năm 2020.

+ Đẩy mạnh hạn chế tốc độ tăng trưởng sản lượng rượu tiêu thụ; dự kiến tốc độ tăng trưởng sản lượng rượu tiêu thụ là 12,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Đến năm 2030:

+ Tiếp tục sắp xếp lại số thương nhân đã tham gia bán lẻ sản phẩm rượu trong giai đoạn trước để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý đặt ra trong thời kỳ này. Trong đó, ưu tiên khuyến khích và hỗ trợ các thương nhân đầu tư nâng cấp các cơ sở kinh doanh theo hướng hiện đại.

+ Chỉ cấp thêm giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu ở những nơi thực sự cần thiết.

+ Tốc độ tăng trưởng sản lượng rượu tiêu thụ là 9,4%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

3. Định hướng phát triển

a) Phát triển các cửa hàng kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rượu của người dân vừa phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật của Nhà nước về kinh doanh sản phẩm rượu.

b) Các cửa hàng kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu cung cấp đa dạng, phong phú các sản phẩm rượu có nguồn gốc hợp pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng; trong đó, chú trọng cung cấp các sản phẩm rượu có nguồn gốc hợp pháp chất lượng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

c) Phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Trong đó, chú trọng phát triển các loại hình cửa hàng chuyên doanh rượu, bán trong các nhà hàng ăn uống, quầy bar và cửa hàng bán chung với các hàng hóa thực phẩm khác.

d) Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về kinh doanh sản phẩm rượu. Trong đó, Nhà nước khuyến khích các cửa hàng kinh doanh đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực phục vụ theo hướng văn minh, hiện đại; khuyến khích các chủ thể có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường.

4. Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu

a) Căn cứ xác định quy hoạch

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu:

- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu.

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định.

- Trực thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu; có hợp đồng và văn bản giới thiệu của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu.

- Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian lưu kho.

- Có bản cam kết của thương nhân về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu được cấp trên nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Cấp phép kinh doanh sản phẩm rượu cho những thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu xin cấp lại giấy phép do hết hạn nếu bảo đảm điều kiện theo quy định, không vi phạm pháp luật; xem xét để tiếp tục cấp phép cho những thương nhân mới nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định, hồ sơ của thương nhân được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước sẽ được xét cấp trước. Số lượng giấy phép cấp không được vượt quá số lượng giấy phép đã được công bố.

- Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu mà vẫn còn thời hạn thì không phải xin cấp lại giấy phép. Hết thời hạn trong giấy phép phải làm thủ tục xin cấp giấy phép theo các quy định trên.

- Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu có giá trị từng thời kỳ 05 năm.

b) Quy hoạch hệ thống cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu

Số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa:

- Năm 2015: Thành phố Biên Hòa có 913 giấy phép, huyện Vĩnh Cửu có 140 giấy phép, huyện Tân Phú có 158 giấy phép, huyện Định Quán có 208 giấy phép, huyện Xuân Lộc có 227 giấy phép, thị xã Long Khánh có 142 giấy phép, huyện Thống Nhất có 154 giấy phép, huyện Long Thành có 216 giấy phép, huyện Nhơn Trạch có 215 giấy phép, huyện Trảng Bom có 278 giấy phép và huyện Cẩm Mỹ có 151 giấy phép.

- Năm 2020: Thành phố Biên Hòa có 1.035 giấy phép, huyện Vĩnh Cửu có 152 giấy phép, huyện Tân Phú có 167 giấy phép, huyện Định Quán có 230 giấy phép, huyện Xuân Lộc có 239 giấy phép, thị xã Long Khánh có 163 giấy phép, huyện Thống Nhất có 168 giấy phép, huyện Long Thành có 254 giấy phép, huyện Nhơn Trạch có 256 giấy phép, huyện Trảng Bom có 308 giấy phép và huyện Cẩm Mỹ có 159 giấy phép.

5. Các giải pháp chủ yếu

a) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh, các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm rượu đối với các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu nhằm tạo một hệ thống kinh doanh ổn định để chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh sản phẩm rượu tới các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu và tới các cơ quan chức năng có liên quan.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh rượu về việc chấp hành chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nghĩa vụ nộp thuế; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh. Tổ chức tịch thu, xử lý đối với rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hết thời hạn sử dụng hoặc các sản phẩm rượu mang nhãn hàng hoá không hợp pháp, không ghi nhãn bao bì, không dán tem theo quy định.

- Kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu: Việc cấm quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại đối với rượu trên 15o, quảng cáo rượu trên internet; tài trợ để quảng cáo rượu; chỉ được phát thông tin về quảng cáo rượu dưới 15o trên các phương tiện thông tin đại chúng sau 22 giờ.

- Tăng cường kiểm soát việc sử dụng rượu để tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của việc lạm dụng rượu.

- Tăng cường biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu với hàm lượng các thành phần độc tố cao, dần dần thay thế bằng các loại rượu chất lượng cao, đạt chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu.

- Tăng cường kiểm soát nguồn cung cấp rượu. Thực hiện quy hoạch sản xuất rượu. Đẩy mạnh việc cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh quản lý tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa đối với rượu thủ công.

- Khuyến khích các cửa hàng kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực phục vụ theo hướng văn minh, hiện đại; khuyến khích các chủ thể có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường.

b) Đối với các thương nhân kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu

- Các thương nhân kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu chỉ bán sản phẩm rượu đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa thực phẩm, trừ trường hợp (tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại).

- Thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu phải niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp và chủng loại, giá cả các loại sản phẩm rượu thương nhân đang kinh doanh tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của thương nhân.

- Thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu phải báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu cho thương nhân theo đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sản phẩm rượu, có nghĩa vụ tham gia phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống buôn lậu sản phẩm rượu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu giả và gian lận thương mại.

- Các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu không được có các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu như sau:

+ Kinh doanh rượu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Mua bán, tiêu thụ sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nhái nhãn mác, kiểu dáng, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo các quy định của pháp luật.

+ Lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm rượu không ghi nhãn bao bì hoặc ghi nhãn không đúng quy định, không đăng ký bản công bố hợp quy, không dán tem theo quy định của pháp luật.

+ Kinh doanh sản phẩm rượu không đúng đối tượng, địa điểm, nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu được cấp.

+ Kinh doanh sản phẩm rượu khi giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu đã hết hiệu lực.

+ Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán giấy phép kinh doanh rượu.

+ Kinh doanh sản phẩm rượu tại các địa điểm cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

+ Kinh doanh không có hợp đồng hoặc không thực hiện đúng cam kết đã ghi trong hợp đồng.

+ Bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động.

+ Bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi, bán qua mạng internet.

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu không báo cáo hoặc báo cáo không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Quảng cáo, khuyến mại sản phẩm rượu trái quy định của pháp luật.

+ Tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu.

+ Dùng sản phẩm rượu làm giải thưởng cho các cuộc thi, trừ các cuộc thi về sản phẩm rượu.

+ Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao kiến thức và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh sản phẩm rượu. Người lao động của cơ sở kinh doanh rượu phải được tập huấn về trách nhiệm trong cung cấp rượu với các nội dung cụ thể như: các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, cách nhận biết tuổi, nhận biết dấu hiệu về lạm dụng rượu của khách hàng. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh bán một số lượng rượu tối đa cho khách hàng sử dụng tại chỗ, không bán rượu cho người có biểu hiện say rượu. Hạn chế và tiến tới không sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

c) Với người tiêu dùng sản phẩm rượu

Người tiêu dùng sản phẩm rượu cần nâng cao ý thức kiểm soát việc sử dụng rượu để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu:

- Người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, người vì nguyên nhân bệnh lý không được sử dụng rượu.

- Không sử dụng rượu trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực.

- Phát động cộng đồng không lạm dụng rượu trong đám tang, lễ hội, đám cưới; gia đình và khu dân cư không có người nghiện rượu; không tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu.

- Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu.

6. Tổ chức thực hiện

a) Các sở, ban, ngành

- Sở Công Thương: Với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh rượu và quản lý thị trường trên địa bàn, do vậy Sở Công Thương là đầu mối chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dự án “Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

+ Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch, Sở Công Thương tổ chức công bố nội dung quy hoạch đến các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đối tượng đang kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn. Sở Công Thương công bố và gửi báo cáo về Bộ Công Thương số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (số lượng giấy phép đang còn hiệu lực và số lượng giấy phép còn lại chưa được cấp (nếu có)) trước ngày 31/12 hàng năm.

+ Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện Quy hoạch. Sự phối hợp này nhằm đảm bảo tính pháp lý và đồng bộ hóa trong quá trình thực hiện quy hoạch. Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch; đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch nếu thực sự cần thiết.

+ Chi cục Quản lý thị trường theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan về kinh doanh sản phẩm rượu.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quảng cáo rượu; phối hợp với các đơn vị chức năng trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về cấm bán rượu trong các cơ sở vui chơi giải trí, nơi biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao; quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội và tăng cường kiểm tra bảo đảm các hoạt động này không có quảng cáo, tiếp thị và tài trợ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu; hướng dẫn các địa phương, cộng đồng dân cư cam kết không lạm dụng rượu trong đám ma, lễ hội, đám cưới vào hương ước, quy chế nội bộ.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đăng tải thông tin, quảng cáo rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng các quy định của pháp luật.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Lồng ghép giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu phù hợp với các cấp học, bậc học, chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh về tuổi được phép mua, được phép uống rượu; kỹ năng từ chối uống rượu; tác hại của lạm dụng rượu đối với sức khỏe và xã hội. Kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về cấm bán rượu trong trường học và khu vực xung quanh trường học.

- Sở Y tế: Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức kỹ năng cho cán bộ y tế và cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu. Chủ động tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện rượu trong cộng đồng dễ dàng được tiếp nhận các dịch vụ can thiệp sớm, điều trị cai nghiện tại cộng đồng và phục hồi tái hòa nhập. Triển khai các biện pháp dự phòng đặc biệt cho các nhóm có nguy cơ cao (như trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai); sàng lọc và điều trị can thiệp sớm đối với người đã lạm dụng rượu thông qua việc cung cấp các dịch vụ chẩn đoán, điều trị (về sức khỏe tâm thần, về các bệnh mãn tính, cai nghiện); chăm sóc liên tục với sự tham gia của nhân viên y tế và nhóm đồng đẳng.

- Công an tỉnh: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người tham gia giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu gây ra. Phối hợp với các đơn vị chức năng trong thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng mất trật tự an toàn xã hội và tội phạm.

- Các cơ quan thông tin truyền thông: Tăng cường đăng tải thông tin về sử dụng rượu phù hợp, có văn hóa; cảnh báo tác hại của lạm dụng rượu; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại của lạm dụng rượu và phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu.

- Các đoàn thể, tổ chức xã hội: Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong phát động, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu. Nâng cao vai trò giám sát của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu trong cộng đồng. Phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa hành vi sử dụng rượu tham gia giao thông, gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố

- Triển khai quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu cấp trên địa bàn không được vượt quá số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu mà quy hoạch đã quy định, nhằm góp phần quản lý tốt hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên từng địa bàn của các địa phương nói riêng và toàn tỉnh Đồng Nai nói chung.

- Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng phải công bố và gửi báo cáo về Sở Công Thương số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (số lượng giấy phép đang còn hiệu lực và số lượng giấy phép còn lại chưa được cấp (nếu có)) trước ngày 31/12 hàng năm.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai xử lý hoặc đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh sản phẩm rượu; trong đó phải xác định chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn giữ vai trò chủ yếu vì các cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu hoạt động ngay trên địa bàn quản lý hành chính của xã, phường, thị trấn.

c) Các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh sản phẩm rượu

- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm rượu và các quy định tại Quyết định này.

- Chủ động cải tạo, nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu một cách kịp thời theo yêu cầu mới, phù hợp với quy hoạch.

- Nâng cao kiến thức và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh sản phẩm rượu.

Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm công bố và giám sát thực hiện Quy hoạch này sau khi được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Lãnh đạo các đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4,
- Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VP,KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH



 

PHỤ LỤC I

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN TP. BIÊN HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

 ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

913

1035

Trong đó:

 

 

- Phường An Bình

52

59

- Phường Bửu Hòa

21

24

- Phường Bình Ða

20

23

- Phường Bửu Long

30

34

- Phường Hoà Bình

10

11

- Phường Hố Nai

36

41

- Phường Long Bình

86

98

- Phường Long Bình Tân

50

56

- Phường Quyết Thắng

20

23

- Phường Quang Vinh

20

23

- Phường Thanh Bình

6

6

- Phường Tam Hiệp

35

39

- Phường Tam Hòa

19

21

- Phường Tân Biên

38

43

- Phường Thống Nhất

26

29

- Phường Tân Hiệp

34

39

- Phường Tân Hoà

43

48

- Phường Tân Mai

21

24

- Phường Tân Phong

50

56

- Phường Tân Tiến

16

19

- Phường Tân Vạn

16

18

- Phường Trảng Dài

70

80

- Phường Trung Dũng

30

35

- Xã Hóa An

30

34

- Xã Hiệp Hoà

13

15

- Xã Tân Hạnh

9

10

- Xã An Hoà

22

25

- Xã Long Hưng

6

7

- Xã Phước Tân

38

43

- Xã Tam Phước

46

52

 

PHỤ LỤC II

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH CỬU
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

140

152

Trong đó:

 

 

- TT. Vĩnh An

26

28

- Xã Phú Lý

13

14

- Xã Mã Ðà

8

9

- Xã Vĩnh Tân

19

21

- Xã Trị An

4

4

- Xã Thiện Tân

6

7

- Xã Thạnh Phú

24

26

- Xã Tân Bình

11

12

- Xã Hiếu Liêm

4

4

- Xã Tân An

11

12

- Xã Bình Hòa

7

7

- Xã Bình Lợi

7

8

 

PHỤ LỤC III

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TÂN PHÚ
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

158

167

Trong đó:

 

 

- TT. Tân Phú

24

25

- Xã Phú Bình

11

12

- Xã Phú Lâm

14

15

- Xã Phú Thanh

13

13

- Xã Phú Lộc

8

8

- Xã Trà Cổ

6

7

- Xã Phú Điền

7

8

- Xã Phú Lập

7

7

- Xã Phú An

4

4

- Xã Núi Tượng

5

5

- Xã Đăk Lua

6

6

- Xã Nam Cát Tiên

5

5

- Xã Phú Sơn

9

9

- Xã Phú Trung

7

8

- Xã Thanh Sơn

5

6

- Xã Phú Xuân

12

13

- Xã Phú Thịnh

8

9

- Xã Tà Lài

7

7

 

PHỤ LỤC IV

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

208

230

Trong đó:

 

 

- TT. Định Quán

22

25

- Xã Suối Nho

14

14

- Xã La Ngà

16

17

- Xã Gia Canh

20

22

- Xã Phú Túc

13

13

- Xã Túc Trưng

10

11

- Xã Phú Ngọc

19

20

- Xã Phú Hòa

6

7

- Xã Phú Cường

13

14

- Xã Phú Vinh

17

18

- Xã Phú Lợi

15

21

- Xã Ngọc Định

8

10

- Xã Phú Tân

10

10

- Xã Thanh Sơn

25

28

 

PHỤ LỤC V

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN XUÂN LỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

227

239

Trong đó:

 

 

- TT. Giá Ray

17

18

- Xã Xuân Bắc

18

19

- Xã Suối Cao

9

9

- Xã Xuân Thành

10

10

- Xã Xuân Thọ

19

20

- Xã Xuân Trường

18

19

- Xã Xuân Hòa

12

13

- Xã Xuân Hưng

25

26

- Xã Xuân Tâm

27

28

- Xã Suối Cát

13

13

- Xã Xuân Hiệp

15

16

- Xã Xuân Phú

16

17

- Xã Xuân Định

8

9

- Xã Bảo Hoà

12

13

- Xã Lang Minh

8

9

 

PHỤ LỤC VI

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LONG KHÁNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

142

163

Trong đó:

 

 

- Phường Xuân Bình

9

11

- Phường Xuân An

13

15

- Phường Xuân Hòa

8

9

- Phường Xuân Trung

12

14

- Phường Xuân Thanh

10

11

- Phường Phú Bình

5

6

- Xã Bàu Trâm

5

6

- Xã Bảo Vinh

16

18

- Xã Bảo Quang

10

12

- Xã Suối Tre

11

12

- Xã Xuân Lập

9

10

- Xã Bàu Sen

5

6

- Xã Xuân Tân

10

11

- Xã Hàng Gòn

11

13

- Xã Bình Lộc

8

9

 

PHỤ LỤC VII

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THỐNG NHẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

154

168

Trong đó:

 

 

- Xã Xuân Thạnh

11

12

- Xã Quang Trung

22

24

- Xã Xuân Thiện

10

10

- Xã Bàu Hàm 2

18

20

- Xã Gia Tân 1

15

17

- Xã Lộ 25

11

12

- Xã Gia Tân 2

14

15

- Xã Hưng Lộc

10

11

- Xã Gia Tân 3

21

23

- Xã Gia Kiệm

22

24

 

PHỤ LỤC VIII

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LONG THÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

216

254

Trong đó:

 

 

- TT. Long Thành

31

37

- Xã An Phước

26

30

- Xã Bình An

8

9

- Xã Long Đức

10

12

- Xã Lộc An

6

7

- Xã Bình Sơn

12

14

- Xã Tam An

11

13

- Xã Cẩm Đường

9

11

- Xã Long An

16

19

- Xã Suối Trầu

5

6

- Xã Bàu Cạn

15

17

- Xã Long Phước

18

21

- Xã Phước Bình

13

15

- Xã Tân Hiệp

11

13

- Xã Phước Thái

25

30

 

PHỤ LỤC IX

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NHƠN TRẠCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

215

256

Trong đó:

 

 

- Xã Phú Hội

39

46

- Xã Phú Hữu

11

13

- Xã Phước Khánh

11

13

- Xã Phước Thiền

42

50

- Xã Phước An

13

16

- Xã Đại Phước

12

15

- Xã Vĩnh Thanh

12

15

- Xã Phú Thạnh

14

17

- Xã Hiệp Phước

22

26

- Xã Phú Đông

15

17

- Xã Long Tân

10

12

- Xã Long Thọ

14

16

 

PHỤ LỤC X

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRẢNG BOM
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

278

308

Trong đó:

 

 

- TT. Trảng Bom

22

24

- Xã Cây Gáo

11

12

- Xã Thanh Bình

12

14

- Xã Sông Trầu

23

25

- Xã Đồi 61

11

12

- Xã An Viễn

6

7

- Xã Bàu Hàm

10

11

- Xã Sông Thao

11

12

- Xã Hưng Thịnh

9

10

- Xã Đông Hòa

11

13

- Xã Trung Hòa

12

14

- Xã Tây Hòa

13

14

- Xã Quãng Tiến

14

16

- Xã Bình Minh

22

24

- Xã Giang Điền

6

6

- Xã Bắc Sơn

46

51

- Xã Hố Nai 3

39

43

 

PHỤ LỤC XI

SỐ GIẤY PHÉP KINH DOANH BÁN LẺ SẢN PHẨM RƯỢU TỐI ĐA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẨM MỸ
(Ban hành kèm theo Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai)

ĐVT: điểm

Thời gian

Địa bàn

Năm 2015

Năm 2020

Tổng số

151

159

Trong đó:

 

 

- Xã Long Giao

7

7

- Xã Xuân Mỹ

12

13

- Xã Nhân Nghĩa

7

7

- Xã Sông Nhạn

9

10

- Xã Thừa Đức

9

9

- Xã Xuân Quế

9

9

- Xã Xuân Đường

6

7

- Xã Sông Ray

18

19

- Xã Bảo Bình

15

16

- Xã Xuân Đông

20

21

- Xã Lâm San

9

9

- Xã Xuân Bảo

10

11

- Xã Xuân Tây

20

21