ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1286/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 16 tháng 7 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống Lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Y tế (tại Tờ trình số: 89/TTr-SYT ngày 25/6/2015),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Phú Yên”.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT.CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG LAO ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH PHÚ YÊN
(Kèm theo Quyết định số:1286/QĐ-UBND ngày 16/7/2015 của UBND Tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LAO TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. TÌNH HÌNH BỆNH LAO Ở VIỆT NAM VÀ TỈNH PHÚ YÊN
1. Tình hình bệnh lao ở Việt Nam
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao trên thế giới, đồng thời đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng lao. Số bệnh nhân lao hiện mắc các thể 200.000 người (218/100.000 dân). Lao mới mắc các thể 130.000 người (147/100.000 dân). Hàng năm phát hiện khoảng 100.000 - 105.000 bệnh nhân lao mới (tỷ lệ 76%), trong đó có khoảng 50.000 - 51.000 bệnh nhân có vi khuẩn lao dương tính (viết tắt AFB+). Kết quả điều trị bệnh nhân khỏi đạt tỉ lệ cao trên 90%. Trong những năm gần đây số lượng phát hiện bệnh nhân (BN) lao đã có xu hướng giảm dần mỗi năm (2,6%), điều đó cho thấy dịch tễ lao có xu hướng giảm.
2. Tình hình bệnh lao ở Phú Yên
Phú Yên có tỉ lệ người nhiễm lao ở mức trung bình trong cả nước (cao hơn các tỉnh ở khu vực phía Bắc và thấp hơn các tỉnh ở khu vực phía Nam), hàng năm phát hiện từ 860 - 920 bệnh nhân lao mới tương đương với phát hiện 100 - 106 bệnh nhân/ 100.000 dân, trong đó phát hiện từ 485 - 506 bệnh nhân có AFB(+) . Tỉ lệ điều trị luôn đạt với tỉ lệ khỏi cao 92-95 %. Trong những năm gần đây số lượng bệnh nhân lao có xu hướng giảm dần qua mỗi năm (1,72%).
II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO CỦA PHÚ YÊN
1. Về tổ chức mạng lưới phòng, chống lao
a) Tuyến tỉnh
- Trạm chuyên khoa Lao - Sở Y tế chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, điều phối, triển khai công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
+ Lập kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.
+ Điều phối hoạt động chống lao từ các đơn vị y tế công lập.
+ Huy động xã hội tham gia, đảm bảo nguồn nhân lực và tài chính cho công tác phòng chống bệnh lao.
+ Đảm bảo chất lượng các phòng xét nghiệm, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm tuyến tỉnh đáp ứng yêu cầu giải quyết các thách thức mới như Lao/HIV và lao kháng thuốc…
+ Lập kế hoạch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chống lao trên địa bàn.
+ Dự trù, quản lý, phân phối thuốc, vật tư trang thiết bị đầy đủ, hợp lý.
+ Chẩn đoán, hội chẩn và điều trị người bệnh quá khả năng tuyến dưới.
+ Kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến dưới thực hiện các hoạt động phòng, chống lao nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động.
+ Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai chương trình chống lao tại địa phương.
- Khoa Lao thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều trị nội trú cho các trường hợp bệnh lao và các trường hợp bệnh lao nặng trong tình trạng cấp cứu. Phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức khám, phát hiện bệnh lao tại cộng đồng.
b) Tuyến huyện
Tuyến huyện là tuyến đầu tiên, cơ bản để triển khai chương trình phòng, chống bệnh lao. Hiện nay, 09 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đều có thành lập Tổ chống lao chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn, cụ thể:
- Khám, chữa bệnh: Đăng ký và điều trị các trường hợp phát hiện lao AFB (+) và những bệnh nhân lao khác được chẩn đoán từ các tuyến gửi về. Phối hợp chẩn đoán và điều trị lao phổi AFB(-) ở người có nhiễm HIV.
- Thực hiện xét nghiệm đàm cho những người nghi lao và lao kháng thuốc trên địa bàn đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện quản lý chương trình tại huyện: Lập kế hoạch chi tiết và triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Kiểm tra giám sát tuyến xã, phường, thị trấn và bệnh nhân lao. Thực hiện ghi chép báo cáo đầy đủ theo quy định.
- Đảm bảo việc quản lý, sử dụng thuốc chống lao theo chương trình phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.
- Phối hợp với các tổ chức, ban ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh lao trên địa bàn huyện.
c) Tuyến xã, phường, thị trấn
112 xã, phường, thị trấn đều có 01 cán bộ chuyên trách thực hiện quản lý hoạt động phòng, chống bệnh lao tại tuyến xã:
- Xác định người có triệu chứng nghi lao để chuyển lên tuyến huyện.
- Giám sát việc điều trị ngoại trú có kiểm soát của bệnh nhân lao tại Trạm Y tế xã và tại nhà trong giai đoạn củng cố.
- Khám sàng lọc, theo dõi trẻ em và người lớn có tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt tiếp xúc với người bệnh lao kháng đa thuốc.
- Chuyển người nhiễm HIV có triệu chứng nghi lao đi khám sàng lọc bệnh lao.
- Giám sát 100% thời gian đối với người bệnh lao kháng thuốc và điều trị Phác đồ II (phác đồ tái trị).
- Giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu biết về bệnh lao và các tác nhân ảnh hưởng tới bệnh lao.
d) Trại giam A1 và Trại giam A20
Mỗi đơn vị thành lập 01 Tổ phòng, chống bệnh lao, phối hợp với Trạm chuyên khoa Lao triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh lao tại đơn vị.
2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn phòng, chống bệnh lao ở Phú Yên giai đoạn 2011- 2015 (chi tiết tại Phụ lục 01).
3. Kết quả đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh lao tỉnh Phú Yên giai đoạn năm 2011-2015 (chi tiết tại Phụ lục 02).
- Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2011 - 2015: 3.726 triệu đồng, trong đó:
+ Kinh phí Trung ương (Chương trình mục tiêu quốc gia y tế): 1.852 triệu đồng;
+ Kinh phí địa phương hỗ trợ: 1.874 triệu đồng.
4. Đánh giá chung
Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống lao tỉnh Phú Yên đều đạt so với chỉ tiêu kế hoạch giao, trong đó nổi bật một số hoạt động sau:
- Hoạt động mạng lưới phòng chống lao: luôn duy trì hoạt động đều, không ngừng được mở rộng diện bao phủ khắp địa bàn; 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện chiến lược DOTS (Hoá trị liệu ngắn ngày); 100% dân số được chương trình bảo vệ. Bên cạnh đó chương trình còn mở rộng hoạt động phòng, chống lao trong Trại giam A20 và A1.
- Công tác phát hiện bệnh: đã thực hiện tốt công tác phối hợp phát hiện bệnh lao giữa Bệnh viện với Trung tâm Y tế của các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức hoạt động có hiệu quả 37 điểm khám phát hiện lao tại cộng đồng. Hàng năm phát hiện lao mới các thể từ 870 - 920 bệnh nhân (tương đương 100 - 106 bệnh nhân/100.000 dân), trong đó bệnh nhân lao AFB(+) đạt từ 480 - 500 bệnh nhân (tương đương 55 - 64 bệnh nhân/100.000 dân).
- Công tác điều trị: điều trị khỏi AFB(+) mới luôn duy trì ở mức cao đạt tỷ lệ trên 92%; do các đơn vị chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc điều trị, kiểm tra giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, năm 2014 ngành y tế đã triển khai phác đồ điều trị 6 tháng cho bệnh nhân lao trên toàn tỉnh đã làm cho chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao.
- Công tác xét nghiệm: duy trì hoạt động 13 điểm xét nghiệm tại các cơ sở y tế, các cơ sở xét nghiệm cơ bản được trang bị đủ trang thiết bị cần thiết để thực hiện xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn; số người xét nghiệm hàng năm trung bình 6.600 người đạt 0,76 % dân số; thực hiện công tác kiểm định hàng tháng đã hạn chế được các sai sót.
- Công tác giám sát: thực hiện đúng qui trình, quy định về kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn. Thông qua hoạt động giám sát đã nâng cao chất lượng trong khám và điều trị bệnh nhân lao trong cộng đồng.
- Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ: luôn được chú trọng và đẩy mạnh thông qua chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3, truyền thông trực tiếp nhóm, truyền thông trong học đường, truyền thông qua truyền hình, phát thanh, báo... từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao.
- Phối hợp phát hiện quản lý điều trị Lao/HIV: đã phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS trong công tác thực hiện qui chế phối hợp Lao/HIV. Hàng năm thực hiện test HIV cho bệnh nhân lao đạt trên 70% tổng số bệnh nhân lao; khám phát hiện lao trên 60% trong tổng số người bị nhiễm HIV; phát hiện và điều trị 8 -12 bệnh nhân Lao/HIV.
- Cung ứng thuốc, vật tư: kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao cho các cơ sở y tế để phục vụ công tác điều trị người bệnh lao, không để bệnh nhân thiếu thuốc.
a) Thuận lợi
- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Y tế, đồng thời có sự phối hợp tốt của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, hàng năm chương trình phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh đều triển khai thuận lợi và hiệu quả.
- Chương trình phòng, chống lao quốc gia tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp thuốc, vật tư đầy đủ cho công tác phòng, chống lao của tỉnh. Triển khai điều trị phác đồ mới và qui trình xét nghiệm mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế đạt hiệu quả và thuận lợi cho người bệnh lao.
- Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, là cơ sở để công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh triển khai thuận lợi và hiệu quả.
- Chế độ, chính sách, đãi ngộ cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống lao qua các năm gần đây có sự thay đổi đáng kể, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là nguồn động viên rất lớn cho cán bộ làm công tác phòng, chống lao.
b) Khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại sau:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực còn thiếu, chưa có các trang thiết bị hiện đại để thực hiện các kỹ thuật cao giúp chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Do đó, một số kỹ thuật cao phục vụ cho công tác phòng chống lao hiện nay của tỉnh chưa thực hiện được, cụ thể:
+ Xét nghiệm mới phát hiện lao GeneXpert có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, cho biết số lượng vi khuẩn lao và vi khuẩn đang kháng loại thuốc nào, tuy nhiên chi phí cho xét nghiệm này cao;
+ Phác đồ điều trị lao kháng thuốc: Các bệnh nhân lao kháng thuốc tại tỉnh phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TP.Hồ Chí Minh hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Bình Định, gây nhiều khó khăn cho người bệnh và việc quản lý điều trị bệnh nhân lao của chương trình;
- Nguồn kinh phí cấp hàng năm cho hoạt động chuyên môn của chương trình phong, chống lao còn hạn chế nên một số hoạt động chưa triển khai mạnh, nhất là công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; chưa có chế độ khuyến khích khen thưởng phù hợp cho người có công tìm ra bệnh nhân lao phổi (phát hiện nguồn lây nhiễm từ cộng đồng).
- Tình trạng e ngại, dấu bệnh của bệnh nhân mắc bệnh lao trong cộng đồng, gây khó khăn cho công tác khám phát hiện bệnh lao.
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LAO GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
1. Quan điểm
- Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe con người, người mắc bệnh với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn; bệnh có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp và đủ thời gian. Vì vậy, công tác phòng, chống lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt.
- Nhà nước giữ vai trò chính, đảm bảo các nguồn lực, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao.
- Công tác phòng, chống lao chủ yếu dựa vào cộng đồng, sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đội ngũ mạng lưới phòng, chống lao các tuyến cơ sở.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu đến năm 2020
- Giảm số người mắc bệnh lao mới trong cộng đồng xuống dưới 117 người trên 100.000 người dân. Phát hiện bệnh lao mới các thể là 88 bệnh nhân/100.000 người dân.
- Giảm số người mắc bệnh lao mới có AFB(+) trong cộng đồng xuống dưới 58 người trên 100.000 người dân. Phát hiện bệnh nhân lao AFB (+) là 43 bệnh nhân/100.000 người dân.
- Giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 người dân.
- Duy trì tỷ lệ điều trị khỏi 92%.
- Khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Giảm số người chết và mắc do bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
II. MỘT SỐ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG LAO GIAI 2016 - 2020
1. Mục tiêu 1: Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống lao
1.1. Đảm bảo nguồn lực tài chính
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, đồng thời cần huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng chống bệnh lao. Nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí cho chương trình phòng, chống lao từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn bảo hiểm y tế (theo Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
1.2. Đảm bảo nguồn nhân lực
- Ban hành chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức và người lao động làm công tác phòng, chống lao.
- Triển khai qui hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao từ năm 2016 đến năm 2020 theo Quyết định số 2357/QĐ-BYT ngày 05/7/2011 của Bộ Y tế, xem xét điều chuyển Tổ phòng, chống lao từ Trung tâm Y tế tuyến huyện sang Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực cho mạng lưới phòng, chống lao, mỗi Tổ phòng, chống lao tuyến huyện có 3 cán bộ, mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình lao thông qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng, tập huấn...
- Lồng ghép hoạt động phòng, chống lao với các hoạt động y tế khác.
- Cơ chế hiệp đồng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu 2: Tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống lao toàn diện; ứng dụng tối đa các kỹ thuật chẩn đoán lao mới và hiện hành
2.1. Duy trì và nâng cao chất lượng xét nghiệm đờm
- Cán bộ y tế tuyến xã hướng dẫn người nghi lao lấy đờm đúng cách.
- Cung cấp đầy đủ hoá chất, lam kính, kính hiển vi đảm bảo chất lượng.
- Kiểm định lam kính hàng tháng để đánh giá chất lượng xét nghiệm.
- Cử cán bộ tham dự các lớp đào tạo về xét nghiệm do Trung ương tổ chức.
2.2. Phối hợp chụp X-quang phổi và các xét nghiệm khác để tăng độ tin cậy trong chẩn đoán lao
Tất cả các người nghi lao đều được xét nghiệm và chụp phim X-quang phổi; những trường hợp xét nghiệm AFB(-) mà phim X-quang phổi có tổn thương đều được điều trị thuốc kháng sinh thông thường và cho chụp phim X-quang lại sau 1-2 tuần điều trị để đánh giá và hội chẩn chẩn đoán lao.
2.3. Tăng tiếp cận dịch vụ khám chữa lao
- Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ về bệnh lao và cung cấp các thông tin về các dịch vụ khám, chữa bệnh lao cho nhân dân biết, để đến với chương trình khi có các biểu hiện nghi mắc lao, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống bệnh lao cho bản thân và cộng đồng.
- Đảm bảo sự hoạt động đều đặn của mạng lưới phòng chống lao, phục vụ khám phát hiện lao cho người bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tăng cường công tác khám phát hiện lao chủ động tại các điểm vùng sâu, vùng xa, các điểm hoạt động phòng, chống lao còn kém hiệu quả.
2.4. Áp dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán lao
Phối hợp với các cơ sở y tế tuyến Trung ương triển khai thực hiện xét nghiệm lao kháng thuốc (Gene Xpert). Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị để triển khai kỹ thuật Gene Xpert và nuôi cấy.
2.5. Đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị cho tuyến cơ sở hoạt động phòng chống bệnh lao
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, cung ứng thuốc chữa bệnh lao cho người bệnh, không để bệnh nhân thiếu thuốc.
- Cung ứng đầy đủ vật tư, hoá chất, trang thiết bị cần thiết cho cơ sở hoạt động phục vụ người bệnh lao.
3. Mục tiêu 3: Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh lao và lao kháng thuốc công lập và dân lập, ứng dụng tối ưu các thuốc và phác đồ điều trị mới và hiện hành
3.1. Duy trì nâng cao chất lượng điều trị
a) Duy trì tỉ lệ điều trị khỏi cao
- 100% Bệnh nhân lao được tư vấn về bệnh lao, cách phòng và điều trị.
- Thưc hiện đúng chỉ định, đúng phác đồ điều trị, áp dụng phác đồ điều trị mới (6 tháng ) trên toàn tỉnh.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình điều trị của bệnh nhân để hạn chế sai sót và bỏ trị.
- Kết hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để điều trị cho BN Lao/HIV.
b) Tạo điều kiện cho Bệnh nhân đa kháng thuốc được điều trị theo chương trình kháng thuốc của Chương trình chống lao Quốc gia
c) Khống chế lao kháng đa thuốc dưới 5% trong tổng số lao phát hiện
3.2. Dự phòng lao
a) Phòng lao trong các cơ sở y tế và cộng đồng
- Chuẩn hoá các phòng khám lao đạt tiêu chuẩn về chống lây nhiễm lao.
- Truyền thông cách phòng, chống lao trong cộng đồng để người dân có thể tự thực hiện.
b) Dự phòng lao cho trẻ em và người nhiễm HIV
- Điều trị dự phòng lao cho trẻ em (từ 4 tuổi trở xuống) được xác định không mắc lao ở các gia đình có người bệnh lao phổi.
- Dự phòng lao cho những người nhiễm HIV bằng thuốc Rimifon.
4. Mục tiêu 4: Duy trì và tăng cường theo dõi, giám sát các hoạt động phòng chống lao. Nghiên cứu, điều tra tình hình dịch tễ bệnh lao, đánh giá các can thiệp mới và hiện hành trong công tác phòng chống lao
- Nâng cao chất lượng giám sát: Đẩy mạnh hoạt động và hoàn thiện việc theo dõi, báo cáo để lượng giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ phòng, chống bệnh lao ở tất cả các cơ sở y tế bằng áp dụng công nghệ thông tin. Duy trì tốt công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến xã. Tăng cường công tác giám sát bệnh nhân trong quá trình điều trị. Cán bộ y tế tuyến xã nắm vững tình hình bệnh nhân trong quá trình điều trị, kịp thời phát hiện các trường hợp phản ứng có hại của thuốc.
- Thực hiện tốt phần mềm quản lý, báo cáo VITIMES. Thường xuyên tổ chức tập huấn về chế độ thông tin, báo cáo, từng bước thay đổi cán bộ chuyên trách lao trẻ có khả năng, năng lực thực hiện thành thạo phần mềm VITIMES.
- Nghiên cứu khoa học: thông qua xây dựng đề tài về điều tra dịch tễ lao của tỉnh, đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị mới, đánh giá hiệu quả công tác phát hiện, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống lao.
1. Một số chỉ tiêu chuyên môn giai đoạn 2016-2020 (chi tiết tại Phụ lục 03)
2. Dự kiến nhu cầu kinh phí giai đoạn 2016 - 2020 (chi tiết tại Phụ lục 04)
Tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng chống lao tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 -2020 : 5.134 triệu đồng, trong đó:
+ Kinh phí Trung ương: 2.660 triệu đồng;
+ Kinh phí địa phương: 2.474 triệu đồng.
1. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm toàn diện, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyến Trung ương, các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan và địa phương triển khai tốt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện theo quy định.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố bố trí đủ nhân lực cho tổ phòng, chống lao theo Quyết định số 2357/QĐ-BYT ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ Y tế về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020; chỉ đạo các cơ sở y tế công lập phối hợp ngoài công lập tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao theo Thông tư số 02/2013/TT-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Bộ Y tế về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao. Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân thực hiện luôn nhiệm vụ chỉ đạo phòng, chống lao, không thành lập thêm Ban chỉ đạo;
- Phối hợp với Sở Nội vụ, các Sở, ngành, đơn vị liên quan bố trí nhân lực đảm bảo cho hoạt động phòng, chống lao theo quy định; đề xuất các chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác phòng, chống lao các tuyến phù hợp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao và bệnh lao đa kháng thuốc trên đại bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ vào khả năng ngân sách phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế báo cáo đề xuất UBND Tỉnh về dự toán ngân sách chi thường xuyên (phần địa phương đối ứng) cho công tác phòng, chống lao theo quy định của pháp luật ngân sách Nhà nước hiện hành.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực phục vụ tốt Chương trình phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan lấy Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh thực hiện luôn nhiệm vụ chỉ đạo phòng, chống lao của tỉnh (Không thành lập thêm Ban chỉ đạo); đồng thời căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghiên cứu, tham mưu đề xuất thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách cho người làm công tác phòng, chống bệnh lao phù hợp với thực tiễn hoạt động.
5. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan triển khai các quy định hướng dẫn phòng, chống bệnh lao cho người lao động tại nơi làm việc, cho đối tượng là lao động nữ và nhóm lao động di biến động dễ bị tổn thương và các chính sách hỗ trợ người lao động bi mắc bệnh lao;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, giám sát và kiểm tra thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ người mắc bệnh lao là người lao động trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp;
- Chỉ đạo Trung tâm nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phối hợp với Trạm chuyên khoa Lao tổ chức sàng lọc định kỳ cho đối tượng đang nuôi dưỡng tại các Trung tâm, phát hiện và quản lý điều trị kịp thời theo phác đồ của ngành y tế.
6. Công an tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế, các ngành, đơn vị chức năng liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao tại các đơn vị thuộc ngành quản lý, trong đó chú trọng tới công tác phòng, chống bệnh lao trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp tổ chức đào tạo, truyền thông, giáo dục sức khoẻ và phòng, chống bệnh lao cho cán bộ, chiến sĩ công an, phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng trong các đơn vị do ngành quản lý.
7. BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh
Triển khai các hoạt động phòng, chống lao trong các đơn vị quân đội phù hợp với đặc thù của ngành; phối hợp với Sở Y tế mở rộng hoạt động mô hình quân dân y kết hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh lao, tổ chức khám phát hiện và điều trị cho người dân tại các địa bàn có điều kiện khó khăn.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống lao; thường xuyên phối hợp với chương trình phòng, chống bệnh lao của tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông về phòng, chống bệnh lao.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với ngành Y tế, nghiên cứu lồng ghép các nội dung phòng, chống lao trong các chương trình ngoại khóa của nhà trường. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục về phòng, chống bệnh lao cho học sinh, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp với các hình thức phù hợp, hiệu quả.
10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trong các tác phẩm và biểu diễn nghệ thuật để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện và chủ động phòng, chống bệnh lao.
11. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện, thị xã, thành phố làm Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lao huyện, thị xã, thành phố; xây dựng kế hoạch, triển khai và giám sát thực hiện kế hoạch tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ, các ngành liên quan đảm bảo thu hút nhân lực cho công tác phòng, chống lao, xác lập các mục tiêu phòng, chống bệnh lao trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh cấp theo kế hoạch hàng năm, ưu tiên bố trí thêm ngân sách để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công tác phòng, chống lao tại địa phương.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Phú Yên. Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo UBND Tỉnh (qua Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.
Chỉ tiêu chuyên môn | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | |||||
Chỉ tiêu | Thực hiện | Chỉ tiêu | Thực hiện | Chỉ tiêu | Thực hiện | Chỉ tiêu | Thực hiện | Chỉ tiêu | Ước thực hiện | |
Số bệnh nhân mới phát hiện các thể Tỉ lệ/ 100000 dân | 895
103 | 908
105 | 920
106 | 903
105 | 920
106 | 870
101 | 880
100 | 866
100 | 860
100 | 860
100 |
Số bệnh nhân AFB (+) phát hiện Tỉ lệ/100000 dân | 550
64 | 485
57 | 550
64 | 506
59 | 520
64 | 494
57 | 500
57 | 483
55 | 490
57 | 490
57 |
Số BN Quản lý điều trị; Trong đó AFB(+) | 1320
920 | 1396
848 | 1350
880 | 1453
856 | 1350
880 | 1432
808 | 1400
900 | 1432
795 | 1400
900 | 1400
800 |
Tỉ lệ % điều trị khỏi bệnh nhân (+) mới | 92 | 94,7 | 92 | 94 | 92 | 96 | 92 | 94 | 92 | >92 |
Tỉ lệ % dân số được bảo vệ | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Phụ lục 02: Kết quả đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống lao tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015
ĐVT: triệu đồng
Nguồn kinh phí | Đầu tư kinh phí giai đoạn 2011-2015 | ||||
Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | |
Kinh phí Trung ương | 342 | 308 | 563 | 145 | 494 |
Kinh phí địa phương | 200 | 240 | 380 | 480 | 574 |
Tổng cộng: | 542 | 548 | 943 | 625 | 1.068 |
Chỉ tiêu chuyên môn | Đơn vị | Giai đoạn 2016 - 2020 | ||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | ||
Dân số | Người | 903.279 | 909.602 | 915.969 | 922.381 | 928.838 |
Số người nghi lao xét nghiệm đờm | Người | 7.226 | 7.277 | 7.328 | 7.379 | 7.431 |
Tỷ lệ người xét nghiệm đờm / dân số | % | 0,8 | 0,8 | 0,8 | 0,8 | 0,8 |
Số người xét nghiệm AFB(+) | BN | 478 | 466 | 454 | 443 | 432 |
Số người xét nghiệm AFB(+) đăng kí điều trị | BN | 478 | 466 | 454 | 443 | 432 |
Số người nghi lao được chụp XQ | Người | 7437 | 7267 | 7097 | 6927 | 6757 |
Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới phát hiện | BN | 430 | 419 | 409 | 399 | 389 |
Số BN lao phổi AFB (+) mới / 100.000 dân | BN | 48 | 46 | 45 | 43 | 42 |
Số bệnh nhân lao phổi AFB âm tính | BN | 234 | 228 | 222 | 217 | 211 |
Số BN lao phổi AFB âm tính / 100.000 dân | BN | 26 | 25 | 24 | 24 | 23 |
Số BN lao ngoài phổi | BN | 127 | 124 | 120 | 117 | 115 |
Số BN lao ngoài phổi / 100.000 dân | BN | 14 | 14 | 13 | 13 | 12 |
Tổng số BN lao các thể | BN | 839 | 818 | 797 | 777 | 758 |
Số BN các thể / 100.000 dân | BN | 93 | 90 | 87 | 84 | 82 |
Tỷ lệ điều trị khỏi ở BN lao phổi AFB (+) mới | % | ≥ 92 | ≥ 92 | ≥ 92 | ≥ 92 | ≥ 92 |
Số bệnh nhân lao các thể / HIV(+) | BN | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
Tỷ lệ điều trị khỏi ở BN lao phổi AFB (+) mới / HIV(+) | % | 70 | 70 | 70 | 70 | 70 |
- 1 Quyết định 469/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao tỉnh Kon Tum đến 2020 và tầm nhìn 2030
- 2 Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2015 triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3 Quyết định 1067/QĐ-UBND năm 2015 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bỉnh Dương ban hành
- 4 Quyết định 2713/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” thành phố Hải Phòng
- 5 Quyết định 374/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 02/2013/TT-BYT quy định việc phối hợp giữa cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7 Quyết định 2357/QĐ-BYT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1067/QĐ-UBND năm 2015 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bỉnh Dương ban hành
- 2 Quyết định 2713/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” thành phố Hải Phòng
- 3 Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2015 triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 4 Quyết định 469/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao tỉnh Kon Tum đến 2020 và tầm nhìn 2030
- 5 Quyết định 1003/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025