Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1288/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Quản lý doanh nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do Bộ quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (sau đây gọi chung là doanh nghiệp thuộc Bộ); tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về doanh nghiệp và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì, phối hợp trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, định hướng phát triển doanh nghiệp và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (như dịch vụ công ích, thuế, phí, lệ phí, giá, cước…), sắp xếp, đổi mới, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

3. Tham mưu giúp Bộ trưởng trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện theo danh mục Chính phủ quy định và đề xuất xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền.

4. Chủ trì, phối hợp tham mưu về nội dung kinh tế, tài chính để Bộ trưởng quyết định cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Tham mưu giúp Bộ trưởng trong công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị để phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

6. Tổng hợp báo cáo về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

7. Chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Bộ thẩm định, tham gia ý kiến các dự án đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

8. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động hỗ trợ thông tin, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế liên quan đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

9. Về quản lý, giám sát đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ:

a) Chủ trì thực hiện giám sát, kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật, quyết định của chủ sở hữu, thực hiện chiến lược, kế hoạch, đầu tư, kinh doanh, tài chính, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Chủ trì đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đánh giá năng lực điều hành, quản lý doanh nghiệp của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên chuyên ngành, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ;

c) Trình Bộ trưởng ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại doanh nghiệp thuộc Bộ. Làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, trả lời các báo cáo và xử lý các công việc liên quan đến hoạt động của Kiểm soát viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ, đột xuất với các Kiểm soát viên;

d) Tham mưu giúp Bộ trưởng có ý kiến để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ;

đ) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành, quỹ lương hàng năm của Hội đồng thành viên.

10. Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ:

a) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng, trình Bộ trưởng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu trình Bộ trưởng Đề án về thành lập, sắp xếp, tổ chức lại, phá sản, cổ phần hóa đối với doanh nghiệp;

c) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu giúp Bộ trưởng giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư khi tiến hành cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp;

d) Tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; đề xuất, kiến nghị chính sách đối với doanh nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa.

11. Về hoạt động của doanh nghiệp thuộc Bộ:

a) Tham mưu giúp Bộ trưởng phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vốn Điều lệ của các doanh nghiệp thuộc Bộ;

b) Tham mưu giúp Bộ trưởng phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm;

c) Phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu giúp Bộ trưởng phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác; Điều lệ tổ chức và hoạt động, của các doanh nghiệp;

d) Tham mưu giúp Bộ trưởng phê duyệt chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp khác; việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết;

đ) Tham mưu giúp Bộ trưởng phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản; chủ trương vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp thuộc Bộ theo quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu giúp Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, kỷ luật, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp;

g) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về tiền lương, tuyển dụng, thu nhập và các chính sách đối với người lao động, người quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp.

12. Đề xuất và thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tổng kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả.

13. Đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp thuộc Bộ và tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

14. Tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Vụ theo chương trình cải cách hành chính của Bộ; hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Vụ; báo cáo thực hiện cải cách hành chính hàng năm trong phạm vi quản lý của Vụ.

15. Quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, tài sản, hồ sơ, tài liệu được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

Vụ Quản lý doanh nghiệp có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng.

Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng chỉ đạo, điều hành các mặt công tác được phân công, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong Vụ do Vụ trưởng quy định.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các Sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- VNPT, VMS; VNPost, VTC;
- Lưu VT, TCCB, QLDN.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Bắc Son