THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2002/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 13/2002/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN ĐẤT NGẬP NƯỚC LUNG NGỌC HOÀNG TỈNH CẦN THƠ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 4012/BNN-KL ngày 24 tháng 12 năm 2001), Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (Công văn số 39/TTr.UB ngày 13 tháng 11 năm 2001); ý kiến của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Công văn số 3535/BKHCNMT-MTg ngày 06 tháng 12 năm 2001),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Tên gọi của Khu bảo tồn là: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Điều 2. Vị trí, tọa độ địa lý và quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng:
1. Vị trí địa lý:
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng bao gồm phạm vi đất đai của Lâm trường Phương Ninh, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.
Phía Bắc giáp xã Phương Bình; phía Nam giáp xã Phương Phú; phía Đông giáp xã Tân Phuớc Hưng (thuộc huyện Phụng Hiệp); phía Tây giáp huyện Long Mỹ.
2. Tọa độ địa lý:
- Từ 09041 đến 09045 vĩ độ Bắc.
- Từ 105039 đến 105043 kinh độ Đông.
3. Quy mô diện tích và các phân khu chức năng:
Tổng diện tích khu bảo tồn là: 2. 805, 37 ha
Trong đó gồm:
- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 976, 28 ha
- Phân khu phục hồi sinh thái: 963, 45 ha
- Phân khu hành chính, dịch vụ, du lịch: 404, 61 ha
- Khu thực nghiệm khoa học: 461, 03 ha
Vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích 8.836, 07 ha, bao quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Phía Bắc giáp kênh Lái Hiếu, phía Nam giáp kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, phía Đông giáp kênh Búng Tàu và kênh Xẻo Xu, phía Tây giáp kênh Cầu Nam.
Điều 3. Mục tiêu, nhiệm vụ của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng:
- Bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi khu trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước vùng đồng bằng ngập nước phía Tây sông Hậu Giang. Đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ.
- Sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên và những tiềm năng của hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ cuộc sống của nhân dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Cần Thơ.
- Góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long.
Điều 4. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ trực tiếp quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ chỉ đạo trình Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lên cấp có thẩm quyền, thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.
Đồng thời Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ chỉ đạo lập Dự án đối với hoạt động phát triển du lịch sinh thái, theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để triển khai thực hiện.
Hàng năm, trong nguồn vốn thuộc kế hoạch ngân sách đầu tư cho tỉnh Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ khoản mục vốn cấp cho các Dự án thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nói trên, để việc triển khai đảm bảo đúng nội dung và tiến độ theo Dự án đưọc phê duyệt.
Điều 5. Về tổ chức và bộ máy của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng:
Giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ quyết định về tổ chức và bộ máy của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trên cơ sở những quy định tại Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cần Thơ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |
- 1 Quyết định 2630/QĐ-TTg năm 2013 thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 2020/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Khu Bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3 Quyết định 08/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991