Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2008/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 05 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ngày 25/01/2008, Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển nuôi tôm chân trắng và việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại Tờ trình số 174/STS ngày 04 tháng 4 năm 2008 và Công văn số 198/STS-CLTY ngày 14/4/2008; Báo cáo thẩm định số 42/BC-STP ngày 27/3/2008 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phát triển nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Quyết định này; thường xuyên tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Chỉ thị số 09/2007/CT-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh Cà Mau về việc cấm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và tương, nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ TP);
- Như Điều 3;
- Các sở, ngành tỉnh;
- Báo, đài, Website tỉnh (đăng, phát nội dung);
- LĐVP UBND tỉnh;
- CV các khối;
- Lưu: VT, H12/5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

QUY ĐỊNH

PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2008 của UBND tỉnh Cà Mau)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Mục đích: Phát triển nuôi tôm chân trắng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và hướng tới phát triển nuôi tôm chân trắng bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn cho các loài tôm bản địa.

2. Đối tượng: Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931 hoặc Penaeus vannamei Boone, 1931)

3. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Các nội dung không nêu trong Quy định này thì thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Các thuật ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Nuôi tôm thâm canh: Là hình thức nuôi tôm với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp và có khả năng đạt năng suất trên 06tấn/ha/vụ đối với tôm chân trắng.

2. Cơ sở nuôi tôm: Là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi tôm; trong đó, các ao nuôi tôm có cùng hình thức nuôi, sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống thải nước đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường do một tổ chức, cá nhân làm chủ.

3. Vùng nuôi tôm: Là nơi có từ hai cơ sở nuôi tôm trở lên, không phân biệt địa giới hành chính, cùng sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống thải nước;

4. Quy hoạch: Là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ trên một địa bàn cho một mục đích nhất định trong một thời kỳ trung hạn, dài hạn.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện nuôi tôm chân trắng

1. Vị trí nuôi tôm chân trắng phải đúng quy hoạch nuôi tôm chân trắng của tỉnh.

2. Vùng nuôi hoặc cơ sở nuôi tôm chân trắng không được nuôi lẫn với các đối tượng tôm nuôi khác; hệ thống cấp và thoát nước phải được bố trí riêng biệt để tránh gây ô nhiễm; hệ thống đê bao phải đảm bảo không để tôm chân trắng và chất thải chưa xử lý thoát ra môi trường nước xung quanh.

3. Vùng nuôi hoặc cơ sở nuôi tôm chân trắng phải thực hiện đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm (Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 191:2004 Vùng nuôi tôm - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Tôm giống chân trắng thả nuôi phải được kiểm dịch đạt yêu cầu chất lượng theo Điều 4 của Quy định điều kiện sản xuất, giống, nuôi tôm chân trắng, ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Sử dụng thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

6. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi tôm chân trắng phải đăng ký với cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng giống thủy sản và chỉ được nuôi theo hình thức thâm canh; cơ sở nuôi, vùng nuôi tôm chân trắng phải được kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp giấy công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

7. Chủ đầu tư nuôi tôm chân trắng phải có hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật, vốn và trang thiết bị cần thiết; chấp hành sự giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh, chất lượng và phòng trừ dịch bệnh; tự trả chi phí khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra. Khi có dịch bệnh xảy ra trên tôm đang nuôi, chủ đầm (ao) nuôi phải báo ngay cho cán bộ Khuyến ngư cơ sở và cơ quan quản lý thú y thủy sản nơi gần nhất để dập dịch đúng theo quy định.

Điều 4. Điều kiện sản xuất giống tôm chân trắng

1. Vị trí xây dựng trại trong khu sản xuất giống tập trung theo Mục c, Khoản 3, Phần II của Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển giống thủy sản đến năm 2010 và Khoản 1, Điều 2 của Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Quy mô đầu tư xây dựng: có công suất từ 500 triệu tôm PL15/trại/năm trở lên.

3. Yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng tôm chân trắng bố mẹ, chất lượng tôm giống PL15, vệ sinh an toàn phòng bệnh và quản lý hoạt động trại sản xuất phải đạt theo yêu cầu tại Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Giống trước khi lưu thông phải khai báo kiểm dịch và thực hiện ghi nhãn hàng hóa trên bao bì đúng theo quy định hiện hành.

5. Giống sản xuất tại địa phương chỉ được phép tiêu thụ cho cơ sở nuôi theo hình thức nuôi thâm canh (đối với các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh) và có chứng nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản.

Điều 5. Điều kiện di nhập giống tâm chân trắng vào tỉnh Cà Mau

1. Tổ chức, cá nhân trước khi di nhập giống tôm chân trắng vào tỉnh Cà Mau phải đăng ký với cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản của tỉnh Cà Mau. Chỉ giải quyết di nhập giống để phục vụ cho cơ sở nuôi thâm canh theo vùng đã được quy hoạch.

2. Giống di nhập phải có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nơi xuất, có xuất xứ rõ ràng, giống phải đạt kích cỡ từ PL12 (9mm) trở lên và phải có phiếu xét nghiệm PCR âm tính đối với các loại bệnh virus cho từng lô hàng.

3. Phải khai báo với cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản của tỉnh khi di nhập giống đến tỉnh Cà Mau, để kiểm tra theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp phát hiện không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ, không có phiếu xét nghiệm PCR âm tính hoặc có phiếu xét nghiệm PCR âm tính đối với các loại bệnh virus nhưng không hợp lệ cho từng lô hàng, phương tiện vận chuyển, các vật dụng khác có liên quan không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y hoặc xuất phát từ địa phương đang phải tạm đình chỉ việc xuất giống tôm chân trắng do dịch bệnh, thì cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản phải tạm đình chỉ ngay việc vận chuyển, xử lý theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý của mình. Nếu giống tôm chân trắng không xuất phát từ địa phương đang phải tạm đình chỉ việc xuất giống do dịch bệnh, thì sau khi xử lý vi phạm theo quy định, cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản của tỉnh lấy mẫu kiểm tra bệnh do vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật và xét nghiệm các loại bệnh virus theo phương pháp Polymerase Chain Reaction (PCR).

Trường hợp xét nghiệm phát hiện giống bị nhiễm bệnh nguy hiểm do virus thì cơ quan kiểm tra chất lượng giống thủy sản phối hợp với Thanh tra chuyên ngành cùng chủ lô hàng tiến hành xử lý, tiêu hủy giống bị nhiễm bệnh. Trường hợp kiểm tra, xét nghiệm đạt yêu cầu về chất lượng giống theo quy định tại Điều 4 của Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì cơ quan kiểm dịch xác nhận lô hàng đạt yêu cầu nuôi thương phẩm. Các chi phí kiểm tra, xét nghiệm do chủ hàng chi trả theo quy định hiện hành.

4. Thực hiện biện pháp vệ sinh khử trùng, tiêu độc hệ thống bể, ao dèo, trang thiết bị, dụng cụ sử dụng chuyên dùng đảm bảo vệ sinh trước và sau mỗi đợt nuôi.

Chương 3.

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và nuôi tôm chân trắng có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước và Quy định này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

2. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tự phát trong sản xuất giống, nhập giống và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn quản lý.

3. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan có trách nhiệm đình chỉ hoạt động các cơ sở nuôi tôm chân trắng và sản xuất, di nhập giống tôm chân trắng khi chưa được cấp giấy chứng nhận.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Giám đốc Sở Thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi và kiểm dịch giống thủy sản theo quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng cho các đối tượng có liên quan; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đúng theo quy định hiện hành.

Điều 9. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xác định vùng nuôi tôm chân trắng trên địa bàn, gửi Sở Thủy sản xem xét, trình UBND tỉnh. Giao Giám đốc Sở Thủy sản tổng hợp các khu vực nuôi tôm chân trắng trên địa bàn các huyện, thành phố, lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nuôi tôm chân trắng của tỉnh./.