ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2008/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 05 tháng 02 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN ĐỘNG, THU HÚT, ĐIỀU PHỐI VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Ngoại vụ và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận động, thu hút, điều phối và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày và được đăng trên Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 (năm) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VẬN ĐỘNG, THU HÚT, ĐIỀU PHỐI VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc quản lý, vận động, thu hút, điều phối và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Viện trợ phi chính phủ đề cập trong Quy chế này bao gồm:
a. Các khoản viện trợ phi chính phủ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quy định tại khoản 2, Điều 6 Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
b. Các chương trình, dự án sử dụng viện trợ phi chính phủ hoặc các khoản viện trợ phi dự án do thành phố thụ hưởng từ các chương trình, dự án, viện trợ phi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 2. Quy chế này không áp dụng đối với việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Điều 3. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc quản lý nhà nước đối với công tác vận động, thu hút, tiếp nhận, sử dụng, quản lý mọi nguồn vốn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố theo chức năng, lĩnh vực được giao.
Chương 2:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ
Điều 4. Hoạt động thu hút, quản lý, tiếp nhận và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Điều 5. Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý nhà nước mọi nguồn viện trợ phi chính phủ từ vận động đến đàm phán và ký kết viện trợ với các bên tài trợ theo thẩm quyền được giao; tổ chức theo dõi, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả, hiệu quả sử dụng các khoản viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 6. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố; chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định, điều phối, quản lý các chương trình, dự án sử dụng viện trợ phi chính phủ và tổng hợp chung tình hình sử dụng viện trợ phi chính phủ theo định kỳ để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan, cụ thể gồm các nhiệm vụ như sau:
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị, tổ chức nhân dân xây dựng chương trình, dự án để tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
2. Thẩm định và tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tham gia ý kiến với Sở Ngoại vụ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt đối với các khoản viện trợ phi dự án, cứu trợ khẩn cấp.
4. Phối hợp với Sở Tài chính bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn vị thuộc đối tượng được cấp ngân sách để thực hiện chương trình, dự án đã cam kết với bên tài trợ theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức việc giám sát, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý và thực hiện; tổng hợp, phân tích và đánh giá hiệu quả các khoản viện trợ phi chính phủ theo đúng các quy định hiện hành và thực hiện đúng cam kết với bên tài trợ; xử lý những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền.
6. Tổng hợp các báo cáo định kỳ, kết thúc và đột xuất (nếu có) trình Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan về kết quả thực hiện viện trợ phi chính phủ của địa phương.
7. Phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành biểu mẫu báo cáo đối với các chương trình, dự án.
Điều 7. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định, tiếp nhận, điều phối, quản lý đối với các khoản viện trợ phi dự án (kể cả các khoản cứu trợ khẩn cấp) thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể các nhiệm vụ như sau:
1. Chủ trì, phối hợp với Ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt định hướng, lĩnh vực kêu gọi vận động, tranh thủ viện trợ trên cơ sở các lĩnh vực, định hướng ưu tiên trong kế hoạch hàng năm hoặc trong từng thời kỳ của địa phương và chính sách đối ngoại chung của Nhà nước.
2. Phối hợp cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị, tổ chức nhân dân xây dựng kế hoạch để vận động viện trợ phi chính phủ; hướng dẫn đơn vị trực tiếp tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ chuẩn bị nội dung, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
3. Tổng hợp ý kiến trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định phê duyệt đối với các khoản viện trợ phi dự án, viện trợ khẩn cấp.
4. Tổng hợp các khoản viện trợ phi dự án để tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung tình hình viện trợ phi chính phủ để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Tham gia ý kiến thẩm định với Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
6. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức tiếp nhận, điều phối, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý sử dụng các khoản viện trợ phi dự án và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện.
7. Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác vận động và tranh thủ viện trợ phi chính phủ (kể cả kêu gọi cứu trợ khẩn cấp).
8. Phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành biểu mẫu báo cáo về các khoản viện trợ phi dự án trong lĩnh vực được giao.
Điều 8. Sở Tài chính chịu trách nhiệm quản lý tài chính Nhà nước về viện trợ phi chính phủ, cụ thể các nhiệm vụ như sau:
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chế độ quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ phi chính phủ theo thẩm quyền và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm nêu tại khoản 4 Điều 6 của Quy chế này.
3. Theo dõi, kiểm tra tình hình tiếp nhận, sử dụng, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ trong lĩnh vực chuyên môn của ngành.
4. Tổng hợp quyết toán tài chính của mọi khoản viện trợ phi chính phủ; tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung tình hình viện trợ phi chính phủ theo định kỳ 6 tháng, hàng năm để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Tham gia thẩm định các chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
6. Phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành biểu mẫu báo cáo về các khoản viện trợ trong lĩnh vực quyết toán tài chính.
Điều 9. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố chịu trách nhiệm chính trong công tác quan hệ và vận động viện trợ đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài (bên tài trợ). Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố có nhiệm vụ:
1. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác vận động viện trợ phi chính phủ trên cơ sở các lĩnh vực, định hướng ưu tiên và chính sách đối ngoại chung.
2. Hướng dẫn và hỗ trợ bên tài trợ trong quá trình tìm hiểu thông tin, tiếp cận các cơ quan địa phương để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tham gia thẩm định (chủ yếu là cung cấp thông tin và nhận xét về các mặt hoạt động của bên tài trợ...) các chương trình, dự án; tham gia ý kiến với Sở Ngoại vụ về các khoản viện trợ phi dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và tham gia theo dõi hoạt động của các dự án viện trợ phi chính phủ.
4. Thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình vận động viện trợ phi chính phủ theo định kỳ để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Phối hợp với Sở Ngoại vụ kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về chủ trương vận động cứu trợ khẩn cấp.
Điều 10. Công an thành phố có nhiệm vụ:
1. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện các quy định về bảo vệ an ninh trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ phi chính phủ.
2. Trong trường hợp cần thiết, tham gia ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính thẩm định các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Theo dõi, kiểm tra tình hình tiếp nhận, sử dụng, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ trong lĩnh vực chuyên môn của ngành.
Điều 11. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có nhiệm vụ:
1. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
2. Tham gia công tác thẩm định và đề xuất kiến nghị về chính sách, cơ chế... đối với các chương trình, dự án; tham gia ý kiến đối với các khoản viện trợ phi dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 12. Ban Tôn giáo - Dân tộc có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ
Điều 13. Hải quan Cần Thơ có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về tiếp nhận các khoản viện trợ phi dự án, cung cấp viện trợ dưới dạng hiện vật, hàng hóa, vật tư, thiết bị... cho các mục đích nhân đạo, từ thiện.
Chương 3:
THỰC HIỆN CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ
Điều 14. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ (kể cả các khoản viện trợ thụ hưởng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 của Quy chế này) như sau:
1. Chuẩn bị chương trình, dự án; soạn thảo văn kiện chương trình, dự án, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
2. Làm rõ nội dung, mục tiêu, giá trị viện trợ, đối tượng thụ hưởng đối với các khoản viện trợ phi dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiếp nhận, sử dụng.
3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các thủ tục tiếp nhận đối với những hàng hóa đã qua sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
4. Cùng các cơ quan liên quan phối hợp với bên tài trợ để tiến hành các công việc chuẩn bị và hỗ trợ cần thiết.
5. Thực hiện các khoản viện trợ như đã thỏa thuận, cam kết với Bên tài trợ và phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý tài chính, tiền tệ, xây dựng cơ bản, đấu thầu mua sắm và thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
6. Chuẩn bị báo cáo định kỳ, kết thúc và đột xuất (nếu có) về tình hình tiếp nhận, thực hiện và tài chính các khoản viện trợ phi chính phủ của đơn vị mình trình cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung).
Điều 15. Việc tổ chức tiếp nhận và thực hiện viện trợ phi chính phủ chỉ thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 16. Chế độ báo cáo thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ được tiến hành định kỳ 6 tháng, hàng năm và khi kết thúc thực hiện:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp chung tình hình thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê để theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo về các khoản viện trợ phi dự án trong lĩnh vực được giao; phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố báo cáo tình hình thực hiện công tác vận động viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo về các khoản viện trợ trong lĩnh vực quyết toán tài chính.
4. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố chịu trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác vận động viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố.
5. Các cơ quan có liên quan thực hiện công tác báo cáo theo chức năng, lĩnh vực được giao có liên quan.
Điều 17. Kiểm tra, thanh tra việc tiếp nhận sử dụng viện trợ phi chính phủ:
1. Công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính tổ chức thực hiện.
2. Kiểm tra, giám sát đột xuất sẽ do từng cơ quan chức năng liên quan đề xuất và tổ chức thực hiện theo yêu cầu cụ thể.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn nội dung báo cáo đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng, tiếp nhận và thực hiện công tác viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố.
Điều 19. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 20. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành cấp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp và các đơn vị tiếp nhận và sử dụng viện trợ phi chính phủ trên địa bàn thành phố; tiến hành thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm Quy chế này.
- 1 Quyết định 2395/QĐ-UBND năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Cần thơ ban hành liên quan đến lĩnh vực Đất đai; Xây dựng; Đầu tư còn hiệu lực và hết hiệu lực thi hành
- 2 Quyết định 03/2011/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 13/2008/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, vận động, thu hút, điều phối và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 4 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 1 Quyết định 16/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2 Quyết định 49/2008/QĐ-UBND Ban hành Quy chế Quản lý vận động, thu hút, điều phối và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5 Quyết định 64/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 1 Quyết định 16/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2 Quyết định 49/2008/QĐ-UBND Ban hành Quy chế Quản lý vận động, thu hút, điều phối và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang