Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2011/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CỦA TÀU CÁ Ở CỬA GIANH, TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 20/2006/QĐ-BTS ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, tại Tờ trình số 631/TTr- SNN, ngày 11 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá ở Cửa Gianh, tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Ban quản lý cảng cá Sông Gianh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND;
- UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Bình;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
- TT Công báo, TTTH tỉnh;
- Lưu VT, XDCB&TNMT.         

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CỦA TÀU CÁ Ở CỬA GIANH, TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 13/2011/QĐ - UBND ngày 16 tháng 09 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý Khu neo đậu tránh trú bão (sau đây gọi tắt là Khu neo đậu) và kết cấu hạ tầng có liên quan thuộc Khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá ở Cửa Gianh, tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng Khu neo đậu.

Điều 3. Quản lý Khu neo đậu

Ban Quản lý cảng cá sông Gianh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vận hành Khu neo đậu.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh: Là khu vực được giới hạn bởi vùng đất và vùng nước thuộc khu neo đậu theo quy hoạch do UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Bến cập tàu, vùng nước đậu tàu, luồng vào, hệ thống phao neo, trụ neo, phao tiêu dẫn luồng, biển báo, đốn báo, kè chắn sóng, nhà điều hành và khu đất để xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

2. Kết cấu hạ tầng của Khu neo đậu: Là tổng thể các công trình, hạng mục công trình thuộc khu neo đậu gồm: Hệ thống luồng lạch, vùng nước neo đậu tránh trú bão, vùng nước bến cập tàu, đường, bãi nội bộ, trụ sở làm việc, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống đê bao chắn sóng, các trụ neo, hệ thống phao tiêu báo hiệu, hệ thống thông tin liên lạc và các tài sản khác.

3. Tàu cá: Là tàu, thuyền và các vật kiến trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản.

4. Chủ tàu: Là tổ chức, cá nhân sở hửu, quản lý, sử dụng tàu cá.

5. Thuyền trưởng: Là người chỉ huy trên các loại tàu cá, theo quy định của pháp luật phải có bằng thuyền trưởng.

6. Người lái tàu: Là người trực tiếp điều khiển tàu cá, theo quy định của pháp luật không yêu cầu phải có bằng thuyền trưởng.

7. Thuyền viên tàu cá: Là những người thuộc định biên của tàu, bao gồm thuyền trưởng, các thuyền viên được bố trí làm việc trên tàu.

Điều 5. Đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác Khu neo đậu

Khu neo đậu là công trình do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng Khu neo đậu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về quản lý cảng biển, luồng hàng hải, an toàn hàng hải và an ninh hàng hải, quản lý đất đai, mặt nước, quy hoạch, xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Những hành vi bị cấm trong khu vực Khu neo đậu

1. Tàu thuyền không phải là tàu cá vào tránh trú bão trong Khu neo đậu.

2. Xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, các chất thải rắn từ các tàu cá, các khu vực sơ chế, chế biến thuỷ sản và khu dân cư vào khu vực Khu neo đậu.

3. Xả dầu thải, chất bẩn, chất độc hại, rác sinh hoạt và các loại phế thải khác không đúng nơi quy định và các hành vi gây ô nhiễm khác.

4. Vận chuyển hàng quốc cấm, hàng có khả năng gây ô nhiễm, độc hại, chất nổ, hàng lậu, hàng giả vào khu vực Khu neo đậu.

5. Các hành vi phá hoại, xâm phạm kết cấu hạ tầng của Khu neo đậu, các hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trong Khu neo đậu.

6. Đặt các lồng bè nuôi thuỷ sản, đánh bắt thuỷ sản trong vùng nước của Khu neo đậu.

7. Cản trở, gây khó khăn cho nười thi hành công vụ.

8. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THAM GIA KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CỦA TÀU CÁ Ở CỬA GIANH, TỈNH QUẢNG BÌNH

Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn

1. Trách nhiệm

a) Thực hiện nghiêm túc Quy chế và Nội quy của Ban Quản lý Cảng cá Sông Gianh tại Khu neo đậu.

b) Các chủ tàu, xe và phương tiện khác khi vào hoạt động trong Khu neo đậu phải tuân thủ sự hướng dẫn của Ban Quản lý.

c) Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo khi vào, ra (kể cả khai báo danh sách thuyÒn viên trên tàu); kiểm tra thiết bị hàng hải, trang bị an toàn tàu cá, các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước khi tàu cập và rời khỏi Khu neo đậu.

d) Đối với tàu cá có trang bị khai thác cồng kềnh, quá khổ phải thu xếp gọn trước khi vào Khu neo đậu.

đ) Bảo vệ và sử dụng an toàn các kết cấu, cơ sở hạ tầng của Khu neo đậu.

e) Cung cấp đầy đủ các thông tin cho Ban Quản lý khi có yêu cầu.

f) Khi xảy ra tai nạn hoặc phát hiện tai nạn trong Khu neo đậu, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tìm mọi cách đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tổ chức ngay việc tìm kiếm cứu nạn, kịp thời khắc phục hậu quả theo quy định, đồng thời thông báo cho Ban Quản lý phối hợp giải quyết.

g) Thuyền trưởng tàu cá cú trách nhiệm phân công người trực tàu để thực hiện các hướng dẫn của Ban Quản lý và tự bảo quản tài sản trờn tàu trong quá trình hoạt động tại Khu neo đậu.

h) Chấp hành lệnh điều động của Ban Quản lý trong trường hợp khẩn cấp kể cả việc buộc thuyền viên phải rời tàu để đảm bảo an toàn tính mạng khi có mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền.

k) Nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Quyền hạn

a) Được khai thác, sử dụng các kết cấu, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ của Khu neo đậu theo hợp đồng và theo quy định của Ban Quản lý và yêu cầu giúp đỡ trong quá trình khai thác, sử dụng Khu neo đậu.

b) Được cung cấp các thông tin về thời tiết, giá cả sản phẩm, nội quy và các quy định của Ban Quản lý.

c) Không thu phí khi tàu vào neo đậu tránh trú lụt bão, áp thấp nhiệt đới.

Điều 8. Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn

1. Tuân thủ phương án sắp xếp tàu thuyền của Ban quản lý tại Khu NĐTTB . Chấp hành các quy định về phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt khi có lụt bão xảy ra phải thường xuyên kiểm tra để có biện pháp phòng, chống an toàn cho người, tránh va đập hư hỏng tài sản hoặc đứt neo, dây buộc làm trôi dạt tàu thuyền, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của ngư dân.

2. Các phương tiện vào hoạt động trong Khu neo đậu phải được trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ phòng, chống cháy, nổ theo quy định.

3. Tàu thuyền bị chìm đắm hoặc mắc cạn trong Khu NĐTTB do bão lũ gây ra, chủ phương tiện phải tự chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả tai nạn.

Điều 9. An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ trong Khu neo đậu

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ.

2. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

4. Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm phòng, chống cháy, nổ các nguy cơ cháy, nổ đối với phương tiện của mình.

5. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm trong phòng, chống cháy, nổ, sự cố rò rỉ, tràn dầu đối với hệ thống cung cấp nhiên liệu của mình.

Điều 10. Công tác giữ gìn an ninh trật tự vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Phối hợp với Ban Quản lý về đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông, môi trường trong Khu vực neo đậu.

4. Khi vào hoạt động trong Khu neo đậu, các tàu phải tự trang bị thùng rác; rác thải, dầu cặn phải được thu gom và đổ đúng nơi quy định.

5. Không sử dụng phụ gia, hoá chất thuộc danh mục cấm sử dụng để bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU

Điều 11. Kế hoạch và đầu tư

1. Căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển thuỷ sản của ngành, địa phương, Ban Quản lý xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm, quý, tháng để tổ chức thực hiện.

2. Được trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế để đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc kết cấu hạ tầng và các dịch vụ khác liên quan đến hậu cần nghề cá tại Khu neo đậu theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Được trực tiếp tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá, đấu giá thuỷ sản trong khu vực Khu neo đậu do mình quản lý.

Điều 12. Chấp hành luật pháp

1. Phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Quy chế này cho các tổ chức cá nhân tham gia sử dụng Khu neo đậu.

2. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn, Ban Quản lý xây dựng nội quy và hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện. Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế này khi cần thiết.

3. Thực hiện đầy đủ các chế độ, thể lệ, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn có liên quan đến khu vực neo đậu theo quy định của Pháp luật.

4. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất theo quy định của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Quảng Bình và các cơ quan chức năng có liên quan.

Điều 13. Quản lý, vận hành và bảo vệ Khu neo đậu

1. Tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trong Khu neo đậu theo pháp luật. Hướng dẫn và lập các thủ tục hành chính theo hướng cải tiến đơn giản, nhanh chóng cho người, tàu thuyền phương tiện ra vào hoạt động.

2. Tổ chức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động trong Khu neo đậu theo mức thu do ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Không thu phí, lệ phí trong trường hợp tàu thuyền vào neo đậu tránh trú lụt bão, áp thấp nhiệt đới.

3. Tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá và ký kết hợp đồng với các tổ chức cá nhân vào đầu tư, khai thác, sử dụng mặt bằng đất trong Khu neo đậu theo quy định của Nhà nước.

4. Lập sổ theo dõi tình hình hoạt động, tình trạng kỹ thuật các công trình, hạng mục công trình, trang thiết bị của Khu neo đậu. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng các kết cấu hạ tầng có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng theo quy định.

5. Quản lý, khai thác sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đất đai, mặt nước và cơ sở hạ tầng khác của Khu neo đậu theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trong Khu neo đậu

1. Căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm Ban Quản lý xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, phương án sắp xếp tàu thuyền neo đậu, xây dựng phương án phối hợp phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn với Ban Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của ngành và địa phương.

2. Trường hợp có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới:

a) Chủ động triển khai phương án phòng chống lụt bão của đơn vị. Bằng các phương tiện thông tin thông báo thường xuyên, kịp thời cho ngư dân về tình hình diễn biến của bão lũ và tình hình neo đậu tại Khu neo đậu để các tàu thuyền trong vùng bị ảnh hưởng, chọn nơi neo trú an toàn và thuận lợi nhất.

b) Treo tín hiệu báo bão, lũ, áp thấp nhiệt đới.

c) Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp cho tàu thuyền vào neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn theo Quy trình và Phương án quản lý, vận hành đã được phê duyệt

d) Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tổng hợp tình hình; thống kê báo cáo số lượng, danh sách các tàu thuyền đang trú bão tại Khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý cho Ban Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ đội Biên phòng và các cấp quản lý có thẩm quyền của địa phương nơi có Khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá hoạt động.

đ) Trong trường hợp đặc biệt, chấp hành mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền, thông báo cho ngư dân không ở lại trên tàu, thuyền khi đã đưa tàu vào đúng vị trí neo đậu quy định.

e) Hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân khi có yêu cầu trong thời gian tránh, trú bão.

 f) Tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và thống kê thiệt hại; đồng thời tổ chức khắc phục thiệt hại ngay sau khi bão đi qua.

Điều 15. Phòng, chống cháy, nổ trong Khu neo đậu

1. Ban Quản lý chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên trách phòng, chống cháy, nổ ở khu vực, xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ và triển khai thực hiện.

2. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định. Các thiết bị trên phải luôn ở tình trạng hoạt động tốt.

3. Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tập huấn và diễn tập về công tác phòng, chống cháy, nổ cho các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng Khu neo đậu

4. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tàu thuyền trong công tác phòng, chống cháy, nổ.

5. Thường xuyên kiểm tra và quản lý tốt hệ thống điện của đơn vị.

6. Tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng, tái phạm hoặc không có biện pháp khắc phục hậu quả để loại trừ sự cố nguy hiểm về cháy, nổ.

7. Trong trường hợp xảy ra cháy, nổ trong Khu neo đậu:

a) Chủ động triển khai phương án phòng chống cháy, nổ đồng thời huy động các lực lượng, trang thiết bị chữa cháy của mọi tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại khu vực neo đậu để cứu chữa, tìm mọi biện pháp nhanh chóng, kịp thời dập tắt đám cháy, đồng thời cấp báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy can thiệp.

b) Tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, thống kê thiệt hại và tổ chức khắc phục thiệt hại ngay sau khi đám cháy được khống chế.

8. Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu:

a) Sau khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu, đơn vị phải có ngay biện pháp ứng phó theo khả năng, đồng thời phải kịp thời báo cáo về cơ quan chủ quản, Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực III để chỉ đạo, phối hợp xử lý.

b) Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để các cơ quan đơn vị và nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng chủ động phòng tránh và tham gia khắc phục hậu quả.

Điều 16. Công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong khu vực Khu neo đậu

1. Ban Quản lý chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện phương án quản lý môi trường, phương án phối hợp giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực Khu neo đậu.

2. Định kỳ tổ chức tập huấn, In ấn tờ rơi, panô, áp phích để tuyên truyền pháp luật về công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho các thành phần kinh tế và ngư dân hoạt động tại Khu neo đậu.

Điều 17. Phối hợp trong việc quản lý Khu neo đậu

1. Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền

a) Trong trường hợp cần thiết, được phép hạn chế hoặc tạm dừng việc ra, vào hoạt động của các phương tiện trong khu neo đậu theo sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên có thẩm quyền.

b) Cưỡng chế phương tiện ra khỏi Khu neo đậu khi không chấp hành nội quy, quy định của Ban quản lý.

c) Thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu, tình hình an toàn cầu, bến cho các tàu cá ra, vào Khu neo đậu.

d) Xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân, phương tiện vi phạm Quy chế này và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

đ) Điều tra và thực hiện xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ tai nạn, sự cố trong phạm vi Khu neo đậu.

e) Kiểm soát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến và tiêu dùng các loại sản phẩm thuỷ sản trong danh mục cấm.

2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan

a) Cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi, thời tiết cho cộng đồng ngư dân sử dụng Khu neo đậu.

b) Thống kê tàu thuyền, phương tiện, lượng hàng thuỷ sản, thống kê các loài thuỷ sản có sản lượng lớn.

c) Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong khu vực Khu neo đậu.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG VIỆC PHỐI HỢP QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU

Điều 18. Phối hợp quản lý Khu neo đậu và phòng chống lụt bão

1. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản phối hợp với Ban quản lý chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh Thủy sản đối với các sản phẩm Thủy sản qua Khu neo đậu. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản phối hợp hướng dẫn và xử lý kỹ thuật trong quá trình neo đậu trú bão và giải quyết khi xảy ra sự cố. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới phối hợp tiếp nhận cứu chữa bệnh nhân bị nạn.

2. BCH Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở Nông nghiệp & phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý:

a) Tổ chức thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong Khu neo đậu theo quy định của pháp luật.

b) Tham gia cưỡng chế phương tiện ra khỏi khu vực Khu neo đậu khi không chấp hành các nội quy, quy định của Ban Quản lý.

3. Sở Công an, Công an huyện Bố trạch chỉ đạo Đồn công an Thanh Hà, Công an địa bàn phối hợp với chính quyền các xã Bắc Trạch, Thanh Trạch và Ban Quản lý thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nắm chắc tình hình, xử lý dứt điểm các trường hợp gây rối, trộm cắp, chống đối người thi hành công vụ; phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý và cộng đồng ngư dân hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả; khi có tình huống lụt bão thì tăng cường lực lượng phối hợp hỗ trợ với Ban Quản lý và các lực lượng khác liên quan trên địa bàn để hướng dẫn tàu cá vào Khu neo đậu, bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân.

4. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Gianh và các đơn vị thuộc quyền quản lý phối hợp với Ban Quản lý, chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan trên địa bàn thường xuyên tuần tra, hướng dẫn và yêu cầu tàu cá phải vào Khu neo đậu để bốc dỡ hàng hoá và neo đậu theo quy định. Phối hợp điều động các loại tàu thuyền ra, vào tại Khu neo đậu kịp thời, nhanh chóng và an toàn khi có lụt bão xảy ra. Phối hợp với Ban Phòng, chống lụt bão các cấp trong việc cứu hộ, cứu nạn; tham gia khắc phục hậu quả sau lụt bão.

5. Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Thanh Trạch, Bắc Trạch có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Khu neo đậu bố trí đủ lực lượng cùng các lực lượng Biên phòng, Công an địa bàn, Ban Phòng, chống lụt bão các cấp tham gia giúp ngư dân trong việc cứu hộ, cứu nạn; công tác an ninh trật tự tại khu vực.

6. Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Trạch, Bố Trạch, trạm y tế tại các xã Thanh Trạch, Bắc Trạch và các cơ sở y tế liên quan có phương án sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bị nạn do sự cố cháy nổ, lụt bão; bố trí lực lượng người, phương tiện, thuốc, dụng cụ cấp cứu tại chỗ, giải quyết nhanh, gọn, kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

7. Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nặng khi tuyến dưới chuyển lên.

8. Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý thông báo tình hình luồng, lạch, phao tiêu báo hiệu, tình hình an toàn cầu, bến cho các tàu cá ra, vào khu neo đậu.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý Nhà nước đối với cảng cá, khu neo đậu tại địa phương.

2. Tuyên truyền, phổ biến Quy chế quản lý cảng cá, khu neo đậu và các văn bản pháp luật có liên quan cho Ban quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng Khu neo đậu.

3. Chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng kế hoạch bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư và giao trách nhiệm quản lý; xây dựng nội quy quản lý Khu neo đậu và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện.

4. Tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của tỉnh; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn về pháp luật, nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ, nhân viên quản lý Khu neo đậu trong toàn tỉnh.

5. Lập danh bạ Khu neo đậu thuộc quyền quản lý; hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của các Khu neo đậu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (qua Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản).

6. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Ban hành Quy chế quản lý Khu neo đậu chung trong toàn tỉnh.

b) Tổ chức và phân cấp quản lý Khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi có Khu neo đậu có trách nhiệm hỗ trợ Ban Quản lý thực hiện tốt Quy chế và các quy định khác có liên quan.

Điều 20. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

Phối hợp kịp thời, thường xuyên với Ban Quản lý để tuyên truyền phổ biến Quy chế, tập huấn, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật trong phạm vi Khu neo đậu về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh, dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống các hành vi phá hoại, phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Điều 21. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý Khu neo đậu được khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng Khu neo đậu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan vi phạm Quy chế này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

Điều 22. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, không phù hợp cần bổ sung, sửa đổi; Ban quan lý, tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng Khu neo đậu phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.