Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2019/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 03 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;

Căn cứ Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 197/TTr-SXD ngày 31/5/2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 7 năm 2019, thay thế Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 25/02/2013 của UBND tỉnh, về phân cấp quản lý và sử dụng Nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh, nội dung quy định Phân cấp về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của UBND tỉnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- UBND các xã, phường, thị trấn
(do UBND huyện, TX, TP sao gửi);
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh, TT Công báo;
- VP UBND tỉnh: Các PCVP,
 Các phòng, trung tâm;
- Lưu: VT, CN. (VT.75).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cảnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về quản lý và sử dụng nghĩa trang, gồm: Nghĩa trang thuộc mọi nguồn vốn đầu tư, nghĩa trang tôn giáo, khu mộ dòng họ, các phần mộ riêng lẻ (trừ nghĩa trang liệt sĩ) và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan đến các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Cấp nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

Cấp nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được phân theo quy mô về diện tích như sau:

1. Nghĩa trang cấp I: Có quy mô diện tích lớn hơn 60ha.

2. Nghĩa trang cấp II: Có quy mô diện tích từ 30ha đến 60ha.

3. Nghĩa trang cấp III: Có quy mô diện tích từ 10ha đến dưới 30ha.

4. Nghĩa trang cấp IV: Có quy mô diện tích dưới 10ha.

5. Cơ sở hỏa táng: Cấp II với mọi quy mô.

Điều 3. Quản lý nhà nước về nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Quản lý nhà nước về nghĩa trang, cơ sở hỏa táng là việc quản lý về quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng; thực hiện và hướng dẫn, phân công, phân cấp, thẩm định, phê duyệt, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng và theo các nội dung tại Quy định này.

2. UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ hệ thống nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh và phân cấp quản lý nhà nước về nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

a) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống nghĩa trang cấp I, II và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh.

b) UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện), chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hệ thống nghĩa trang cấp III, IV trên địa bàn do mình quản lý.

Điều 4. Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.

2. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

3. Sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Chương II

QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, CẢI TẠO, ĐÓNG CỬA, DI CHUYỂN NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 5. Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh

1. Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng quy hoạch nghĩa trang trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thời hạn, nhiệm vụ, nội dung, hồ sơ đồ án Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

3. Sở Xây dựng chủ trì tổ chức lập, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh cho từng giai đoạn, theo thời hạn của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được duyệt.

Điều 6. Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được căn cứ vào quy hoạch xây dựng cấp độ cao hơn theo Điểm b Khoản 2 Điều 14 Luật Xây dựng 2014, như sau:

a) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang cấp I, cấp II được căn cứ quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh hoặc quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt.

b) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang cấp III, cấp IV và cơ sở hỏa táng được căn cứ quy hoạch chung xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng nông thôn; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù được phê duyệt.

2. Nội dung, hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

3. Thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được thực hiện theo quy định hiện hành về quy hoạch xây dựng; quy hoạch đô thị.

Điều 7. Cải tạo nghĩa trang

1. Đơn vị quản lý nghĩa trang đề xuất kế hoạch cải tạo nghĩa trang do mình được giao quản lý vận hành khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cải tạo nghĩa trang từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đơn vị quản lý nghĩa trang đề xuất nội dung cải tạo nghĩa trang đối với cơ quan được phân cấp quản lý theo Khoản 2 Điều 3 Quy định này. Trình tự, thẩm quyền quản lý đầu tư xây dựng cải tạo nghĩa trang được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng.

3. Cải tạo nghĩa trang từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

a) Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nội dung cải tạo nghĩa trang đối với nghĩa trang cấp I, cấp II.

b) Cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện kiểm tra, đề xuất nội dung cải tạo nghĩa trang cấp III, cấp IV trên cơ sở đề nghị của UBND cấp xã hoặc tổ chức, cá nhân quản lý nghĩa trang trình UBND cấp huyện phê duyệt. Nội dung cải tạo nghĩa trang cũng đồng thời gửi Sở Xây dựng để tổng hợp.

4. Cải tạo nghĩa trang gồm các nội dung theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP. Đồng thời, xác định đơn vị thực hiện, tiến độ và tổng mức đầu tư.

Điều 8. Quyết định đóng cửa nghĩa trang

1. Các nghĩa trang không đủ điều kiện hoạt động nêu tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP đều được đóng cửa.

a) Sau khi thống nhất với UBND cấp huyện, các Sở, ngành liên quan và đơn vị quản lý nghĩa trang, Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định đóng cửa nghĩa trang cấp I, II.

b) UBND cấp huyện quyết định đóng cửa nghĩa trang cấp III, cấp IV theo đề nghị của cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện. Quyết định đóng cửa nghĩa trang được gửi cho Sở Xây dựng để tổng hợp.

2. Thời gian kết thúc, không tiếp nhận hoạt động táng phải được nêu cụ thể trong quyết định đóng cửa nghĩa trang, tối thiểu sau 3 tháng kể từ ngày ban hành quyết định đóng cửa nghĩa trang.

3. Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý nghĩa trang có trách nhiệm thông báo công khai quyết định đóng cửa nghĩa trang đến cộng đồng dân cư tại các địa phương (thôn, buôn, tổ dân phố) trên địa bàn thuộc phạm vi phục vụ của nghĩa trang có quyết định đóng cửa.

4. Quyết định đóng cửa nghĩa trang phải có nội dung phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khắc phục ô nhiễm môi trường, cải tạo chỉnh trang (nếu có) theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

Điều 9. Di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ

1 . Nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ thực hiện di chuyển trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

2. Chủ dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lập phương án di chuyển nghĩa trang phù hợp với điều kiện địa phương trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định di chuyển nghĩa trang theo Khoản 3 Điều này.

3. Thẩm quyền quyết định di chuyển nghĩa trang.

a) Sở Xây dựng chủ trì, trình UBND tỉnh quyết định di chuyển Nghĩa trang cấp I, cấp II và hướng dẫn các chủ dự án đầu tư xây dựng tổ chức thực hiện.

b) UBND cấp huyện quyết định di chuyển Nghĩa trang cấp III, cấp IV, và các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý theo đề nghị của cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện.

3. Chủ dự án đầu tư xây dựng được giao thực hiện di chuyển nghĩa trang có trách nhiệm thông báo phương án di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ và địa điểm chuyển đến tối thiểu trước 60 ngày tại địa phương (phường, xã, thị trấn) nơi thực hiện và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

4. Nội dung thông báo di chuyển nghĩa trang gồm lịch trình di chuyển; địa điểm chuyển đến; biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường quá trình di chuyển, chính sách và biện pháp xử lý các vấn đề có liên quan (xử lý mộ vô chủ; chính sách hỗ trợ, đền bù khi giải tỏa...).

Chương III

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 10. Quản lý, sử dụng đất nghĩa trang

1. Nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước phải dành tỷ lệ diện tích đất mai táng đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội khi chết trên địa bàn.

a) Đối với nghĩa trang cấp I, cấp II, tỷ lệ diện tích được đề xuất trong báo cáo đề xuất đầu tư được duyệt theo các quy định pháp luật về đầu tư và tối thiểu là 2% diện tích đất mai táng.

b) Đối với nghĩa trang cấp III, cấp IV, tỷ lệ tối thiểu là 4% diện tích đất mai táng.

2. Diện tích đất mai táng phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn quy định tại Khoản 1 Điều này được chủ đầu tư nghĩa trang bàn giao cho UBND cấp huyện nơi xây dựng nghĩa trang để thống nhất quản lý, khai thác. Nội dung quản lý, khai thác được xác định trong quy chế quản lý nghĩa trang được ban hành. Trường hợp địa phương thuộc phạm vi phục vụ nghĩa trang không cần sử dụng quỹ đất này thì chủ đầu tư nghĩa trang đề xuất UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

3. Sử dụng phần mộ cá nhân trong nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận việc đăng ký trước khi cho sử dụng phần mộ cá nhân trong nghĩa trang do mình quản lý.

a) Đối tượng, thành phần hồ sơ tiếp nhận đăng ký thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

b) Thời gian giải quyết không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký phải thông báo kết quả cho đối tượng đăng ký bằng văn bản, tạo thuận lợi cho đối tượng đã đăng ký trước, khi sử dụng phần mộ cá nhân trong nghĩa trang.

Điều 11. Đối tượng được hưởng chính sách xã hội

1. Đối tượng chính sách xã hội được miễn tiền sử dụng phần mộ cá nhân đối với diện tích đất mai táng được bố trí cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định tại Điều 10 Quy định này, gồm:

a) Người vô gia cư, người không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng, khi chết ở địa phương nào được chính quyền địa phương đó tổ chức táng ở nghĩa trang tại địa phương.

b) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có người thân chăm sóc, đang đang được phụng dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội hoặc đang nhận chăm sóc tại cộng đồng.

c) Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

d) Người thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi dưới 16 tuổi đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.

e) Những trường hợp chính sách xã hội khác: UBND cấp huyện đề nghị Đơn vị quản lý nghĩa trang đối với từng trường hợp cụ thể, khi xử lý phát sinh việc bố trí đất mai táng trên địa bàn do mình quản lý.

2. Trình tự tiếp nhận, bố trí phần mộ cho đối tượng chính sách xã hội là một nội dung được quy định cụ thể trong quy chế quản lý nghĩa trang được ban hành theo Điều 13 Quy định này.

Điều 12. Lựa chọn đơn vị quản lý nghĩa trang và quản lý vận hành cơ sở hỏa táng

1. Đối với Nghĩa trang cấp I, cấp II và cơ sở hỏa táng được đầu tư xây dựng mới và cải tạo mở rộng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh quyết định giao đơn vị quản lý nghĩa trang và vận hành cơ sở hỏa táng theo quy định hiện hành về phương thức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

2. UBND cấp huyện quyết định giao đơn vị quản lý nghĩa trang theo các phương thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích đối với nghĩa trang cấp III, cấp IV trên địa bàn do mình quản lý, gồm:

a) Nghĩa trang được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

b) Nghĩa trang hiện hữu do UBND cấp huyện, xã quản lý và chưa có tổ chức, cá nhân có đăng ký hoạt động theo ngành nghề quản lý, vận hành nghĩa trang.

3. Đối với các nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Nhà đầu tư trực tiếp quản lý hoặc thuê quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.

Điều 13. Quy chế quản lý nghĩa trang

1. Đơn vị quản lý nghĩa trang theo Điều 12 Quy định này có trách nhiệm lập quy chế quản lý nghĩa trang do mình quản lý.

2. Nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý, gồm:

a) Sở Xây dựng chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang cấp I, cấp II.

b) UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang cấp III, cấp IV trên địa bàn do mình quản lý.

3. Đối với nghĩa trang được đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Nhà đầu tư xây dựng phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng sau khi có ý kiến thống nhất của UBND cấp huyện. Kết quả ban hành phải được gửi đến UBND cấp huyện, cấp xã nơi xây dựng để thống nhất quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

4. Nội dung quy chế quản lý nghĩa trang thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

Điều 14. Giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng và giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân

1. Giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng và giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng và giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

Điều 15. Tổ chức táng phần mộ cá nhân trong cơ sở tôn giáo

1. Việc táng và xây dựng phần mộ cá nhân trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo (gọi chung là cơ sở tôn giáo) phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và các quy định về xây dựng.

2. Trình tự thực hiện tổ chức táng phần mộ cá nhân trong cơ sở tôn giáo:

a) Người đại diện tổ chức tôn giáo thông báo bằng văn bản đến UBND cấp huyện về đối tượng, địa điểm được táng trong cơ sở tôn giáo trên địa bàn do mình được hoạt động.

b) UBND cấp huyện có văn bản chấp thuận và phân công thực hiện việc giám sát, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động táng theo nội dung chấp thuận của địa phương.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

1. Sở Xây dựng:

a) Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện các quy định được phân công, phân cấp tại quy định này và quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP. Chủ trì hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

c) Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình quy hoạch xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hoặc chuyên đề.

d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn việc sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, di chuyển nghĩa trang, chi phí quản lý nghĩa trang, nguồn thu từ phí, lệ phí dịch vụ trong nghĩa trang.

b) Chủ trì, thẩm định giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng, trình UBND tỉnh phê duyệt theo Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP .

c) Kiểm tra, thanh quyết toán nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Xử lý kiến nghị các hành vi vi phạm về tài chính trong quản lý và sử dụng nghĩa trang.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí kế hoạch vốn để quy hoạch, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo, di chuyển, mở rộng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo Luật Đầu tư công.

b) Trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2016/NĐ-CP .

4. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn chế độ, đối tượng thuộc chính sách xã hội liên quan đến bố trí diện tích đất mai táng được cho các đối tượng chính sách xã hội theo chức năng quản lý ngành.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về đất đai và môi trường đối với các hoạt động của nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh.

b) Trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải xem xét và cân đối quỹ đất để bố trí những công trình nghĩa trang, cơ sở hoả táng theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường của các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan thẩm định và tham mưu UBND tỉnh về công nghệ hỏa táng của các cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Y tế: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng, việc thực hiện vệ sinh nghĩa trang, nhà hỏa táng trên địa bàn tỉnh theo quy định.

8. Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội: Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động cộng đồng thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hoả táng trên địa bàn tỉnh; từng bước thực hiện táng văn minh, hiện đại và phù hợp với phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương và bảo vệ môi trường.

Điều 17. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

1. Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang thuộc thẩm quyền theo các quy định về quy hoạch xây dựng.

2. Tổ chức lập và thực hiện kế hoạch xây dựng, cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Phân công trách nhiệm quản lý đối với các nghĩa trang hiện do UBND cấp xã quản lý. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn.

4. Phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; cho ý kiến thỏa thuận đối với quy chế quản lý nghĩa trang đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân căn cứ phê duyệt.

5. Thực hiện các chế độ, chính sách xã hội đối với các đối tượng được hưởng chính sách xã hội trong việc táng khi chết theo quy định tại Điều 11 Quy định này.

6. Báo cáo Sở Xây dựng và UBND tỉnh về hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn do mình quản lý theo định kỳ 01 năm.

Điều 18. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn

1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nghĩa trang trên địa bàn theo sự phân công của UBND cấp huyện.

2. Phối hợp các chủ đầu tư dự án thực hiện thông báo cho nhân dân về kế hoạch đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ thuộc địa bàn quản lý.

3. Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng nghĩa trang. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang cho nhân dân trên địa bàn do mình quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Báo cáo UBND cấp huyện theo định kỳ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

Điều 19. Trách nhiệm của đơn vị quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Thực hiện quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng và tổ chức việc lập lưu trữ hồ sơ nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo đúng nội dung quy định tại Điều 19, Điều 23 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ.

2. Quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy chế được duyệt.

3. Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang và cơ sở hỏa táng cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định.

4. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Điều khoản thi hành

Các nội dung khác về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng chưa quy định tại Quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ, về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc có những nhiệm vụ, chức năng chưa rõ giữa các Sở, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp thống nhất để tổ chức thực hiện hoặc có văn bản phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung./.