Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2021/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 ngày 12 tháng 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung và mức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 344/TTr-SKHCN ngày 30 tháng 3 năm 2021 và Báo cáo kết quả thẩm định số 385/BC-STP ngày 02 tháng 3 năm 2021 của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; gồm 3 Chương, 10 Điều.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19 tháng 4 năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ pháp chế-Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- TT. HĐND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VPUB: LĐ, KTTH, VXNV;
- Lưu: VT.
LTP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Huyền

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; các tổ chức, khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh có tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển thị trường công nghệ, hoạt động năng suất, chất lượng; Hợp tác xã, làng nghề, hội, Hiệp hội và cá nhân có tham gia hoạt động khoa học và công nghệ.

b) Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả đáp ứng các tiêu chí quy định tại mục II Điều 2 Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Đổi mới công nghệ: là hoạt động thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một phần hoặc toàn bộ công nghệ khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Công nghệ mới ở đây được hiểu là mới áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận.

- Chuyển giao công nghệ: là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

- Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp: là việc Nhà nước, thông qua hệ thống luật pháp và các cơ quan có thẩm quyền, xác lập quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho tổ chức, cá nhân đã tạo ra hoặc nắm giữ đối tượng sở hữu công nghiệp đó và bảo vệ quyền của chủ sở hữu chống lại mọi sự xâm phạm của người khác.

- Sáng chế: là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

- Kiểu dáng công nghiệp: là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, hàng hóa được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

- Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

- Thị trường khoa học và công nghệ: là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại thúc đẩy quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán các sản phẩm, dịch vụ KH&CN được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

- Hệ thống quản lý tiên tiến: bao gồm ISO; GMP, TQM; SA 8000; VietGAP; GLOBAL GAP; OHSAS 18001; HACCP; GMP; ISO/IEC 17025....và các tiêu chuẩn, quy chuẩn cập nhật khác của các Bộ quản lý chuyên ngành.

- Giải thưởng chất lượng Quốc gia (GTCLQG): là giải thưởng cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế - thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award - GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization - APQO). Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm của mình.

- Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

- Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tổ chức cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: cơ sở vật chất - kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, truyền thông.

- Tổ chức thúc đẩy kinh doanh là tổ chức hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn đầu tư thông qua các khóa huấn luyện tập trung và các ngày hội đầu tư.

- Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nơi có cơ sở hạ tầng, không gian làm việc chung, tổ chức sự kiện, tổ chức cung cấp dịch vụ, đào tạo, đầu tư, hỗ trợ đầu tư và các dịch vụ cần thiết khác cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là người có kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực và kết nối các đối tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động đào tạo, tư vấn chính sách, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chương II

Điều 3. Nội dung và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khoa học và công nghệ

1. Hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ

Thực hiện các dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; nghiên cứu ứng dụng khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: Hỗ trợ 50% tổng kinh phí nghiên cứu; thực hiện dự án; thiết bị công nghệ; đề tài nghiên cứu nhưng không quá 200 triệu đồng;

2. Hoạt động bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp

a) Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích: hỗ trợ 50% trên tổng chi phí thực hiện nhưng không quá 20 triệu đồng/sáng chế; giải pháp hữu ích;

b) Đối với kiểu dáng công nghiệp: hỗ trợ 50% trên tổng chi phí thực hiện nhưng không quá 10 triệu đồng/kiểu dáng công nghiệp;

c) Đối với các dự án Xây dựng đăng ký bảo hộ, khai thác tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của địa phương: hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện trên cơ sở kết quả thẩm định tổng mức kinh phí theo từng dự án cụ thể.

3. Hoạt động phát triển thị trường công nghệ; kết nối cung cầu công nghệ; tham gia Chợ công nghệ; Triển lãm công nghệ, sản phẩm đặc thù: hỗ trợ 50% tổng chi phí thực hiện nhưng không quá 20 triệu đồng/01 doanh nghiệp.

4. Hoạt động đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; giải thưởng chất lượng Quốc gia.

a) Đối với việc đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua các hệ thống quản lý tiên tiến: Hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện nhưng không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp;

b) Đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm và hiệu chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC17025 và các tiêu chuẩn cập nhật; cải tiến hơn: hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện nhưng không quá 50 triệu đồng/01 doanh nghiệp, tổ chức;

c) Đối với doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia

- Hỗ trợ chi phí tham gia hồ sơ đánh giá, mức hỗ trợ không quá 25 triệu đồng đối với giải vàng chất lượng quốc gia/01 doanh nghiệp;

- Hỗ trợ chi phí tham gia hồ sơ đánh giá, mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng đối với giải thưởng chất lượng quốc gia/01 doanh nghiệp.

Điều 4. Nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

1. Nội dung và mức chi để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

a) Thuê địa điểm tổ chức sự kiện, chi thông tin tuyên truyền về sự kiện và chi phí hoạt động chung của Ban tổ chức sự kiện (trang trí tổng thể, lễ khai mạc, bế mạc, in ấn tài liệu và các chi phí khác liên quan): Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với nguồn kinh phí tổ chức sự kiện, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;

b) Hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng (điện nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ), chi phí vận chuyển trang thiết bị, thiết kế, dàn dựng gian hàng và truyền thông cho sự kiện: Mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/1 đơn vị tham gia;

c) Chi tiếp các đoàn và khách mời quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế trong thời gian tổ chức sự kiện theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 16/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại tỉnh, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại tỉnh và chế độ tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

d) Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh: Nội dung và mức chi thực hiện theo Quyết định số 101/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quy định một số nội dung và mức chi đối với các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

2. Nội dung và mức chi để phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

a) Hỗ trợ kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ, định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Trong đó:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 35% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chi hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh:

- Đối với chuyên gia trong nước: Hỗ trợ 100% chi phí thuê chuyên gia nhưng không quá 10.000.000 đồng/chuyên gia/khóa đào tạo. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, dài ngày (từ 30 ngày trở lên), Hỗ trợ 100% chi phí thuê chuyên gia nhưng không quá 30.000.000 đồng/chuyên gia/khóa đào tạo;

- Đối với chuyên gia nước ngoài: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Nội dung và mức chi để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chi hỗ trợ kinh phí đối với nhiệm vụ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ: hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhưng không quá 60.000.000 đồng/nhiệm vụ/doanh nghiệp.

4. Nội dung và mức chi đối với hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

a) Hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận: Tối đa không quá 50% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Dự toán kinh phí đối với hoạt động truyền thông và phổ biến tuyên truyền được lập theo các quy định như sau:

- Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;

- Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác;

- Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình; Các nội dung chi khác (chi phí in, phát hành đối với báo in, xuất bản phẩm, truyền thông trên mạng xã hội): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình;

- Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các điển hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp thành công của Việt Nam: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 143/2017/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, sản phẩm, nội dung truyền thông, căn cứ quy định tại Điểm a, b, Khoản này để phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện công việc trong phạm vi dự toán được giao theo thẩm quyền, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ;

5. Nội dung và mức chi đối với hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp

a) Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm trong nước: Thực hiện theo quy định tại Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 16/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại tỉnh, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại tỉnh và chế độ tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong đó:

- Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: hỗ trợ 100% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (hỗ trợ 50% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ);

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 35% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ;

b) Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, sự kiện khởi nghiệp, kết nối với các chuyên gia khởi nghiệp trong nước:

- Yêu cầu về trình độ, năng lực của chuyên gia thực hiện theo quy định Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Thuê chuyên gia trong nước: hỗ trợ 100% kinh phí thuê chuyên gia nhưng không quá 7.000.000 đồng/chuyên gia/chương trình;

6. Nội dung và mức chi hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp, trong đó:

- Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ (được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ Khoa học công nghệ) và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ Khoa học công nghệ: áp dụng theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

- Thời gian hỗ trợ: Tối đa không quá 01 năm/doanh nghiệp;

- Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ: Tối đa không quá 05 doanh nghiệp/năm;

b) Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ): Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhưng không quá 60.000.000 đồng/doanh nghiệp;

c) Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ áp dụng theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

7. Nội dung và mức chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

a) Chi thông tin, tuyên truyền về công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt;

b) Chi tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn các nhiệm vụ, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ của hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của các cơ quan hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức hội thảo khoa học: áp dụng theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

c) Chi điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nội dung và định mức chi thực hiện theo quy định tại Quyết định số 63/2018/QĐ-UBND ngày 03/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định nội dung chi và mức kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

d) Chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo: cho phép áp dụng theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

đ) Chi công tác phí, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thực hiện theo Quyết định số 143/2017/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

e) Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp hoạt động chung của cơ quan chủ trì công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt;

Điều 5. Trình tự, thủ tục, quản lý, phê duyệt hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

1. Trình tự hồ sơ, thủ tục, đăng ký, xác định danh mục nhiệm vụ hàng năm, định kỳ; tổ chức thực hiện nhiệm vụ hàng năm, định kỳ về hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo áp dụng theo quy định của Thông tư 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

2. Việc tổ chức xác định, tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí, ký hợp đồng, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại quyết định 105/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Thuận về quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Ninh Thuận có sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Định hướng thông báo tiếp nhận đăng ký, đề xuất các nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu, nội dung kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức quản lý các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ được thực hiện với hình thức đề tài khoa học và công nghệ, đề án khoa học, nhiệm vụ hàng năm, định kỳ tỉnh Ninh Thuận.

3. Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện cấp kinh phí và quản lý thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Ninh Thuận.

4. Xây dựng các biểu mẫu vận dụng cụ thể hoá theo Thông tư 01/2018/TT-BKHCN áp dụng cho nội dung, chương trình hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh thuận phù hợp theo quy định.

Điều 7. Sở Tài chính

1. Tham gia, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xét duyệt, thẩm định kinh phí, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Ninh Thuận.

2. Xem xét, bố trí kinh phí vào nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Ninh Thuận.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham gia, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xét duyệt, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Ninh Thuận.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chủ nhiệm và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ

1. Xây dựng và triển khai các nội dung đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ các vấn đề phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu, nội dung và tiến độ đã đề ra.

3. Kiến nghị bằng văn bản với Sở Khoa học và Công nghệ trong trường hợp cần điều chỉnh mục tiêu, nội dung, tiến độ thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

4. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm, sơ kết, tổng kết), báo cáo đột xuất về tình hình triển khai nhiệm vụ và báo cáo quyết toán kinh phí với Sở Khoa học và Công nghệ. Định kỳ hàng tháng cập nhật, đôn đốc việc cập nhật thông tin các đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ vào hệ thống thông tin quản lý, phân tích cơ sở dữ liệu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng.

5. Chủ nhiệm nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ theo thỏa thuận với tổ chức chủ trì.

Điều 10. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.