Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2021/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2021 và thay thế Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư Tài chính, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH - HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo TN; Đài PTTH; TTTT tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, TH.
Huongvtt/QĐ02(60b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Lượng

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 13/2021/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phân cấp quản lý di tích và hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây được gọi chung là di tích) đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh, di tích đã được kiểm kê theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các hiện vật đã được thống kê trong hồ sơ khoa học di tích. Công tác lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý Nhà nước về di tích, hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích.

2. Các di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh và di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

3. Các công trình, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên mới phát hiện có dấu hiệu là di tích mà không xác định được chủ sở hữu.

Điều 3. Mục đích phân cấp

1. Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di tích; đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân; giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc cho các thế hệ.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thành lập, kiện toàn các Ban Quản lý di tích và xây dựng các biện pháp quản lý cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích.

4. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH

Điều 4. Quản lý Nhà nước về di tích

1. Công tác quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất và toàn diện.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích thuộc địa bàn quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích được kiểm kê trên địa bàn xã theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Điều 5. Nội dung phân cấp quản lý

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

a) Chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2867/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức lại Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị đối với các di tích được phân cấp quản lý tại Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Thực hiện quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn toàn huyện và trực tiếp quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh có trên địa bàn (Trừ di tích quốc gia Địa điểm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, xã Bình Thành, huyện Định Hóa giao cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị).

3. Ủy ban nhân dân cấp xã: Trực tiếp quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị các di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa nhưng chưa được xếp hạng có trên địa bàn (Trừ 02 điểm di tích: Tổng Bí thư Trường Chinh ở đồi Nà Mòn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Thẩm Khen (xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, huyện Định Hóa) giao cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị); đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng có trên địa bàn.

4. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên: Trực tiếp quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị 13 điểm di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, huyện Định Hóa; 01 điểm di tích quốc gia và 02 điểm di tích đã được đầu tư tôn tạo (Có danh mục kèm theo).

Chương III

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Điều 6. Thành lập Ban quản lý di tích

Các di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh và các di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa phải thành lập Ban quản lý để quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích. Ban quản lý có thể quản lý một hoặc nhiều di tích trên địa bàn theo nguyên tắc:

1. Đối với di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt: Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Đối với các di tích được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban quản lý di tích.

Thành phần, số lượng của Ban quản lý di tích do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Đối với di tích đã được kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng: Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Ban quản lý di tích đồng thời báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có di tích.

Thành phần Ban quản lý di tích gồm: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích làm Trưởng ban, các thành phần tham gia: công chức văn hóa - xã hội, công chức địa chính, công an, tư pháp, cán bộ phụ trách Hội, đoàn thể cấp xã, đại diện Nhân dân nơi có di tích, các cá nhân có liên quan đến quyền sở hữu di tích hoặc trực tiếp và thường xuyên trông coi di tích (trụ trì, thủ nhang, thủ từ đình, đền, chùa...); trưởng dòng họ đối với di tích liên quan đến dòng họ (có thể xem xét, bổ sung thành phần phù hợp với phạm vi phân bố, phân loại của di tích).

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý di tích xây dựng nội quy, quy chế hoạt động; công khai quyết định xếp hạng và các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cấp tỉnh, quốc gia thuộc địa bàn ngay sau khi có quyết định xếp hạng di tích của cấp có thẩm quyền.

Điều 7. Chế độ làm việc và kinh phí hoạt động của Ban quản lý di tích

1. Ban quản lý di tích cấp huyện, cấp xã hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành Quy chế hoạt động để thực hiện việc quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý di tích cấp huyện, cấp xã cân đối từ nguồn thu di tích. Đối với các di tích chưa có nguồn thu, hoặc nguồn thu chưa đảm bảo hoạt động thường xuyên, Ban Quản lý di tích báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp đảm bảo hoạt động thường xuyên của Ban quản lý trên cơ sở quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Chế độ làm việc và kinh phí hoạt động của Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh khi thành lập ban quản lý.

4. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải thành lập Ban quản lý chuyên trách hoặc đơn vị đặc thù khác với Quy định này phải xin ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện.

Điều 8. Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

2. Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.

Điều 9. Công tác lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

1. Công tác lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chỉ được tiến hành khi đã tuân thủ đầy đủ nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình, thủ tục về công tác lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Điều 10. Nguồn kinh phí lập quy hoạch, dự án đầu tư tôn tạo di tích và lập hồ sơ khoa học di tích

Nguồn kinh phí thực hiện lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích, công tác lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được sử dụng từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngân sách địa phương theo phân cấp); các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích; tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Điều 11. Quản lý, sử dụng nguồn thu từ di tích

Các nguồn thu được từ khai thác, phát huy giá trị di tích, phí tham quan, nguồn công đức phải được quản lý và sử dụng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu cơ chế chính sách trong việc quản lý, hỗ trợ kinh phí cho việc quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giải pháp khuyến khích, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh.

3. Thẩm định, đề nghị thẩm định, đề nghị phê duyệt quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, báo cáo tu sửa cấp thiết di tích theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định.

4. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học di tích trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định xếp hạng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt theo thẩm quyền quy định. Thẩm định, xét duyệt nội dung văn bia di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo đề nghị của các địa phương, đơn vị. Rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích khi phát hiện di tích đã xếp hạng mà sau đó xác định là không đủ tiêu chí, hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi.

5. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; đề xuất nguồn kinh phí sử dụng cho hoạt động này hằng năm và cả giai đoạn.

6. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường di tích; tổ chức thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt.

7. Đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu, ấn phẩm giới thiệu về văn hóa địa phương, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, di tích, di sản văn hóa phi vật thể làm nguồn tài liệu cho các nhà trường trên địa bàn tỉnh trong quá trình tổ chức dạy học, phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu về di sản văn hóa.

8. Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố hoặc điều chỉnh, bổ sung danh mục di tích đã được kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh, giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị theo nguyên tắc tại quy định này.

9. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; về kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý di tích ở địa phương.

10. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các Ban quản lý di tích và những người tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

11. Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo tỉnh trong việc xây dựng quy chế phối hợp về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với quản lý bảo vệ, phát huy giá trị di tích đối với các di tích gắn với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.

12. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định này. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về những vấn đề khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện để xem xét chỉ đạo thực hiện.

13. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về di tích theo thẩm quyền.

14. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy chế phối hợp về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích đối với các di tích gắn với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đối với tổ chức và cá nhân đang hoạt động tôn giáo tại các di tích trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các di tích trên địa bàn tỉnh bảo đảm yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đất đai.

2. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác rà soát, kiểm kê di tích và công tác khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.

3. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường bền vững tại những nơi có di tích.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cân đối kế hoạch vốn ngân sách trung hạn và hằng năm cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy định.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Trên cơ sở dự toán ngân sách do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

2. Chủ trì nghiên cứu tham mưu ban hành các quy định về phí và các khoản thu, cơ chế quản lý tài chính tại các di tích nhằm đáp ứng việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của các di tích hiệu quả, đảm bảo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

4. Thực hiện kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thẩm định hoặc tham gia ý kiến thống nhất các quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn toàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định.

2. Quản lý Nhà nước chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 18. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng tài liệu, ấn phẩm và tổ chức tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, về di tích, di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với từng cấp học.

2. Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giáo dục cho học sinh các cấp học về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu di tích vào chương trình giáo dục ngoại khóa hằng năm của các cấp học, trường học; tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, học sinh đi tham quan, học tập thực tế tại các di tích.

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đề xuất triển khai, quản lý việc ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phục vụ việc phát hiện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh

1. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

2. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 21. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự tại các khu, điểm di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý với các âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; các hành vi xâm hại, trộm cắp, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật thuộc di tích.

Điều 22. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện việc quản lý Nhà nước về di tích theo phân cấp quy định tại Khoản 2, Điều 5 và các di tích có trên địa bàn huyện đã được kiểm kê giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại Khoản 3, Điều 5 của Quy định này. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra những vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

2. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền. Xây dựng và ban hành các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; chỉ đạo, đề xuất việc kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý di tích ở địa phương.

3. Xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn; cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương theo quy định.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy trình, thủ tục lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại địa phương trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo trình tự quy định của pháp luật hiện hành. Đề nghị thẩm định các dự án, công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường di tích trên địa bàn theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

5. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích trên địa bàn. Rà soát, đề xuất xếp hạng, bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/10 hằng năm.

6. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích tại địa phương.

7. Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Báo cáo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan trong việc xử lý những hành vi xâm hại di tích.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các di tích trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 của Quy định này; quyết định thành lập Ban Quản lý di tích cấp xã để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được phân cấp quản lý theo quy định. Trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh tại di tích, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp huyện để xem xét giải quyết.

2. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

3. Tổ chức bảo vệ, chăm sóc, phát huy giá trị di tích tại địa phương, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc bảo vệ và quản lý di tích.

4. Tiếp nhận khai báo về di tích mới phát hiện, kiến nghị việc xếp hạng di tích với cơ quan có thẩm quyền; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường của di tích; ngăn chặn và xử lý các hoạt động mê tín dị đoan tại di tích theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật khi để xảy ra những vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được phân cấp quản lý.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 25. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên

1. Hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2867/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND tỉnh. Chịu sự chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Thực hiện việc quản lý Nhà nước về di tích theo phân cấp tại Khoản 4, Điều 5 của Quy định này. Trưởng ban Quản lý Khu di tích chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước pháp luật khi để xảy ra những vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được phân cấp quản lý. Trực tiếp giải quyết các vấn đề nảy sinh tại di tích, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét giải quyết.

3. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.

Điều 26. Trách nhiệm của Ban Quản lý di tích do Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập

1. Quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích được quản lý theo quy định.

2. Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan có thẩm quyền các hành vi vi phạm đến di tích, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của di tích và cảnh quan môi trường của di tích.

3. Chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra vi phạm pháp luật tại di tích như: Lấn chiếm đất di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di dời, bổ sung tài liệu, hiện vật vào di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng nội dung được thỏa thuận; mất cắp, thất lạc di vật, cổ vật tại di tích, mất an ninh trật tự, cháy nổ, hoạt động mê tín dị đoan tại di tích và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến di tích.

4. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham quan, nghiên cứu, học tập và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp tại di tích theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức các hoạt động dịch vụ tại di tích được giao quản lý phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại các di tích thuộc thẩm quyền quản lý. Tổ chức quản lý nguồn thu hợp pháp tại di tích, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo quy định.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Điều 27. Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân

1. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, bảo vệ, chăm sóc trực tiếp, phát huy di tích

a) Bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với di tích như: Hoạt động lễ hội, công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, tượng đài, vườn cây cảnh, cây cổ thụ, các hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hạ tầng kỹ thuật thuộc di tích....

b) Kiểm tra, thống kê thường xuyên nhằm quản lý, bảo vệ tốt đối với hiện vật di tích. Việc đưa các hiện vật ra khỏi di tích hoặc đưa hiện vật chưa có trong hồ sơ khoa học di tích vào di tích chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép bằng văn bản.

c) Thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống cháy nổ, các hành vi xâm hại hoặc nguy cơ hủy hoại di tích. Báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di tích.

d) Thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với các di tích được giao quản lý theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

2. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di tích

a) Có quyền sở hữu hợp pháp di tích, có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trực tiếp, gìn giữ di tích; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích. Trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có di tích để kịp thời xử lý.

b) Không được tự ý di dời, tu sửa, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật di tích hoặc tiếp nhận, đưa thêm hiện vật vào di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan và các hoạt động học tập, nghiên cứu tại di tích theo quy định của Nhà nước.

d) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra liên ngành; Thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện khi thanh tra hoạt động di tích, nếu phát hiện sai phạm có quyền lập biên bản, tạm đình chỉ, xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành và báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến di tích thực hiện theo trình tự quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Mọi hành vi xâm hại di tích đều được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di tích được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Tổ chức thực hiện

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

Quy định này được phổ biến rộng rãi và áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có nội dung không phù hợp, cần sửa đổi bổ sung, các địa phương, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp./.

 

DANH MỤC

DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH GIAO CHO BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ - SINH THÁI ATK ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
(Kèm theo Quyết định số: 13/2021/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

TÊN DI TÍCH

ĐỊA ĐIỂM

GHI CHÚ

I. Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa (Di tích được Chính phủ quyết định xếp hạng Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012, gồm 13 điểm di tích:

1

Nhà Tù Chợ Chu

Thị trấn Chợ Chu

 

2

Nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân

Xã Định Biên

 

3

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Khau Tý năm 1947

Xã Điềm Mặc

 

4

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Đồi Tin Keo (1948-1954)

Xã Phú Đình

 

5

Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khuôn Tát: Cây đa, Đoạn suối Khuôn tát-nơi Bác tắm, giặt và câu cá, Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Na Đình

Xã Phú Đình

 

6

Địa điểm di tích Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển (1947 - 1949)

Xã Điềm Mặc

 

7

Địa điểm di tích Cơ quan Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949-1954)

Xã Bảo Linh

 

8

Thắng cảnh Thác Khuôn Tát

Xã Phú Đình

 

9

Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Xã Điềm Mặc

 

10

Nơi thành lập Ủy ban Hoà bình Việt Nam (Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam)

Xã Điềm Mặc

 

11

Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Xã Điềm Mặc

 

12

Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu 20/10/1950

Xã Định Biên

 

13

Địa điểm Đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948)

Xã Phú Đình

 

II. Di tích xếp hạng Quốc gia (Quyết định xếp hạng số 2137/QĐ-BVHTTDL, ngày 06/6/2012)

1

Địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc (1949)

Xã Bình Thành

 

III. 02 điểm di tích đã phục hồi, tôn tạo:

1

Di tích Tổng Bí thư Trường Chinh ở, làm việc (1951-1953) tại đồi Nà Mòn

Xã Phú Đình

 

2

Di tích Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở, làm việc tại đồi Thẩm Khen

Xã Phú Đình

 

Tổng cộng: 16 điểm di tích