Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2023/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 03 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 604/TTr-SKHĐT ngày 21 tháng 12 năm 2022 và Công số 642/SKHĐT-KGVX ngày 21 tháng 3 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; theo dõi, kiểm tra, báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng Ban Dân tộc; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các chủ đầu tư và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Chỉ đạo các CTMTQG Trung ương (BC);
- Các Bộ, ngành: KH&ĐT, NN&PTNT, LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc, Tài chính, Tư pháp (BC);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh; Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Thành viên BCĐ các CTMTQG của tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn (do UBND cấp huyện sao gửi);
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các phòng thuộc VPUBND tỉnh;
- Trung tâm Công nghệ và Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH (Đc     b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 29 tháng 03 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

2. Các nội dung có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh không quy định tại Quy định này, thực hiện theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG

1. Tuân thủ Điều 4 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG và các quy định pháp luật có liên quan đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

2. Phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành, các cấp, địa phương có liên quan trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

3. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư vào quá trình quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Điều 4. Phân cấp đơn vị làm chủ đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển

1. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

a) Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã: Giao Ban Quản lý xã làm chủ đầu tư. Đối với công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ chuyên môn xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư thì giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư và có sự tham gia của UBND xã.

b) Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô cấp huyện, quy mô liên xã: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

2. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

a) Các dự án cụ thể thuộc Dự án 1 “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

b) Các dự án cụ thể thuộc Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”: Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư.

3. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

a) Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”:

- Đối với việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà không hình thành dự án đầu tư thì UBND cấp huyện chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai thực hiện.

- Đối với việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà có hình thành dự án đầu tư thì giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

b) Các dự án cụ thể thuộc Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

c) Các dự án cụ thể trong Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”: Giao Ban Dân tộc làm chủ đầu tư đối với phần vốn giao cho Ban Dân tộc; giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư đối với phần vốn giao cho cấp huyện.

d) Các dự án cụ thể trong Tiểu dự án 1 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”:

- Dự án áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù: Giao Ban Quản lý cấp xã làm chủ đầu tư.

- Dự án áp dụng cơ chế đầu tư thông thường: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

đ) Các dự án cụ thể trong Tiểu dự án 1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thuộc Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”: Giao Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư.

e) Các dự án cụ thể thuộc Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.

g) Các dự án cụ thể thuộc Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”: Giao Sở Y tế làm chủ đầu tư.

h) Các dự án cụ thể trong Tiểu dự án 2 “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình”: Giao Ban Dân tộc làm chủ đầu tư đối với phần vốn giao cho Ban Dân tộc; giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm chủ đầu tư đối với phần vốn giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh và phần vốn giao cho cấp huyện.

Điều 5. Phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư

1. Đối với các dự án áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù.

a) Thẩm quyền thẩm định: UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản. Trường hợp UBND cấp xã không đủ năng lực thẩm định hồ sơ xây dựng công trình, UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức thẩm định.

b) Thẩm quyền phê duyệt: Chủ tịch UBND cấp xã quyết định phê duyệt đầu tư dự án.

2. Đối với các dự án áp dụng cơ chế đầu tư thông thường do các sở, ban, ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư.

a) Thẩm quyền thẩm định:

- Đối với các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng: Giao các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (nếu có).

- Đối với các dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng: Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 18 và khoản 2 Điều 40 Luật Đầu tư công năm 2019.

b) Thẩm quyền phê duyệt: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

3. Đối với các dự án áp dụng cơ chế đầu tư thông thường do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, Ban Quản lý xã làm chủ đầu tư.

a) Thẩm quyền thẩm định:

- Đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng thì giao cho cơ quan quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện chủ trì tổ chức thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (nếu có) của dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do UBND cấp huyện quyết định đầu tư (trừ dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành). Trong trường hợp cơ quan có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện không đủ năng lực thẩm định thì UBND cấp huyện có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao Sở quản lý xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định.

- Đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên thì giao cho Sở quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm định theo Quyết định số 34/2022/QĐ- UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định về thẩm quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

b) Thẩm quyền phê duyệt:

- Đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của cơ quan quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện: Giao Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

- Đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành: Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 6. Phân cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư

1. Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết toán đối với các dự án có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

2. Sở Tài chính phê duyệt quyết toán đối với các dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, tổng hợp, điều phối chung các chương trình MTQG; phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, cơ quan đề xuất danh mục dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra các dự án đầu tư theo phân cấp.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan chủ trì thực hiện chương trình MTQG và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn lập kế hoạch, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh giao, điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình giai đoạn 05 năm và hằng năm.

4. Chủ trì tổng hợp báo cáo và cập nhật thông tin theo dõi đánh giá các chương trình MTQG vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, cơ quan đề xuất danh mục dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng công trình được áp dụng theo cơ chế đầu tư thông thường để xem xét về sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với mục tiêu, đối tượng, nội dung đầu tư, quy mô đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của từng nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công trước khi tiến hành lập dự án đầu tư.

Điều 8. Sở Tài chính

1. Chủ trì, tổng hợp kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG vào dự toán ngân sách hằng năm của UBND tỉnh; thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án theo phân cấp.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì thực hiện chương trình và các đơn vị có liên quan hướng dẫn lập xây dựng, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh giao, điều chỉnh dự toán kinh phí sự nghiệp hằng năm thực hiện từng chương trình MTQG.

3. Chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn việc sử dụng, quản lý kinh phí sự nghiệp, cơ chế thanh toán, quyết toán các nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG.

4. Tổng hợp tình hình cấp phát, quyết toán kinh phí hằng năm cho từng chương trình MTQG, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thực hiện chương trình MTQG

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh tổ chức thực hiện chương trình theo quy định.

2. Tổng hợp, kiểm tra (nếu cần thiết), đề xuất chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 05 năm và hằng năm, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp, cân đối và tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

3. Tổng hợp, kiểm tra (nếu cần thiết), đề xuất dự toán kinh phí sự nghiệp hằng năm, gửi Sở Tài chính để xem xét, tổng hợp, cân đối và tham mưu UBND tỉnh giao dự toán cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

4. Thực hiện và hướng dẫn công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện chương trình MTQG theo quy định.

Điều 10. UBND cấp huyện, UBND cấp xã, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan

1. UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng công trình được áp dụng theo cơ chế đầu tư đặc thù để xem xét về sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với mục tiêu, đối tượng, nội dung đầu tư, quy mô đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của từng nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công trước khi tiến hành lập dự án đầu tư.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung đã được phân cấp theo Quy định này để quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Quy định này hết hiệu lực thi hành hoặc có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định của các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản đó.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc hoặc nội dung không còn phù hợp theo Quy định này, thì các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời phản ảnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung theo quy định./.