Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.

b) Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

c) Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH THÀNH PHẦN

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 03 chương trình thành phần với các nội dung cụ thể như sau:

1. Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc 04 lĩnh vực công nghệ ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, sản xuất sản phẩm và cung ứng các dịch vụ công nghệ cao:

- Xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

2. Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực công nghiệp.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp:

- Xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào lĩnh vực công nghiệp;

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

c) Xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao:

- Xây dựng, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường logistics, kinh tế số và phát triển thương mại điện tử trên cơ sở triển khai đồng bộ với các Chương trình khác như Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trên cơ sở lồng ghép với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Khuyến khích, hỗ trợ một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong các ngành kinh tế trọng điểm của đất nước nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

b) Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp:

- Xây dựng và triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào lĩnh vực nông nghiệp.

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.

c) Xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

- Xây dựng, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu;

- Phối hợp, hỗ trợ địa phương trong việc ứng dụng công nghệ cao vào vận hành, hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò hạt nhân về công nghệ của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Hoàn thiện thể chế

Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường; sản xuất sản phẩm, dịch vụ, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ

a) Hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra các dịch vụ công ích công nghệ cao.

b) Hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu, bản vẽ thiết kế, phần mềm, đào tạo, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, kiểm định kết quả đối với các dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ cao giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.

c) Hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

d) Hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả của các dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và ứng dụng công nghệ cao.

3. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao

a) Hỗ trợ đầu tư trực tiếp các dự án ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển.

b) Tập trung hỗ trợ triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng các chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao.

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao

Tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, với các nội dung sau đây:

a) Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương.

b) Thúc đẩy việc hợp tác, phát triển các cơ sở, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao; các dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ cao.

c) Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao. Mời các chuyên gia công nghệ cao nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

5. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao

a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức xã hội, tổ chức, doanh nghiệp về các kết quả, thành tựu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giới thiệu phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cao tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

b) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về công nghệ cao với sự tham dự của các bộ, ngành, cơ quan và các chuyên gia,các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài nước.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; vốn của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, căn cứ vào mục tiêu, nội dung Chương trình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định này thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo Chương trình

Chương trình được đặt dưới sự chỉ đạo và điều phối của Ban chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Ban chủ nhiệm chương trình thành phần do Bộ trưởng các bộ liên quan quyết định thành lập, giúp tư vấn triển khai các hoạt động của chương trình thành phần.

2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan

a) Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Là đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp thực hiện các chương trình thành phần thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình; định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan triển khai các hoạt động thúc đẩy ứng dụng các kết quả đạt được của Chương trình.

- Chủ trì xây dựng, hoàn thành việc phê duyệt khung chương trình thành phần nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao và tổ chức triển khai thực hiện.

- Tổng hợp kế hoạch khoa học công nghệ, kinh phí từ các Chương trình thành phần gửi Bộ Tài chính để bố trí kinh phí thực hiện các Chương trình thành phần theo quy định đối với Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

b) Bộ Công thương:

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng khung Chương trình thành phần và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thống nhất, hiệu quả.

- Chủ trì xây dựng, phê duyệt khung chương trình thành phần phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và tổ chức triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các hoạt động thúc đẩy ứng dụng các kết quả thuộc Chương trình thành phần; trước ngày 30 tháng 11 hằng năm gửi báo cáo đến Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Hàng năm phê duyệt kế hoạch khoa học công nghệ, kinh phí thực hiện Chương trình thành phần phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính để tổng hợp bố trí kinh phí thực hiện Chương trình thành phần.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng khung Chương trình thành phần và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thống nhất, hiệu quả.

- Chủ trì xây dựng, phê duyệt khung chương trình thành phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tổ chức triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các hoạt động thúc đẩy ứng dụng các kết quả thuộc Chương trình thành phần; trước ngày 30 tháng 11 hằng năm gửi báo cáo đến Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Là đầu mối theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Hàng năm phê duyệt kế hoạch khoa học công nghệ, kinh phí thực hiện chương trình thành phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính để tổng hợp bố trí kinh phí thực hiện Chương trình thành phần.

d) Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ nội dung Chương trình tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách; đề xuất các nhiệm vụ, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

đ) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan bố trí và quản lý ngân sách nhà nước cho Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Công nghệ cao và các quy định pháp luật liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng cơ chế tài chính thực hiện Chương trình.

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Thực hiện việc hỗ trợ các dự án tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Chương trình; tổng hợp tình hình hỗ trợ nguồn lực về công nghệ phục vụ phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, NN, KTTH, ĐMDN, Cục KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (2) NTN

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam