Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG,
CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ
PHỤC HỒI KINH TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1303/QĐ-BCĐ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ AN TOÀN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG, NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC TRONG GIAI ĐOẠN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
VÀ PHỤC HỒI KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19;

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19,

Căn cứ Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị;

Căn cứ Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2338/TTr-SYT ngày 12 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn đối với các ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế cho tất cả các Quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 đã được ký ban hành trước đây.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- TTTU;
- TT HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: các PCVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-TH)

KT. TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO




PHÓ CHỦ TỊCH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Dương Anh Đức

 

BỘ TIÊU CHÍ

ĐÁNH GIÁ AN TOÀN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG, NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC TRONG GIAI ĐOẠN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1303/QĐ-BCĐ ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Định nghĩa

a) Không gian kín là những nơi không gian bị giới hạn, không được thông khí thường xuyên.

b) Cơ sở giáo dục và đào tạo: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học, trường chuyên biệt; trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

c) Cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí,...

d) Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam; bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.

đ) Cơ sở cai nghiện ma túy gồm cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

2. Nguyên tắc chung

a) Bên cạnh việc chấp hành các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và Bộ, ngành, các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải đạt “Mức độ an toàn” của Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Bộ tiêu chí đánh giá có 03 phần: tiêu chí an toàn chung, tiêu chí đặc thù và tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống.

- Tiêu chí an toàn chung gồm 6 tiêu chí (A1 - A6) bắt buộc triển khai đối với tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố.

- Tiêu chí đặc thù gồm 9 tiêu chí (B1 - B5) áp dụng tùy theo nhóm hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống gồm 01 tiêu chí áp dụng tùy theo cơ sở có tổ chức dịch vụ ăn uống.

c) Mỗi tiêu chí nếu thực hiện đầy đủ được đánh giá là đạt; chưa thực hiện hoặc triển khai không đầy đủ được đánh giá là không đạt.

II. BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

A. Tiêu chí an toàn chung (TCATC): áp dụng cho tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực.

Tiêu chí A1. Đeo khẩu trang

- Tất cả người dân, người lao động, người tham gia các hoạt động đều phải tuân thủ đeo khẩu trang theo quy định hiện hành[1].

- Có bố trí nhân sự kiểm tra, nhắc nhở việc tuân thủ đeo khẩu trang.

(Không áp dụng với nhóm trẻ mầm non; người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19; người đang ăn uống).

Tiêu chí A2. Đảm bảo thông khí

- Tất cả các cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở trong thời gian làm việc, sinh hoạt,... để thông khí.

- Đối với các không gian kín phải có biện pháp thông thoáng (có thể sử dụng quạt hút hoặc hệ thống thông gió; mở cửa phương tiện, mở cửa phòng sau mỗi lượt hoạt động,...)

Tiêu chí A3. Tiêm vắc xin phòng COVID-19

- Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ các mũi tiêm theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 3 tháng trên toàn bộ người lao động; học sinh, sinh viên; đối tượng được quản lý tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện ma túy,... đạt 90%.

Tiêu chí A4. Vệ sinh khử khuẩn

- Có bố trí các điểm rửa tay phù hợp, đầy đủ vòi rửa tay; có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh cho người lao động và đối tượng sử dụng dịch vụ.

- Có thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà, nhà vệ sinh, khu vực ngoài trời, tay vịn, trụ ATM,...), phương tiện vận chuyển với hóa chất vệ sinh khử khuẩn (xà phòng, Javel, Cloramin B,...) tối thiểu 01 lần/ngày (02 lần/ngày đối với cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở sản xuất) hoặc khi cần thiết.

Tiêu chí A5. Kiểm soát người đến các địa điểm

- Có sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra vào.

- Phân công người đăng nhập vào Hệ thống An toàn COVID Thành phố để quản lý và sử dụng thông tin phục vụ phòng, chống dịch của Thành phố.

- Bố trí nhân sự kiểm soát, nhắc nhở người ra vào địa điểm.

- Đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.

Tiêu chí A6. Phương án phòng, chống dịch COVID-19

- Có thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn COVID-19[2].

- Có Kế hoạch phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị bao gồm các nội dung như: phương án hoạt động/sản xuất; quy trình xử lý khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; truyền thông; chế độ kiểm tra, giám sát, báo cáo;...

(Tiêu chí này áp dụng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố).

B. Tiêu chí đặc thù (TCĐT): áp dụng tùy theo hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

B1. Đối với cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện ma túy

Tiêu chí B1.1. Quản lý và chăm sóc y tế

- Có nhân viên y tế chuyên trách đã được tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Lập danh sách những người thuộc đối tượng nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều,...) để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

- Thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đối với những người mới nhập vào cơ sở; người mới nhập vào cơ sở phải có kết quả xét nghiệm âm tính để tránh lây lan dịch COVID-19 cho những người thuộc nhóm nguy cơ tại đơn vị.

- Bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị y tế (nhiệt kế, máy đo SpO2...) để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

B2. Đối với ký túc xá (KTX), khu nội trú (KNT) của cơ sở giáo dục

Tiêu chí B2.1. Quản lý và chăm sóc y tế

- Có nhân viên phụ trách công tác y tế đã được tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Lập danh sách những người thuộc đối tượng nguy cơ (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vắc xin đủ liều,...) để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

- Bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị y tế (nhiệt kế, máy đo SpO2,...) để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Tiêu chí B2.2. Phòng ở KTX, KNT[3]

Phòng ở phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 4m2/người.

B3. Đối với cơ sở sản xuất

Tiêu chí B3.1. Quản lý và chăm sóc y tế

- Có tổ chức bộ phận y tế tại đơn vị hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ y tế, đảm bảo đủ số lượng nhân viên y tế theo quy mô lao động[4].

- Bộ phận y tế phải được tập huấn kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19.

- Nếu có thực hiện cách ly F0 tại cơ sở sản xuất thì phải bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị (nhiệt kế, máy đo SpO2...) để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Tiêu chí B3.2. Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động

- Thực hiện giãn cách tại khu vực nhà ăn: tổ chức ăn theo nhóm làm việc, tránh ngồi đối diện, giữ khoảng cách hoặc lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn.

- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn khu vực ăn trước và sau mỗi ca ăn.

B4. Đối với cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ,...)

Tiêu chí B4.1. Kiểm soát và quản lý, chăm sóc khách hàng đến lưu trú

- Đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của cơ sở lưu trú.

- Nếu có thực hiện cách ly F0 tại cơ sở lưu trú thì phải bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, với đầy đủ các trang thiết bị y tế (nhiệt kế, máy đo SpO2,...) để cách ly F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; có nhân viên y tế phụ trách hoặc hợp đồng với cơ sở y tế hoặc bác sĩ đã được tập huấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc F0 tại nhà.

B5. Đối với cơ sở giáo dục và đào tạo

Tiêu chí B5.1. Số lượng người tập trung tối đa tại một thời điểm[5]

Đảm bảo diện tích sàn tối thiểu của các lớp học:

- Cấp mầm non, nhà trẻ: diện tích 1,5m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36m2/phòng đối với lớp mẫu giáo.

- Cấp tiểu học: diện tích trung bình của 01 học sinh trong lớp là 1,25m2

- Cấp trung học: diện tích trung bình của 01 học sinh trong lớp là 1,5m2

Tiêu chí B5.2. Quản lý và chăm sóc y tế

- Có nhân viên chuyên trách công tác y tế trường học đã được tập huấn, bồi dưỡng, công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Lập danh sách những trẻ em, học sinh thuộc đối tượng nguy cơ (người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều,...) để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

Tiêu chí B5.3. Hoạt động bán trú[6]

Tổ chức hoạt động bán trú đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định. Trong đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m khi học sinh ăn và ngủ.

C. Tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống (TCAU)

Tiêu chí C.1. Khu vực ăn uống cho khách

- Đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của đơn vị. Những người đi trong khu vực ăn uống phải đeo khẩu trang.

- Thực hiện giãn cách phù hợp trong cùng một thời điểm cho từng người, nhóm người.

- Có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người và được vệ sinh sạch sẽ.

III. ĐÁNH GIÁ

1. Cách tính tỷ lệ mức độ an toàn (MĐAT)

Trường hợp các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực không đặc thù (tương đương không có tiêu chí đặc thù) cách đánh giá như sau:

MĐAT (%) = (Số tiêu chí đạt của TCATC) x 100/6

Trường hợp một số hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực có những đặc thù (tương đương có tiêu chí đặc thù), cách đánh giá như sau:

MĐAT (%) = (Số tiêu chí đạt của TCATC số tiêu chí đạt của TCĐT) x 100/(Tổng số TCATC và TCĐT)

Trường hợp một số hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực có tổ chức dịch vụ ăn uống, cách đánh giá như sau:

MĐAT (%) = (Số tiêu chí đạt của TCATC số tiêu chí đạt của TCĐT Số tiêu chí đạt của TCAU) x 100/ (Tổng số TCATC, TCĐT, TCAU)

Trường hợp một số hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực không đặc thù (tương đương không có tiêu chí đặc thù) nhưng có tổ chức dịch vụ ăn uống, cách đánh giá như sau:

MĐAT (%) = (Số tiêu chí đạt của TCATC số tiêu chí đạt của TCAU) x 100/ (Tổng số TCA TC, TCAU)

2. Phân loại mức độ an toàn

- MĐAT > 80%: Mức độ an toàn, trong đó phải đảm bảo đạt Tiêu chí an toàn chung. Đơn vị được tiếp tục hoạt động.

- 70% ≤ MĐAT ≤ 80%: Mức độ an toàn trung bình, trong đó phải đảm bảo đạt Tiêu chí an toàn chung. Đơn vị được tiếp tục hoạt động; trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt.

- MĐAT < 70% hoặc không đạt Tiêu chí an toàn chung: Mức độ chưa đảm bảo an toàn. Đơn vị tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục các tiêu chí không đạt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành và thay thế cho tất cả các Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 đã được ký ban hành trước đây.

Căn cứ Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá các biện pháp giảm thiểu và ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 phù hợp theo đặc thù ngành nghề và tình hình thực tế tại các đơn vị.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xem xét, quyết định việc công bố dừng hoạt động đối với đơn vị không đảm bảo các điều kiện liên quan tại Mục III của Bộ tiêu chí./.

 



[1] Quyết định số 1053/QĐ-BYT ngày 06 tháng 02 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng.

[2] Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.

[3] Thông tư số 38/2018/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3981:1985 Trường Đại học - Tiêu chuẩn thiết kế; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9210:2012 Trường Dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4602:2012 Trường Trung cấp chuyên nghiệp - Tiêu chuẩn thiết kế.

[4] Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

[5] Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết.

[6] Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung lần 2).