Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/2007/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 18 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN NƯỚC NGỌT TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 70/2002/QĐ-UB ngày 25/6/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành Thuỷ sản Ninh Thuận thời kỳ 2001 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 10/2005/QĐ-UBND ngày 02/02/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt (điều chỉnh) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số 298/TTr-STS ngày 23 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tiêu thụ nội địa là chủ yếu và hướng đến thị trường xuất khẩu.

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng về diện tích đất, mặt nước ao hồ tự nhiên, tận dụng mặt nước thuỷ lợi đưa vào nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, đặc biệt là diện tích đất hoang hoá, mặt nước ao hồ tự nhiên hoặc sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; góp phần cải thiện đời sống dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng sự đóng góp cảu ngành thuỷ sản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt gắn với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng đa dạng hoá đối tượng, hình thức nuôi;

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2010 tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đạt 1.200 - 2.400 tấn. Giá trị sản xuất đạt 25 - 45 tỷ đồng, chiếm 5 - 9 tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản và chiếm 2 - 3,7% so với toàn ngành thuỷ sản.

- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đạt 910 - 1.000 ha, số lồng nuôi 80 - 100 lồng. Năng suất bình quân 5 tấn/ha (nuôi thâm canh), nuôi kết hợp 3,5 tấn/ha và 0,77 tấn/lồng đối với mặt nước lớn (nuôi lồng).

- Tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 1.200 - 1.800 lao động trực tiếp và tham gia các dịch vụ liên quan. Cải thiện đời sống cho các hộ tham gia sản xuất, tăng thu nhập và góp phần vào chương trình xoá đói, giảm nghèo của địa phương.

- Từng bước hình thành hệ thống sản xuất giống thuỷ sản nhằm chủ động nguồn giống tốt, kịp thời vụ, đa dạng về giống, loài thuỷ sản nước ngọt, phục vụ cho nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

2. Nhiệm vụ quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt

2.1. Quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt, bao gồm: diện tích đất trồng lúa 1 - 2 vụ, đất trồng màu, đất nuôi thuỷ sản nước lợ, đất và mặt nước chưa sử dụng, đặc biệt là các hồ thuỷ lợi (hồ Nước Ngọt, hồ Sông Trâu, hồ Thành Sơn và hồ CK7);

2.2. Hình thức nuôi: chuyên canh (thâm canh, bán thâm canh), nuôi cá trong ruộng lúa, nuôi kết hợp nhiều đối tượng (nuôi quảng canh cải tiến), nuôi trong các hồ chứa thuỷ lợi (nuôi cá lồng, nuôi bè và thả đại trà trong hồ);

2.3. Quy hoạch bốn vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gồm:

- Vùng Tân Hải - Hộ Hải: diện tích 40 ha, nuôi cá rô phi vào mùa mưa bằng hình thức nuôi thâm canh.

- Vùng Lâm Sơn: diện tích 30 ha, nuôi cá chim trắng và diêu hồng, … bằng hình thức nuôi bán thâm canh.

- Vùng Lương Sơn: diện tích 25 ha, nuôi cá rô đồng và lăng vàng, … bằng hình thức nuôi bán thâm canh.

- Vùng Văn Hải: diện tích 32,65 ha, nuôi cá tra và ba sa, … bằng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh;

2.4. Quy hoạch sản xuất giống nước ngọt tại khu vực nuôi cá xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) với quy mô 5 - 8 ha và công suất 110 - 160 triệu con cá giống/năm.

3. Các nhóm giải pháp: về vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật công nghệ - môi trường, các chính sách hỗ trợ phát triển, thị trường tiêu thụ và tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, đơn vị chức năng.

(có báo cáo Quy hoạch chi tiết, các bản đồ và các giải pháp thực hiện kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được xác định trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt có trách nhiệm cụ thể hoá vào kế hoạch đến năm 2010, hằng năm và xây dựng cac dự án cụ thể để tìm nguồn vốn đầu tư phát triển;

- Thông báo nội dung quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt để nhân dân, các cấp, các ngành cùng tham gia quản lý và thực hiện tốt quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Thuỷ sản, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà