Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 19 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC GIAI ĐOẠN 2006-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Căn cứ Công văn số 815-CV/TU ngày 29/3/2005 và Công văn số 39 CV/TU ngày 02/3/2006 của Tỉnh ủy về việc triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 47/TT-KHCN ngày 15/5/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ vào nội dung Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2006-2010 được phê duyệt để chỉ đạo triển khai thực hiện quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 133/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 05 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, thể chế hóa các chủ trương trong Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn số 815-CV/TU ngày 29/3/2005 và Công văn số 39-CV/TW ngày 02/3/2006 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

I. Tình hình phát triển công nghệ sinh học ở Bình Dương

1. Trong những năm qua, việc ứng dụng về công nghệ sinh học ở tỉnh ta đã được triển khai và mang lại một số hiệu quả như sau:

a) Trong lĩnh vực nông nghiệp:

Đã triển khai nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất và đã mang lại hiệu quả tốt như thuốc trừ sâu bệnh vi sinh, các loại phân bón vi sinh, ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm dẫn dụ côn trùng, chất kích thích ra rễ, phân bón qua lá, ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thực phẩm chăn nuôi.

b) Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến:

Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến rượu, bia, tương, chao, nước chấm, chế biến thực phẩm.

c) Trong lĩnh vực y tế:

Triển khai hiệu quả các loại vắc xin trong công tác tiêm phòng các loại bệnh: lao, ho gà, uốn ván, bại liệt, bạch hầu, bệnh dại, sốt rét, viêm gan siêu vi B, sản xuất kháng sinh, axit amin…

d) Trong lĩnh vực môi trường:

Triển khai thành công việc sử dụng biogas xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp vi sinh trong xử lý nước thải.

2. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ sinh học ở tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống, còn hạn chế về quy mô và trình độ. Công nghiệp công nghệ sinh học chưa thật sự phát triển mạnh, thể hiện ở chỗ số lượng doanh nghiệp sản xuất các chế phẩm sinh học và các sản phẩm có ứng dụng thành tựu sinh học, công nghệ sinh học còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do:

- Các cấp ủy Đảng, Chính quyền và toàn xã hội chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và vị trí của công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế.

- Chậm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghệ sinh học.

- Các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ sinh học chưa được các ngành, các cấp xây dựng và đề xuất.

II. Mục tiêu

Mục tiêu phát triển công nghệ sinh học tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010:

1. Tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này vào các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, y tế và an ninh quốc phòng.

2. Từng bước hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ nhằm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

3. Thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tiếp nhận, làm chủ và triển khai công nghệ sinh học mới tại địa phương.

4. Đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sinh học ở địa phương.

III. Các nhiệm vụ chủ yếu

1. Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn:

a) Lựa chọn, tiếp thu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi để tạo, nhân và triển khai ứng dụng trên diện rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; phục tráng và cải tiến những cây giống, con giống truyền thống của địa phương; sản xuất được các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

b) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến nông lâm thủy hải sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng.

c) Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học nông – lâm lâu dài, đẩy mạnh nông nghiệp, lấy điển hình phát triển một số cây trồng vật nuôi làm chương trình phát triển chính ... với sự trợ giúp của công nghệ sinh học về nguồn giống, kỹ thuật.

d) Nghiên cứu, khai thác hệ vi sinh vật đất để nâng cao độ phì của đất.

2. Trong lĩnh vực y tế – bảo vệ sức khỏe cộng đồng

a) Nâng cao vai trò ứng dụng của công nghệ sinh học trong việc khám, chữa bệnh (từng bước tiếp cận và đưa các liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo, áp dụng các test chuẩn đoán và nghiên cứu cải tiến cũng như sản xuất các loại test này,…).

b) Nghiên cứu nguồn dược liệu địa phương, trong và ngoài nước, kết hợp với y học cổ truyền để phát triển sản xuất một số loại dược phẩm.

3. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển và bền vững:

a) Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

b) Ứng dụng công nghệ sinh học giải quyết các vấn nạn ô nhiễm do nguồn nước thải công nghiệp, cải tạo tài nguyên đất, nước bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp; xây dựng mô hình xử lý nước thải, đảm bảo an toàn trước khi xả bỏ; xử lý các chất thải rắn…

4. Trong lĩnh vực công nghiệp

a) Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến thực phẩm như công nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước chấm,…

b) Sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

IV. Giải pháp thực hiện

Để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học; chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy việc phát triển nhanh các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ, làm tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ sinh học ở Bình Dương.

V. Tổ chức thực hiện

Các ngành, các cấp phải xem việc đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học và xây dựng nền công nghiệp sinh học là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiêm túc tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chương trình này. Cần có sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên trách để có thể đạt được mục tiêu đề ra, đạt được hiệu quả cao. Cụ thể như sau:

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý các đề tài, dự án về nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến công nghệ sinh học của các ngành theo hướng cải cách thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai các đề tài, dự án này.

Xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao và áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; tham mưu các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

2. Sở Y tế:

Xây dựng và chủ trì triển khai đề án công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Xây dựng và chủ trì triển khai đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sự cố môi trường và phát triển bền vững.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng và chủ trì triển khai đề án phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

5. Sở Công nghiệp:

Xây dựng và chủ trì triển khai đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp.

6.Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Tài chính:

Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện các nội dung của chương trình.

7. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với các ngành đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ sinh học.

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công nghiệp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ sinh học theo nội dung định hướng nêu trên để tổ chức xét duyệt và triển khai thực hiện. Thời gian xây dựng đề án đến quý III/2006. Các đề án tập trung vào việc nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ, cải tiến công nghệ, xây dựng mô hình chuyển giao – trình diễn kỹ thuật, đào tạo.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi việc triển khai Chương trình hành động này và tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.