Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 133-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1976 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CHẶT CHẼ VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG

Trong những năm vừa qua, các ngành quản lý sản xuất và các cơ sở đã bước đầu xây dựng các định mức lao động để giao việc cho công nhân, viên chức. Tuy nhiên, còn nhiều việc làm chưa có định mức, hoặc có nhưng rất thấp so với khả năng thực tế. Có nơi làm tùy tiện: để quần chúng bình nghị, không có sự lãnh đạo chặt chẽ; có nơi lấy các loại định mức dự toán, các chỉ tiêu tính toán kế hoạch, là những chỉ tiêu rất tổng hợp dùng cho thời kỳ kế hoạch, để làm định mức cho sản xuất, thi công… Nhìn chung, thủ trưởng các ngành, các cấp chưa nắm định mức để quản lý tốt lao động; làm định mức thiếu căn cứ khoa học kỹ thuật; không kết hợp với chấn chỉnh tổ chức sản xuất và tổ chức lao động cho hợp lý. Chỉ đạo sản xuất chưa tạo những điều kiện cần thiết để công nhân, viên chức thực hiện tốt định mức; không theo dõi kiểm tra và phân tích hiệu quả kinh tế của việc làm định mức để từng bước nâng cao chất lượng định mức.

Những thiếu sót đã gây lãng phí lao động, lãng phí vốn đầu tư, không tận dụng được công suất của máy móc thiết bị, làm tăng biên chế, tăng quỹ tiền lương một cách quá đáng, làm cho năng suất lao động thấp, tiêu hao vật chất nhiều, hiệu quả kinh tế kém. Chẳng những thế, còn ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và thái độ của công nhân, viên chức, đến kỷ luật lao động, đến nề nếp quản lý của các cơ sở.

Để kịp thời khắc phục những khuyết điểm nói trên, Hội đồng Chính phủ quyết định:

I

Để thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 và 24 của Ban Chấp hành trung ương Đảng, tạo nên những chuyển biến mới trong công tác quản lý kinh tế, trước hết các ngành, các cấp phải xác định tốt các loại tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, trong đó phải hết sức coi trọng làm tốt công tác xây dựng và quản lý thực hiện các định mức lao động nhằm khai thác và sử dụng những khả năng tiềm tàng còn rất lớn trong sản xuất, động viên mọi người ra sức đẩy mạnh sản xuất, không ngừng tăng năng suất lao động, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, từ đó, tăng tích lũy và cải thiện đời sống công nhân, viên chức một cách vững chắc.

Định mức lao động hợp lý là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, cho việc chấn chỉnh và cải tiến tổ chức lao động, tổ chức sản xuất và trả lương theo lao động; là mục tiêu phấn đấu cụ thể của mỗi người lao động và mỗi đơn vị kinh tế trong phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm để hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước.

Với ý nghĩa đó, việc xây dựng và quản lý thực hiện các định mức lao động phải đạt những yêu cầu sau đây:

1. Định mức lao động phải có căn cứ khoa học kỹ thuật. Phải phân tích đúng đắn những nhân tố kỹ thuật và tổ chức và mối quan hệ giữa các nhân tố đó ảnh hưởng đến hao phí thời gian lao động để hoàn thành công việc. Từ đó, xác định các định mức lao động một các hợp lý và có tính chất tiên tiến để giao việc cho công nhân, viên chức trong quá trình lao động sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước.

2. Trong quá trình thực hiện các định mức lao động, một mặt phải động viên tinh thần nỗ lực và ý thức tuân thủ kỷ luật của công nhân, viên chức, mặt khác phải đề cao trách nhiệm của cán bộ quản lý xí nghiệp, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nhân, viên chức đạt và vượt các định mức lao động.

3. Quá trình xây dựng và quản lý thực hiện các định mức lao động phải là quá trình gắn liền với công tác chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất, cải tiến tổ chức  lao động và vận động phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động ở các cơ sở.

II

Để bảo đảm quán triệt những yêu cầu nói trên, các ngành, các cấp phải tuân thủ những nguyên tắc chủ yếu về định mức lao động:

1. Định mức lao động phải đi đôi với chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động. Phải dựa vào quy trình công nghệ hợp lý, yêu cầu chất lượng sản phẩm, phân tích đúng đắn hao phí thời gian lao động theo các nhân tố chủ yếu như máy móc, thiết bị, công cụ lao động, nguyên vật liệu, điều kiện làm việc và bố trí  lao động tại nơi làm việc.

2. Phải xác định hợp lý cấp bậc công việc để bố trí đúng công nhân và áp dụng kịp thời những kinh nghiệm và phương pháp làm việc tiên tiến có năng suất cao trong phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật của công nhân, viên chức.

3. Phải tổ chức thu thập và từng bước xây dựng những tài liệu gốc như tiêu chuẩn chế độ làm việc của máy móc, thiết bị, tiêu chuẩn phục vụ, tiêu chuẩn biên chế… để làm căn cứ vững chắc xây dựng định mức lao động được đúng đắn và nhanh chóng.

4. Phải đồng thời xác định đúng đắn đơn giá trả lương theo sản phẩm. Cùng làm một việc trong các điều kiện sản xuất như nhau thì định mức và đơn giá như sau. Chất lượng sản phẩm khác nhau, thì định mức và đơn giá khác nhau. Chỉ những sản phẩm làm ra được nghiệm thu, xác nhận đạt yêu cầu chất lượng, mới được thanh toán theo đúng đơn giá. Thực hiện việc trả lương đối với những trường hợp làm ra hàng hỏng, hàng xấu theo thông tư số 97-TTg ngày 29-9-1962 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Phải áp dụng thử và kiểm tra lại chất lượng định mức trước khi ban hành chính thức. Thời hạn và phạm vi áp dụng thử là tùy theo tính chất phức tạp của công việc, mức độ yêu cầu chính xác của định mức, khối lượng và thời gian tiến hành công việc đó mà quyết định. Trong thời gian đang áp dụng thử định mức mới thì công nhân, viên chức được hưởng theo lương thời gian hoặc theo đơn giá trả lương sản phẩm đã được cấp trên xét duyệt trước đó (nếu có).

6. Trong lúc công nhân, viên chức làm việc theo định mức, cán bộ quản lý phải tăng cường hướng dẫn sản xuất, thống kê, kiểm tra chặt chẽ. Những thời gian ngừng việc phải được xác nhận nguyên nhân cụ thể và thi hành chế độ trả lương ngừng việc hiện hành đối với công nhân. Nếu do lỗi trực tiếp của cán bộ, nhân viên quản lý gây nên ngừng việc, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, cán bộ, nhân viên quản lý đó phải bồi thường mức thiệt hại cho đến một tháng lương của mình.

7. Định kỳ hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiến bộ kỹ thuật, xí nghiệp và Bộ chủ quản phải lập kế hoạch sửa đổi định mức lao động cùng với việc áp dụng những biện pháp tổ chức và kỹ thuật mới ở xí nghiệp.

8. Trong những trường hợp sau đây, phải thay đổi ngay định mức lao động:  khi áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; khi có thay đổi về quy cách vật tư kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và điều kiện làm việc; khi phát hiện định mức có sai lầm (hoặc quá cáo, hoặc quá thấp so với khả năng thực tế).

Trường hợp do có sáng kiến cải tiến kỹ thuật và phương pháp làm việc, đã thay đổi nhiều về định mức lao động, thì cán bộ quản lý phải tính toán hiệu quả kinh tế, kịp thời khen thưởng cho đúng chế độ thưởng sáng kiến phát minh hiện hành. Đồng thời phải phổ biến để áp dụng những sáng kiến đó vào sản xuất. Sau khi đã khen thường và phổ biến để áp dụng sáng kiến, phải sửa ngay định mức lao động.

9. Cơ quan ban hành định mức có quyền quyết định sửa đổi định mức sau  khi báo cáo cho cấp có thẩm quyền duyệt định mức đó biết. Tuy vậy không được sửa đổi định mức một cách tùy tiện, không được vì định mức mới ban hành, có một số công nhân, viên chức chưa đạt, hoặc có một số công nhân, viên chức thực hiện vượt, đã sửa ngay định mức, mà phải có thời gian theo dõi, xem xét và phải trải qua phân tích, có lý do xác đáng mới quyết định sửa đổi.

10. Tất cả các trường hợp sửa định mức đều phải báo cho công nhân, viên chức biết trước 15 ngày cho đến một tháng. Trong thời gian đó, công nhân, viên chức hưởng theo đơn giá trả lương cũ. Nhưng nếu định mức cũ quá tùy tiện, gây thiệt hại cho sản xuất, thì phải hủy bỏ ngay và công nhân, viên chức hưởng lương thời gian, chờ có định mức mới. Trong khi công nhân hưởng lương thời gian, xí nghiệp cũng phải tổ chức kiểm tra tốt, giữ vững kỷ luật lao động. Cán bộ lãnh đạo phải làm tốt công tác tư tưởng đối với công nhân, viên chức, nói rõ lý do sửa đổi định mức, áp dụng những biện pháp tổ chức và kỹ thuật mới và hướng dẫn cho công nhân, viên chức biết cách làm việc để đạt định mức mới. Khi chính thức áp dụng định mức và đơn giá mới, công nhân, viên chức được trả lương theo mức độ hoàn thành định mức mới, không bảo lưu lương cũ và không được khống chế tỷ lệ vượt định mức.

III

Để tăng cường công tác xây dựng và quản lý thực hiện các định mức lao động một cách có hiệu quả, việc tổ chức chỉ đạo hết sức quan trọng.

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý sản xuất, kinh doanh.

Thủ trưởng các Bộ, ngành chịu trách nhiệm chính trong công việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng các định mức lao động trong Bộ, ngành mình, bảo đảm tốc độ tăng năng suất lao động đề ra trong kế hoạch Nhà nước dài hạn và hàng năm, và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thuộc quyền thực hiện tốt các định mức ấy.

a) Từng bước tổ chức việc xây dựng và sửa đổi các định mức của ngành có căn cứ khoa học kỹ thuật cho những công việc áp dụng rộng rãi trong nhiều xí nghiệp, cơ quan của Bộ mình, ngành mình, nhưng chưa có trong các định mức chung của Nhà nước. Căn cứ vào chức năng của mỗi bộ môn trực thuộc Bộ, có kế hoạch huy động, giao nhiệm vụ và đề tài, tạo điều kiện và cấp kinh phí cần thiết cho các tổ chức chuyên trách định mức lao động ở những cơ sở điển hình, các viện nghiên cứu khoa học, viện công nghệ, viện thiết kế, viện kinh tế, vụ lao động tiền lương và các trường đại học trực thuộc, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn và định mức lao động của ngành và của Nhà nước (khi được Nhà nước phân công).

Những định mức và tiêu chuẩn của ngành do thủ trưởng Bộ hoặc ngành đó ký ban hành, sau khi bàn bạc với công đoàn ngành (nếu có) và được Bộ Lao động thỏa thuận.

b) Ngay sau khi công bố quyết định này, các Bộ, các ngành phải gấp rút tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra và giúp đỡ các cơ sở chấn chỉnh và nâng cao một bước chất lượng các định mức lao động, chịu trách nhiệm về việc xét duyệt các định mức ấy. Đặc biệt phải ổn định sản xuất, ổn định mặt hàng, cung cấp đủ vật tư kỹ thuật và lao động  để làm trước ở các cơ sở trọng điểm của Bộ mình, ngành mình. Tổ chức soát xét lại các định mức hiện có của Bộ, ngành mình, phân tích, chọn lọc từ các định mức đã xét duyệt cho các cơ sở để sớm công bố những định mức của ngành, làm căn cứ để chỉ đạo sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước năm nay và tính toán lập kế hoạch cho các năm tới.

c) Dựa vào công đòan và công nhân, viên chức tiên tiến, làm tốt công tác giáo dục công nhân, viên chức và áp dụng các biện pháp hành chính, tổ chức cần thiết để uốn nắn những tư tưởng và cách làm sai của cán bộ và công nhân, viên chức trong Bộ mình, ngành mình về định mức lao động, nếu như cố ý hạ định mức, nâng đơn giá, khai man, làm dối…, giám sát và kiểm tra chặt chẽ chi tiêu quỹ tiền lương của các cơ sở thuộc quyền.

d) Có biện pháp khuyến khích các cơ sở dựa vào việc tăng năng suất lao động mà hoàn thành nhiệm vụ mới được giao thêm, để hạn chế tuyển thêm lao động. Thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất và tổ chức lao động, cải thiện điều kiện lao động và chăm lo đời sống công nhân, viên chức.

e) Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực làm công tác định mức lao động của ngành và của các cơ sở thuộc quyền. Điều động một số cán bộ có trình độ đại học và trung cấp về kỹ thuật và kinh tế, bồi dưỡng nghiệp vụ định mức và tổ chức lao động cho họ, để bố trí làm định mức lao động. Trong chương trình huấn luyện cho các kỹ sư và cán bộ trung cấp kỹ thuật, công nhân kỹ thuật phải có phần dạy về định mức và tổ chức lao động để sau khi ra trường mỗi người đều hiểu, đều làm được công tác định mức lao động và thực hiện tốt định mức.

g) Từ nay, trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng quý, hàng năm lên Hội đồng Chính phủ, thủ trưởng các ngành quản lý sản xuất phải có phần báo cáo về kết quả và chất lượng xây dựng và thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật nói chung và định mức lao động nói riêng.

2. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và kinh doanh.

Thủ trưởng các cơ sở chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt các định mức lao động đã được ban hành.

a) Phải tích cực tạo điều kiện để thực hiện tốt các định mức lao động của Nhà nước và của ngành mình đã ban hành.

b) Đối với những công việc mà ngành và Nhà nước chưa kịp ban hành định mức, thì cơ sở phải tạm xây dựng lấy các định mức hợp lý, bảo đảm những công việc có thể định mức đều phải có định mức lao động để giao việc cho công nhân, viên chức và để quản lý sản xuất, quản lý lao động ở đơn vị.

Những định mức do cơ sở tự xây dựng, sau khi được công đoàn cơ sở góp ý kiến và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xét duyệt, thì thủ trưởng cơ sở ban hành tạm thời.

c) Thủ trưởng các cơ sở phải thường xuyên theo dõi và xem xét tình hình định mức và thực hiện định mức lao động ở đơn vị mình, huy động và giao trách nhiệm cho các bộ môn (lao động tiền lương, kỹ thuật, kế hoạch, thống kê…) dựa vào quy trình công nghệ và tình hình sử dụng thời gian lao động, tình hình thu nhập về tiền lương sản phẩm của công nhân, viên chức mà sóat lại các định mức lao động hiện hành, bảo đảm tính chất tiên tiến và hợp lý của định mức. Xây dựng định mức tiên tiến hợp lý cho những công việc chưa có định mức và sau khi được cấp trên trực tiếp duyệt thì công bố các định mức ấy trong đơn vị; dựa vào định mức để bố trí lại lao động trong các dây chuyền sản xuất và công tác một cách chặt chẽ, bảo đảm mỗi người làm việc phải có việc làm có ích, thường xuyên và liên tục.

d) Khi đưa định mức vào sản xuất, phải có biện pháp tổ chức, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, viên chức đạt và vượt các định mức. Chú trọng những việc sau đây:

- Bảo đảm các điều kiện tổ chức và kỹ thuật như đã quy định trong định mức lao động;

- Nắm chắc tình hình thực hiện các định mức, kịp thời phát hiện và phân tích rõ nguyên nhân gây nên trường hợp không đạt hoặc vượt xa định mức;

- Tổng kết, phổ biến rộng rãi kinh nghiệm tiên tiến về sử dụng hợp lý thời gian làm việc và về tháo tác lao động, vận hành máy móc, thiết bị, coi trọng nâng cao tay nghề cho công nhân, viên chức;

- Kiểm tra và áp dụng các biện pháp thiết thực để chuẩn bị sản xuất, trang bị  kỹ thuật, cung cấp vật tư, tổ chức tốt nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động và đời sống trong đơn vị;

- Tổ chức chặt chẽ công tác giao khoán và kiểm tra, nghiệm thu số lượng và chất lượng các sản phẩm làm ra. Áp dụng đúng đắn  hình thức trả lương và các chế độ tiền thưởng thích hợp để khuyến khích công nhân, viên chức làm việc theo định mức hiện hành.

3. Trách nhiệm của các cơ sở quan tổng hợp Nhà nước.

a) Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện điều lệ về kiểm tra chất lượng sản phẩm và chỉ thị về tăng cường quản lý kỹ thuật, tạo tiền đề cho việc định mức lao động có căn cứ kỹ thuật; kiến nghị với Nhà nước và các ngành quản lý kinh tế những tiến bộ kỹ thuật cần áp dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng các định mức hiện có, làm tăng nhanh năng suất lao động; dành một phần thỏa đáng kinh phí nghiên cứu khoa học cho công tác nghiên cứu các đề tài về tổ chức lao động và định mức của các ngành, các cấp.

Hệ quản lý kỹ thuật trong từng ngành, nhất là ở cơ sở, phải tích cực và chủ động tham gia xây dựng, xét duyệt và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn (tiêu chuẩn chế độ làm việc của máy, tiêu chuẩn điều kiện lao động, tiêu chuẩn chất lượng…) và định mức lao động.

b) Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phát hiện những khả năng tiềm tàng của các ngành, hướng dẫn các ngành, các cơ sở lập kế hoạch tiến bộ kỹ thuật dài hạn và hàng năm, đặc biệt chú trọng các biện pháp về hợp lý hóa sản xuất và tổ chức lao động khoa học nhằm nâng cao chất lượng các định mức và tăng nhanh năng suất lao động; có kế hoạch tổ chức sản xuất tập trung những công cụ có năng suất cao, thích hợp với từng loại nghề, loại việc, những trang bị cải thiện điều kiện làm việc và bảo hộ lao động của công nhân, viên chức mà các ngành, các cấp đang cần, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, viên chức thực hiện tốt các định mức lao động. Kế hoạch tăng sản lượng hàng năm ở mỗi xí nghiệp, mỗi ngành và cả nước phải tính riêng phần do tăng đầu tư kỹ thuật mới, phần do tăng năng suất lao động.

Hệ quản lý kế hoạch trong từng ngành, nhất là ở cơ sở thông qua chỉ đạo thực hiện kế hoạch từng thời kỳ, phải tích cực và chủ động tham gia xây dựng, xét duyệt và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các định mức lao động; đồng thời dựa vào việc nâng cao chất lượng định mức lao động  mà từng bước nâng cao chất lượng các chỉ tiêu tính toán kế hoạch sản lượng, lao động, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hàng năm cho sát với khả năng thực hiện.

c) Tổng cục Thống kê phối hợp cùng Bộ Lao động nghiên cứu và ban hành những biểu mẫu thống kê báo cáo định kỳ về tình hình tăng năng suất lao động và phân tích kết quả thực hiện công tác định mức lao động và tổ chức lao động của các ngành, các cơ sở; cung cấp kịp thời những tài liệu thống kê phân tích này cho Bộ Lao động.

d) Bộ Tài chính quy định phương pháp và kiểm tra chặt chẽ các ngành, các cấp, các cơ sở sử dụng định mức lao động vào việc xác định quỹ tiền lương và hạch toán giá thành.

e) Bộ Lao động quản lý thống nhất công tác định mức lao động của Nhà nước; hướng dẫn các Bộ, các ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật và các cơ sở xây dựng định mức lao động; phối hợp với các Bộ, các ngành xây dựng một cách có kế hoạch các định mức đối với những công việc áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành, và sau khi áp dụng thử có kết quả, Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành thành định mức lao động Nhà nước.

Bộ Lao động hướng dẫn phương pháp nghiệp vụ, các thủ tục và chế độ về xây dựng, xét duyệt, ban hành và sửa đổi định mức lao động; theo dõi và giám sát việc xây dựng, áp dụng, sửa đổi định mức lao động và đơn giá trả lương sản phẩm trong các ngành, các cơ sở, kiểm tra và yêu cầu thủ trưởng ngành chủ quản đình chỉ áp dụng những định mức quá thấp không có căn cứ kỹ thuật, gây thiệt hại cho sản xuất và ảnh hưởng xấu đến tư tưởng công nhân, viên chức.

4. Vai trò của các đoàn thể quần chúng

a) Tổ chức công đoàn là trường học quản lý, có vai trò rất quan trọng trong việc bàn bạc với chính quyền cùng cấp và tham gia xây dựng, sửa đổi, quản lý thực hiện các định mức lao động để bảo đảm tính chất tiên tiến của định mức. Công đòan các cấp cần giáo dục, động viện và tổ chức công nhân, viên chức đề cao trách nhiệm làm chủ, nhiệt tình tham gia công tác định mức, kiến nghị và giám sát việc thực hiện các biện pháp tổ chức và kỹ thuật trong từng đơn vị. Phát động phong trào quần chúng làm việc có định mức, phấn đấu đạt và vượt những định mức tiên tiến, tạo ra những kỷ lục mới trong sản xuất. Kiên quyết phê phán tư tưởng vì lợi ích riêng, lười biếng, ngại khó mà giấu mức, định mức, “mà cả” định mức dễ làm khó bỏ, v.v…

b) Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh động viên tinh thần xung kích của thanh niên ở các cơ sở tiếp nhận định mức tiên tiến, áp dụng rộng rãi kinh nghiệm tiên tiến và tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật, phấn đấu đạt và vượt các định mức tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ việc sửa đổi các định mức lạc hậu.

Công tác định mức lao động rất quan trọng và phức tạp. Chấn chỉnh và cải tiến, nâng cao chất lượng định mức lao động mà trong tình hình mới là một cuộc vận động cách mạng. Phải quyết tâm làm và làm thường xuyên.

Thủ trưởng các ngành, các cấp và các cơ sở chịu trách nhiệm vạch ngay kế hoạch cụ thể, khẩn trương thi hành quyết định này để kịp phục vụ yêu cầu thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1976 và kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980)

Bộ Lao động có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các ngành, các địa phương thi hành có kết quả quyết định này, tổ chức sơ kết, tổng kết, làm báo cáo thường kỳ lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 


Nguyễn Duy Trinh