UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1347/2004/QĐ-UB | Hà Nam, ngày 08 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HÀ NAM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003.
- Căn cứ thông tư số 93/TT-LB ngày 29/3/1997 của liên Bộ Giao thông vận tải và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải và Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Sở Giao thông vận tải Hà Nam có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
A- Vị trí và chức năng:
Sở Giao thông-Vận tải là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GTVT trên địa bàn, bảo đảm yêu cầu thống nhất cơ chế quản lý ngành trong phạm vi cả nước.
Sở Giao thông-Vận tải do UBND tỉnh quản lý trực tiếp toàn diện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ GTVT.
B- Nhiệm vụ và quyền hạn
1/ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI:
1.1- Căn cứ các quy định của pháp luật, các quy định hướng dẫn của Bộ Giao thông-Vận tải, của các cục quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải, soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước về giao thông vận tải địa phương.
1.2. Quản lý công tác đào tạo sát hạch, cấp, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bằng lái... cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế của địa phương hoạt động trong lĩnh vực giao thông-vận tải theo quy định của pháp luật, của Bộ Giao thông -Vận tải và hướng dẫn của các cục quản lý chuyên ngành.
1.3. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về chuyên ngành Giao thông-Vận tải theo quy định của pháp luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về chuyên ngành Giao thông-Vận tải và của UBND tỉnh.
1.4. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về Giao thông-Vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
2. QUẢN LÝ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
2.1 Tổ chức quản lý duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống giao thông của địa phương, của quốc gia do Trung ương uỷ thác cho địa phương và bảo đảm giao thông các tuyến do tỉnh quản lý.
2.2 Thiết lập và thông báo, chỉ dẫn hệ thống mạng lưới giao thông do tỉnh trực tiếp quản lý ; áp dụng các quy định của Bộ Giao thông-Vận tải về tải trọng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện được phép vận hành trên mạng lưới giao thông của địa phương, bảo đảm an toàn giao thông và kết cấu công trình giao thông.
2.3 Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu trên các tuyến giao thông của địa phương. Tổ chức việc thẩm định trình Hội đồng thẩm xét tỉnh hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các luận chứng cấp phép cho xây lắp công trình vượt đường, giao cắt... có liên quan đến kết cấu và ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông của cầu đường do tỉnh quản lý.
2.4 Thẩm định và trình UBND tỉnh phân loại đường sá, định kỳ cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ khai thác, sử dụng các công trình, các tuyến giao thông do địa phương trực tiếp quản lý.
2.5 Chỉ đạo việc phối hợp các lực lượng vận tải của địa phương, ổn định tuyến vận tải hàng hoá và hành khách, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong phạm vi địa bàn tỉnh và liên tỉnh.
2.6 Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho phương tiện giao thông vận tải, người và tài sản trên phương tiện đó hoạt động trên địa bàn tỉnh.
3. VỀ XÂY DỰNG GIAO THÔNG.
3.1 Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới Giao thông-Vận tải trên địa bàn tỉnh, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.2 Thực hiện chức năng chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông của địa phương (bao gồm các công trình do nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn Trung ương cấp cho địa phương hoặc vốn huy động từ nhân dân đóng góp) theo quy định của pháp luật, sự phân cấp của Bộ Giao thông-Vận tải và UBND tỉnh.
3.3 Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng các công trình giao thông của tỉnh theo đúng quy trình, cơ chế quản lý xây dựng cơ bản. Thẩm xét và giám định các công trình trong phạm vi được giao. Trình Hội đồng thẩm xét và giám định cấp tỉnh đối với công trình trên hạn ngạch hoặc các công trình quan trọng. Chì trì soạn thảo các dự án đầu tư về Giao thông-Vận tải trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh.
4. QUẢN LÝ NGHIỆP VỤ KỸ THUẬT GIAO THÔNG-VẬN TẢI.
4.1 Đăng kiểm kỹ thuật (đăng ký và kiểm tra kỹ thuật ) các phương tiện thi công công trình Giao thông, các phương tiện vận tải đường bộ, đường thuỷ theo quy định của Bộ Giao thông-Vận tải và hướng dẫn của cục quản lý chuyên ngành.
4.2 Trình xét, duyệt thiết kế và thẩm định việc cải tạo, sửa đổi, phục hồi, đóng mới và sản xuất phương tiện, thiết bị, phụ tùng giao thông-vận tải theo quy chuẩn của Bộ giao thông-Vận tải hoặc của Cục quản lý chuyên ngành.
4.3 Hướng dẫn các cơ quan, các tổ chức trực thuộc chấp hành quy định của Bộ Giao thông-Vận tải và cơ quan Nhà nước về xuất nhập khẩu phương tiện Giao thông-Vận tải.
4.4 Tổ chức chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các đơn vị sự nghiệp thu, nộp lệ phí Giao thông-Vận tải theo quy định của luật pháp và phân công, uỷ nhiệm, thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải.
4.5 Quản lý và thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát minh sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong ngành giao thông vận tải ở địa phương.
4.6 Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức ngành Giao thông-Vận tải ở địa phương theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cục quản lý chuyên ngành.
Hướng dẫn, kiểm tra công tác đào tạo cán bộ viên chức và công nhân chuyên nghiệp ngành Giao thông-Vận tải.
Điều 2:Tổ chức bộ máy của Sở gồm:
1- LÃNH ĐẠO SỞ:
- Giám đốc Sở phụ trách chung theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước UBND và Bộ GTVT chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của ngành.
- Các phó giám đốc Sở giúp việc giám đốc trong lãnh đạo chung và được giám đốc phân công phụ trách, chỉ đạo một số công việc cụ thể và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật về phần việc được giao.
2- CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ THUỘC SỞ BAO GỒM:
- Phòng Tổ chức hành chính.
- Phòng Tài chính kế toán.
- Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái.
- Phòng Quản lý giao thông.
- Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật.
Phòng do Trưởng phòng phụ trách và nếu đủ điều kiện về quy mô và yêu cầu nhiệm vụ sẽ có 1 Phó trưởng phòng giúp việc.
3- BAN THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI:
Thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước về GTVT của tỉnh.
4- CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC SỞ:
- Trạm đăng kiểm phương tiện GTVT.
- Ban quản lý các dự án giao thông.
- Đoạn quản lý cầu đường bộ - Đường sông Hà Nam.
- Ban quản lý bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam.
- Trung tâm tư vấn xây dựng giao thông.
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở GTVT là các đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng để giao dịch và hoạt động.
5- BIÊN CHẾ:
- Biên chế các phòng ban quản lý nhà nước của Sở được UBND giao theo kế hoạch hàng năm, trên cơ sở đề nghị của giám đốc Sở GTVT và Sở Nội vụ.
- Biên chế khối các đơn vị sự nghiệp do giám đốc Sở Giao thông vận tải căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, xác định và hiệp y với Sở Nội vụ để thực hiện.
Điều 3: Giám đốc Sở Giao thông vận tải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của ngành và khả năng cán bộ,có trách nhiệm bố trí biên chế (trong tổng biên chế được giao),sắp xếp cán bộ, quy định nhiệm vụ cụ thể, xây dựng quy chế làm việc cho các đơn vị thuộc sở hoạt động theo đúng nguyên tắc, pháp luật Nhà nước.
Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho quyết định 195/QĐ-UB ngày 07/4/1997 của UBND tỉnh Hà Nam về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở GTVT tỉnh Hà Nam.
Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, giám đốc Sở Nội vụ, giám đốc Sở Giao thông vận tải, thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH HÀ NAM |
- 1 Quyết định 47/2013/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam
- 2 Quyết định 378/QĐ-UBND năm 2018 công bố kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành 20 năm (từ ngày 01/01/1997 đến ngày 31/12/2017)
- 3 Quyết định 378/QĐ-UBND năm 2018 công bố kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành 20 năm (từ ngày 01/01/1997 đến ngày 31/12/2017)
- 1 Quyết định 49/2016/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận
- 2 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam
- 3 Quyết định 21/2015/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5 Thông tư liên tịch 93/1997/TTLT-BGTVT-BTCCBCP hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông công chính (gọi chung là Sở Giao thông vận tải) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Giao thông vận tải - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 49/2016/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận
- 2 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam
- 3 Quyết định 21/2015/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ