- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Chỉ thị 36-CT/TW năm 2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2020 về tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại thẩm định các cơ quan, đơn vị; xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố liên quan đến ma túy do tỉnh Sơn La ban hành
- 4 Quyết định 1425/QĐ-TTg năm 2021 về chỉ định các cơ quan đầu mối để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Chỉ thị 36-CT/TW năm 2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2020 về tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại thẩm định các cơ quan, đơn vị; xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố liên quan đến ma túy do tỉnh Sơn La ban hành
- 4 Quyết định 1425/QĐ-TTg năm 2021 về chỉ định các cơ quan đầu mối để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 19 tháng 01 năm 2023 |
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 11/TTr-CAT- PTM ngày 12 tháng 01 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHUYỂN HÓA, XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA KHÔNG CÓ MA TÚY, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2019 - 2022 VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
Sơn La là một trong những địa phương trọng điểm về ma túy của cả nước với 274,065 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, cách khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới khoảng 700 km, nằm trên tuyến trọng điểm Tây Bắc mà tội phạm lợi dụng để hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa. Tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; 2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố; trong đó có 06 huyện biên giới với 17 xã; có 02 huyện, 118 xã, 1.708 bản đặc biệt khó khăn; dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, trong đó khoảng 82% là dân tộc thiểu số, 79% sinh sống ở khu vực nông thôn.
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019 về thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Hội đồng nhân dân tỉnh đã rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành 03 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 01 chỉ thị, 22 kế hoạch, 08 quyết định và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong giai đoạn 2019 - 2022, tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp tại một số huyện biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm, cụ thể:
(1) Tình hình tệ nạn ma tuý: Số người nghiện trên địa bàn còn nhiều, đến ngày 20/12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 6.486 người liên quan đến nghiện các chất ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm khoảng 0,56% dân số toàn tỉnh; so với cuối năm 2018 giảm 2.299/8.785 người nghiện = 26%; trung bình mỗi năm giảm 574 người), trong đó: * số đang điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy 1.447 người (chiếm 22,3%); * số cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 821 người (chiếm 12,7%); * số tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine 970 người (chiếm 15%); * số trong cơ sở giam giữ 773 người (chiếm 11,9%); * số đang trong thời gian theo dõi sau cai 1.861 người (chiếm 28,7%); * số đã hết thời gian theo dõi sau cai nhưng nguy cơ tái nghiện cao 614 người (chiếm 9,5%); ngoài ra có 869 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý.
Công tác rà soát, phát hiện người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy ở một số địa bàn cơ sở còn bất cập; tỷ lệ số người tái nghiện còn cao (447/3403 người chiếm 14% người tái nghiện sau cai từ 01 - 05 năm); số người được hỗ trợ sau cai nghiện còn hạn chế (trong số 3403 người quản lý sau cai có 724 người được tư vấn, 249 người được giới thiệu việc làm; 23 hộ được vay vốn…). Số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy mới, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, trong khi đó mô hình điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine chỉ áp dụng điều trị đối với các chất ma túy truyền thống. Số người nghiện ngoài cộng đồng còn chiếm tỷ lệ lớn và chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy lớn, là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác về trật tự xã hội.
(2) Tình hình tội phạm về ma túy: Từ năm 2019 đến 2022 đã phát hiện, bắt giữ 4.624 vụ, 6.011 đối tượng; thu giữ: 191,01kg hêrôin, 46,8kg thuốc phiện, 1.794.124 viên ma túy tổng hợp, 11.745,65kg ma túy khác, 45 khẩu súng, 717 viên đạn các loại và nhiều tang vật liên quan (trung bình bắt giữ 1.156 vụ, 1.503 đối tượng/năm; so với giai đoạn 2015 - 2018: tăng 221/935 vụ, 62/1.441 đối tượng; giảm 42kg hêrôin, 6.966kg thuốc phiện; tăng 193.206 viên MTTH, 2.630 kg ma túy khác); đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, qua biên giới; triệt xóa nhiều điểm, đối tượng bán lẻ ma túy.
Tuy nhiên, số vụ phạm tội ma túy hằng năm luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội trên địa bàn (trên 70%); trong đó chủ yếu là tội phạm về tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng và mua bán nhỏ lẻ (khoảng 80%); vẫn còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện (phát hiện, triệt phá 27.110,16 m² tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh của huyện Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp và Quỳnh Nhai; trung bình triệt xóa 7.230m²/năm; so với năm 2018 giảm 10.000/17.200m²); chưa giải quyết căn bản, hiệu quả các điểm, tụ điểm, đối tượng bán lẻ ở xã, phường, thị trấn; chưa triệt phá được những tổ chức, đường dây tội phạm, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài, từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ và luân chuyển đi các địa phương, đây là “nguồn cung” gây nên tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, biến Sơn La thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy.
(3) Tình hình địa bàn liên quan đến ma tuý: Năm 2022 qua thẩm định, đánh giá có: (i) 32 xã, phường, thị trấn; 1.191 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 2.011 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế không có ma túy; (ii) 84 xã, phường, thị trấn; 901 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 08 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế có tệ nạn ma túy; (iii) 417 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 88 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, trong đó 05 xã loại I; 17 xã loại II; 66 xã loại III (so với năm 2018 * chuyển hóa giảm mức độ trọng điểm 19 xã, trong đó 08 xã loại 1,05 xã loại II, 06 xã loại III; * chuyển hóa từ xã trọng điểm thành địa bàn có tệ nạn ma túy ít phức tạp 11 xã; * chuyển hóa từ địa bàn có tệ nạn thành địa bàn không có ma túy 08 xã).
Công tác giữ vững, xây dựng địa bàn không có ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc rà soát, quản lý, kiểm soát và giải quyết số người nghiện, người sử dụng ma túy trong cộng đồng, triệt phá điểm, tụ điểm tệ nạn ma túy để xây dựng các “địa bàn “sạch” không có ma túy”. Kết quả chuyển hóa chưa bền vững, số địa bàn được chuyển hóa còn thấp, chưa quan tâm giữ ổn định các địa bàn đã được chuyển hóa, để tình hình tái phức tạp trở lại. Đáng chú ý, tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy đạt được ở giai đoạn này còn thấp hơn số địa bàn đã đạt được năm 2012 khi tổng kết thực hiện Kết luận số 03-KL/TU ngày 07/01/2006 của Tỉnh ủy (năm 2012 toàn tỉnh có 45 xã không có ma túy). Kết quả công tác chuyển hóa phản ánh chưa tương xứng với sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy của tỉnh, chưa gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân, của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài trên địa bàn; chưa lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cán bộ.
Nguyên nhân: Bên cạnh những yếu tố khách quan về địa lý, biên giới, dân tộc, trình độ nhận thức của người dân, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương còn hình thức, nặng về văn bản mà thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; (2) Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; (3) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; (4) Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành chưa thống nhất, lúng túng trong triển khai, thực hiện ở cơ sở (trọng tâm là những thay đổi của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Xuất phát từ tình hình trên, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Dự án trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 -2025 của Chính phủ, trọng tâm là Dự án “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn” theo Quyết định số 5027/QĐ-BCA-C04 ngày 05/7/2022 của Bộ Công an. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành Đề án “Chuyển hóa, xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
- Quán triệt, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Củng cố, giữ vững các địa bàn không có ma túy; chuyển hóa địa bàn có tệ nạn ma túy, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng xanh, nhanh, bền vững; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bình yên, đáng sống; đem lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
2. Yêu cầu
- Nhận thức rõ công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 297 tỉnh; sự theo dõi, giám sát, ban hành chính sách hỗ trợ các nguồn lực của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; việc tham mưu, triển khai, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị và sự tham gia của quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì; quá trình thực hiện phải quán triệt phương châm “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt”.
- Có lộ trình cụ thể, tiến hành từng bước, thận trọng, củng cố xây dựng địa bàn một cách bền vững; “làm đến đâu, chắc đến đó”, xác định nhiệm vụ làm sạch địa bàn đã khó nhưng giữ sạch địa bàn còn khó hơn, tính toán giao chỉ tiêu phù hợp theo từng năm, giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, lấy phòng ngừa là chính, kiềm chế phát sinh số người nghiện, người sử dụng ma túy mới; tập trung rà soát tổng thể, đánh giá đúng thực trạng tình hình, nhận diện đúng, đủ hệ loại đối tượng, địa bàn để quản lý chặt chẽ và giải quyết có hiệu quả người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy; xử lý tội phạm, triệt xóa điểm, tụ điểm tệ nạn về ma túy; triệt phá đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy; chuyển hóa, xây dựng địa bàn không có ma túy.
- Phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị với quan điểm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”, gắn với trách nhiệm, thi đua của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội với sự đồng tình, giúp đỡ, ủng hộ của quần chúng nhân dân trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, chuyển hóa, xây dựng địa bàn không có ma túy.
- Hệ thống toàn diện các văn bản, quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy theo chức năng, nhiệm vụ để thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá gắn với kiểm điểm trách nhiệm, phân loại thi đua đối với tập thể, cá nhân.
- Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn và mục tiêu của Đề án.
III. CHỦ THỂ, PHẠM VI, THỜI GIAN, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Chủ thể thực hiện: Các sở, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
2. Phạm vi triển khai: Triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La.
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Lộ trình, chỉ tiêu cụ thể
- Năm 2023: (1) Giữ vững 32 xã, phường, thị trấn; 1.191 bản, tiểu khu, tổ dân phố không có ma túy đạt được năm 2022; (2) Lựa chọn chuyển hóa tối thiểu 12/84 xã có tệ nạn ma túy thành xã không có ma túy (mỗi huyện tối thiểu 01 xã); tối thiểu 168/901 bản, tiểu khu, tổ dân phố có tệ nạn ma túy thành không có ma túy (mỗi xã trong 84 xã có tệ nạn chuyển hóa ít nhất 02 bản); (3) Lựa chọn chuyển hóa giảm mức độ xã trọng điểm về ma túy loại I (tối thiểu 01/05 xã); loại II (tối thiểu 03/17 xã); loại III (tối thiểu 08/66 xã); bản, tiểu khu, tổ dân phố (tối thiểu 88/417 bản). Phấn đấu đến hết năm 2023 có 44/204 xã (chiếm 21,6%), có 1.359/2.303 tổ, bản, tiểu khu (chiếm 59%) đạt không có ma túy; 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy.
- Năm 2024: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và chuyển hóa các địa bàn, chỉ tiêu cụ thể: (1) Giữ vững 44 xã, phường, thị trấn và các bản, tiểu khu, tổ dân phố không có ma túy đã đạt được năm 2023; (2) Lựa chọn chuyển hóa tối thiểu 24 xã có tệ nạn ma túy thành xã không có ma túy (mỗi huyện tối thiểu 02 xã; tương ứng với số bản cần chuyển hóa); (3) Lựa chọn chuyển hóa giảm mức độ xã trọng điểm về ma túy loại I, II, III và các bản trọng điểm về ma túy. Phấn đấu đến cuối năm 2024 có: 68/204 xã đạt không có ma túy (chiếm 33,3%); 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy.
- Năm 2025: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và chuyển hóa các địa bàn, chỉ tiêu cụ thể: (1) Giữ vững 68 xã, phường, thị trấn và các bản, tiểu khu, tổ dân phố không có ma túy đã đạt được năm 2024; (2) Lựa chọn chuyển hóa tối thiểu 24 xã có tệ nạn ma túy thành xã không có ma túy (mỗi huyện tối thiểu 02 xã; tương ứng với số bản cần chuyển hóa); (3) Lựa chọn chuyển hóa giảm mức độ xã trọng điểm về ma túy loại I, II, III và các bản trọng điểm về ma túy. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có: 92/204 xã đạt không có ma túy (chiếm 45%); 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục duy trì giữ vững các địa bàn xã, phường, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu không có ma túy đã đạt được; lựa chọn chuyển hóa mỗi năm tăng tối thiểu 24 xã, phường, thị trấn không có ma túy, giảm mức độ xã trọng điểm về ma túy loại I, II, III. Phấn đấu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy. Đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước.
1.1. Nâng cao nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống ma tuý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ ngành và của Tỉnh về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trọng tâm là: (1) Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; (2) Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 và các Dự án của Bộ Công an về: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”; “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn”; “Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy của Chính phủ; (3) Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; (4) Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025; (5) Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025...
1.2. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành; huy động sức mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, xây dựng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu, tổ dân phố không có ma túy; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài; lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân.
1.3. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy cấp huyện, cấp xã để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy ở địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Thường xuyên rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về phòng, chống ma túy, bảo đảm đúng quy định, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
1.4. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể gắn trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành và thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện. Xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, sơ hở, thiếu sót; kiểm điểm trách nhiệm, đánh giá, phân loại đối với tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
1.5. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án gắn với việc thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước, pháp luật liên quan đến phòng, chống ma túy để rút kinh nghiệm, đề xuất bổ sung, sửa đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
2.1. Biên tập Bộ tài liệu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương về phòng, chống ma túy; cập nhật thông tin về các loại ma túy mới, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hướng dẫn thực hiện ở cơ sở.
2.2. Tổ chức tuyên truyền tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, chú trọng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các xã, phường, thị trấn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới; xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... Phấn đấu hằng năm 100% cơ quan, đơn vị, trường học; xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống ma túy; 100% xã có tệ nạn về ma tuý, xã trọng điểm, phức tạp về ma túy được ưu tiên triển khai các biện pháp tuyên truyền.
2.3. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội...; nâng cao chất lượng, số lượng tin, bài, sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy.
2.4. Xây dựng, củng cố và có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là tại cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn duy trì hiệu quả ít nhất 01 mô hình/bản, tiểu khu trong tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy.
3.1. Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, trường học... thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn dân về tác hại của ma túy, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma tuý thâm nhập vào đời sống của từng gia đình, xã hội; huy động người dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy, phát hiện, tố giác với lực lượng chức năng về tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn; mỗi bản, tiểu khu, tổ dân phố xây dựng, duy trì 01 hòm thư tố giác tội phạm, phản ánh tệ nạn về ma túy... nhằm mục tiêu “xây dựng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị không có ma túy”.
3.2. Phát huy vai trò quan trọng của gia đình trong phòng ngừa tệ nạn ma túy; mỗi gia đình phải thường xuyên quan tâm, tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy; chủ động phát hiện, ngăn chặn và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi thành viên trong gia đình sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, giúp đỡ người người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện... nhằm mục tiêu “xây dựng gia đình không có ma túy”.
3.3. Đẩy mạnh phòng, chống ma túy học đường, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, nhân viên, viên chức trong các cơ sở giáo dục, cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình giảng dạy của từng cấp học, phù hợp với từng lứa tuổi để nâng cao nhận thức, chủ động phòng, tránh ma túy của học sinh; tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình, xã hội để quản lý học sinh (nhất là số học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên thường xuyên bỏ học, vi phạm nội quy, quy định của nhà trường và địa phương) không để bị lợi dụng, lôi kéo tham gia tệ nạn ma túy; bảo đảm an ninh, trật tự khu vực quanh trường học nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh... nhằm mục tiêu “xây dựng trường học không có ma túy”.
4.1. Từng đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn, đơn vị làm căn cứ để lực lượng chuyên trách các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ kiểm soát, quản lý số đối tượng này, hàng tháng chủ động thống kê, cập nhật vào danh sách để theo dõi, “bảo đảm 100% người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy được lập hồ sơ quản lý”. Phân loại từng đối tượng để áp dụng biện pháp xử lý hành chính lập hồ sơ quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; cai nghiện bắt buộc; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng theo quy định. Đối với các đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật thì kiên quyết bắt giữ, xử lý.
4.2. Tổ chức hiệu quả các biện pháp quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; thực hiện công tác cai nghiện ma túy theo quy định
- Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, lực lượng chức năng và gia đình quản lý, theo dõi, tư vấn, động viên, giúp đỡ, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn không để họ tái sử dụng trái phép chất ma túy.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác lập hồ sơ biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy; phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, lực lượng chức năng, gia đình, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nhận xét, đánh giá, đề xuất biện pháp quản lý đối với từng đối tượng được quản lý theo quy định.
- Tăng cường công tác xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, người đang trong quá trình quản lý khi sử dụng trái phép chất ma túy, người đang được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn… để có cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý khi đã được xác định tình trạng nghiện.
- Tổ chức hiệu quả công tác cai nghiện cho tất cả người đã kết luận nghiện ma túy theo các hình thức quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động người nghiện tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tham gia điều trị bằng thuốc thay thế; vận dụng linh hoạt, phù hợp với các quy định của pháp luật trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác tư vấn, hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, người điều trị nghiện bằng thuốc thay thế được có việc làm trong thời gian áp dụng biện pháp cai nghiện, bảo đảm sinh kế và cuộc sống bản thân và gia đình. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác cai nghiện, huy động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác cai nghiện ma tuý gắn với hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, giúp người nghiện ma tuý đã hoàn thành quy trình cai nghiện sớm hoà nhập cộng đồng bền vững, lâu dài và có cuộc sống ổn định, không tái nghiện.
- Bảo đảm 100% người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị và áp dụng các hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp; đồng thời phải có cơ chế quản lý, theo dõi, nhận xét, đánh giá việc thực hiện quy trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện và tại gia đình và cộng đồng.
4.3. Tổ chức hiệu quả các biện pháp quản lý sau cai nghiện gắn với tái hòa nhập cộng đồng và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, người mãn hạn tù liên quan đến ma túy.
- Làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện, gắn với giúp người sau cai nghiện, người mãn hạn tù liên quan đến ma túy tái hòa nhập cộng đồng và tư vấn hỗ trợ giải quyết việc làm phù hợp với từng trường hợp và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, qua đó hạn chế tình trạng tái nghiện (chú ý phát huy hiệu quả nghề được đào tạo trong cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện bắt buộc và trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế).
- Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức tín dụng, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện, người mãn hạn tù liên quan đến ma túy được hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, tạo việc làm phù hợp.
- Xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong kèm cặp, giúp đỡ người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người mãn hạn tù liên quan đến ma túy tái hòa nhập cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội.
- Phấn đấu 100% người người hoàn thành cai nghiện ma tuý có hồ sơ theo dõi, quản lý và trên 80% được tư vấn, hỗ trợ sau cai nghiện, hạ thấp tỷ lệ tái nghiện.
4.4. Rà soát đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở xác định tình trạng nghiện; cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. Quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc điều trị nghiện thay thế phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn, khu vực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xác định tình trạng nghiện, điều trị cai nghiện. Xây dựng và triển khai Chương trình can thiệp dự phòng nghiện đối với nhóm người có nguy cơ cao sử dụng ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy.
4.5. Nghiên cứu, ban hành quy định về quy trình và trách nhiệm trong công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở điều trị nghiện ma túy hoặc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quản lý, theo dõi, nhận xét, đánh giá việc thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; phân loại và bàn giao người nghiện ma tuý cho cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở phân công cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia quản lý, theo dõi, nhận xét, đánh giá việc thực hiện quy trình cai nghiện. Rà soát, cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện, không tái nghiện đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng đối tượng, từng bước giảm dần số người nghiện ma tuý trong danh sách quản lý.
5.1. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Phương án, kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma tuý trên tuyến Tây Bắc, tuyến biên giới, trong nội địa và tại các địa bàn trọng điểm. Nắm chắc, phân tích, dự báo và đánh giá sát, đúng tình hình địa bàn, đối tượng để tập trung nguồn lực, phân công lực lượng và triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, tháng cao điểm phòng, chống ma túy..., trong đó:
- Tổng rà soát, lập danh sách điểm, tụ điểm, đối tượng tàng trữ, bán lẻ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại xã, phường, thị trấn để tổ chức đấu tranh triệt xoá 100%, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội, giải quyết triệt để, không để phức tạp, kéo dài; không để tái phức tạp sau khi triệt xóa; không để phát sinh điểm, tụ điểm tệ nạn ma túy mới.
- Tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển, tổ chức sản xuất trái phép chất ma túy, nhất là các tổ chức, đường dây hoạt động xuyên quốc gia, qua biên giới, hoạt động liên tỉnh, mua bán, vận chuyển, sản xuất ma túy với số lượng lớn; chú ý giải quyết tận gốc, bắt giữ, xử lý những đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Không để tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn Sơn La làm nơi sản xuất, tàng trữ, trung chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia.
- Tập trung xác minh, thu thập thông tin, tài liệu; tổ chức vận động, truy bắt, thanh loại các đối tượng truy nã về ma túy, ngăn chặn số đối tượng này tiếp tục hoạt động phạm tội về ma túy, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về ma túy, trọng tâm là xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.
5.2. Kiểm soát hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (nhất là karaoke, quán bar, cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, homestay…); thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng sử dụng, tổ chức sử dụng, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
5.3. Duy trì hoạt động của Tổ công tác liên ngành trong quản lý nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để phạm tội, vi phạm pháp luật.
5.4. Phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; điều tra, kiểm sát, truy tố, xét xử đúng định khung hình phạt và thi hành án các vụ án về ma túy. Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai. Định kỳ, lựa chọn vụ án điểm tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe tội phạm về ma túy.
5.5. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh, điều tra, kiểm sát, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy, cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu trực tiếp, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
6. Thực hiện hiệu quả công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma tuý
6.1. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân không tái trồng cây có chứa chất ma tuý; chỉ đạo tổ chức ký cam kết và giám sát việc thực hiện cam kết của từng hộ gia đình, tổ, bản không để trồng cây có chứa chất ma tuý.
6.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn có nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma tuý, tập trung vào các địa bàn giáp ranh, vùng sâu, vùng xa; tập trung vào thời điểm chuẩn bị bước vào niên vụ tái trồng cây có chứa chất ma tuý; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và kiên quyết phá nhổ những diện tích tái trồng cây có chứa chất ma tuý, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.
6.3. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần xoá đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng có nguy cơ cao về tái trồng cây có chứa chất ma tuý.
7. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
7.1. Triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ, hợp tác giữa các Bộ, ngành Trung ương; của tỉnh và các ngành, địa phương về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy. Mở rộng hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống ma túy.
7.2. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy tại các xã biên giới; phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với các lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Lào, trọng tâm là hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng; thường xuyên trao đổi thông tin và điều tra, xác minh hoạt động của tội phạm ma túy để xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy, phòng ngừa từ xa, ngăn chặn có hiệu quả ma túy thẩm lậu qua biên giới vào địa bàn tỉnh,
7.3. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng BLO Sơn La với Văn phòng BLO Hủa Phăn trong công tác trao đổi thông tin phối hợp phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy qua biên giới; tổ chức giao ban, mở các lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế hợp tác qua biên giới.
8.1. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, tiêu chí công nhận cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn không có tệ nạn ma tuý; xác nhận cơ quan, đơn vị có tệ nạn ma túy, xác nhận địa bàn trọng điểm về ma tuý bảo đảm phù hợp với Luật phòng, chống ma túy, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.
8.2. Định kỳ hằng năm các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn theo phân cấp tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại, thẩm định kết quả công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu... đạt tiêu chuẩn không có ma tuý; xác nhận có tệ nạn ma túy hoặc là địa bàn trọng điểm về ma tuý. Trên cơ sở đánh giá, thẩm định để xây dựng Kế hoạch, lựa chọn địa bàn tập trung các biện pháp giải quyết, chuyển hóa theo đúng chỉ tiêu và lộ trình của Đề án, trong đó:
- Đối với cấp huyện: (1) Duy trì, giữ vững địa bàn cơ quan, đơn vị (thuộc cấp huyện quản lý), xã, phường, thị trấn đã chuyển hóa thành công, được công nhận không có ma túy, không để phát sinh hoặc phức tạp trở lại; (2) Lựa chọn trong số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy để chuyển hóa thành không có ma túy; (3) Lựa chọn các xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy để chuyển hóa thành ít phức tạp hơn; (4) Không để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý có tệ nạn ma túy.
- Đối với cấp xã: (1) Duy trì, giữ vững địa bàn cơ quan, đơn vị (thuộc cấp xã quản lý), bản, tiểu khu, tổ dân phố đã chuyển hóa thành công, được công nhận không có ma túy, không để phát sinh hoặc phức tạp trở lại; (2) Lựa chọn trong số bản, tiểu khu, tổ dân phố có tệ nạn ma túy để chuyển hóa thành không có ma túy; (3) Lựa chọn các bản, tiểu khu, tổ dân phố trọng điểm về ma túy để chuyển hóa thành ít phức tạp hơn; (4) Không để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý có tệ nạn ma túy.
- Đối với bản, tiểu khu, tổ dân phố: (1) Duy trì, giữ vững bản, tiểu khu, tổ dân phố đã chuyển hóa thành công, được công nhận không có ma túy, không để phát sinh hoặc phức tạp trở lại; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các diện đối tượng, tổ chức quản lý, đề xuất xử lý giải quyết đối với những nguyên nhân tệ nạn ma túy để đạt tiêu chí không có ma túy.
- Đối với các cơ quan, đơn vị các cấp: (1) Duy trì, giữ vững địa bàn cơ quan, đơn vị không có ma túy; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các diện đối tượng, tổ chức quản lý, đề xuất xử lý giải quyết đối với những nguyên nhân tệ nạn ma túy để đạt tiêu chí đơn vị không có ma túy.
8.3. Hằng năm tổ chức ký kết giao ước thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị, địa bàn đạt tiêu chuẩn không có tệ nạn ma tuý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung đã ký cam kết. Phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy và hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện và cai nghiện ma túy; thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời những điển hình tiêu biểu; có chính sách hỗ trợ, động viên thỏa đáng đối với tập thể, cá nhân bị thương, phơi nhiễm HIV, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy.
8.4. Gắn công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, địa bàn đạt tiêu chuẩn không có tệ nạn ma tuý với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và công nhận “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “bản, tiểu khu, tổ dân phố văn hoá”. Lấy tiêu chí xây dựng đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy, chuyển hóa địa bàn tệ nạn, địa bàn trọng điểm về ma túy là một trong các cơ sở để đánh giá trách nhiệm và phân loại đối với tổ chức, cá nhân.
1.1. Công an tỉnh
- Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh điều phối, thống nhất, thực hiện Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025.
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản; phối hợp với các đơn vị rà soát, nắm chắc tình hình tệ nạn, tội phạm ma túy; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Tập trung triệt xóa các điểm, đối tượng bán lẻ ma túy; đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, đặc biệt là các tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép chất ma túy, địa bàn các huyện giáp biên; thực hiện hiệu quả hoạt động phối hợp phòng, chống ma tuý qua biên giới; nâng cao tỷ lệ phát hiện, bắt giữ các vụ án về ma túy.
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý, theo dõi người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; nghiên cứu tích hợp với các dữ liệu dân cư, CCCD để phục vụ khai thác, nắm tình hình di biến động, đánh giá và chủ động áp dụng biện pháp, đối sách phù hợp theo đúng quy định: lập hồ sơ quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; cai nghiện bắt buộc; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; đấu tranh, bắt giữ, xử lý.
- Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Nâng cao chất lượng, điều tra, khám phá, xử lý các vụ phạm tội về ma túy.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động phòng ngừa xã hội, tập trung thực hiện có hiệu quả các văn bản liên tịch, chương trình phối hợp về phòng, chống ma túy gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong nhân dân về phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự từ cơ sở.
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các cuộc vận động toàn dân tham gia chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, tạo chuyển biến; tăng số xã, phường, thị trấn không có ma túy theo chỉ tiêu đề ra.
- Chủ trì triển khai, thực hiện các Dự án: (1) Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm; (2) Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn; (3) Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của Bộ Công an.
1.2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý bảo vệ biên giới. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực thi nhiệm vụ Biên phòng; duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa, phối hợp, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm khác ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ Quốc phòng; Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ và các chương trình, kế hoạch phối hợp khác về phòng, chống ma túy.
- Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh thực hiện Kế hoạch số 157/KH- CAT-BĐBP ngày 06/3/2019 phối hợp điều tra cơ bản địa bàn, lĩnh vực ma túy; nâng cao tỷ lệ phát hiện, bắt giữ các vụ án về ma túy tại khu vực biên giới. Tăng cường, hợp tác quốc tế về kiểm soát và đấu tranh chống tội phạm ma túy qua biên giới.
1.3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chủ trì, phối hợp triển khai hiệu quả Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. Phối hợp tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
- Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong lực lượng vũ trang của tỉnh; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là tại các địa bàn có doanh trại quân đội đóng quân chấp hành tốt pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy theo thẩm quyền.
1.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì tham mưu các nội dung liên quan đến công tác quản lý thống nhất việc tổ chức cai nghiện, tổ chức giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho các đối tượng đã cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.
- Tổng rà soát, tham mưu đề xuất phương án bảo đảm khả thi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, bố trí nhân lực triển khai hiệu quả công tác cai nghiện phù hợp với điều kiện của tỉnh. Rà soát, đánh giá thực trạng người nghiện ma túy, mức độ thu dung của các cơ sở điều trị nghiện ma túy để đề xuất việc thành lập bổ sung các cơ sở vệ tinh tại các huyện, thành phố
- Tổ chức giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy tại cơ sở; quan tâm tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nghiên cứu mời gọi đầu tư xã hội hóa cơ sở điều trị nghiện ma túy gắn với hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục học viên trong cơ sở cai nghiện ma túy.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn về quy trình cai nghiện. Hằng năm phối hợp với UBND các huyện thành phố các cơ sở Điều trị nghiện ma túy đánh giá công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma tuý.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về cai nghiện ma túy; xây dựng trang mạng xã hội và đường dây nóng tiếp nhận thông tin và tư vấn cai nghiện ma túy...
- Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” theo chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
1.5. Sở Y tế
- Chủ trì tham mưu, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và Buprenorphine.
- Rà soát, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở y tế, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn đáp ứng đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ngay từ cơ sở xã, phường, thị trấn.
- Chủ trì, phối hợp tổ chức hướng dẫn thực hiện phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người tham gia cai nghiện ma túy dưới các hình thức; chủ trì, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện, phân loại người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.
- Định kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, cấp chứng chỉ cho cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy; cán bộ làm công tác điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người tham gia cai nghiện.
- Phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đối với các cơ sở y tế, cơ sở cấp, phát, phân phối thuốc trong xuất, nhập, bảo quản, tồn trữ, sử dụng các loại tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, các loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để các đối tượng lợi dụng sơ hở để thu mua phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
1.6. Sở Tư pháp
- Thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tham mưu với UBND tỉnh hướng dẫn, biên soạn tài liệu, chỉ đạo các ngành thành viên Hội đồng của tỉnh, Hội đồng các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy.
- Chủ trì rà soát, tổng hợp, biên soạn tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách về phòng, chống ma túy; tài liệu hướng dẫn thực hiện các quy trình xác định người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy, áp dụng các biện pháp hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy để thống nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cơ sở.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các chế tài về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp.
1.7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu tuyên truyền, cảnh báo về tác hại, cách nhận biết các loại ma túy (nhất là các loại, dạng thức mới của ma túy), cây trồng có chứa chất ma túy, phòng tránh ma túy và tham gia phòng, chống tệ nạn, tội phạm về ma tuý.
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy.
- Tập trung tuyên truyền trực tiếp cho người có nguy cơ cao, nhất là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người nghiện ma túy ở cộng đồng, trong các cơ sở cai nghiện nhằm làm giảm người nghiện mới, ưu tiên các địa bàn có tệ nạn ma túy, địa bàn trọng điểm về ma tuý.
- Xây dựng chiến lược thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy và tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông đại chúng. Phấn đấu ít nhất 70% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi có nguy cơ được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy và kỹ năng phòng, chống ma túy; 100% phóng viên, các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi mảng pháp luật, xã hội có kiến thức, kỹ năng viết, đưa tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy.
- Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Tuyên truyền về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1.8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, chỉ đạo tổ chức sản xuất, phát hành các sản phẩm văn hoá tuyên truyền về tác hại của ma tuý và các mô hình phòng, chống ma túy. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, các thiết chế văn hóa cơ sở, đội chiếu bóng lưu động, đội tuyên truyền văn hóa, văn nghệ lưu động.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng xã, phường, thôn, xóm, làng, bản, tổ dân phố lành mạnh không có tệ nạn ma túy, đặc biệt có những nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy.
- Phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát các nội dung liên quan trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, không để sơ hở, phát sinh tệ nạn ma túy; không để tội phạm ma túy lợi dụng mua bán, tổ chức sử dụng ma túy.
1.9. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo chỉ đạo của tỉnh. Phấn đấu giảm diện tích trồng cây có chất ma túy.
- Phối hợp với Công an và các ngành chức năng, kiểm tra, phát hiện, tổ chức triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy.
- Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy” theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
1.10. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong trường học, đảm bảo chương trình giáo dục phòng, chống ma túy phù hợp trong tất cả các cấp học, bậc học. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa với nội dung về phòng, chống ma túy cho học sinh. Bảo đảm 100% học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tệ nạn ma tuý và được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma tuý.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong công tác quản lý học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên, không để mắc vào tệ nạn ma túy; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; xây dựng đơn vị trường học đạt tiêu chí “trường học không có ma tuý”.
- Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.11. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh (nguồn xã hội hóa, nguồn vốn của các nhà tài trợ nước ngoài, các nguồn vốn hợp pháp khác…) để phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy.
- Chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan Công an và các sở, ngành liên quan nhằm phục vụ cho công tác điều tra và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Sơn La trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
1.12. Sở Tài chính: Hằng năm, căn cứ dự toán do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố lập và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính thẩm định nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
1.13. Sở Công thương: Phối hợp với các đơn vị có liên quan (Công an, Quản lý thị trường, Hải quan...) triển khai, thực hiện công tác quản lý, kiểm soát việc sản xuất và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, phòng trách thất thoát vào sản xuất trái phép chất ma túy; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc quản lý xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.
1.14. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện công tác hợp tác quốc tế, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào có chung đường biên giới.
1.15. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu trong công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, động viên đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy. Xem xét trách nhiệm đơn vị, người đứng đầu không hoàn thành chỉ tiêu phòng, chống ma túy. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến ma túy.
1.16. Ban Dân tộc: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tự giác chấp hành pháp luật, trong đó có pháp luật phòng, chống ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy, không nghe xúi giục, lôi kéo tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy. Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” theo chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc.
1.17. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy tại cộng đồng; phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” trong xã hội. Gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua tại cơ sở. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện Dự án: “Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” theo chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Liên đoàn Lao động tỉnh: Huy động nguồn nhân lực của công nhân, viên chức, lao động tham gia công tác phòng, chống ma túy; chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh: Chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phòng chống ma túy; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc thanh niên trong phòng chống ma túy, bảo đảm mỗi xã đều có mô hình. Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Tăng cường phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; giúp đỡ và quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. ưu tiên triển khai xây dựng mô hình, công trình, phần việc của phụ nữ tại địa bàn các xã; có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với những trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người thân phạm tội ma túy hoặc nghiện ma túy. Chủ trì triển khai, thực hiện Dự án: “Tăng cường quản lý, giáo dục con em trong gia đình không tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy” theo chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh: Chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phòng chống ma túy và các phong trào do Trung ương Hội phát động; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hội tham gia phòng chống ma túy; phối hợp, hỗ trợ theo dõi, quản lý, giám sát người sử dụng trái phép chất ma túy; người cai nghiện ma túy tại cộng đồng, giúp đỡ người người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
1.18. Đề nghị các Ban Đảng, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy
- Ban Tổ chức tỉnh ủy: Tham mưu công tác thi đua, khen thưởng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy. Xem xét trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng không hoàn thành chỉ tiêu phòng, chống ma túy. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý đảng viên có liên quan đến ma túy.
- Ban Nội chính tỉnh ủy: Chủ trì, phối hợp với Văn phòng tỉnh ủy, các ban đảng tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện công tác phòng, chống ma túy của cấp ủy các cấp.
- Ban Tuyên giáo tỉnh ủy: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy; trọng tâm là tuyên truyền tác hại, hiểm họa của ma túy, lây truyền HIV/AIDS do tiêm chích ma túy, các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các quy định của pháp luật công tác phòng, chống ma túy, công tác giữ vững và xây dựng đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy, gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống ma túy; theo hướng tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn vùng cao, biên giới, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Ban Dân vận tỉnh ủy: Chủ động triển khai các giải pháp vận động nhân dân về phòng, chống ma túy. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ưu tiên tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chủ trương về công tác dân vận, công tác dân tộc tại các xã, trọng tâm là các xã biên giới bảo đảm thường xuyên, hiệu quả.
- Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy: Tham mưu với Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của cấp ủy các cấp, tại các tổ chức cơ sở đảng từ tỉnh đến cơ sở và từng đảng viên. Tham mưu xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến ma túy.
- Đảng uỷ Trường Đại học Tây Bắc: Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống ma tuý trong đơn vị; tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương quản lý sinh viên, giáo viên, nhân viên, không để mắc vào tệ nạn ma túy; xây dựng đơn vị đạt tiêu chí không có ma tuý.
1.19. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án về ma túy, nhất là các vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe người nghiện, người sử dụng ma túy phạm tội, vi phạm pháp luật.
- Tham gia góp ý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy.
- Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì, triển khai thực hiện Dự án: “Nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong công tác xét xử các vụ án ma túy và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” theo chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao.
2. Đối với cấp ủy, chính quyền cấp huyện
2.1. Đề nghị huyện ủy, thành ủy
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn nói chung và tại địa bàn các xã trọng điểm về ma túy nói riêng; huy động hệ thống chính trị và toàn dân nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Tập trung chỉ đạo chuyển hóa, xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn không có ma túy; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy.
- Tổ chức thi đua, lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác phòng, chống ma túy; lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên hàng năm.
2.2. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố
- Xây dựng Kế hoạch chỉ đạo triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án, phân công nhiệm vụ cho các ngành, các cấp, xã, phường, thị trấn một cách cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ lộ trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Hằng năm rà soát, lựa chọn, giao chỉ tiêu phòng chống ma túy, chuyển hóa xây dựng địa bàn không có ma túy cụ thể cho các xã, phường, thị trấn, chi tiết đến bản, tiểu khu, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học. Phát động phong trào thi đua, tổ chức thực hiện và thẩm định đánh giá cuối năm theo Kế hoạch của UBND tỉnh; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cán bộ không hoàn thành chỉ tiêu phòng, chống ma tuý, có liên quan đến ma tuý.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, vận động nhân dân tự phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống ma túy.
- Tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình di biến động của người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện ma túy, nhất là số sử dụng ma túy tổng hợp, số nghiện mới và số tái nghiện, phản ánh chính xác số liệu người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy vào phần mềm quản lý; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, áp dụng các biện pháp điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng.
- Chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn, sau khi triệt xóa không để tái phức tạp. Tăng cường rà soát, phát hiện, triệt phá các điểm tái trồng cây thuốc phiện.
- Tập trung nguồn lực thực hiện công tác giữ vững địa bàn, cơ quan, đơn vị không có ma túy, chuyển hóa địa bàn tệ nạn, trọng điểm về ma túy, xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy theo chỉ tiêu, lộ trình đề ra hằng năm, bảo đảm thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu Đề án.
- Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa bàn các xã; ưu tiên triển khai các chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn, con giống… cho các đối tượng yếu thế, đối tượng có nguy cơ phạm tội, đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đối tượng sau cai nghiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách tại từng xã bảo đảm thực chất, phù hợp với đặc điểm tình hình và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
- Thống nhất quản lý, huy động và lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy đạt hiệu quả.
1. Kinh phí thực hiện Đề án
- Do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Kinh phí từ ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương); kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh; kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan trong quá trình thực hiện Đề án; nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
2. Lộ trình thực hiện
- Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án trong 02/2023.
- Tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Đề án hằng năm.
- Tổng kết thực hiện Đề án trong tháng 12/2025.
- Căn cứ kết quả Tổng kết thực hiện Đề án, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung tham mưu ban hành Đề án triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
3. Hằng năm, các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nội dung được phân công trong Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công gắn với việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 285 ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh (kế hoạch của các ngành xong trước ngày 30/1 hằng năm; có các chỉ tiêu định tính và định lượng, phân công rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân) gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, theo dõi.
Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 1 năm (quý I trước 15/3; 6 tháng trước 15/6; quý III trước 15/9; 1 năm trước 15/12) báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án lồng ghép thành 01 mục trong báo cáo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 285 ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh (qua Công an tỉnh; địa chỉ: số 678, đường Lê Duẩn, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; SĐT: 069.2680.335) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh.
4. Hằng năm UBND tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá việc thực hiện Đề án gắn với thẩm định, đánh giá địa bàn liên quan đến ma tuý theo Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại, thẩm định các cơ quan, đơn vị; xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố liên quan đến ma túy (trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế).
Giao Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thẩm định, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án; định kỳ chủ trì tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.
- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Chỉ thị 36-CT/TW năm 2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2020 về tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại thẩm định các cơ quan, đơn vị; xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố liên quan đến ma túy do tỉnh Sơn La ban hành
- 4 Quyết định 1425/QĐ-TTg năm 2021 về chỉ định các cơ quan đầu mối để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) do Thủ tướng Chính phủ ban hành