Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1359/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 28 tháng 6 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT VIỆC SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THUỘC TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy định về Quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 685/TTr-SKHCN ngày 10 tháng 6 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh; Thủ Trưởng đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
(kèm theo Quy định)
- Như Điều 2;
- TTTU, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các ĐT tỉnh;
- Sở KH&CN;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh;
- Phòng KGVX (TrV), KT, TH,
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỂM SOÁT VIỆC SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THUỘC TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này nhằm thống nhất nội dung, trình tự và thủ tục tổ chức kiểm soát việc sử dụng các Chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho các sản phẩm thuộc tỉnh Bến Tre.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, người sử dụng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Điều 2. Quy định chung về kiểm soát Chỉ dẫn địa lý

1. Kiểm soát Chỉ dẫn địa lý là việc kiểm tra hoạt động sản xuất sản phẩm và sử dụng Chỉ dẫn địa lý trong thương mại sản phẩm, do các cơ quan quản lý Chỉ dẫn địa lý tiến hành đối với người sử dụng.

2. Kiểm soát Chỉ dẫn địa lý gồm các nội dung chính sau:

a) Kiểm soát nguồn gốc sản phẩm;

b) Kiểm soát việc tuân thủ các quy định về sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; và việc ghi chép sổ sách theo dõi tương ứng.

c) Kiểm soát chất lượng sản phẩm;

d) Kiểm soát việc tuân thủ quy định về sử dụng Chỉ dẫn địa lý, biểu trưng (logo) của Chỉ dẫn địa lý và các dấu hiệu Chỉ dẫn địa lý khác.

3. Hoạt động kiểm soát Chỉ dẫn địa lý theo Quy định này là các hoạt động chuyên biệt theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, không bao gồm các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề của các ngành, lĩnh vực liên quan như an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, hợp chuẩn, hợp quy, v.v.

4. Đơn vị chủ trì thực hiện hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre theo Quy định này là Sở Khoa học và Công nghệ.

Điều 3. Các nguyên tắc của hoạt động kiểm soát

1. Nguyên tắc đồng thuận: hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý là sự đồng thuận của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre và người sử dụng. Nguyên tắc đồng thuận thể hiện sự thống nhất tuân thủ, thực hiện đúng các quy định đề ra, nhằm mục đích bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

2. Nguyên tắc khách quan: hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện công tác kiểm soát.

3. Nguyên tắc công khai, minh bạch: tất cả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện công khai, đúng quy trình được quy định, kết quả kiểm tra phải được công khai trên các phương tiện quản lý của tổ chức chủ sở hữu.

4. Nguyên tắc khả thi: việc xây dựng kế hoạch kiểm soát và tiến hành hoạt động kiểm soát phải đảm bảo thực hiện được trên thực tế.

Điều 4. Hệ thống kiểm soát Chỉ dẫn địa lý

1. Kiểm soát cơ sở là hoạt động tự kiểm soát, giám sát, theo dõi về hoạt động sử dụng Chỉ dẫn địa lý của người sử dụng cho sản phẩm đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

2. Kiểm soát nội bộ là hoạt động kiểm soát dựa trên các quy định về nội dung, kế hoạch kiểm soát của các tổ chức tập thể được trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đối với các thành viên và những tổ chức, cá nhân không phải là thành viên nhưng có ký hợp đồng dịch vụ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổ chức tập thể đó. Kinh phí tiến hành hoạt động kiểm soát nội bộ do tổ chức tập thể tự chịu trên cơ sở cân đối kinh phí của tổ chức.

3. Kiểm soát bên ngoài là hoạt động kiểm soát được thực hiện bởi đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre, nhằm kiểm soát, giám sát và quản lý các hoạt động sử dụng Chỉ dẫn địa lý của người sử dụng. Hoạt động kiểm soát của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre được thực hiện dựa trên kế hoạch kiểm soát.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Quy định về xây dựng kế hoạch kiểm soát

1. Kế hoạch kiểm soát là quy định chi tiết về các yếu tố kiểm soát, công cụ nội dung kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm, phân định về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn giữa các cơ quan có liên quan đến hoạt động quản lý Chỉ dẫn địa lý đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ.

2. Kế hoạch kiểm soát là cơ sở để đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre tiến hành các hoạt động kiểm soát, và là cơ sở để các tổ chức, cá nhân phối hợp trong quá trình diễn ra hoạt động kiểm soát.

3. Nội dung của kế hoạch kiểm soát được xây dựng theo các nội dung kiểm soát tại khoản 2, Điều 2 của Quy định này.

Điều 6. Tần suất kiểm soát của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý

1. Kiểm soát định kỳ được tổ chức 02 lần/năm theo kế hoạch hàng năm.

2. Kiểm soát đột xuất được tổ chức khi có khiếu nại hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định về sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Điều 7. Trình tự tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre

1. Đối với hoạt động kiểm soát định kỳ:

Bước 1: Đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch kiểm soát hàng năm, thành lập đoàn kiểm soát và thông báo đến người sử dụng trước 03 (ba) ngày làm việc.

Bước 2: Tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung tại khoản 2 Điều 2 của Quy định này trong thời gian 10 ngày làm việc.

- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi vi phạm, thì phải lập biên bản và lưu giữ bằng chứng những lỗi được cho là vi phạm;

- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, thì có thể tiến hành lấy mẫu, niêm phong mẫu, gửi đi phân tích, giám định, kết quả phân tích, giám định nhận được là kết quả kiểm tra cuối cùng.

Bước 3: Thông báo kết quả

- Kết quả của hoạt động kiểm soát sẽ được thông báo bằng văn bản đến người sử dụng. Trường hợp có vi phạm, thì xử lý vi phạm theo quy định.

- Trường hợp người sử dụng không đồng ý với kết quả kiểm tra, thì có quyền có ý kiến phản đối, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả kiểm tra.

2. Đối với hoạt động kiểm tra đột xuất:

Khi phát hiện hoặc được thông báo về hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý, đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và tổ chức kiểm tra, xác minh theo trình tự từ Bước 2 đến Bước 3 của hoạt động kiểm tra định kỳ.

Điều 8. Hoạt động kiểm soát cơ sở và kiểm soát nội bộ

1. Người sử dụng có trách nhiệm thực hiện hoạt động kiểm soát cơ sở với các nội dung kiểm soát tại khoản 2 Điều 2 của Quy định này.

2. Các tổ chức tập thể được trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, có trách nhiệm thực hiện hoạt động kiểm soát nội bộ đối với các nội dung cần kiểm soát tại khoản 2 Điều 2 của Quy định này.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Các hành vi vi phạm quy định về sử dụng Chỉ dẫn địa lý của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý

1. Không xuất trình được Giấy chứng nhận còn hiệu lực cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu;

2. Không thực hiện việc kiểm soát nội bộ và lưu giữ tài liệu, sổ sách ghi chép việc kiểm soát nội bộ đối với việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý;

3. Không tuân thủ các quy định của chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận cơ sở sản xuất phù hợp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP), hoặc chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ;

4. Có hành vi cản trở hoạt động kiểm tra, kiểm soát về sử dụng Chỉ dẫn địa lý;

5. Có hành vi sử dụng Chỉ dẫn địa lý, biểu trưng (logo) của Chỉ dẫn địa lý, các dấu hiệu Chỉ dẫn địa lý khác không đúng quy định;

6. Có hành vi sử dụng Chỉ dẫn địa lý, biểu trưng (logo) của Chỉ dẫn địa lý, và các dấu hiệu Chỉ dẫn địa lý khác cho các sản phẩm không đáp ứng điều kiện về sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý;

7. Có hành vi sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận;

8. Có hành vi chuyển giao trái phép Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng;

9. Có hành vi bán, tặng, cho hoặc có hành vi chuyển giao trái phép tem Chỉ dẫn địa lý của đơn vị mình cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng;

10. Có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của các Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre.

Điều 10. Xử lý hành vi vi phạm

1. Người sử dụng thực hiện hành vi tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Quy định này thì bị xem xét áp dụng hình thức cảnh cáo.

2. Người sử dụng đã bị cảnh cáo mà tiếp tục hành vi tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Quy định này hoặc có hành vi tại khoản 5, 6 Điều 9 Quy định này, thì bị xem xét đình chỉ quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý trong vòng 06 tháng.

3. Người sử dụng đã bị đình chỉ quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, mà vẫn tiếp tục vi phạm hoặc có hành vi tại khoản 7, 8, 9 và 10 Điều 9 của Quy định này thì bị thu hồi Giấy chứng nhận.

4. Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sử dụng, kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý, thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

5. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý bị xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 11. Thẩm quyền xử lý vi phạm

1. Trưởng đoàn kiểm tra có thẩm quyền xử lý các hành vi tại khoản 1, Điều 10 của Quy định này.

2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử lý các hành vi tại khoản 2 và 3 Điều 10 của Quy định này.

3. Thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý

1. Được khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm tra nếu không đồng ý hoặc phát hiện dấu hiệu không khách quan, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

2. Đề nghị đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre và các cơ quan có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.

3. Phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre và/hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

4. Tuân thủ các nội dung kiểm tra, kiểm soát theo Quy định này.

5. Chấp hành các quyết định xử lý vi phạm của đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý tỉnh Bến Tre và các cơ quan quản lý có thẩm quyền (nếu có).

Điều 13. Khen thưởng, xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý

1. Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động kiểm soát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý, chống lại các hành vi vi phạm, các hành vi xâm phạm quyền đối với Chỉ dẫn địa lý được đề xuất khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc bao che cho những hành vi vi phạm, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu hình sự, theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Phân công trách nhiệm

1. Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tại khoản 1 và khoản 6 Điều 7 của Quy định về Quản lý các Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre được ban hành theo Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.

2. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan đến hoạt quản lý Chỉ dẫn địa lý có trách nhiệm phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về sử dụng Chỉ dẫn địa lý; thực hiện các nhiệm vụ, chức năng tương ứng tại Điều 7 của Quy định về Quản lý các Chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre được ban hành theo Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình triển khai thực hiện, các tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền đóng góp ý kiến để hoàn thiện Quy định. Sở khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp các ý kiến đóng góp và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.