Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1369/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NGÀNH XÂY DỰNG TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 124/NQ-CP NGÀY 3/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW NGÀY 22/3/2018 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ngành Xây dựng triển khai Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ KH&ĐT;
- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng (để biết);
- Lưu VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NGÀNH XÂY DỰNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 124/NQ-CP NGÀY 3/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW NGÀY 22/3/2018 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Quyết định số 1369/QĐ-BXD ngày 21/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Ngày 3/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết nêu trên, Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động ngành Xây dựng như sau:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Xây dựng để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp trong ngành Xây dựng theo định hướng đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng về vai trò và nội dung của chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của ngành Xây dựng. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Xây dựng nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực quản lý ngành Xây dựng đối với phát triển công nghiệp, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp xây dựng phù hợp với đặc trưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Mục tiêu cụ thể ngành Xây dựng đến năm 2030

- Duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị.

- Tỷ lệ đô thị hóa: đạt khoảng 50%.

- Tổng sản lượng xi măng vượt không quá 150 triệu tấn/năm;

- Vật liệu không nung thay thế 40-45%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 124/NQ-CP đề ra, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Chính sách phân bổ không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

Các Cục, Vụ tập trung thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu:

1.1. Hoàn thiện hệ thống, cơ chế chính sách và các công cụ để quản lý kiểm soát hiệu quả quá hình phát triển đô thị.

Đơn vị chủ trì: Cục Phát triển đô thị, Vụ Pháp chế.

1.2. Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách đối với ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là công nghiệp xi măng.

Đơn vị chủ trì: Vụ Vật liệu xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Vụ Pháp chế.

1.3. Tiếp tục hoàn thiện chính sách về nhà ở cho công nhân

Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.

2. Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

2.1. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung; sản phẩm tái chế. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng.

Đơn vị chủ trì: Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.

Đơn vị phối hợp: Viện Vật liệu xây dựng, Vụ Pháp chế

2.2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu là chất thải, phế thải của rác thải sinh hoạt đô thị.

Đơn vị chủ trì: Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Vụ Vật liệu xây dựng.

3. Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp

3.1. Nghiên cứu, đề xuất có chế chính sách ưu tiên phát triển nhưng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao, công nghệ in 3D ứng dụng trong xây dựng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng; công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế... đáp ứng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Đơn vị chủ trì: Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Vụ Vật liệu xây dựng.

Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ

3.2. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.

Đơn vị chủ trì: Vụ Kế hoạch Tài chính.

Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ.

4. Nâng cao hiệu lực  hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp ngành Xây dựng

4.1. Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; chấm dứt tình trạng ban hành và thực hiện chính sách thiếu thống nhất giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên trong việc ban hành, thực thi các chính sách trái với định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 124/NQ-CP theo các quy định của Đảng, Chính phủ và các quy định của pháp luật.

4.2. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghiệp ngành Xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất trong ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng tại địa phương và trong phạm vi cả nước. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phối hợp ngành Xây dựng với các Bộ, ngành và địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

4.3. Chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngành Xây dựng phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa.

4.4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới phát triển công nghiệp.

4.5. Đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, dứt điểm các dự án công trình/ dự án công nghiệp thuộc chức năng quản lý ngành Xây dựng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả; các dự án sử dụng vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ nhiều năm gây thất thoát vốn nhà nước.

4.6. Phối hợp Bộ Khoa học công nghệ và công nghệ quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ công nghiệp thuộc chức năng quản lý ngành Xây dựng; đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

4.7. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp công nghiệp thuộc ngành Xây dựng.

Đơn vị thực hiện: Các đơn vị trực thuộc Bộ; Sở Xây dựng các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

5. Một số Đề án, nhiệm vụ cụ thể triển khai Chương trình hành động của Chính phủ (Chi tiết tại Phụ lục đính kèm).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Thứ trưởng Bộ Xây dựng

1.1. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình hành động trong các lĩnh vực công tác và đơn vị được phân công phụ trách; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động;

1.2. Kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị; trường hợp cần giải quyết các vấn đề khó hoặc có liên quan đến lĩnh vực do Thứ trưởng khác phụ trách thì chủ động trao đổi, giải quyết hoặc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

2.1. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động và Phụ lục kèm theo, kết hợp với nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng, kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để triển khai Chương trình hành động của Bộ, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

2.2. Tập trung, chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được phân công cho đơn vị trong Chương trình hành động, bảo đảm tiến độ, chất lượng; định kỳ tổ chức giao ban để kiểm điểm tình hình thực hiện; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải pháp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

2.3. Báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp thực hiện, báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đồng thời gửi về Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 15/12 hàng năm để tổng chung.

3. Chánh Văn phòng Bộ:

Đưa nội dung kiểm điểm tình hình triển khai Chương trình hành động vào nội dung, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ; phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động.

4. Trung tâm Thông tin, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng:

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Chương trình hành động này đến các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành Xây dựng, các hội, hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

5. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ.

6. Các đơn vị khác

- Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác của ngành Xây dựng chủ động tham gia đóng góp ý kiến và tham vấn để xây dựng các báo cáo thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động ngành Xây dựng.

Trong quá trình thực hiện Chương trình hành động này, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, các đơn vị chủ động đề xuất, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng quyết định./.

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 1369/QĐ-BXD ngày 21/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

STT

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

CƠ QUAN CHỦ TRÌ

CƠ QUAN PHỐI HỢP

THỜI GIAN HOÀN THÀNH

SẢN PHẨM

1

Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

 

 

 

 

1.1

Xây dựng Đề án phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế.

Vụ KHCN&MT; Vụ VLXD; Viện VLXD

Các đơn vị thuộc Bộ

2020

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

1.2

Xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050

Vụ VLXD

Viện VLXD và các đơn vị thuộc Bộ

2020-2021

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1.3

Xây dựng Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030

Vụ VLXD

Lồng ghép trong Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 20501

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

1.4

Xây dựng Đề án phát triển bền vững ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030

Vụ VLXD

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

1.5

Xây dựng Đề án Đánh giá sự phát triển thị trường xây dựng, các yếu tố cơ bản tạo ra sự biến động của thị trường, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất các giải pháp bình ổn, điều tiết và thúc đẩy sự phát triển của các thị trường xây dựng

Cục QLHĐXD; Viện KTXD

Các đơn vị thuộc Bộ

2020-2021

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

1.6

Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng

Cục KTXD

Các đơn vị thuộc Bộ

2020

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2

Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp

 

 

 

 

2.1

Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2018

Vụ KHCN&MT

Các đơn vị thuộc Bộ

2020-2021

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

2.2

Xây dựng Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình

Viện KTXD

Các đơn vị thuộc Bộ

2020-2021

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ

 



1 Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020