Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 137/2006/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 30/2006/CT-TTg ngày 11 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa;
Căn cứ công văn số 1912/BNN-BVTV, ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khung chính sách phòng, trừ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá;
Xét tờ trình số 1196/TTr-SNN-NN ngày 07 tháng 9
năm 2006 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy định về một số chính sách hỗ trợ các hộ nông dân phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thành Đoàn tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở - ngành liên quan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA

(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích hỗ trợ:

Việc ban hành Quy định này nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nông dân tích cực phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa kịp thời khống chế và ngăn chặn sự bộc phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa, không để nguồn bệnh lây lan sang vụ lúa đông xuân và lây lan sang các địa phương khác.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh:

2.1. Chính sách này chỉ áp dụng đối với diện tích mạ mùa đã gieo và lúa gieo cấy trong vụ mùa 2006.

2.2. Thời gian: Từ tháng 9 năm 2006 đến khi có chủ trương mới của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Đối tượng áp dụng:

3.1. Các hộ nông dân sản xuất lúa đang bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, thực hiện theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp

3.2. Các hộ nông dân sản xuất lúa đang ở trong vùng dịch và vùng kế cận bị uy hiếp nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 4. Hỗ trợ nông dân phòng, trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên ruộng mạ mùa, mức hỗ trợ như sau:

4.1. Nếu ruộng mạ nhiễm rầy nâu, nông dân trị rầy theo hướng dẫn sẽ được hỗ trợ, tương đương 100.000 đồng/1.000m2 mạ, tiền thuốc trừ rầy và công phun xịt.

4.2. Nếu ruộng mạ nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá quá nặng không sử dụng được buộc phải tiêu hủy và xử lý rầy để tránh lây lan sẽ được hỗ trợ 650.000 đồng/1.000m2 mạ bao gồm tiền thuốc trừ rầy, công phun xịt, tiêu hủy là 150.000 đồng và 120 kg lúa giống tương đương 500.000 đồng (dùng sạ mầm 1 ha) hoặc để hủy lúa chết trên 1 ha nếu ngưng không sản xuất trong vụ mùa 2006.

4.3. Nếu ruộng mạ nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá quá nặng phải tiêu hủy và chuyển sang cây trồng vật nuôi khác được hỗ trợ 650.000 đồng/1.000m2 mạ bao gồm tiền thuốc trừ rầy, công phun xịt,  tiêu hủy là 150.000 đồng và 120 kg lúa giống tương đương 500.000 đồng (tạo điều kiện chuyển đổi cho 1 ha đất lúa) và được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 5. Hỗ trợ nông dân trồng lúa có ruộng lúa nằm trong vùng dịch và vùng kế cận bị uy hiếp nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá, được hỗ trợ một lần tiền thuốc trừ rầy và tiền công phun xịt, tương đương 500.000 đồng/ha.

Điều 6. Hỗ trợ nông dân trồng lúa có ruộng lúa nhiễm bệnh virus hại lúa ở giai đoạn trước khi lúa làm đòng (dưới 45 ngày), tỷ lệ cây bệnh trong ruộng lớn hơn 30% hỗ trợ như sau:

6.1. Nếu nông dân tình nguyện tiêu hủy được hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha bao gồm tiền thuốc trừ sâu, công phun xịt (nếu có rầy nâu xuất hiện trên lúa), công tiêu hủy và 120 kg lúa giống. Nếu không còn rầy nâu hỗ trợ 1.200.000 đồng/ha bao gồm công tiêu hủy và 120 kg lúa giống.

6.2. Nếu không tiêu hủy ruộng lúa mà chỉ bỏ cây bị bệnh và phun thuốc trừ rầy triệt để được hỗ trợ 500.000 đồng/ha tiền thuốc trừ rầy và công phun xịt.

Điều 7. Hỗ trợ nông dân trồng lúa có ruộng lúa nhiễm bệnh virus hại lúa ở giai đoạn lúa làm đòng đến chín, tỷ lệ cây bệnh trong ruộng lớn hơn trên 30% hỗ trợ như sau:

7.1. Nếu nông dân tình nguyện tiêu hủy, không tiếp tục trồng lúa vụ kế tiếp, cam kết chuyển sang trồng các loại rau màu khác sẽ hỗ trợ như mục 6.1.

7.2. Nếu không thể tiêu hủy được phải theo dõi rầy nâu và phun thuốc trừ rầy (nếu có xuất hiện) sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ha tiền thuốc trừ rầy và công phun xịt.

Điều 8. Hỗ trợ nông dân trồng lúa có ruộng lúa bị thiệt hại 100% do cháy rầy, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở bất kỳ giai đoạn nào trong vụ thì mức hỗ trợ như mục 6.1.

Điều 9. Hỗ trợ nông dân cam kết không sản xuất lúa vụ đông xuân mà chuyển sang trồng rau màu hoặc cây trồng khác có hiệu quả hơn lúa, mức hỗ trợ là 500.000 đồng (tương đương 120 kg lúa  giống) và được  hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010. 

Điều 10. Chính sách về vốn vay:

Ngân hàng giãn nợ cho các hộ nông dân vay vốn sản xuất lúa có ruộng lúa bị tiêu hủy hoặc bị thiệt hại 100% (có xác nhận của chính quyền địa phương và ngành Bảo vệ thực vật) và cho nông dân được vay tiếp để sản xuất vụ tới.

Giao Ban chỉ đạo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cấp quận - huyện chủ trì phối hợp với ban chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa cấp quận - huyện thẩm định, hướng dẫn thủ tục, lập danh sách hộ nông dân, đăng ký số kinh phí hỗ trợ, kiểm tra, giám sát.

Điều 11. Trợ cấp khó khăn:

- Tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể Ủy ban nhân dân các quận - huyện có thể xem xét trợ cấp đột xuất 300.000 đồng/hộ đối với các hộ thực sự khó khăn.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ cân đối trong dự toán ngân sách quận - huyện. Trong trường hợp quận - huyện mất cân đối đề nghị thành phố cấp bổ sung.

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ trì phối hợp với thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân cùng cấp xem xét phê duyệt danh sách hỗ trợ và quyết toán theo quy định.

Điều 12. Hỗ trợ người tham gia chống dịch:

- Người trực tiếp tham gia điều tra phát hiện, hướng dẫn phòng trị, dập dịch và giám sát tiêu hủy ruộng mạ, lúa nhiễm rầy, bệnh hại lúa được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa các cấp được hưởng mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp theo Công văn số 7113/UB-TM ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện có sản xuất lúa ra quyết định xử lý tiêu hủy các ruộng lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại văn bản này trên cơ sở  đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa cấp quận - huyện.

Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa cấp quận - huyện thẩm định, hướng dẫn thủ tục, lập biên bản và danh sách hộ nông dân, đăng ký kinh phí hỗ trợ./.