Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 137/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VẬT TƯ HÀNG HOÁ THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Căn cứ chỉ thị số 316/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 9 năm 1979 về đẩy mạnh việc giải quyết vật tư thiết bị tồn khi ứ đọng;
- Tiếp theo các quyết định số 416 ngày 22 tháng 7 năm 1977 về việc thành lập Ban kiểm tra vật tư thành phố, số 92/QĐ-UB ngày 19 tháng 5 năm 1978 về việc thành lập Hội đồng Giám định vật tư, thiết bị đã kiểm kê, trưng mua, số 22/QĐ-UB ngày 30 tháng 1 năm 1979 về việc thành lập Ban Kiểm tra và phân phối vật tư thành phố và thông tư số 21/TT-UB ngày 26 tháng 12 năm 1979 hướng dẫn công tác kiểm kê, kiểm tra, báo cáo thiết bị vật tư tồn khi ứ đọng, dư thừa và thành lập Ban Kiểm tra vật tư thành phố;
- Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay thành lập Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.

Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các vấn đề về kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ, bảo quản vật tư, thiết bị, hàng hoá, đánh giá chất lượng, trị giá, điều hoà, phân phối cung ứng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, cố gắng đưa vật tư ra sản xuất kịp thời, đưa hàng hoá ra phục vụ đời sống nhân dân.

Điều 2. – Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố có nhiệm vụ :

a) Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra tất cả các kho bãi chứa đựng hàng hóa, vật tư, thuộc các ngành, các quận, huyện trong thành phố, kể cả các kho bãi do Công an và Quân đội quản lý.

b) Tổ chức phân định các vật tư đã kiểm tra theo từng nhóm loại công dụng (loại thành phẩm, hàng hoá đưa ra sử dụng ngay, loại có hư hỏng cần phục hồi tân trang, loại ở dạng nguyên liệu hoặc cần sơ chế, đưa ngay vào sản xuất…), xác định phẩm chất, số lượng, giá cả…

c) Được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền xem xét xử lý, phân phối, cung ứng kịp thời các loại vật tư, thiết bị, hàng hoá… tồn kho, ứ đọng, dư thừa mà đơn vị quản lý chưa có kế hoạch sử dụng nhằm phục vụ thiết thực cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, hải sản và các ngành kinh doanh khác, giải quyết công ăn việc làm, phục vụ đời sống nhân dân lao động trong thành phố năm 1981 và các năm sau.

d) Nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo thành phố về cơ cấu tổ chức màng lưới và phương thức cung ứng vật tư ở thành phố, tổ chức lại màng lưới thu mua phế liệu, phế thải và khai thác nguyên liệu ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc, đưa việc cung ứng vật tư phục vụ sản xuất vào nề nếp và dần dần ổn định.

Điều 3.– Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố được sử dụng các tổ chức quản lý vật tư sẳn có của thành phố và được huy động một số lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật cần thiết trong các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện ở thành phố, để phục vụ cho nhiệm vụ nêu ở điều 2 đạt kết quả thiết thực.

Trụ sở của Thường trực Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố đặt tại cơ quan Công ty vật tư Tổng hợp thành phố (số 141 Nguyễn Du, Quận 3).

Điều 4.- Thành phần Ban Kiểm tra và xử lý vật tư, hàng hoá thành phố gồm:

1- Đồng chí Võ Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - Trưởng Ban

2- Đại diện Ủy ban Kế hoạch – Phó Ban Thường trực

3- Đại diện Công ty Vật tư Tổng hợp thành phố - Phó Ban Thường trực

4- Đại diện Sở Công nghiệp- Phó Ban

5- Đại diện Sở Thương nghiệp - Ủy viên

6- Đại diện Sở Nông nghiệp - Ủy viên

7- Đại diện Sở Giao thông vận tải - Ủy viên

8- Đại diện Sở Tài chánh - Ủy viên

9- Đại diện Liên Hiệp xã thành phố - Ủy viên

10- Đại diện Ủy ban vật giá thành phố - Ủy viên

11- Đại diện Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố - Ủy viên

Các thành viên của Ban, đại diện các ngành liên quan có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề thuộc chức năng của ngành, đóng góp ý kiến để Ban giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế tại thành phố.

Điều 5.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đồng chí có tên nêu ở điều 4 có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn