ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1382/QĐ-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 7 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chương trình số 12-Ctr/TU ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ tư - Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 02 tháng 6 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 1200/TTr-SGTVT ngày 26 tháng 6 năm 2014 về việc phê duyệt đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. Tên đề án: Đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020.
II. Cơ quan lập đề án: Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Đưa hoạt động của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.
- Thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thương hiệu về cụm cảng.
- Đưa cụm cảng tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
- Phát huy vai trò của cảng trung chuyển quốc tế trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển KTXH Bà Rịa - Vũng Tàu sau thời kỳ dầu khí.
1. Nhóm giải pháp cho các đối tượng tham gia chuỗi liên kết
a) Đối với chủ hàng
- Tiếp thị, quảng bá thu hút các nhà đầu tư tham gia vào ngành công nghiệp xuất khẩu tại các khu công nghiệp trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tạo chân hàng ổn định.
- Nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi về giá thuê đất và về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo với các chủ doanh nghiệp, chủ hàng xuất khẩu nhằm xây dựng các biện pháp hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, chủ hàng tại Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất nhập hàng hóa (tạo các điều kiện để chủ hàng thuận tiện trong việc đóng hàng Container, thủ tục hải quan, vận chuyển hàng ra cảng,...).
- Khuyến khích phát triển các kho đóng rút hàng Container hiện đại, năng suất cao. Tuyên truyền quảng cáo, giới thiệu quy mô kho chứa để khách hàng dễ tìm kiếm thông tin.
- Kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận các loại hàng hóa của Campuchia quá cảnh tại Cái Mép - Thị Vải được coi là hàng trung chuyển để được phép bốc xếp tại cảng Việt Nam.
b) Đối với chủ tàu
- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và các hãng tàu để thảo luận về việc đưa Cái Mép - Thị Vải tham gia mạng lưới trung chuyển quốc tế, đặc biệt quan tâm đến các chủ tàu lớn như: Maersk, MSC, CMA-CGM, MOL, APL, NYK, Hanjin, Wan Hai.
- Kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính các chính sách:
+ Tiếp tục thực hiện giảm phí, lệ phí hàng hải trong thời gian 5 năm cho tất cả các tàu chở Container cập cảng Cái Mép - Thị Vải không phân biệt dung tích, tải trọng.
+ Tiếp tục cho phép các hãng tàu nước ngoài được phép vận tải Container nội địa tới Cái Mép - Thị Vải.
+ Ban hành các chính sách ưu đãi đối với hãng tàu vận chuyển hàng hóa từ các nước trong khu vực và các cảng của Việt Nam về Cái Mép - Thị Vải để trung chuyển.
+ Tổ chức hợp lý, hiệu quả, nâng cao năng lực đội tàu vận tải biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu về gom hàng về Cái Mép - Thị Vải.
+ Nghiên cứu cách tính toán mức phí, lệ phí có xét đến khối lượng hàng hóa mà tàu nhận, trả tại cảng đế thu hút tàu thực hiện trung chuyển.
c) Đối với chủ cảng
- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và các cảng SSIT, CMIT, Tân Cảng, Cái Mép (TCCT, TCIT), SP-PSA và SITV để thảo luận và thống nhất các giải pháp hành động theo các nội dung sau:
+ Khả năng hợp tác khai thác các bến cảng liền kề nhằm tận dụng tối đa chiều dài bến để tiếp nhận tàu lớn và tàu Feeder.
+ Khả năng liên kết chặt chẽ với chủ hàng, hỗ trợ các công ty dịch vụ logistics (cung ứng Container rỗng) cho đặt miễn phí Container rỗng trong cảng để kịp thời đáp ứng nhu cầu đóng Container của chủ hàng.
+ Khả năng bốc xếp của hệ thống thiết bị bốc xếp trên bến và trên cảng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu sức chở lớn (trên 15.000 Teus).
+ Giải quyết các kiến nghị của cảng trong phạm vi thẩm quyền hoặc hỗ trợ đề xuất Chính phủ giải quyết trong trường hợp vượt thẩm quyền, kể cả vấn đề góp vốn và tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng hoạt động khai thác của cảng.
- Trong giai đoạn 2014 - 2020, hạn chế đầu tư xây dựng mới các cảng Container trong khu vực.
2. Nhóm giải pháp tạo sức hấp dẫn riêng cho khu vực Cái Mép - Thị Vải
a) Về cơ chế, chính sách
Kiến nghị Chính phủ có ưu đãi đặc thù cho cảng TCQT của Việt Nam:
- Tập trung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tuyến sông Đồng Tranh, tuyến cao tốc liên vùng phía Nam, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến đường sắt BH-VT).
- Triển khai thực hiện việc di dời và hạn chế cải tạo mở rộng các bến cảng tại thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 10 năm 2013.
- Chấp thuận chủ trương hình thành và nghiên cứu ban hành cơ chế hoạt động khu thương mại tự do ngay trong trung tâm logistics tại Cái Mép hạ như đã đề xuất trong đề án Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020.
- Tập trung nguồn lực nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động trung chuyển, chỉ đạo các Bộ Ngành hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật tại các cảng biển, trung tâm logistics và kết nối cảng biển, trung tâm logistics.
b) Về thủ tục hành chính cảng biển và thủ tục hải quan
- Về thủ tục hành chính cảng biển:
+ Đẩy mạnh tiến trình thực hiện kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia với các cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam, Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật.
+ Tiếp tục nghiên cứu giảm các loại giấy tờ thủ tục hành chính cảng biển phải nộp. Tăng cường áp dụng thủ tục điện tử.
- Về thủ tục hải quan:
+ Tạo đột phá thông thoáng về thủ tục hải quan. Xây dựng và ban hành quy chế đặc biệt về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
+ Khẩn trương triển khai ứng dụng thông quan tự động tại các bến cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
+ Tổ chức gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm xây dựng các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục thông quan.
c) Về hạ tầng kết nối
- Triển khai quy hoạch phát triển ngành logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó ưu tiên tập trung triển khai quy hoạch phát triển các ICD và quy hoạch hệ thống GTVT kết nối các ICD với các bến cảng chính, đặc biệt là các bến cảng dọc sông Cái Mép - Thị Vải.
- Kiến nghị Chính phủ bố trí thêm vốn cho nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng Trung tâm Logistics, tuyến giao thông kết nối với trung tâm Logistics. Các dự án trọng điểm cần ưu tiên tập trung đầu tư như sau:
+ Hoàn tất nghiên cứu và triển khai dự án Nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, để tiếp nhận tàu Container trọng tải trên 100.000DWT một cách bình thường.
+ Triển khai tuyến kết nối Cái Mép - Thị Vải: Đường thủy (sông Đồng Tranh); Đường bộ (đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải và cầu Phước An, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu); đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
+ Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ tìm vốn đầu tư một số đoạn, tuyến kết nối vào trung tâm logistics Cái Mép hạ (đường Phước Hòa - Cái Mép; 991B).
- Đối với vốn đầu tư cho các dự án khác: Kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên hình thức PPP với sự tham gia của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các nhà đầu tư tư nhân.
d) Về dịch vụ cung ứng
- Khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các cơ sở công nghiệp, thương mại xuất nhập khẩu tạo nguồn hàng và phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ hoạt động cảng biển.
- Xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dịch vụ logistics hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu Container qua cảng biển.
đ) Giải pháp hình thành mô hình hỗ trợ sau cảng
- Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển ngành này.
- Tổ chức các chuyến khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và các cơ hội kinh doanh - đầu tư.
- Hoàn tất và triển khai quy hoạch phát triển ngành dịch vụ logistics.
- Ban hành các chính sách khuyến khích hình thức liên doanh trong doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics, phối hợp, hỗ trợ các địa phương phát triển ngành dịch vụ logistics.
- Triển khai các nội dung khác của đề án phát triển dịch vụ logistics: Cơ chế chính sách đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nhân,...
- Xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các chủ hàng, các doanh nghiệp vận tải hàng từ Campuchia sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất nhập khẩu hàng hóa.
e) Các giải pháp khác
- Triển khai nghiên cứu xây dựng trung tâm thương mại tự do hoặc khu kinh tế tự do gắn liền với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
- Quy hoạch xây dựng và triển khai thu hút đầu tư Trung tâm logistics cấp toàn cầu tại Cái Mép hạ (như nội dung đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2014).
- Thu hút các đại lý tàu biển, các công ty logistics lớn trên thế giới mở chi nhánh hoạt động tại Cái Mép - Thị Vải. Trước mắt là các công ty logistics đã hoạt động tại Việt Nam. Nghiên cứu các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp mở văn phòng đại diện về thủ tục đăng ký, đất đai (tại Phú Mỹ, Bà Rịa hay Vũng Tàu), thuế,...
- Tăng cường quảng bá, tiếp thị cho cụm cảng TCQT Cái Mép - Thị Vải nhằm thu hút thêm luồng hàng từ các nước trong khu vực có tuyến đi phù hợp. Ví dụ tại Nam Thái Lan hoặc Bắc Malaysia đi tuyến Bắc Á, Mỹ.
- Phát huy vai trò của các hiệp hội, định kỳ tổ chức các cuộc thảo luận giữa cơ quan quản lý với các hiệp hội.
- Giải pháp bảo vệ môi trường: Nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch các trung tâm thu gom, tiếp nhận xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải lỏng có dầu từ tàu, rác thải, dầu thải từ tàu biển.
3. Giải pháp về mô hình, hình thức tổ chức hoạt động, khai thác cảng
Kiến nghị thành lập Chính quyền cảng trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Lộ trình thành lập chính quyền cảng được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đến năm 2020: Thành lập Ban Quản lý cảng Cái Mép - Thị Vải, sẽ là tiền thân của Chính quyền cảng sau này. Đồng thời chuẩn bị các bước cho việc thành lập chính quyền cảng;
- Giai đoạn từ năm 2020 trở đi: Thành lập Chính quyền cảng.
Ban Quản lý cảng Cái Mép - Thị Vải - là đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách cũng như các giải pháp của các cấp, các ngành nhằm hỗ trợ hoạt động trung chuyển quốc tế tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ban Quản lý cảng Cái Mép - Thị Vải trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, các phó ban gồm lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, 01 đại diện của chủ cảng tại Cái Mép - Thị Vải (tốt nhất là Chủ tịch Hiệp hội cảng biển logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được thành lập như đề xuất ở phần phía dưới).
Chính quyền cảng Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không sở hữu các bến cảng đã đầu tư và đang hoạt động. Chính quyền cảng Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển trên địa bàn tỉnh và các trung tâm logistics sau cảng. Chức năng kinh doanh phát triển quỹ đất cho thuê, đầu tư cơ sở hạ tầng cho thuê khai thác, cung ứng các dịch vụ hàng hải,... tại các bến cảng biển, khu trung tâm dịch vụ logistics sẽ do Công ty kinh doanh phát triển Cái Mép - Thị Vải, trực thuộc chính quyền cảng đảm trách.
Chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý cảng Cái Mép - Thị Vải dự kiến như sau:
Chức năng:
Ban quản lý cảng Cái Mép - Thị Vải có chức năng quản lý quy hoạch và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng.
Nhiệm vụ:
- Giám sát, theo dõi thực hiện quy hoạch phát triển cảng và các trung tâm phân phối hàng hóa sau cảng Cái Mép - Thị Vải.
- Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics sau cảng Cái Mép - Thị Vải.
- Tham gia ý kiến về việc cấp phép xây dựng cảng và trung tâm dịch vụ logistics tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
- Đề xuất biểu phí, lệ phí hàng hải tại khu vực cảng biển trên cơ sở khung các loại phí, lệ phí hàng hải do Bộ Tài chính phê duyệt.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho.
Ngoài ra, kiến nghị thành lập Hiệp hội cảng biển logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác cảng biển tại Cái Mép - Thị Vải.
I. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có các văn bản đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng kết nối, đảm bảo an toàn hàng hải, tạo thuận lợi cho hoạt động trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải.
- Tổ chức gặp gỡ, thảo luận với các hãng tàu, các doanh nghiệp cảng, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nhằm thảo luận các giải pháp đưa tàu mẹ vào Cái Mép - Thị Vải thực hiện trung chuyển.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, các tuyến đường kết nối với Trung tâm Logistics tại Cái Mép.
- Xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng Trung tâm Logisitics tại Cái Mép để hỗ trợ hoạt động cảng biển, đặc biệt là hoạt động trung chuyển hàng hóa.
- Phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu mô hình Chính quyền cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị lên Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics, khu Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.
II. Sở Nội vụ:
Chủ trì nghiên cứu và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về mô hình Ban Quản lý cảng; mô hình Chính quyền cảng.
III. Sở Công thương:
- Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình làm việc, họp mặt định kỳ với các doanh nghiệp sản xuất xuất nhập khẩu trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tìm hiểu các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động, tạo chân hàng và khuyến khích đưa hàng xuất nhập khẩu về Cái Mép - Thị Vải.
- Chủ trì xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, phát triển mạnh các ngành công nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
IV. Sở Xây dựng:
- Quản lý cấp phép xây dựng các bến cảng trên địa bàn tỉnh theo đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển Nhóm 5 và các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã được Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Logistics tại Cái Mép hạ.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quy hoạch xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics.
V. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xúc tiến tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics, hạ tầng kỹ thuật và các hạ tầng kết nối cảng, trung tâm logistics sau cảng. Các nguồn vốn tiếp cận bao gồm: vốn Chính phủ, vốn vay ODA, WB, ADB,...
- Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có các văn bản đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về vốn đầu tư hạ tầng kết nối, trung tâm logistics CM hạ.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có các văn bản đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ.
- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị lên Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư đối với khu Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.
- Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có các văn bản đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về chủ trương đầu tư khu Thương mại tự do tại Cái Mép Hạ.
VI. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics, hạ tầng kỹ thuật và các hạ tầng kết nối cảng, trung tâm logistics sau cảng.
VII. Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
- Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan ban hành các cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho hoạt động trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải;
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm xây dựng các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Triển khai ứng dụng thông quan tự động tại các bến cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
- Xây dựng và ban hành quy chế đặc biệt về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
VIII. Các cơ quan, ban, ngành liên quan:
- Ban Quản lý các khu công nghiệp: Chủ trì xây dựng chương trình khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung kêu gọi công ty, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, phục vụ hàng xuất khẩu, tạo chân hàng, nguồn hàng một cách bền vững.
- Các cơ quan Cảng vụ hàng hải, Bảo đảm an toàn hàng hải: Xây dựng các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải; Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng hải, dẹp dứt điểm đăng đáy cá ảnh hưởng đến luồng tàu. Chủ trì gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp khai thác cảng, chủ tàu, đại lý tàu biển để hỗ trợ hoạt động các doanh nghiệp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ và Thủ trưởng cơ quan đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 169/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 3304/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Nhóm 5 và bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Quyết định 2571/QĐ-UB năm 2001 phê duyệt qui hoạch phát triển mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh