Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC NGÀY CHỦ NHẬT XANH “HÃY HÀNH ĐỘNG ĐỂ THỪA THIÊN HUẾ THÊM XANH - SẠCH - SÁNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.

Căn cứ Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.

Xét đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bí thư Ban Chấp hành Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo, Dân vận Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh TT Huế;
- UBND các Huyện, Thị xã, TP Huế;
- Các Đoàn thể CT-XH tỉnh;
- Các cơ quan thông tấn, báo chí;
- VPUB: CVP; PCVP và các CV;
- Lưu: VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC NGÀY CHỦ NHẬT XANH “HÃY HÀNH ĐỘNG ĐỂ THỪA THIÊN HUẾ THÊM XANH - SẠCH - SÁNG”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ- UBND ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước.

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để kiến tạo hạ tầng, cây xanh, bãi cỏ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, xây dựng cầu đường, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; phát động nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân như: “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”, các phong trào “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”; “Tổ dân ph không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phsạch, vỉa hè sạch”, “5 không - 3 sạch”, “Huế - không tiếng còi xe”, công trình thanh niên “40 tuyến phthanh niên xanh, sạch, đẹp”, “Bồn hoa thanh niên”, tổ chức các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyn”, “Hãy làm sạch biển”,... qua đó đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tổ dân phố, làng, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề về vệ sinh môi trường ở tỉnh ta còn nhiều điều đáng quan tâm: Tình trạng ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ gia tăng, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của nhiều tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng tùy tiện vứt rác ra đường phố, các khu vực công cộng còn phổ biến; Sự phối hợp của các cấp các ngành chưa đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường.

Từ vai trò và kết quả các hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 -2020.

- Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.

- Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22/01/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2015 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.

III. MỤC ĐÍCH, CHỈ TIÊU

1. Mục đích

- Phát động sâu rộng trong toàn dân, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên toàn tỉnh tổ chức, tham gia và duy trì có hiệu quả Ngày Chủ nhật xanh; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại đô thị và các vùng nông thôn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của các tập thể, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của tổ dân phố, thôn, bản, các tổ chức đoàn thể khu vực dân cư trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng sáng, xanh, sạch, không rác thải hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

- Bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tính đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, làm đẹp cảnh quan đô thị và nông thôn, xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hóa đô thị, nông thôn bảo vệ môi trường trong cộng đồng và toàn xã hội.

2. Phương châm hành động: “Mi cá nhân, hộ gia đình một việc làm; mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”.

3. Chỉ tiêu cụ thể

1. 100% các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thay đổi nhận thức về việc bảo vệ môi trường, không có các hành vi gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn.

2. 80% người dân có những hành động bảo vệ môi trường, thực hiện ít nhất 01 việc làm tham gia Ngày Chủ nhật xanh.

3. Hàng năm trồng mới 100.000 cây xanh trên toàn tỉnh.

4. Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 01 vườn hoa, đường hoa.

5. Mỗi tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cấp xã đảm nhận thực hiện 01 tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an

IV. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng

- Tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04/6/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải; phong trào Ngày Chủ nhật xanh cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, xả rác bừa bãi, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên tại 100% các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các trường Đại học, Cao đẳng, trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt ngoài giờ, câu chuyện dưới cờ, “Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên ”, sinh hoạt chi đoàn, chi hội.

- Tổ chức các hội thi, hội diễn, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, truyền thông, sinh hoạt chuyên đề đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải. Tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, việc xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải hằng năm.

- Phát động tuyên truyền đến người dân việc hạn chế sử dụng bao bì nilon sử dụng một lần. Tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tuần lễ Biển đảo Việt Nam, Ngày đa dạng sinh học, Giờ trái đất, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

- Xây dựng các pano, áp phích, infographic, biên tập và cấp phát ấn phẩm truyền thông; lập các chuyên trang, chuyên mục về hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện các công trình phần việc sáng, xanh, sạch, không rác thải tại các địa phương, đơn vị trên các bảng tin, website, trên mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Khuyến khích việc phản ánh, cung cấp các hình ảnh, clip về hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tình trạng đổ chất thải không đúng nơi quy định về các cơ quan liên quan để kịp thời phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và kịp thời chấn chỉnh hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức ra quân, triển khai các hoạt động cụ thể thực hiện Ngày Chủ nhật xanh

- Phát động trong toàn dân, cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh ra quân dọn vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, đẹp phố, cơ quan, công sở, tổ chức có trọng tâm, trọng điểm và duy trì thường xuyên tại khu vực điểm ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, nơi công cộng, lô đất trống, cống rãnh, kênh mương, khu công nghiệp...

- Phát động thực hiện chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, vận động các hộ gia đình trên địa bàn dân cư vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, khu vực xung quanh nhà và thôn xóm, ngõ hẻm. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không sơn, treo, dán quảng cáo sai quy định, không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

- Tổ chức các đợt tuyên truyền cho du khách, người dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, không thực hiện việc đốt thả đèn trời, không thả đèn trên sông Hương trái quy định; vận động các hộ dân hạn chế đốt và rãi vàng mã, thực hiện việc đốt vàng mã đảm bảo vệ sinh, an toàn và đúng quy định. Xây dựng các mô hình “không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị,...; lắp đặt thêm một số nhà vệ sinh công cộng ở khu vực tập trung nhiều du khách, phù hợp với cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường, vận động các cơ quan, công sở, khách sạn, nhà hàng cho sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, xử phạt các hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định.

- Thực hiện công tác lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, phân làn giao thông và đậu, đỗ xe đúng quy định; xử lý nghiêm các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý bến xe đảm bảo vệ sinh môi trường tại bến xe, nhà ga, khu cảng, các khu vực đỗ xe/tàu, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Huế - không tiếng còi xe ”; thực hiện Ngày Chủ nhật xanh tại các khu vực ô nhiễm môi trường do hoạt động vận tải.

- Sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nilon sử dụng một lần, phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Huy động lực lượng tổ chức vớt rác, bèo Lục Bình trên sông Hương và các sông của các địa phương.

- Tăng cường chiếu sáng các công viên, trục đường chính, tạo thêm nhiều không gian xanh, điểm xanh công cộng. Tổ chức thực hiện các công trình bồn hoa, đường hoa, vườn hoa dọc sông Hương đoạn từ đập Đá đến chùa Thiên Mụ, trên địa bàn thành phố Huế và các tuyến đường chính tại các Huyện, Thị trong toàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động ra quân tuyên truyền, tham gia giữ gìn và làm sạch đẹp các công trình di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch trên địa bàn thành phố và các huyện, thị; chú trọng việc thu gom rác thải, trồng cây xanh, làm đẹp các bồn hoa, tạo cảnh quan sạch đẹp tại các di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch.

- Để phát huy tính chủ động từ cơ sở, các phường, xã, thị trấn đăng ký với UBND cấp huyện hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chủ quản về kế hoạch ra quân để được theo dõi, đánh giá. Tổ chức ký cam kết thực hiện Ngày Chủ nhật xanh ở các hộ gia đình tại các tổ dân phố, thôn, bản. Khuyến khích tham gia từ các hành động nhỏ, như: mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, làng, bản phát động ít nhất 01 tuần 01 lần tổ chức ra quân bảo vệ môi trường khu dân cư; mỗi cơ quan, đơn vị phát động ít nhất 01 tuần 01 lần tổ chức dọn vệ sinh trong và ngoài cơ quan, đơn vị. 100% các sở, ban, ngành tổ chức vệ sinh môi trường vào chiều thứ 6 hàng tuần.

- Phát động quy mô lớn Ngày Chủ nhật xanh kết hợp các sự kiện Ngày Môi trường thế giới 5/6, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tuần lễ Biển đảo Việt Nam, Ngày đa dạng sinh học, Giờ trái đất, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Tùy tình hình thực tế, cấp huyện, cấp xã và cơ quan, đơn vị tổ chức lễ phát động thực hiện phong trào để tạo sự hiệu ứng có hiệu quả.

* Các hình thức triển khai cụ thể đối với các đối tượng thuộc từng khu vực:

- Trong khu vực nông thôn: Tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại địa bàn khu vực nông thôn như làm vệ sinh, khơi thông cống rãnh khu vực xung quanh nhà, thôn làng, ngõ xóm,...; Xây dựng các đội tuyên truyền vận động người dân ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường. Triển khai các mô hình bảo vệ dòng sông quê hương; mô hình hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở; mô hình làng xã xanh - sạch - sáng; mô hình biến điểm rác thải thành vườn hoa; chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”

- Trong khu vực đô thị: Tổ chức các hoạt động phát túi thân thiện với môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại các tuyến phố, khu vực lưu vực sông; thực hiện các hoạt động bóc xóa quảng cáo rao vặt, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan đô thị, nghiên cứu triển khai sớm các chế tài xử lý vi phạm. Tập trung trồng cây xanh đô thị, cây cảnh quan; xây dựng các chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ ”, bồn hoa, đường hoa,... gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang: Vệ sinh môi trường, cảnh quan tại trụ sở làm việc; xây dựng các công trình xanh, các công trình rừng hoàn nguyên; phát hiện, đề xuất và phối hợp xử lý các hành động cố tình gây ô nhiễm môi trường tại đơn vị; xây dựng các mô hình hỗ trợ nhân dân, cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương. Phối hợp vận động các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương.

- Trong trường học: phát động và đăng ký thực hiện phong trào “Trường học xanh - sạch - sáng”, lồng ghép với phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường”-, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình: Đổi giấy lấy cây, tình nguyện tại chỗ, vườn hoa trong khuôn viên trường, gom giấy vụn, vỏ chai nhựa gây quỹ.

3. Xây dựng các mô hình tổ chức Ngày Chủ nhật xanh

3.1. Mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”:

- Ủy ban Nhân dân thành phố Huế xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa” với mục tiêu để thành phố Huế có bốn mùa hoa; chọn một số tuyến đường điểm để làm đường hoa bốn mùa; Tăng cường trông hoa theo mùa tại các công viên, giải phân cách, bồn hoa trên vỉa hè.

- Xây dựng dãy hoa dọc sông Hương tại các khu vực bãi bồi từ trung tâm thành phố Huế đến chùa Thiên Mụ theo phương thức xã hội hóa, tạo thu nhập cho người dân tại địa phương.

- Các phường, trường học, cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện công trình bồn hoa, đường hoa trên địa bàn của địa phương, trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, hàng ngày hàng tuần tổ chức chăm sóc và bảo vệ bồn hoa, đường hoa.

3.2. Mô hình điểm “Dòng Hương trong xanh”:

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì thành lập đội hình thanh niên tình nguyện tại thành phố Huế và các huyện, thị xã có sông Hương chảy ngang gồm 200 ĐVTN, định kỳ ra quân vệ sinh môi trường 01 lần/tuần vào ngày chủ nhật; tổ chức thu gom, dọn dẹp rác thải, giải phóng vật cản, trồng cây xanh, các vườn hoa hai bên bờ sông Hương, vận động, nhắc nhở về các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường trên sông, xả rác xuống sông Hương.

- Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế chủ trì triển khai các đội hình công nhân gồm nhân lực và huy động thuyền ghe, phối hợp cùng lực lượng ở hai bên bờ để thu gom rác thải hai bên bờ sông Hương và dưới sông Hương.

- Trung tâm Công viên cây xanh Huế triển khai các đội hình công nhân phối hợp cùng Đoàn thanh niên thu gom và tập kết rác thải, cải tạo và chăm sóc cây xanh, vườn cỏ, hoa, công viên hai bên bờ sông Hương.

- Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Huế triển khai công tác chấn chỉnh các hoạt động thả đèn hoa đăng, vàng mã trên sông Hương, vận động người dân sử dụng các loại hoa đăng truyền thống, không phác thải chất thải nguy hại, khó xử lý ra môi trường nước; vận động và có chế tài kiểm soát, xử lý hoạt động vận chuyển hoa đăng gây ô nhiễm môi trường của thuyền bè trên sông Hương. Vận động các doanh nghiệp, công ty du lịch, khách sạn, các tổ chức vệ sinh môi trường hai bên bờ sông Hương vào ngày chủ nhật, đặc biệt là khu vực bến thuyền du lịch, nhà hàng, khách sạn trên hai bên bờ sông Hương.

- Công an tỉnh và các cơ quan chức năng ra quân xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, xả rác bừa bãi, thả các loại đèn hoa đăng, vàng mã có nhựa, xốp, cao su và kim loại, sử dụng các vật liệu, dụng cụ có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên sông Hương của các tổ chức, người dân, chủ tàu thuyền, du khách.

3.3. Mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trong toàn tỉnh tiếp tục nhân rộng và thực hiện mô hình “sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an” tại các tuyến đường liên thôn, xóm của 152 phường, xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh theo Kế hoạch số 165-KH/LN ngày 16/4/2018 về việc Xây dựng mô hình chung về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2018 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Trong đó: Đoàn Thanh niên các cấp chủ trì và đảm nhận thực hiện công trình thanh niên Ánh sáng nông thôn mới”, thi công hệ thống các đường điện chiếu sáng tại các tuyến đường, ngõ xóm.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường sạch đẹp.

- Hội Nông dân các cấp thực hiện việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

- Hội Cựu chiến binh các cấp thực hiện công tác bảo đảm trật tự trị an.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Liên đoàn Lao động các cấp vận động sửa chữa, nâng cấp, đầu tư bê tông hóa các tuyến đường; hiện đại hóa hệ thống pano, áp phích tuyên truyền,...

3.4. Thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nhận thức rõ về tác hại của túi ni lông đối với môi trường, sức khỏe con người từ đó nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc tạo thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông, xem túi ni lông là một sản phẩm hủy hoại môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người nghiêm trọng, cần quản lý nghiêm ngặt hướng đến không sử dụng túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày bằng việc thay thế sử dụng các túi đựng hàng thân thiện với môi trường.

Thực hiện các biện pháp, giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng túi đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông như: Không sử dụng túi ni lông sử dụng 01 lần phục vụ các Hội nghị tại địa phương, trong hoạt động hàng ngày của các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, lực lượng vũ trang; Xây dựng các điển hình tiên tiến của phong trào “không sử dụng túi ni lông”, trước hết tập trung cho các cơ quan nhà nước, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ (khách sạn, siêu thị,...); Phát triển các loại túi đựng hàng thay thế túi ni lông (túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự hủy,...). Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho loại hình sản xuất này; Phát triển, triển khai sử dụng mô hình 3R (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông trong các hoạt động; Kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp hạn chế sản xuất túi ni lông và tiến tới chế tài đối với các doanh nghiệp này trong việc thực hiện chủ trương không sử dụng túi ni lông.

3.5. Tổ chức các Câu lạc bộ, Đội hình thanh niên tình nguyện xung kích bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương:

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo 100% Đoàn cấp huyện và cấp xã thành lập một Câu lạc bộ, Đội hình thanh niên tình nguyện xung kích bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, cấp huyện thành lập đội hình từ 30 - 50 ĐVTN, cấp xã thành lập đội hình từ 20 - 30 ĐVTN định kỳ ra quân vệ sinh môi trường 01 lần/tuần tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp rác thải, bóc tách, tay xoá các quảng cáo rao vặt, trồng cây xanh, các vườn hoa thanh niên, vớt bèo khơi thông dòng chảy trên các sông tại các địa phương, đơn vị.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn: ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngân sách địa phương; vốn viện trợ quốc tế; vốn huy động xã hội cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các cấp

- UBND tỉnh cử đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối kinh tế ngành trực tiếp chỉ đạo triển khai đề án trên địa bàn toàn tỉnh. UBND cấp huyện, UBND cấp xã giao trách nhiệm triển khai thực hiện đề án cho 01 đồng chí lãnh đạo. UBND cấp huyện cử và gửi danh sách lãnh đạo cấp huyện, cấp xã về Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế trước ngày 30/01/2019 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức Ngày Chủ nhật xanh theo từng năm, trong đó yêu cầu các ban ngành chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn, các phường, xã, thị trấn có kế hoạch đăng ký thực hiện ngay từ đầu năm và dự kiến lịch ra quân cụ thể theo phường, xã, thị trấn. Rà soát, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, các điểm tập trung rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng cảnh quan đô thị, môi trường trên địa bàn. Tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

- Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt đến Tổ dân phố, thôn, bản tổ chức dọn vệ sinh môi trường vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, gắn với tiêu chí đánh giá việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Tổ dân phkhông rác”, “Tuyến đường văn minh, sạch, đẹp”... Phát động trong nhân dân thực hiện chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ. Mỗi tuần, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ trì hoặc chỉ đạo mỗi phường, xã, thị trấn đăng ký tổ chức ra quân vệ sinh môi trường ít nhất 01 địa điểm vào sáng chủ nhật để huy động lực lượng thực hiện tại các địa điểm nóng về rác thải.

- Phối hợp với các đơn vị kinh doanh, dịch vụ ven biển tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường tại các bãi tắm, khu vực ven biển và đảm bảo môi trường, trật tự trị an tại các điểm du lịch, phối hợp với các Khách sạn, Nhà hàng, công ty du lịch triển khai các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ khách du lịch, nhân dân.

2. Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế

Là cơ quan chủ trì, phối hợp, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”. Ban hành hướng dẫn thực hiện các nội dung của Đề án trong hệ thống Đoàn và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế của từng thời kỳ; hàng năm báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; có sơ kết rút kinh nghiệm và có đánh giá tổng kết Đề án khi kết thúc.

3. Đối với các sở, ban, ngành liên quan

3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Tỉnh Đoàn và các ban, ngành liên quan hàng năm đưa nội dung thực hiện Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động đThừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cân đối nguồn lực, lồng ghép các mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” với các chương trình khác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3.2. Sở Tài chính:

Hàng năm cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các hoạt động theo nội dung Đề án, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách.

3.3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh gắn với việc triển khai kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04/6/2018 thực hiện việc mở cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.

- Phối hợp cùng ngành công an và các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật.

- Cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, Ngày Chủ nhật xanh cho các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị liên quan.

3.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì tổ chức và theo dõi hoạt động trồng cây xanh, xã hội hóa công tác trồng cây xanh phù hợp với quy hoạch của tỉnh, địa phương.

- Sau Tết trồng cây, tiếp tục khuyến khích các địa phương, đơn vị trồng cây xanh; Tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc trồng cây xanh, bảo vệ cây xanh, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

- Phối hợp với Trung tâm Công viên cây xanh Huế có kế hoạch trồng, chăm sóc cây xanh, bồn hoa thảm cỏ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành, đặc biệt vào các dịp lễ lớn của tỉnh, các sự kiện môi trường diễn ra trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh ở khu dân cư không thuộc phạm vi quản lý của Sở nhằm xanh hóa đô thị và nâng tỷ lệ phủ xanh.

3.5. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn, nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; làm cho người dân thấy được mình vừa là người bảo vệ, vừa là người được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị các di tích, từ đó có ý thức, trách nhiệm và những hành động thiết thực trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị quản lý các điểm di tích phối hợp cùng tổ chức Đoàn Thanh niên địa phương đăng ký đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh, ra quân vệ sinh môi trường tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

3.6. Sở Giao thông vận tải:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý bến xe tuyệt đối đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bến xe, nhà ga, khu cảng, các khu vực đỗ xe/tàu, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Huế - không tiếng còi xe”; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Ngày Chủ nhật xanh tại các khu vực ô nhiễm môi trường do hoạt động vận tải.

3.7. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phát động phong trào “Trường học Xanh - Sạch - Sáng”, lồng ghép với phong trào thi đua “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, “Nét đẹp văn hóa học đường” đến năm 2020, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường, đơn vị trực thuộc có kế hoạch cụ thể tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

- Lồng ghép vào nội dung môn học hoặc trong các sự kiện về môi trường nhằm giáo dục về ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời phát động thi đua trong phạm vi đơn vị.

- Chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình công trình thanh niên bảo vệ môi trường; đăng ký các mô hình Trường học văn minh - xanh - sạch - đẹp.

3.8. Sở Du lịch:

Chỉ đạo các đơn vị quản lý lưu trú, lữ hành, đơn vị tổ chức lễ hội, đơn vị quản lý các khu di tích thực hiện các quy định bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BTNMT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

3.9. Đại học Huế:

Phát động phong trào “Trường học Xanh - Sạch - Sáng”, vận động cán bộ, giảng viên, sinh viên tổ chức vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác thải, trồng cây xanh, bồn hoa tại các cơ sở giáo dục, giảng đường, cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp với các địa phương để đảm nhận vệ sinh một số khu vực cụ thể trên địa bàn có cơ sở trường học để tham gia các đợt ra quân vệ sinh môi trường vào sáng Chủ nhật hàng tuần.

3.10. Công an tỉnh:

- Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên về thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào ngày chủ nhật như: vệ sinh an toàn thực phẩm; xả thải ra môi trường; bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, xả rác bừa bãi trên sông Hương của các tổ chức, cá nhân, chủ tàu thuyền.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường cho nhân dân, nâng cao ý thức phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

3.11. Đề nghị: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh:

- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai Kế hoạch số 165-KH/LN ngày 16/4/2018 về việc Xây dựng mô hình chung “sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an ” thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ” năm 2018 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, đoàn viên và người dân về bảo vệ môi trường, ý nghĩa của phong trào này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tiếp tục phát triển các mô hình tốt, duy trì và nhân rộng các mô hình đã thực hiện nhằm góp phần xây dựng hiệu quả phong trào tại mỗi địa phương, đơn vị.

- Dựa vào lợi thế, đặc thù của mỗi đơn vị đoàn thể, xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, trong đó chú trọng đến hoạt động thi đua để phong trào có hiệu quả thiết thực.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp đôn đốc, giám sát việc thực hiện các mục tiêu Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh hàng năm.

- Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức ký kết và tiếp tục thực hiện các nội dung trong các kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày chủ nhật xanh, tập trung vào công tác tuyên truyền và hỗ trợ hoạt động xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất về bảo vệ môi trường.

3.12. Các đơn vị dịch vụ công ích:

- Trung tâm Công viên cây xanh Huế xây dựng phương án tạo vườn hoa, bồn hoa, đường hoa phù hợp mục tiêu của Đề án.

- Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế tổ chức dọn vệ sinh các khu vực thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, tăng cường tổ chức việc thu gom rác trên sông Hương và các sông thuộc phạm vi quản lý; tăng tần suất và mở rộng phạm vi thu gom, vớt rác trên sông Hương; gắn trách nhiệm cá nhân của từng công nhân tại từng khu vực, phạm vi được giao quản lý. Rà soát, di chuyển vị trí các bãi trung chuyển rác không phù hợp, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị trong năm 2018.

3.13. Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình:

- Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; đổ rác, đổ chất thải đúng quy định; không để rác sinh hoạt trên hè phố, lòng đường; tích cực tham gia các hoạt động Ngày Chủ nhật xanh hàng tuần, vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể tại địa phương phát động; mỗi gia đình thực hiện nghiêm túc chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”

- Các đơn vị, cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao; tham gia các hoạt động Ngày Chủ nhật xanh do chính quyền và các đoàn thể tại địa phương phát động.

3.14. Các cơ quan thông tấn, báo chí:

- Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương, Trung ương kịp thời đưa tin, đăng bài về các hoạt động triển khai, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng phong trào này trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế: Chủ trì phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, huyện, đoàn thể, đơn vị nắm rõ lịch trình thực hiện đưa tin kịp thời các cá nhân, đơn vị điển hình đã có những thành tích đóng góp cho phong trào; Đồng thời phản ánh những đơn vị thực hiện chưa tốt để kịp thời chấn chỉnh; Thường xuyên xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Chủ nhật xanh.

Căn cứ Đề án này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp với từng địa phương đơn vị và gửi về Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế từ đầu năm để tổng hợp, theo dõi, phối hợp thực hiện, báo cáo UBND tỉnh./.

 

BẢNG GỢI Ý MỘT SỐ NỘI DUNG CÔNG VIỆC
THỰC HIỆN TRONG NGÀY CHỦ NHẬT XANH

(Ban hành kèm theo Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” được phê duyệt tại Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Stt

Đối tượng thực hiện

Nội dung thực hiện

1

Mỗi cá nhân

* Phương châm: “Mỗi cá nhân một việc làm cụ thể tham gia Ngày Chủ nhật xanh”

- Vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, phòng ngủ, sinh hoạt, phòng làm việc, bàn làm việc, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, trong và ngoài cơ quan, đơn vị.

- Trồng mới và chăm sóc ít nhất 01 cây xanh.

- Sử dụng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi.

- Không xả rác bừa bãi, thu gom giấy vụn, vỏ chai nhựa gây quỹ hoặc tái chế.

- Phân loại rác thải tại nguồn, chú ý phân loại pin thải, hỏng riêng.

- Hạn chế đốt và rãi vàng mã, thực hiện việc đốt vàng mã đảm bảo vệ sinh, an toàn và đúng quy định.

* Khu vực đô thị:

- Hạn chế sử dụng tiếng còi xe máy, ôtô.

- Bóc tách quảng cáo, rao vặt, không viết, vẽ bậy trên bờ tường.

- Hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng túi thân thiện với môi trường.

- Không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

- Không hút thuốc lá nơi công cộng.

* Khu vực nông thôn:

- Tổ chức khơi thông kênh mương, thu dọn rác thải, bèo lục bình, khơi thông kênh mương, phát quang bụi rậm tại các tuyến đường liên thôn, xung quanh nhà.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi.

- Không xả thải, vứt rác và xác súc vật chết ra ao hồ, kênh mương, sông suối.

- Không chăn thả gia súc gần nguồn nước, ao hồ, sông suối.

- Không sử dụng phân tươi để bón cây, nuôi cá.

 

Mỗi gia đình

* Chương trình: “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”

- Tham gia tích cực chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, vệ sinh môi trường ít nhất 60 phút vào các ngày chủ nhật hàng tuần.

- Vệ sinh môi trường nhà cửa, phòng ngủ, sinh hoạt tại khu vực sinh sống và khu vực xóm, ngõ hẻm, tự phân loại rác thải tại nguồn, chú ý phân loại pin thải riêng.

- Trồng cây xanh, bồn hoa, phát quang bụi rậm tại khu vực trong và xung quanh nhà.

- Hạn chế đốt và rãi vàng mã, thực hiện việc đốt vàng mã đảm bảo vệ sinh, an toàn và đúng quy định.

- Không xả rác, nước thải ra đường, vỉa hè. Mỗi gia đình phải thu gom nước thải vào hệ thống bể tự hoại, hầm chứa hoặc cho nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng

* Khu vực đô thị:

- Không viết, vẽ bậy trên tường, không sơn, treo, dán quảng cáo sai quy định.

- Sắp xếp xe máy, xe đạp gọn gàng, để đúng vị trí quy định trên vỉa hè, không phơi quần áo hoặc đặt, để đồ dùng sinh hoạt trước mặt tiền ảnh hưởng cảnh quan đô thị.

- Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh.

- Hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng túi thân thiện với môi trường.

- Không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

* Khu vực nông thôn:

- Vệ sinh nhà ở và xung quanh nhà luôn sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách kỹ thuật, nếu có điều kiện nên sử dụng bể biogas để phân hủy chất thải hữu cơ.

- Sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chỉnh trang vườn hộ, đất vườn, trồng cây thích hợp, xanh, đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế.

- Sử dụng hàng rào xanh bằng cách trồng cây xanh, cây hoa,...

2

3

Tổ dân phố, làng, bản, cơ quan, doanh nghiệp

* Phương châm: “Mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc cụ thể tham gia Ngày Chủ nhật xanh”

- Phát động và tổ chức chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ ” vệ sinh môi trường ít nhất 60 phút vào các ngày chủ nhật hàng tuần đối với các hộ gia đình khu vực dân cư (đối với cơ quan, doanh nghiệp thực hiện vào chiều thứ sáu hàng tuần).

- Xây dựng các đội hình tuyên truyền vận động người dân ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường.

- Không khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Phát động truy diệt lăng quăng, xử lý các điểm đọng nước, phun thuốc trừ muỗi.

- Huy động lực lượng tham gia xử lý điểm đen về môi trường tại cộng đồng dân cư, hoạt động bảo vệ dòng sông quê hương.

* Đối với tổ dân phố:

- Tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, tập kết rác các tuyến kiệt, ngõ hẻm.

- Tổ chức trồng cây xanh, hoa tại các tuyến kiệt, ngõ hẻm, điểm công cộng.

- Vận động các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

- Thiết kế, sáng chế các thùng rác công cộng, thông minh đặt ở nơi công cộng.

- Phối hợp vận động các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi trường.

* Đối với làng, bản, thôn, xóm:

- Tổ chức làm vệ sinh môi trường, thu gom và tập kết rác, khơi thông cống rãnh các khu vực trong thôn, làng, ngõ xóm, các tuyến ngõ hẻm, đường liên thôn, vớt rác, bèo lục bình trên các dòng sông, kênh mương...

- Thường xuyên sửa chữa đường sá, mương rãnh thoát nước, san lấp các chỗ trũng để tránh lầy lội, đọng nước.

- Sử dụng hàng rào xanh bằng cách trồng cây xanh, cây hoa,… tại các đường liên thôn.

- Phối hợp vận động các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi trường.

* Đối với cơ quan, doanh nghiệp:

- Tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại trụ sở làm việc vào chiều thứ sáu.

- Huy động lực lượng cán bộ, người lao động ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, bồn hoa ở cơ quan, doanh nghiệp, các tuyến đường xung quanh và ra vào đơn vị, cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường tại địa phương phát động.

- Ra quân dọn dẹp vệ sinh khu vực ăn uống và phòng vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, hút bụi xung quanh nhà xưởng, nhà máy.

- Không thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; xả nước thải, rác thải công nghiệp ra môi trường.

- Đăng ký các mô hình cơ quan, doanh nghiệp ‘'thân thiện với môi trường ”