Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 14/2002/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 2002 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHU KINH TẾ ĐẢO PHÚ QUÝ, TỈNH BÌNH THUẬN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (Tờ trình số 2085/TT-UBBT ngày 04 tháng 12 năm 2000 và Tờ trình số 440/TT-UBBT ngày 21 tháng 03 năm 2001); đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5733/BKH/CLPT ngày 23 tháng 8 năm 2001) và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Khu kinh tế đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm mục tiêu định hướng cho việc phát triển huyện đảo Phú Quý.

Khu kinh tế đảo Phú Quý bao gồm các xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải của huyện đảo Phú Quý.

Điều 2. Ngoài việc được áp dụng các chế độ, chính sách hiện hành đối với Hải đảo, Khu kinh tế đảo Phú Quý còn được áp dụng các chính sách ưu đãi sau:

- Được ưu tiên phát triển thành trung tâm khai thác, đánh cá xa bờ; các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản; các dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ, thương mại, vận tải, dịch vụ, du lịch sinh thái, y tế và một số dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

- Khuyến khích các Nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến hải sản, các dịch vụ sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế đảo Phú Quý. Khi thuê đất, mặt nước, ngoài quyền được hưởng các ưu đãi hiện hành, còn được giảm 50% tiền thuê đất và thuê mặt nước so với mức giá đang áp dụng tại khu vực huyện đảo Phú Quý.

- Từ năm 2002 đến năm 2006, Nhà nước để lại toàn bộ số thu trên địa bàn huyện đảo Phú Quý (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu; các khoản thu không tính cân đối ngân sách địa phương theo phân cấp như: thu tịch thu hàng buôn lậu, huy động dân đóng góp, học phí, viện phí, viện trợ...) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế đảo; ngoài ra, ngân sách Trung ương đầu tư thêm qua ngân sách tỉnh cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội Khu kinh tế đảo Phú Quý với mức tương đương 100% số thu ngân sách hàng năm trên địa bàn huyện đảo Phú Quý.

Điều 3. Tổ chức thực hiện.

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm:

- Lập các dự án đầu tư trình duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình và hạng mục công trình để khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để thực hiện tốt các dự án có liên quan đến chiến lược phòng thủ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc gia.

- Hàng năm lập báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện, Tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những điều chỉnh, bổ sung cần thiết.

2. Trách nhiệm của các cơ quan Trung ương:

Các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Thuỷ sản; Tổng cục Hải quan, Tổng cục Du lịch và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện các cơ chế, chính sách tại Quyết định này.

Điều 4. Điều khoản thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)