Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2018/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ, TỔ CHỨC SỰ KIỆN, LỄ HỘI, HOẠT ĐỘNG TẠI KHU TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức Lễ hội;

Xét đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 255/TTr-SVHTT ngày 04/7/2017; của Sở Văn hóa và Thể thao và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tại Công văn số 1182/SVHTT-TTHN ngày 09/4/2018; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 1358/STP-VBPQ ngày 27/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời quản lý, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 6 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
 - Báo: HNM, KT&ĐT; Đài PT&TH HN;
- Cổng giao tiếp điện tử Thành phố;
- VPUB: Các PCVP, các P.CV;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, KGVX(Ngọc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

QUẢN LÝ, TỔ CHỨC SỰ KIỆN, LỄ HỘI, HOẠT ĐỘNG TẠI KHU TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

2. Quảng bá, tuyên truyền, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế.

3. Tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước và giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý và tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm:

a) Các loại hình lễ hội: Lễ hội dân gian truyền thống, Lễ hội lịch sử văn hóa.

b) Các sự kiện, hoạt động văn hóa, chính trị của quốc gia và thành phố.

c) Các sự kiện, hoạt động văn hóa của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức trong và ngoài nước được giao chủ trì tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bao gồm:

a) Các tổ chức Việt Nam: Các cơ quan Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp; Các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp được cấp phép hoạt động.

b) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Ưu tiên tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng của quốc gia, của thành phố; các sự kiện, lễ hội, hoạt động nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể về Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nhằm góp phần quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

2. Các sự kiện, lễ hội, hoạt động không được tổ chức tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm:

a) Các sự kiện, lễ hội, hoạt động vi phạm các quy định cấm tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ.

b) Các sự kiện, hoạt động thuần túy thương mại.

c) Các sự kiện, lễ hội, hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị Khu di sản, vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Chương II

QUẢN LÝ SỰ KIỆN, LỄ HỘI, HOẠT ĐỘNG TẠI KHU TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI

Điều 4. Các khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Các khu vực được phép tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội gồm: khu vực sân Điện Kính Thiên, khu vực sân Đoan Môn, khu vực nhà 19C Hoàng Diệu, khu vực 18 Hoàng Diệu và một số địa điểm trong khuôn viên Khu di sản phù hợp với việc tổ chức.

2. Tùy theo tính chất và quy mô, sự kiện, lễ hội, hoạt động tổ chức tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được bố trí địa điểm phù hợp. Riêng khu vực Điện Kính Thiên chỉ tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động chính trị, văn hóa của quốc gia và các sự kiện, lễ hội lịch sử, văn hóa gắn với di sản Hoàng thành Thăng Long.

Điều 5. Thẩm quyền và thủ tục cấp phép các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Những sự kiện, lễ hội, hoạt động được quy định tại Điểm a, c Khoản 1, Điều 2 Quy chế này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây phải xin phép UBND thành phố Hà Nội trước thời gian tổ chức ít nhất 30 (ba mươi) ngày:

a. Sự kiện, lễ hội, hoạt động được tổ chức lần đầu tiên.

b. Sự kiện, lễ hội, hoạt động đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, địa điểm, thời gian và đơn vị tổ chức.

c. Sự kiện, hoạt động do các cơ quan, tổ chức nước ngoài chủ trì.

2. Những sự kiện, lễ hội, hoạt động sau đây khi tổ chức không phải xin phép, nhưng phải báo cáo UBND thành phố Hà Nội bằng văn bản trước thời gian thực hiện 07 (bảy) ngày làm việc:

a. Sự kiện, lễ hội, hoạt động được tổ chức định kỳ, thường xuyên.

b. Sự kiện, hoạt động được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2, Khoản 1 Điều 3 của Quy chế này.

3. Thủ tục cấp phép tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện: Cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện sự kiện, lễ hội, hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này gửi hồ sơ đề nghị cấp phép tới cơ quan quản lý chuyên ngành (các Sở, ban ngành) trước thời gian tổ chức ít nhất 30 (ba mươi) ngày.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (theo mẫu phụ lục 1 đính kèm).

- Hồ sơ pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị tổ chức.

b) Trong thời gian 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, các cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm báo cáo UBND thành phố Hà Nội. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho phép hoặc không cho phép tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động.

Điều 6. Quy trình tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có trách nhiệm thống nhất với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trước khi xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền về các nội dung sau:

a) Khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

b) Sử dụng hạ tầng khu vực tổ chức (tài sản, điện, nước, vệ sinh cảnh quan môi trường ...).

c) Quy mô, hình thức, chất liệu, vị trí lắp dựng sân khấu (sân khấu và các khu vực trưng bày), phạm vi ánh sáng và cường độ âm thanh.

d) Thời gian thi công, thời gian tổ chức, thời gian tháo dỡ và hoàn trả mặt bằng.

e) Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh và trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ.

2. Cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

3. Cơ quan chủ trì sự kiện, lễ hội, hoạt động phối hợp UBND quận Ba Đình và các Sở, ban, ngành liên quan của Thành phố về phương án tổ chức thực hiện: An ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, trông giữ xe, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, truyền thông đảm bảo sự kiện, lễ hội, hoạt động diễn ra an toàn, đúng quy định.

4. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày kết thúc sự kiện, lễ hội, hoạt động, cơ quan chủ trì tổ chức làm việc cùng các đơn vị liên quan để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội theo quy định.

Điều 7. Các quy định về tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

1. Tổ chức thực hiện theo đúng nội dung đã được cấp phép hoặc đã đăng ký.

2. Các sự kiện, lễ hội, hoạt động phải được tổ chức trang trọng, thực hiện nếp sống văn minh theo truyền thống phù hợp không gian cảnh quan Khu di sản.

3. Trong khu vực tổ chức sự kiện lễ hội, hoạt động, thực hiện treo cờ Tổ quốc và các loại cờ khác đúng quy định.

4. Người biểu diễn mặc trang phục hoặc hóa trang phù hợp với thuần phong mỹ tục và cảnh quan Khu di sản.

5. Việc tuyên truyền về sự kiện, lễ hội, hoạt động bằng hệ thống bảng biển hướng dẫn và các hình thức khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Đối với những sự kiện, lễ hội, hoạt động có quy mô lớn thu hút đông người tham gia, Ban Tổ chức phải tổ chức họp thông báo về kế hoạch tổ chức và cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.

6. Các cơ quan tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường...

7. Thời gian tổ chức không quá 23h00.

8. Sự kiện, lễ hội, hoạt động được thực hiện trong phạm vi khu vực tổ chức được quy định, đúng sơ đồ bố trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không lấn chiếm sang các khu vực khác thuộc phạm vi Khu di sản; không làm thay đổi các yếu tố gốc cấu thành các di tích, cảnh quan chung của Khu di sản trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điều 8. Kinh phí tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động

Kinh phí tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động do cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm. Đối với các sự kiện, lễ hội, hoạt động không thuộc nhiệm vụ chính trị do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao, cơ quan tổ chức có trách nhiệm thanh toán các chi phí như: điện, nước, duy tu bảo dưỡng các thiết bị vận hành, chi phí quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo chi phí phục hồi nguyên trạng cơ sở vật chất sau khi kết thúc sự kiện, lễ hội, hoạt động và đóng góp nguồn kinh phí để phát huy giá trị Khu di sản. Nguồn kinh phí này được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật và Thành phố.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm

1. Là đầu mối, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Cấp phép các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Chủ động phối hợp, trao đổi thống nhất với Ban Tuyên giáo Thành ủy trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp phép đối với sự kiện, lễ hội, hoạt động được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy chế này.

4. Giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) trong quá trình tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

5. Phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong chức trách, nhiệm vụ được giao.

Điều 10. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có trách nhiệm

1. Thực hiện các nội dung đã thống nhất với cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động.

2. Khi tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu di sản phải mang tính chất, tầm nhìn lâu dài, vừa góp phần quảng bá giá trị khu di sản, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế, vừa gắn với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

3. Phối hợp cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nội dung, chương trình, quy trình tổ chức thực hiện sự kiện, lễ hội, hoạt động.

4. Không cho phép hoặc tạm dừng đối với sự kiện, lễ hội, hoạt động thực hiện không đúng nội dung đã được cấp phép và các nội dung đã thống nhất với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

5. Phối hợp cơ quan liên quan xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức.

6. Phối hợp cơ quan liên quan báo cáo UBND Thành phố về kết quả tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Điều 11. Các Sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm

1. Kiểm tra, giám sát và cấp phép (giấy chứng nhận đủ điều kiện) cho các nội dung thuộc lĩnh vực đang quản lý.

2. Thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp cơ quan tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung, chương trình diễn ra.

b) Công an thành phố Hà Nội: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

c) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội: Xây dựng phương án đảm bảo công tác an toàn, phòng chống cháy nổ trong thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

d) Sở Giao thông vận tải

- Đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến phố xung quanh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội, hoạt động.

- Hỗ trợ và phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan bố trí điểm đỗ xe phục vụ tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động diễn ra tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

đ) Sở Y tế

- Xây dựng phương án và bố trí xe cấp cứu, kíp trực trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội, hoạt động.

- Kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (nếu có).

e) Sở Xây dựng

- Đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan xung quanh khu vực diễn ra sự kiện, lễ hội, hoạt động.

- Đảm bảo công tác chiếu sáng đô thị trên tuyến đường xung quanh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

f) Sở Du lịch: Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình tham quan cho khách du lịch đến tham gia các sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

g) Sở Ngoại vụ: Phối hợp các cơ quan liên quan quản lý, giám sát các sự kiện, lễ hội, hoạt động có yếu tố nước ngoài tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

h) Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức địa phương sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động đúng mục đích, đúng chế độ và thanh quyết toán đúng quy định pháp luật và Thành phố.

k) UBND quận Ba Đình: Phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan đảm bảo thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tổ chức trông giữ xe phục vụ việc tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động diễn ra tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Kiểm tra

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan có liên quan kiểm tra việc tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội theo Quy chế này trong thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.

Điều 13. Sửa đổi và bổ sung

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập, các đơn vị báo cáo UBND thành phố Hà Nội (qua Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật.