ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 01 năm 1979 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Căn cứ vào điều 11 và điều 15 của “bản quy định về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp- thủ công nghiệp Trung ương” ban hành kèm theo nghị định số 297/TTg ngày 02-11-1978 của Hội đồng Chính phủ,
- Xét yêu cầu tổ chức quản lý tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp của thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này Bản quy định về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Đồng chí Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp thành phố căn cứ vào bản quy định ban hành kèm theo Quyết định này, hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp quận, huyện.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố, thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyệnvà và Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP- THỦ CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UB ngày 18-01-1979 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Điều 1.- Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp thành phố (gọi tắt là Liên hiệp xã thành phố) là cơ quan cấp thành phố của hệ thống Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp Việt Nam.
Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp thành phố là tổ chức kinh tế tập thể của những người lao động tiểu thủ công nghiệp - thủ công nghiệp liên hiệp nhiều ngành nghề hợp tác xã, nhằm mục đích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp, tích cực góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xây dựng hợp tác xã và cải thiện đời sống xã viên.
Liên hiệp xã thành phố có trách nhiệm giáo dục chánh trị, tư tưởng, vận động những người lao động tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp phát triển sản xuất, tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ đạo việc xây dựng và quản lý hợp tác xã, các hợp tác tiểu công nghiệp- thủ công nghiệp, tiếp tục nhiệm vụ cải tạo, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chỉ đạo hợp tác xã sản xuất - kinh doanh thực hiện kế hoạch Nhà nước, giáo dục vận động thợ thủ công; phụ trách công tác lao động và đời sống xã viên.
Điều 2.- Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ:
1) Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện quan hệ sản xuất, củng cố và phát triển hợp tác xã về mọi mặt.
2) Nghiên cứu và kiến nghị với Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố những chủ trương, phương hướng, chánh sách và biện pháp quản lý đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch thành phố, các sở quản lý ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện trong việc lập quy hoạch, xây dụng kế hoạch phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, trong việc nghiên cứu vận dụng các chánh sách, chế độ của Trung ương về quản lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.
3) Chỉ đạo các hợp tác xã và các tổ chức tập thể tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong toàn thành phố hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chánh sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương các quy định của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố. Phối hợp với Sở Nông nghiệp chỉ đạo việc phát triển các ngành nghề thủ công trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo như quy định trong Nghị quyết số 134/CP của Hội đồng Chính phủ.
4) Xây dựng quy hoạch và kế hoạch cho những ngành nghề và mặt hàng được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm theo quy định của Hội đồng Chính phủ như:
- Những sản phẩm chế biến bằng nguyên liệu không do Nhà Nước thống nhất quản lý.
- Những mặt hàng mỹ nghệ (thêu, ren, chạm, khảm, sơn mài, thảm đay, thảm len,..) và các mặt hàng thủ công bằng mây, tre, cói.
- Những sản phẩm mà các ngành sản xuất công nghiệp không quản lý theo kế hoạch của ngành kinh tế - kỹ thuật.
- Các hoạt động phục vụ có tính chất công nghiệp.
5) Chỉ đạo việc sản xuất các Liên hiệp sản xuất kinh doanh và một số cơ quan sự nghiệp phục vụ cho sản xuất của hợp tác xã sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, như Liên hiệp Hợp tác xã ngành, trạm cung ứng vật tư, xưởng nghiên cứu thiết kế và chế thử mặt hàng mới, cửa hàng ký gửi, trường đào tại cán bộ quản lý, trường dạy nghề, v.v..
6) Chỉ đạo và tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo công nhân thuộc những nghề mà Nhà nước không có điều kiện giúp đỡ đào tạo cho hợp tác xã.
7) Hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể cho xã viên hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp theo đúng các quy định của Nhà nước và quản lý các công trình sử dụng vào mục đích này.
8) Chỉ đạo công tác giáo dục chánh trị, tư tưởng, các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá quần chúng, thể dục thể thao, công tác bảo vệ an ninh chánh trị và trật tự xã hội trong các hợp tác xã và các tổ chức tập thể tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
9) Đại diện cho tổ chức hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp đặt quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế - kỹ thuật với tổ chức hợp tác xã của các nước trong phạm vi cho phép và theo sự hướng dẫn chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Điều 3.- Liên hiệp xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp thành phố chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp- thủ công nghiệp trung ương, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, với Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÁC MẶT
Điều 4.- Về công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ: chỉ đạo công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa trong khu vực tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp ngày càng cao hơn. Nhiệm vụ cụ thể trước mắt là:
- Xây dựng kế hoạch tiến độ và biện pháp cải tạo đối với từng quận, huyện. Kết hợp với cải tại với xây dựng để tổ chức lại sản xuất, xây dựng các hợp tác xã và các hình thức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp- thủ công nghiệp, tiếp tục củng cố những hợp tác xã và tổ chức sản xấut tập thể đã xây dựng.
- Kết hợp chặt chẽ cải tạo với khôi phục và phát triển những ngành nghề tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
Điều 5.- Về công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch: Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ tham gia với Ủy ban Kế hoạch thành phố và các sở quản lý ngành trong việc lập quy hoạch và kế hoạch phát triển tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
a) Dựa theo số kiểm tra của kế hoạch thành phố, hướng dẫn Liên hiệp xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp các quận, huyện xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên, nhằm đảm bảo tận dụng năng lực sản xuất của cơ sở.
b) Các sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, khi tổng hợp và cân đối kế hoạch ngành, phải cân đối cả phần tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp thuộc ngành mình quản lý. Căn cứ vào báo cáo dự án kế hoạch đã được xây dựng từ cơ sở của Liên hiệp xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp các quận, huyện , Liên hiệp xã thành phố tổng hợp các kế hoạch khu vực tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp và tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch thành phố, với các sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật để cân đối với kế hoạch chung của thành phố.
Đồng thời với việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cho các quận huyện, Ủy ban nhân dân thành phố thông báo cho Liên hiệp xã thành phố toàn bộ kế hoạch tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp đã giao cho các địa phương.
c) Đối với những ngành nghề và mặt hàng mà Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Liên hiệp xã thành phố đảm nhiệm việc lập quy hoạch và kế hoạch, thì Liên hiệp xã có nhiệm vụ và quyền hạn thống nhất quản lý như một cơ quan quản lý ngành.
Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo Liên hiệp xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp các quận, huyện, Liên hiệp tác xã ngành, các hợp tác xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp thực hiện kế hoạch Nhà nước.
- Hướng dẫn và kiểm tra việc ký kết hợp đồng kinh tế về sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, phối hợp với cơ quan và tổ chức kinh tế có trách nhiệm của Nhà nước để đề ra các biện pháp nhằm sử dụng vật tư, thiết bị, lao động một cách hợp lý và theo đúng các định mức của Nhà nước.
- Theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch và hoạt động của các hợp tác xã để đề nghị với Ủy ban nhân dân thành phố, phối hợp với các cơ quan Nhà nước ở thành phố, với Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết những việc cần thiết về vật tư, thiết bị, về chánh sách, chế độ,… nhằm giúp cho các hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước.
- Chỉ đạo và hướng dẫn Liên hiệp xã quận huyện tổ chức việc khai thác, tận dụng các nguồn nguyên liệu địa phương, phế liệu, vật tư ứ đọng, kém phẩm chất của các xí nghiệp, cơ quan, hướng dẫn hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp tự chế tạo công cụ sản xuất để tự trang bị và tận dụng máy móc, phương tiện do các xí nghiệp và cơ quan Nhà nứơc nhượng lại.
- Góp ý kiến với các sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, Ủy ban nhân dân các quận huyện chỉ đạo hướng dẫn các hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch chung, kể cả việc phát triển thêm cơ sở sản xuất mới, đầu tư mua máy móc, thu hút thêm lao động, nâng cao năng lực sản xuất của hợp tác xã.
- Hướng dẫn Liên hiệp xã các quận, huyện tổ chức cửa hàng ký gửi nhằm tiêu thụ những sản phẩm mà tổ chức thương nghiệp của Nhà nước không mua hoặc mua không hết, tổ chức giới thiệu những sản phẩm tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
- Tổ chức và động viên phong trào cách mạng của quần chúng thi đua phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước.
Điều 6.- Về công tác quản lý kinh tế - kỹ thuật, Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ:
a) Hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý kinh doanh của các hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
b) Căn cứ vào phương hướng và kế hoạch tiến bộ kỹ thuật mà các Bộ quản lý ngành đã vạch ra cho ngành sản xuất, hướng dẫn, đốc đốc và thúc đẩy các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, từng bước cơ khí hoá sản xuất.
c) Liên hiệp xã thành phố với sự giúp đỡ của các sở quản lý ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, các trừong đại học, chỉ đạo Liên hiệp xã các quận huyện và các hợp tác xã thực hiện các chương trình, kế hoạch nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, thiết kế sản phẩm, phát triển mặt hàng mới, tận dụng phế liệu và sử dụng nguyên liệu thay thế..
d) Kiểm tra các hợp tác xã thực hiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy chế an toàn kỹ thuật do Nhà nước ban hành, căn cứ vào điều kiện sản xuất, kỹ thuật của cơ sở.
e) Chỉ đạo và tổng kết các cuộc vận động, các phong trào quần chúng phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt cho quần chúng. Tổ chức khen thưởng trong nội bộ ngành hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xét duyệt và khen thưởng kịp thời những đơn vị và cá nhân có sáng kiến, phát minh có giá trị kinh tế - kỹ thuật.
Điều 7.- Về công tác lao động và đời sống, Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ:
a) Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, hướng dẫn Liên hiệp xã các quận huyện thi hành các biện pháp để thu hút lao động vào các ngành, nghề thủ công.
b) Hướng dẫn công tác quản lý lao động và việc thi hành các chánh sách, chế độ của Nhà nước về quản lý cán bộ, lao động và tiền lương trong hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp.
c) Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giúp đỡ đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân cho cho hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, hoặc cử cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý về làm việc tại các hợp tác xã. Tổ chức đào tạo công nhân thuộc những ngành nghề mà Nhà nước không có trường đào tạo.
d) Hướng dẫn việc tổ chức đời sống, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể trong khu vực tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp theo đúng chánh sách, chế độ của Nhà nước.
Điều 8.- Về công tác tài chánh - kế toán và giá cả, Liên Hiệp xã thành phố có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với Sở Tài chánh hướng dẫn và đôn đốc các hợp tác xã thực hiện đúng các chế độ tài chánh - kế toán hợp tác xã mà Nhà nước đã ban hành.
b) Cùng với Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Ủy ban Vật giá thành phố nghiên cứu vận dụng các chánh sách thuế, giá cả, tín dụng,… của Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, kiểm tra các hợp tác xã trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chánh sách, chế độ đó.
c) Thực hiện và chỉ đạo Liên hiệp xã quận huyện thực hiện chế độ quản lý kinh phí do hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp nộp lên, nhằm phục vụ việc sản xuất và nâng cao phúc lợi tập thể của thợ thủ công.
Điều 9.- Về công tác giáo dục chánh trị và tư tưởng, vận động quần chúng, Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ:
1) Chỉ đạo công tác giáo dục xã viên, nâng cao trình độ chánh trị - tư tưởng và văn hoá, kiến thức khoa học - kỹ thuật, nhằm bồi dưỡng họ thành con người mới xã hội chủ nghĩa.
2) Động viên và tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh các hoạt động quần chúng về văn nghệ, thể dục thể thao.
Điều 10.- Về phát triển quan hệ hợp tác kinh tế- kỹ thuật với các tổ chức hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp nước ngoài, Liên Hiệp xã thành phố phải theo sự hướng dẫn của Liên Hiệp xã trung ương và được Uỷ ban nhân dân thành phố chấp thuận trình lên Hội đồng Chính phủ phê chuẩn và phải theo đúng đường lối, chánh sách của Đảng và những quy định của Nhà nước về quan hệ đối ngoại.
Điều 11.- Hệ thống Liên Hiệp xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp các cấp như sau:
- Ở thành phố có Liên hiệp xã thành phố.
- Ở quận, huyện, nơi nào có nhiều hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp chuyên nghiệp thì có Liên hiệp xã quận huyện, nơi nào cờn ít hợp tác xã, chưa tổ chức Liên hiệp xã thì Ban Công nghiệp – Giao thông vận tải quận huyện đảm nhiệm việc chỉ đạo, và quản lý các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp như Liên hiệp xã.
- Trong điều kiện có nhiều hợp tác xã cùng ngành nghề, nếu tình hình phát triển đến mức cần có hình thức Liên hiệp các hợp tác xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh thì có thể tổ chức Liên hiệp hợp tác xã ngàgh. Liên hiệp hợp tác xã ngành là tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, không phải là một cấp quản lý trung gian. Việc tổ chức Liên hiệp xã ngành phải được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép và Liên hiệp xã trung ương chuẩn y.
Điều 12.- Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp xã thành phố gồm có:
1- Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố.
a) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố do đại hội ngành tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp toàn thành phồ bầu ra, trong đó vừa có thành viên từ cơ sở và Liên hiệp xã các quận huyện giới thiệu lên, vừa có thành viên do Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố giới thiệu, để đại hội bầu Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố, phải được Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định công nhận và Liên hiệp xã trung ương chuẩn y.
Số uỷ viên chính thức và dự khuyết của Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố do đại hội đại biểu thành phố quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố thống nhứt với thời gian giữa hai kỳ Đại hội.
b) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố họp hội nghị toàn thể cử ra ban Thường vụ, số ủy viên Ban thường vụ do Hội nghị toàn thể Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố quyết định, đồng thời cử Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm; Ban thường vụ thay mặt Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố chỉ đạo công tác trong thời gian giữa 2 kỳ hội nghị toàn thể Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố.
c) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố họp hội nghị toàn thể bầu ra Ban Kiểm tra, để giúp Ban chủ nhiệm kiểm tra mội hoạt động của Liên hiệp xã các cấp và của các hợp tác xã. Số uỷ viên của Ban Kiểm tra do hội nghị toàn thể Ban Chủ nhiệm quyết định, trong đó có một số ủy viên là thành viên của Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố và một số thành viên không phải là thành viên của Ban Chủ nhiệm.
d) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố và Ban thường vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Trong các kỳ sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm và Ban Thường vụ quyết định công việc theo nguyên tắc đa số.
Chủ nhiệm chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nghị quyết của Ban chỉ nhiệm và của Ban Thường vụ. Các Phó chủ nhiệm và ủy viên Thường vụ được phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác.
e) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố chịu trách nhiệm trước Thành ủy và Uỷ ban nhân dân thành phố về vịêc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các chánh sách, chế độ của Nhà nước về quản lý hợp tác xã tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ của Đảng, Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố giao cho.
Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố được mời tham dự các phiên họp cần thiết của Ủy ban nhân dân thành phố.
g) Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu ngành tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp toàn thành phố, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội và mọi công tác chỉ đạo của mình trong thời gian giữa 2 kỳ đại hội.
2- Tổ chức bộ máy của Liên hiệp xã thành phố:
a) Bộ máy giúp việc Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố gồm có:
1. Văn phòng (gồm các mặt công tác: tổng hợp, hành chính, văn thư, lưu trữ và quản trị);
2. Phòng Quy hoạch và Kế hoạch sản xuất (quy hoạch, kế hoạch, thống kê);
3. Phòng Kế toán – tài vụ;
4. Phòng Vật tư;
5. Phòng Hợp tác hoá và công tác chánh trị;
6. Phòng tổ chức, lao động và đào tạo.
b) Các đơn vị nghiên cứu, sự nghiệp và kinh doanh gồm có:
- Phân viên kỹ thuật và mỹ thuật tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp
- Trường nghiệp vụ tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp;
- Trạm vật tư tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp.
Nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức trên do Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố quy định theo nguyên tắc tổ chức tinh, gọn, có hiệu lực.
Kinh phí hành chính và kinh phí sự nghiệp của cơ quan Liên hiệp xã thành phố do Nhà nước cấp một phần và một phần do các hợp tác xã đóng góp, kinh phí về phúc lợi do hợp tác xã đóng góp.
Điều 13.- Liên hiệp xã thành phố chỉ đạo công tác tổ chức và cán bộ như sau:
1- Hướng dẫn các quận huyện xây dựng, tổ chức Liên hiệp xã quận huyện, xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, xác định mối quan hệ chỉ đạo trên dưới trong nội bộ hệ thống Liên hiệp xã và mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước theo đúng quy định của Chánh phủ và sự hướng dẫn của Liên hiệp xã trung ương.
2- Căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ của Liên hiệp xã các cấp, của hợp tác xã, chỉ đạo việc xây dựng và ttực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi duỡng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho ngành tiểu công nghiệp - thủ công công nghiệp thành phố có phẩm chất chính trị tốt, thông thạo kỹ thuật và nghiệp vụ.
3- Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố có trách nhiệm quản lý cán bộ thuộc biên chế của cơ quan Liên hệp xã thành phố, quản lý Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã quận huyện theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.
4- Căn cứ vào điều lệ hợp tác xã tiểu công nghiệp- thủ công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp xã thành phố thực hiện và hướng dẫn Liên Hiệp xã quận huyện và hợp tác xã thực hiện đúng các quy định về tổ chức đại hội các cấp từ cơ sở lên.
Điều 14.- Liên hiệp xã thành phố có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước trong các hợp tác xã tiểu công nghiệp- thủ công nghiệp, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội ngành quyết định, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố, kiểm tra việc thực hiện điều lệ hợp tác xã và đảm bảo những nguyên tắc về tổ chức, quản lý hợp tác xã, và quyền làm chủ tập thể của xã viên.
Điều 15.- Liên hiệp xã các quận huyện là cấp trực tiếp chỉ đạo hợp tác xã tiểu công nghiệp- thủ tông nghiệp sản xuất kinh doanh, tiếp tục nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất, giáo dục chánh trị, tư tưởng và chăm lo đời sống cho xã viên.
Liên hiệp xã quận huyện có trách nhiệm hướng d6ãn hợp tác xã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch và các chánh sách, chế độ Nhà nước.
Liên hiệp xã quận huyện vừa chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp mình, vừa chịu sự chỉ đạo của Liên hiệp xã thành phố. Tổ chức bộ máy của Liên hiệp quận huyện do Ủy ban nhân dân quận huyện quyết định, thống nhứt với sự hướng dẫn của Liên hiệp xã thành phố.
Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã quận huyện do đại hội đại biểu xã viên cùng cấp bầu ra, phải đựơc Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định công nhận và Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố chuẩn y.
Bộ máy giúp việc cho Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã quận huyện gồm các nhóm chuyên môn: kế hoạch, thống kê, hợp tác hoá,kế toán – tài vụ, vật tư, thi đua, đào tạo,..
Sau khi có Liên Hiệp xã quận huyện, Ban Công nghiệp, giao thông vận tải quận huyện làm chức năng quản lý hành chánh – kinh tế đối với khu vực sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, nội dung chính là: giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện xét duyệt cấp đăng ký kinh doanh, xét duyệt kế hoạch, chỉ đạo việc hiệp tác sản xuất giữa các đơn vị sản xuất quốc doanh, công tư hợp danh của quận, huyện với các hợp tác xã, tổ sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, thi hành các chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước,.. Việc chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, quản lý đời sống, xã hội các hợp tác xã và tổ chức sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp do Liên hiệp xã quận huyện đảm nhận.
Liên hiệp xã thành phố có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của các Liên hiệp xã quận huyện.
Điều 16.- Việc bổ sung, sửa đổi bản quy định này do Ban Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố xét và quyết định.
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 132/QĐ-UB năm 1982 bổ sung bản quy định về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp- thủ công nghiệp thành phố, ban hành kèm theo Quyết định 14/QĐ-UB năm 1979 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Quyết định 132/QĐ-UB năm 1982 bổ sung bản quy định về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp- thủ công nghiệp thành phố, ban hành kèm theo Quyết định 14/QĐ-UB năm 1979 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành