BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1407/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢI THỂ TRUNG TÂM THÔNG TIN, HỖ TRỢ PHÁP LUẬT THUỘC CỤC CÔNG TÁC PHÍA NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2944/QĐ-BTP ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 676/QĐ-BTP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Công tác phía Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án giải thể Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
GIẢI THỂ TRUNG TÂM THÔNG TIN, HỖ TRỢ PHÁP LUẬT THUỘC CỤC CÔNG TÁC PHÍA NAM
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1407/QĐ-BTP ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án
Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 3068/QĐ-BTP ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam. Sau hơn 06 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tổ chức thành công 93 chương trình tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị đối thoại, tọa đàm, trợ giúp pháp lý về kiến thức pháp luật và kỹ năng chuyên ngành cho nhiều đối tượng khác nhau (cho 7.376 lượt đại biểu/học viên tham dự) từ các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập về “Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: (1) Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; .... (4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; ....” và Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt kèm theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ) về “Giải thể hoặc sáp nhập Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam vào Cơ sở của Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh” thì việc xây dựng Đề án giải thể Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam là cần thiết để thực hiện việc tinh gọn bộ máy, đổi mới tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp theo tinh thần các văn bản nêu trên.
II. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án
Đề án giải thể Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật được xây dựng dựa trên những căn cứ sau:
- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017;
- Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
- Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
- Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 2944/QĐ-BTP ngày 22/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 676/QĐ-BTP ngày 09/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam;
- Quyết định số 3068/QĐ-BTP ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam;
- Quyết định số 01/QĐ-CCTPN ngày 06/01/2015 của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật.
THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM THÔNG TIN, HỖ TRỢ PHÁP LUẬT
I. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm
1. Vị trí, chức năng
Theo Quyết định số 3068/QĐ-BTP ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam và Quyết định số 01/QĐ-CCTPN ngày 06/01/2015 của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Cục Công tác phía Nam, có chức năng thông tin, hỗ trợ pháp luật theo yêu cầu của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật; có trụ sở tại Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Tư pháp.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
2.1. Nhiệm vụ của Trung tâm: (1) Xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin, giới thiệu, phổ biến pháp luật dựa trên nhu cầu đăng ký hỗ trợ của cá nhân, tổ chức hoặc theo phân công của lãnh đạo Bộ; (2) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổ chức khảo sát, điều tra xã hội, thiết kế, xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về lĩnh vực pháp luật cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu (trừ các cơ quan tư pháp thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp); (3) Cung cấp thông tin, văn bản pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và các hoạt động khác liên quan đến công tác hỗ trợ nâng cao kiến thức pháp luật; (4) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác của Bộ, Ngành và của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương thông qua hoạt động thông tin, hỗ trợ pháp luật của Trung tâm; (5) Tham gia xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án về pháp luật cùng các đơn vị thuộc Bộ khi được giao hoặc phân công; (6) Quản lý lao động, xây dựng và sử dụng đội ngũ chuyên gia của Trung tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm đúng quy định, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm; (7) Chấp hành các quy định của pháp luật và của Bộ có liên quan đến chức năng, tổ chức, hoạt động của Trung tâm; (8) Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu báo cáo Cục Công tác phía Nam về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; (9) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Công tác phía Nam giao.
2.2. Quyền hạn của Trung tâm: (1) Được phối hợp, liên kết, hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để chủ động tạo nguồn kinh phí tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; (2) Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; (3) Cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng tham gia các chương trình thông tin, bồi dưỡng trong các lĩnh vực pháp luật do Trung tâm tổ chức theo quy định của pháp luật; (4) Được thu các khoản phí, lệ phí dịch vụ phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước; (5) Được ký hợp đồng với người lao động khi có nhu cầu về nhân sự; được ký các hợp đồng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
2.3. Hình thức thực hiện nhiệm vụ thông tin, hỗ trợ pháp luật: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn pháp luật; liên kết tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn hạn; các hoạt động khác nhằm hỗ trợ, thông tin pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
II. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Theo Quyết định số 3068/QĐ-BTP ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm và các viên chức. Năm 2020, Trung tâm được giao 02 biên chế viên chức.
2. Hiện nay, Trung tâm có Giám đốc (công chức của Cục Công tác phía Nam phụ trách Trung tâm), 01 Phó Giám đốc, 01 Kế toán; và 01 người lao động theo hợp đồng (Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).
III. Tình hình tài chính, tài sản
1. Tài chính
1.1. Tình hình sử dụng kinh phí được giao: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp được giao tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Hàng năm, Trung tâm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần chi thường xuyên để thực hiện chi trả lương và các khoản theo lương, chi thường xuyên theo định mức.
1.2. Tình hình xử lý công nợ: Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm không có các khoản nợ nào phải trả cho các nhà cung cấp, chủ nợ theo quy định.
1.3. Xử lý số dư bằng tiền của các Quỹ theo quy định: Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), Trung tâm đã tiến hành trích lập các quỹ theo quy định.
2. Tài sản
2.1. Nhà cửa, trụ sở làm việc: Trung tâm được bố trí 01 phòng làm việc tại địa chỉ 200c Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (trụ sở được giao cho Cục Công tác phía Nam quản lý, sử dụng). Trung tâm không có nhà cửa, trụ sở thuộc quyền quản lý; không có tài sản là quyền sử dụng đất; không có phương tiện vận tải.
2.2. Trang thiết bị và phương tiện phục vụ công việc được bố trí theo quy định của pháp luật.
3. Tình hình hoạt động
Từ năm 2015 đến năm 2019, trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức được 15 chương trình tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị đối thoại, tọa đàm về kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên ngành và 01 chương trình trợ giúp pháp lý phục vụ cho hơn 1.200 lượt đại biểu/học viên là những đối tượng đến từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm 2020 Trung tâm chỉ triển khai được có 06 hoạt động và 06 tháng đầu năm 2021 là 02 hoạt động.
NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG ÁN GIẢI THỂ TRUNG TÂM THÔNG TIN, HỖ TRỢ PHÁP LUẬT
I. Nguyên tắc và thời điểm thực hiện
1. Nguyên tắc
- Việc giải thể Trung tâm sau khi đã kết thúc hoặc bàn giao xong các công việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, cụ thể: việc điều động, sắp xếp viên chức, người lao động; tài chính, tài sản; hồ sơ, tài liệu của Trung tâm cho các cơ quan, tổ chức khác để quản lý hoặc tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Việc giải thể Trung tâm phải đảm bảo các chế độ, chính sách cho viên chức và người lao động trong quá trình bố trí, sắp xếp công tác, thực hiện chế độ chính sách khi giải thể Trung tâm.
- Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về tài chính, tài sản, nhân sự, hồ sơ, tài liệu và các vấn đề khác liên quan của Trung tâm trước ngày giải thể.
2. Thời điểm thực hiện: Hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
1. Phương án bố trí, sắp xếp viên chức, người lao động
1.1. Đối với viên chức thuộc Trung tâm
Bố trí, sắp xếp, điều động viên chức thuộc Trung tâm về các đơn vị thuộc Bộ có nhu cầu, cụ thể:
- Đối với trường hợp viên chức Nguyễn Út Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm: Cục Công tác phía Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Học viện Tư pháp thực hiện điều chuyển, tiếp nhận viên chức về Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Học viện Tư pháp.
- Đối với trường hợp viên chức Lê Thiên Nga, phụ trách kế toán của Trung tâm: Cục Công tác phía Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị thuộc Bộ (Nhà xuất bản Tư pháp, Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Tổng cục Thi hành án dân sự) để thực hiện điều chuyển, tiếp nhận và bố trí vị trí công tác phù hợp.
Thời gian hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, điều động viên chức trước ngày 31/12/2021.
1.2. Đối với người lao động
Trung tâm thực hiện chấm dứt, thanh lý hợp đồng lao động, đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
2. Phương án xử lý về tài chính, tài sản, tài khoản, con dấu; hồ sơ, giấy tờ
2.1. Về tài chính, tài khoản, con dấu
- Trung tâm có trách nhiệm kê khai chính xác, đầy đủ về tài sản, nghĩa vụ tài chính và vật chất khác thuộc về Trung tâm theo quy định pháp luật; giải quyết tất cả các nghĩa vụ về tài chính đối với các tổ chức và cá nhân trước khi hoàn thành thủ tục giải thể (trong đó có việc thu nộp các khoản học phí mà học viên chưa thanh toán); thực hiện việc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an theo quy định; đóng các tài khoản, mã số thuế của Trung tâm đã mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và cơ quan thuế; bàn giao chữ ký số của cá nhân trong việc thực hiện giao dịch dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước Quận 3; bàn giao chữ ký số điện tử của Trung tâm trong việc kê khai thuế hàng tháng/quý và thực hiện các nhiệm vụ khác (nếu có); bàn giao các giấy tờ, sổ sách về tài chính cho Cục Công tác phía Nam quản lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
- Việc xử lý các Quỹ của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
2.2. Về tài sản, trụ sở làm việc
Trung tâm có trách nhiệm lập danh mục tài sản (chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ sách kế toán), xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật đối với tài sản bị hao hụt, mất mát (nếu có); bàn giao sổ sách về tài sản về Cục Công tác phía Nam; bàn giao toàn bộ trang thiết bị, phương tiện làm việc, trụ sở làm việc của Trung tâm về Cục Công tác phía Nam để quản lý, sử dụng theo quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
2.3. Về hồ sơ, giấy tờ
Trung tâm có trách nhiệm sắp xếp, lập danh mục giấy tờ, sổ sách hành chính, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình tổ chức và hoạt động của Trung tâm từ khi thành lập đến ngày chấm dứt hoạt động theo quy định về văn thư, lưu trữ, bàn giao về Cục Công tác phía Nam để quản lý, lưu trữ theo quy định.
1. Cục trưởng Cục Công tác phía Nam
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo đúng tiến độ và quy định của pháp luật; thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao trong Đề án và theo quy định về phân cấp quản lý;
- Chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm giải quyết dứt điểm các công việc, nghĩa vụ được xác định trong Đề án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hoàn thành trước thời điểm giải thể Trung tâm (31/12/2021);
- Hoàn thiện hồ sơ giải thể và xây dựng dự thảo quyết định giải thể Trung tâm để gửi Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định theo đúng thời hạn đã được xác định tại Đề án này.
2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
- Phối hợp với Cục Công tác phía Nam và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan rà soát, sắp xếp nhân sự, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt và thực hiện thủ tục điều động, bố trí viên chức của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phương án nhân sự đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt;
- Thẩm định, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định giải thể Trung tâm theo thời hạn đã được xác định tại Đề án này.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Đề án.
3. Cán bộ phụ trách Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật
- Thực hiện các công việc, nghĩa vụ, thủ tục pháp lý để giải thể Trung tâm theo quy định của pháp luật và Đề án này;
- Phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Vụ Tổ chức cán bộ và đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp nhân sự của Trung tâm.
- Phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Cục Kế hoạch - Tài chính xây dựng và thực hiện phương án xử lý các Quỹ của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
- Bàn giao đầy đủ toàn bộ tài sản, hồ sơ, tài liệu liên quan, hồ sơ viên chức cho các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.
4. Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Học viện Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Nhà xuất bản Tư pháp và các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Công tác phía Nam triển khai thực hiện Đề án giải thể và Quyết định giải thể Trung tâm sau khi được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Kinh phí tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại Đề án thực hiện theo quy định của pháp luật./.
NHÂN SỰ CỦA TRUNG TÂM THÔNG TIN, HỖ TRỢ PHÁP LUẬT (TÍNH ĐẾN NGÀY 30/8/2021)
(Kèm theo Đề án giải thể Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1407/QĐ-BTP ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
TT | Họ và tên | Chức vụ, vị trí việc làm | Giới tính | Năm sinh | Trình độ | Quá trình công tác |
1 | Nguyễn Thanh Bình | Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Phụ trách Trung tâm | Nam | 1967 | Tiến sĩ Luật | Từ 15/8/2016 đến nay: Phụ trách Trung tâm. |
2 | Nguyễn Út Hạnh | Phó Giám đốc (viên chức) | Nữ | 1975 | Cử nhân Luật, cử nhân Ngoại ngữ | - Từ 01/4/2015 - 31/8/2016: Chuyên viên Trung tâm; - Từ 01/9/2016 đến nay: Phó Giám đốc Trung tâm. |
3 | Lê Thiên Nga | Phụ trách kế toán (viên chức) | Nữ | 1994 | Cử nhân Kế toán, cử nhân Luật | - Từ 01/6/2017 - 11/12/2018: Kế toán viên Trung tâm; - Từ 12/12/2018 đến nay: Phụ trách kế toán Trung tâm. |
4 | Võ Duy Tồn | Chuyên viên (hợp đồng lao động) | Nam | 1993 | Cử nhân Luật | - Từ ngày 09/7/2018 đến nay: Cán bộ hợp đồng lao động của Trung tâm. |