Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1433/QĐ-BNN-QLCL

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM KHAI THÁC, THU MUA, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU CÁ NÓC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2013-2015

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc tại văn bản số 4535/VPCP-KTN ngày 05/6/2013 của Văn phòng Chính phủ;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 (sau đây gọi tắt là Đề án cá nóc thí điểm) với các nội dung sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

- Tổ chức hoạt động thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc tại một số tỉnh để tận thu nguồn cá đã khai thác phục vụ xuất khẩu, hạn chế không để người dân sử dụng cá nóc độc làm thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân trên địa bàn thí điểm về sự nguy hiểm của độc tố cá nóc và tuân thủ các quy định hiện hành về ngăn chặn ngộ độc cá nóc.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về sản lượng:

+ Khánh Hòa: sản lượng thu mua, chế biến: 500-600 tấn/năm, sản lượng cá nóc thành phẩm xuất khẩu: 200-240 tấn/năm.

+ Phú Yên: sản lượng thu mua, chế biến: 1000-1200 tấn/năm, sản lượng cá nóc thành phẩm xuất khẩu: 400 tấn/năm.

+ Bà Rịa Vũng Tàu: sản lượng thu mua, chế biến: 1200-1500 tấn/năm, sản lượng cá nóc thành phẩm xuất khẩu: 500 tấn/năm.

+ Kiên Giang: sản lượng thu mua, chế biến: 1200-1500 tấn/năm, sản lượng cá nóc thành phẩm xuất khẩu: 500 tấn/năm.

- Về hiệu quả kinh tế:

Giá trị xuất khẩu cá nóc thành phẩm ước đạt: 49,92 tỷ đồng (sản lượng cá nóc thành phẩm xuất khẩu 1600 tấn x 1.500 USD/tấn).

- Về an sinh xã hội:

+ 1200 người là các ngư dân, công nhân chế biến thủy sản, cán bộ quản lý nhà nước được đào tạo kiến thức về nhận biết, phân loại các loài cá nóc xuất khẩu bảo đảm An toàn thực phẩm.

+ Tạo thêm việc làm và thu nhập cho 1000 lao động là công nhân chế biến thủy sản, ngư dân, công nhân cơ sở thu mua thủy sản.

3. Phạm vi

a) Đề án cá nóc thí điểm được thực hiện tại 04 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang (sau đây gọi tắt là các tỉnh điểm).

b) Tất cả cá nóc được khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến trong Đề án cá nóc thí điểm chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa.

4. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện Đề án cá nóc thí điểm là 03 năm, bắt đầu từ năm 2013 đến hết năm 2015.

5. Nội dung Đề án

a) Truyền thông, đào tạo tập huấn:

- Sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thí điểm về các loài cá nóc độc và không độc, tránh chủ quan ăn cá nóc bị ngộ độc tử vong.

- Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo đội ngũ người lao động trực tiếp đánh bắt, dịch vụ hậu cần thu gom và chế biến cá nóc xuất khẩu về các kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế không để người dân sử dụng cá nóc độc làm thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

b) Tổ chức khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế và chế biến cá nóc xuất khẩu:

- Tàu cá khai thác cá nóc được chỉ định tham gia Đề án thực hiện khai thác, đánh bắt cá nóc và cập cảng để bốc dỡ cá nóc tại các cảng cá, bến cá được chỉ định, đồng thời thông báo trước về thời gian dự kiến cập cảng để được kiểm tra, cấp giấy xác nhận xuất xứ cho từng lô cá nóc nguyên liệu.

- Chủ cơ sở thu mua cá nóc, nhà máy chế biến cá nóc xuất khẩu được chỉ định tham gia Đề án thực hiện thu gom những lô nguyên liệu cá nóc có giấy xác nhận xuất xứ.

- Các lô nguyên liệu cá nóc có giấy xác nhận xuất xứ được đưa về nhà máy chế biến được chỉ định tham gia Đề án để được phân loại, sơ chế, chế biến theo đúng kỹ thuật;

- Nhà máy chế biến được chỉ định tham gia Đề án thực hiện đăng ký, kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các lô cá nóc thành phẩm xuất khẩu theo đúng quy định giữa Việt Nam và thị trường nhập khẩu.

- Phế liệu, phế thải trong quá trình chế biến cá nóc được xử lý phù hợp, bảo đảm không độc hại đến người và môi trường xung quanh.

6. Các giải pháp thực hiện Đề án

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về cá nóc, độc tố cá nóc và ngộ độc cá nóc: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh điểm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, hoàn thiện các sản phẩm truyền thông (bản tin, tờ rơi, tờ dán) về sự nguy hiểm của độc tố cá nóc và một số biện pháp nhận biết, phòng tránh cá nóc độc và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

b) Đào tạo, tập huấn: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh điểm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá nóc tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc, kỹ thuật sơ chế, chế biến cá nóc cho các đối tượng tham gia Đề án, thực hiện cấp chứng chỉ cho các đối tượng đạt yêu cầu và cập nhật, quản lý chặt chẽ Danh sách các nhân sự đã được đào tạo tập huấn.

c) Quản lý và tổ chức sản xuất

- Các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, thu gom vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc, có nghĩa vụ bắt buộc tuân thủ "Quy định kim soát trong khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải các" và các quy định khác.

- Tàu cá tham gia Đề án phải được cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, cấp mã số, đồng thời cam kết không sử dụng các phương pháp khai thác thủy sản bị cấm hoặc phương pháp khai thác gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Chủ tàu và người lao động phải được đào tạo, cấp chứng chỉ về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc.

- Tàu cá khai thác cá nóc chỉ được cập cảng để bốc dỡ cá nóc tại các cảng cá, bến cá đã được Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh điểm chỉ định và thông báo trước về thời gian dự kiến cập cảng để cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, cấp giấy xác nhận cho từng lô cá nóc (bao gồm các thông tin về tên chủ tàu, mã số tàu, ngày giờ cập cảng/bến đậu, chủng loại và khối lượng cá nóc khai thác, tình trạng bảo quản).

- Cơ sở thu mua phải được cơ quan chuyên môn do Sở NN&PTNT kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp mã số, chủ cơ sở và người lao động phải được đào tạo, cấp chứng chỉ về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản, vận chuyển cá nóc đến nhà máy chế biến. Chủ cơ sở thu mua cá nóc, nhà máy chế biến cá nóc xuất khẩu chỉ được phép thu gom những lô nguyên liệu cá nóc có giấy xác nhận xuất xứ do cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT cấp.

- Cơ sở chế biến cá nóc xuất khẩu do các tỉnh chọn tham gia Đề án phải được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Hàn Quốc và phải có tên trong danh sách các cơ sở được phép chế biến xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc.

- Tất cả các lô cá nóc thành phẩm đều phải được chế biến từ các lô nguyên liệu có giấy xác nhận xuất xứ do cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT cấp, mỗi lô hàng cá nóc xuất khẩu sang Hàn Quốc phải được đăng ký, kiểm tra chứng nhận theo đúng quy định giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Việc lấy mẫu, phân tích độc tố Tetrodotoxin là bắt buộc đối với từng lô sản phẩm cá nóc trước khi xuất khẩu.

d) Giải pháp về thị trường: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá nóc của Việt Nam được chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu cá nóc trước mắt là thị trường Hàn Quốc, sau đó căn cứ tình hình sản lượng cá nóc thương phẩm được thu mua, chế biến và nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng thị trường xuất khẩu cá nóc sang các thị trường khác ngoài thị trường Hàn Quốc. Giữa đối tác nhập khẩu và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phía Việt Nam phải có Hợp đồng nguyên tắc trong đó có cam kết trách nhiệm chia sẻ lợi ích và rủi ro với các doanh nghiệp Việt Nam.

7. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

a) Kinh phí thực hiện Đề án cá nóc thí điểm trong 03 năm, từ năm 2013 đến hết năm 2015 gồm:

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Nội dung

Số tiền

Nguồn

Đơn vị thực hiện

1

Chi phí thường xuyên cho Ban chỉ đạo Đề án cá nóc các tỉnh thí điểm

280

NS địa phương

Ban chỉ đạo Đề án tỉnh

2

Rà soát, hoàn thiện các sản phẩm truyền thông, tổ chức truyền thông tại địa phương

600

NS địa phương

Sở NN&PTNT phối hợp Hội nghề cá, TT khuyến nông

3

Đào tạo tập huấn các cơ sở tham gia Đề án thí điểm (ngư dân, cơ sở thu gom, nhà máy chế biến)

800

NS địa phương và DN chế biến

Sở NN&PTNT phối hợp Hội nghề cá, TT khuyến nông, DN chế biến

4

Kiểm tra, giám sát

400

NS Trung ương (đối với CQTW) và địa phương (đối với các CQĐP)

Sở NN&PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS)

 

TỔNG CỘNG

2,080

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bằng chữ: Hai tỷ không trăm tám mươi triệu đồng chẵn.

b) Kinh phí thực hiện Đề án cá nóc thí điểm bố trí theo nguyên tắc sau: Kinh phí thực hiện các nội dung của Đề án tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có); Kinh phí kiểm tra, giám sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do Bộ tự bảo đảm và bố trí trong dự toán được giao hàng năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của UBND các tỉnh triển khai thí điểm Đề án cá nóc

a) Chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng, ban hành “Quy định kiểm soát trong khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc” và phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

b) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, Ban ngành có liên quan (Sở Y tế, Sở Khoa học công nghệ, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công thương, Công an tỉnh...) phối hợp thực hiện nghiêm túc quy định, không để cá nóc thất thoát ra ngoài, gây ngộ độc cho người dân.

c) Chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu biết, phân biệt được cá nóc độc và không độc, hướng dẫn sử dụng hợp lý nguồn lợi cá nóc ở địa phương.

d) Chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc tỉnh phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản, kỹ thuật sơ chế, chế biến cá nóc.

e) Chỉ định các cảng cá làm điểm tập kết, thu gom cá nóc; phê duyệt danh sách các tàu cá, các cơ sở thu mua tham gia Đề án, phê duyệt Hội đồng thẩm định xử lý phế phẩm cá nóc của tỉnh.

g) Quyết định chọn các nhà máy chế biến thủy sản có đủ các điều kiện tham gia Đề án.

h) Thành lập, kiện toàn Ban quản lý Đề án cá nóc của tỉnh, gồm 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội nghề cá tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan làm ủy viên để chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án thí điểm trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh triển khai thí điểm Đề án cá nóc

a) Chủ trì xây dựng, hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt “Quy định về kiểm soát trong quá trình khai thác, thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc”.

b) Phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ cho các đối tượng tham gia thực hiện Đề án.

c) Tổ chức kiểm tra, xác nhận các tàu cá, các cơ sở thu mua, các công ty chế biến thủy sản có đủ điều kiện tham gia Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

d) Thành lập các Tổ thường trực tại cảng cá, điểm bốc dỡ được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ định để kiểm tra và cấp chứng nhận cho các lô hàng cá nóc cập cảng; kiểm tra việc thu mua, vận chuyển cá nóc đến các nhà máy chế biến.

e) Yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát cá nóc.

g) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT về hoạt động kiểm soát cá nóc trên địa bàn tỉnh.

3. Trách nhiệm của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

a) Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất việc triển khai Đề án tại các địa phương; tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động của các đơn vị.

b) Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đối với các lô hàng cá nóc xuất khẩu;

c) Cập nhật luật lệ, quy định của thị trường nhập khẩu để phổ biến, hướng dẫn cho người sản xuất và kinh doanh xuất khẩu cá nóc.

d) Cập nhật, bổ sung các tài liệu tuyên truyền, đào tạo về cá nóc; phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn về các kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu, kỹ thuật chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc.

e) Tổ chức họp đánh giá định kỳ hàng năm, họp tổng kết Đề án thí điểm để báo cáo, đề xuất Chính phủ định hướng phát triển tiếp theo.

4. Trách nhiệm của các Cơ sở chế biến xuất khẩu cá nóc được chỉ định tham gia Đề án thí điểm

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công nhân về nhận dạng, phân loại, kỹ thuật bảo quản, sơ chế, loại bỏ loài cá nóc có độc tố và kỹ thuật chế biến cá nóc xuất khẩu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia cá nóc của Việt Nam và Hàn Quốc.

b) Đăng ký các địa điểm được chỉ định thu gom cá nóc, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát quá trình thu gom, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu cá nóc.

c) Đăng ký kiểm tra để được công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến sản phẩm cá nóc xuất khẩu.

d) Đầu tư đầy đủ hệ thống thiết bị xử lý, tiêu hủy các phế phẩm, phế thải trong quá trình chế biến, không để các phế thải đó lọt ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, được Hội đồng thẩm định do UBND tỉnh ra quyết định thành lập công nhận kết quả xử lý.

e) Có các phương án cụ thể, cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý, có phương án xử lý, tiêu hủy các phụ phẩm cá nóc không sử dụng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

5. Trách nhiệm của các đối tác nhập khẩu cá nóc

Các đối tác nhập khẩu cá nóc phải có Hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến cá nóc xuất khẩu phía Việt Nam trong đó bao gồm các thông tin về sản lượng, giá nhập khẩu, điều khoản thanh toán... và cam kết trách nhiệm chia sẻ lợi ích và rủi ro với các doanh nghiệp Việt Nam.

6. Hội nghề nghiệp

a) Hội Nghề cá Việt Nam chỉ đạo Hội nghề cá các tỉnh thí điểm phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu Ban chỉ đạo Đề án tại các tỉnh thực hiện, đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp đánh bắt, khai thác cá nóc hiệu quả và bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

b) Hội nghề cá các tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các tổ chức quần chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới bà con ngư dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn biết về độc tố cá nóc; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ cá nóc ngoài luồng, không để ảnh hưởng tới tính mạng của người dân; tham gia đào tạo cho các đối tượng thực hiện Đề án.

c) Các cơ quan báo chí của Hội thực hiện công tác tuyên truyền về độc tố cá nóc, ngăn ngừa ngộ độc và quảng bá thương mại cá nóc của Việt Nam trên các thị trường ngoài nước.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng CP Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: Y tế, Công Thương, Công an;
- Lưu: VT, QLCL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thị Xuân Thu