Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1436/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 05 tháng 09 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRỒNG CÂY LÂM NGHIỆP PHÂN TÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2241/QĐ-BNN-LN ngày 03/8/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2006 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 141/TTr-SNN ngày 23/7/2012 về việc phê duyệt Đề án Phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án Phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2020, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

- Duy trì và phát triển phong trào trồng cây nhân dân mà Bác Hồ đã khởi xướng, tạo thành một nét đẹp truyền thống.

- Tận dụng triệt để quỹ đất và lao động góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Góp phần bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ đất đai, phòng hộ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, xanh cho nông thôn thành phố.

- Tạo sản phẩm hàng hoá trong phát triển trồng cây phân tán.

2. Đối tượng, loài cây trồng và phạm vi thực hiện

2.1. Đối tượng đất trồng

- Bờ kênh trục, bờ mương, bờ kênh cấp 1,2, ven đê;

- Hai bên đường giao thông nông thôn (liên thôn, liên xã, liên huyện);

- Công sở (cơ quan, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp..);

- Đất khác (đất bằng chưa sử dụng, khu dân cư đô thị nông thôn..).

2.2. Loài cây trồng

- Nhóm cây ăn quả, cây bóng mát kết hợp môi trường như cây Dừa, cây Sấu, cây Xoài, cây Phượng vỹ, cây Keo, ... trồng tại các khu vực bờ kênh, bờ mương liên huyện, liên xã; ven đường giao thông liên huyện (liên xã, liên thôn); đường ra đồng có lề rộng; đất trống tại khu vực công sở, xí nghiệp, nhà máy;

- Nhóm cây trồng bóng mát kết hợp tâm linh như cây Xi, cây Đa, cây Đề, cây Xanh,... trồng tại các di tích lịch sử văn hóa;

- Nhóm cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây cho dược liệu kết hợp bảo vệ môi trường như cây sấu, cây Xoài, cây Phi lao, cây Keo, cây Bạch đàn, cây hoa hòe,... trồng tại khu dân cư, khu đô thị nông thôn, khu đất bằng chưa sử dụng, vườn đồi,...

2.3. Phạm vi thực hiện:

Thực hiện trên địa bàn các huyện: Thuỷ Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải và các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh.

3. Nhiệm vụ

Giai đoạn 2012-2020, tập trung trồng mới 7,746 triệu cây phân tán các loại.

3.1. Giai đoạn 2012 - 2015

Trồng mới 3,721 triệu cây phân tán, trên diện tích 3.018,0 ha; trung bình 0,93 triệu cây/năm.

Trong đó trồng trên diện tích đất thuộc:

- Bờ kênh trục, bờ mương, bờ kênh cấp 1,2, ven đê: 0,222 triệu cây;

- Hai bên đường giao thông nông thôn (liên thôn, liên xã, liên huyện), khu di tích lịch sử văn hóa: 0,666 triệu cây;

- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: 0,444 triệu cây;

- Đất khác (đất bằng chưa sử dụng, khu dân cư đô thị nông thôn..): 2,389 triệu cây.

3.2. Giai đoạn 2016 - 2020

- Trồng mới khoảng 4,025 triệu cây phân tán trên diện tích khoảng 3.147,3 ha; trung bình 0,805 triệu cây/năm.

Trong đó trồng trên diện tích đất thuộc:

- Bờ kênh trục, bờ mương, bờ kênh cấp 1,2, ven đê: 0,278 triệu cây;

- Hai bên đường giao thông nông thôn (liên thôn, liên xã, liên huyện): 0,834 triệu cây;

- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: 0,556 triệu cây;

- Đất khác (đất bằng chưa sử dụng, khu dân cư đô thị nông thôn..): 2,357 triệu cây.

5. Các giải pháp thực hiện

5.1. Chính sách đất đai

Diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý, cụ thể:

- Diện tích đất có khả năng trồng các loài cây phân tán thuộc các tổ chức và các hộ gia đình, thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng cây.

- Giao, khoán, cho thuê diện tích đất công (các công trình công cộng, đường giao thông, bờ kênh mương thủy lợi....) cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các đoàn thể quần chúng đăng ký, trồng cây phân tán và quản lý khai thác (nếu có).

5.2. Cơ chế chính sách

- Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng phân tán, khảo sát thiết kế lập dự toán trồng cây phân tán hàng năm, khuyến lâm và quản lý cây trồng phân tán ở khu vực đất công ven đường giao thông, bờ kênh, bờ mương, các công trình văn hoá thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

- Kinh phí giống cây trồng phân tán trên diện tích đất của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do các tổ chức, đơn vị chi trả.

- Kinh phí đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phân tán do người trồng tự đảm bảo; các tổ chức, cá nhân trồng cây phân tán được hưởng toàn bộ sản phẩm khai thác. Tuỳ theo sự tham gia bảo vệ cây trồng của cộng đồng dân cư, các địa phương có thể quy định mức hưởng lợi giữa tổ chức, cá nhân trồng cây với cộng đồng dân cư địa phương. Sau khi khai thác phải có trách nhiệm trồng lại để phát huy được hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái.

5.3. Giải pháp về khoa học công nghệ

Về giống:

Sử dụng giống cây trồng có chất lượng đảm bảo được sản xuất từ các nguồn gốc giống đã được công nhận. Thực hiện đúng Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đã ban hành ngày 29/12/2005 tại Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về kỹ thuật lâm sinh:

Kích thước cây trồng đạt tiêu chuẩn cây trồng phân tán, chăm sóc cây trồng theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh cao đế rút ngắn chu kỳ kinh doanh.

Về khuyến lâm:

Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và lợi ích của trồng cây phân tán.

Tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng cây phân tán, lựa chọn loài cây phù hợp.

Xây dựng một số mô hình trình diễn, trồng cây phân tán.

5.4. Nguồn lực thực hiện

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 176.159,6 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách thành phố và các địa phương: 94.500,0 triệu đồng (53,64%);

+ Vốn thu hút từ các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế: 81.659,6 triệu đồng (46,36%).

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 2012-2015: 78.293,2 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách là 42.000,0 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016-2020: 97.866,4 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách là 52.500,0 triệu đồng.

- Cơ chế thực hiện:

+ Ngân sách thành phố hỗ trợ cây giống, khảo sát thiết kế lập dự toán trồng cây phân tán ở khu vực đất thuộc bờ kênh trục, bờ mương, bờ kênh cấp 1,2, ven đê, hai bên đường giao thông nông thôn (liên thôn, liên xã, liên huyện) và được cân đối trong dự toán thu, chi ngân sách của các quận, huyện theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; lồng ghép với Chương trình trồng cây Tết đầu xuân hàng năm, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng. Công trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phân tán do tổ chức, đơn vị, hộ gia đình được giao quản lý tự đảm bảo.

+ Kinh phí cây giống, trồng và chăm sóc của tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố do các tổ chức chi trả.

+ Kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, quản lý, giám sát ...trách nhiệm địa phương, đơn vị, tổ chức tham gia, hộ gia đình chi trả.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán hàng năm, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố lồng ghép các chương trình trồng cây phân tán theo kế hoạch được duyệt.

- Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện, quy định kiểm tra hiện trường; chỉ đạo tổ chức sản xuất và cung ứng cây giống, tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại cây trồng cụ thể.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng cây phân tán hàng năm.

- Kiểm tra, giám sát thực hiện trồng cây phân tán các địa phương.

- Chỉ đạo Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp công nghệ cao phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các đơn vị đóng trên địa bàn quận, huyện tổ chức điều tra, khảo sát, xác định địa điểm trồng, số lượng cây trồng, loài cây trồng phù hợp, lập hồ sơ thiết kế và dự toán.

- Có trách nhiệm chuẩn bị cây giống cung cấp cho các địa phương đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định.

- Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc bảo vệ cây; chủ trì cùng các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu cơ sở việc thực hiện trồng cây phân tán tại các xã thuộc địa bàn quận, huyện.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư

- Đề xuất các chủ trương, giải pháp thực hiện Chương trình trồng cây phân tán vào các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tổng hợp nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế khác cho phát triển trồng cây phân tán hàng năm.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện các chương trình lồng ghép hỗ trợ Đề án trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đầu tư cho Đề án theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện rà soát lại toàn bộ diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng trồng cây phân tán.

5. Sở Thông tin- Truyền thông, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng

Phối hợp với các ngành, các cấp liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển trồng cây phân tán trên địa bàn thành phố đến các tổ chức và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng; góp phần duy trì và phát triển phong trào trồng cây nhân dân mà Bác Hồ đã khởi xướng, tạo thành một nét đẹp truyền thống.

6. Ủy ban nhân dân huyện, quận, xã, phường, thị trấn:

- Rà soát, quy hoạch khu vực đất công để trồng cây phân tán tại   ven trục đường giao thông, bờ kênh, bờ mương liên xã, liên huyện.

- Bố trí kinh phí thực hiện Đề án trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn.

- Tuyên truyền vận động các đoàn thể, quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây, chăm sóc bảo vệ, quản lý cây sau khi trồng.

- Tuyên tuyền, phát động chương trình trồng cây lâm nghiệp phân tán tới xã, phường, thị trấn, các đơn vị đóng trên địa bàn và các hộ gia đình, cá nhân.

- Chỉ đạo các các xã, phường, thị trấn, các đơn vị đóng trên địa bàn lập kế hoạch cụ thể (địa điểm, loài cây trồng, số lượng...) để tổ chức thực hiện.

- Giao nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch cây phân tán đến từng tổ chức, thôn xóm, hộ gia đình, cá nhân liên quan.

- Chỉ đạo lập hồ sơ theo dõi, quản lý số lượng cây đã trồng đến cấp thôn.

7. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:

Có trách nhiệm chăm sóc bảo vệ, nuôi dưỡng các loài cây trồng phân tán và khai thác sản phẩm theo quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị ủng hộ, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện trồng cây phân tán trên địa bàn thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Trung tâm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, quận; Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, THĐNDTP.
- CT, các PCX UBND TP;
- Như Điều 3;
- TT UBMTTQVM TP;
- Các Tổ chức đoàn thể TP;
- UBND các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh;
- UBND các huyện;
- CPVP;
- CV: NN;
- Lưu VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Trung Thoại