Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1438/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 21 tháng 06 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23/11/2015;

Căn cứ Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 300/TTr-STNMT ngày 18/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (sau đây gọi tắt là Chương trình), bao gồm các nội dung chính như sau:

1. Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Chủ chương trình: Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã.

4. Mục tiêu của Chương trình:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Phát huy năng lực của toàn tỉnh, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, tăng trưởng xanh; tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

- Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

- Thực hiện các Chương trình, Kế hoạch của tỉnh nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất; từng bước tạo đà thu hút hỗ trợ vốn đầu tư Trung ương, cộng đồng quốc tế và các nguồn vốn khác.

- Giảm lượng phát thải khí nhà kính hướng đến việc triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020 của các tổ chức, chương trình quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.

a) Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020:

- Đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2020 nhằm có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu phát triển đến năm 2020 của tỉnh, làm cơ sở xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh; đánh giá khí hậu và xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh.

- Trên 90% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó; 100% công chức làm công tác quản lý, tham mưu biết cách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong hoạt động quản lý kinh tế, xã hội của cơ quan, địa phương mình công tác.

- Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xác định một số cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu theo từng vùng và từng địa phương.

- Các quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện được lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

- Hợp phần Biến đổi khí hậu:

+ Xây dựng 01 hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.

+ Thực hiện 03 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu (UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí thực hiện tại Công văn số 288/UBND-KT ngày 31/01/2018).

+ Thực hiện các nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trên địa bàn tỉnh (đề xuất 03 dự án, 01 đề án và 04 chương trình).

- Hợp phần Tăng trưởng xanh:

+ Đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng trong các hoạt động của đời sống, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để góp phần hoàn thành mục tiêu của cả nước: giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% đến 10% so với mức 2010; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1% đến 1,5% mỗi năm.

+ Xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp ngành, địa phương.

5. Các dự án, đề án, chương trình:

a) Các dự án:

- Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bình Phước.

- Đánh giá khí hậu tỉnh Bình Phước.

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh Bình Phước.

- Xây dựng mô hình điểm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hệ thống chiếu sáng công cộng tại trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước:

- Xây dựng mô hình điểm về năng lượng mặt trời trên mái nhà của các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh.

- Xây dựng mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các trường học.

b) Đề án:

Điều tra, khảo sát, xây dựng đường cơ sở năng lượng ngành chế biến điều, cao su.

c) Các chương trình:

- Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng.

- Hỗ trợ chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả bằng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời, phát điện từ khí biogas.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

- Hỗ trợ các hộ gia đình, cơ quan sử dụng bóng đèn hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng thay cho các bóng đèn hiệu suất thấp, tốn nhiều năng lượng.

6. Vốn thực hiện Chương trình:

Từ nguồn vốn Trung ương: 22.020 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 15.360 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 6.660 triệu đồng.

(Có Danh mục chi tiết kèm theo)

7. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2018 đến năm 2020.

8. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; chỉnh sửa, bổ sung các nội dung của Chương trình để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện Chương trình.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án, đề án, chương trình nhằm hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để hoàn thành mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020.

d) Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã:

- Xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp ngành, địa phương.

- Lồng ghép các nhiệm vụ, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành tại địa phương.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP, Phòng KT;
- Lưu: VT (66-QĐ-NN).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Anh Minh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1438/QĐ-UBND ngày 21/6/2018 của UBND tỉnh Bình Phước)

STT

Các nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nguồn kinh phí

Thời gian thực hiện

I

Dự án

 

 

 

 

 

1

Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bình Phước

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

1.000

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2018

2

Đánh giá khí hậu tỉnh Bình Phước

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

400

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2019

3

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh Bình Phước

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

200

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2020

4

Xây dựng mô hình điểm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hệ thống chiếu sáng công cộng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công thương; các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

670

Vốn đầu tư phát triển từ trung ương

2019

5

Xây dựng mô hình điểm về năng lượng mặt trời trên mái nhà của các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

12.000

Vốn đầu tư phát triển từ trung ương

2020

6

Xây dựng mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các trường học

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

1.320

Vốn đầu tư phát triển từ trung ương

2019

II

Đề án

 

 

 

 

 

1

Điều tra, khảo sát, xây dựng đường cơ sở năng lượng ngành chế biến điều, cao su

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các sở, ngành; Liên hiệp các hội KHKT; UBND các huyện, thị xã

500

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2018

III

Chương trình

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

1.160

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2018

2

Hỗ trợ chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả bằng bình đun nước nóng năng năng lượng mặt trời, phát điện từ khí biogas

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

270

Vốn đầu tư phát triển từ trung ương

2019

3

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

3.400

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2018-2019

4

Hỗ trợ các hộ gia đình/ cơ quan sử dụng bóng đèn hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng thay cho các bóng đèn hiệu suất thấp, tốn nhiều năng lượng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công Thương; các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã

1.100

Vốn sự nghiệp từ trung ương

2019