Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 1440/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN 3 VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ, MIỀN TRUNG VÀ PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 67/TTr-BXD ngày 17 tháng 7 năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020;

1. Phạm vi quy hoạch

Phạm vi lập Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp 3 vùng kinh tế trọng điểm bao gồm các tỉnh, thành phố, cụ thể như sau:

a. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng.

b. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: bao gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

c. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

2. Đối tượng quy hoạch

Chất thải rắn sinh hoạt đô thị và công nghiệp.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Xây dựng mạng lưới các trung tâm xử lý chất thải rắn cấp vùng, đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại.

- Xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn. Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn.

- Đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường sống đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

- Góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của các đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam.

4. Quan điểm quy hoạch

- Xây dựng quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan của các vùng.

- Xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt dùng chung cho các đô thị gần nhau. Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại cần quy hoạch xây dựng khu xử lý dùng chung cho vùng liên tỉnh.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn.

- Ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế chôn lấp nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất.

5. Nội dung quy hoạch

a. Công nghệ xử lý chất thải rắn

- Công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị:

Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp:

+ Các công nghệ nghiên cứu trong nước đã được cấp giấy chứng nhận hoặc công nghệ nước ngoài.

+ Chôn lấp hợp vệ sinh: áp dụng đối với các loại rác hỗn hợp có thành phần độc hại không đáng kể, khu vực có diện tích đất lớn.

+ Chế biến phân ủ hữu cơ sinh học (compost): áp dụng đối với khu vực có quỹ đất hạn chế và lượng chất thải rắn hữu cơ lớn.

+ Tái chế: áp dụng đối với các loại rác còn giá trị sử dụng sau khi được xử lý về mặt kỹ thuật.

+ Đốt: áp dụng đối với loại rác có độ ẩm thấp, dễ cháy và độc hại.

- Công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp:

Để xử lý triệt để chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại cần xử lý tập trung kết hợp nhiều quy trình công nghệ khác nhau: đốt, chôn lấp hợp vệ sinh và các công nghệ phụ trợ khác.

b. Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp vùng cho 3 vùng kinh tế trọng điểm

Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp vùng cho ba vùng kinh tế trọng điểm xác định 7 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh sau:

TT

Tên khu xử lý

Địa điểm

Quy mô

Phạm vi phục vụ

I

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

1

Khu xử lý Nam Sơn

Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Quy mô quy hoạch: 140 - 160ha

- Liên tỉnh TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên đối với chất thải rắn công nghiệp

- Vùng thành phố Hà Nội đối với chất thải rắn sinh hoạt

2

Khu xử lý Sơn Dương

Xã Sơn Dương, Hoành Bồ, Quảng Ninh

Quy mô quy hoạch: 100ha

- Liên tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Hải Dương với chất thải rắn công nghiệp.

- Vùng tỉnh Quảng Ninh với chất thải rắn sinh hoạt

II

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

1

Khu xử lý Hương Văn

Xã Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Quy mô quy hoạch: 40ha

- Liên tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đối với chất thải rắn công nghiệp

- Vùng tỉnh Thừa Thiên Huế với chất thải rắn sinh hoạt

2

Khu xử lý Bình Nguyên

Xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi

Quy mô quy hoạch: 70ha

- Liên tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đối với chất thải rắn công nghiệp

- Vùng tỉnh Quảng Ngãi đối với chất thải rắn sinh hoạt

3

Khu xử lý Cát Nhơn

Xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Quy mô quy hoạch: 70ha

- Liên tỉnh Bình Định và một số tỉnh phía Nam và phía Tây Bình Định đối với chất thải rắn công nghiệp

- Vùng tỉnh Bình Định đối với chất thải rắn sinh hoạt

III

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1

Khu liên hợp xử lý Tân Thành

Xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

Quy mô quy hoạch: 1.760ha

Liên tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh đối với chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp

2

Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi

Huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh

Quy mô quy hoạch; 100ha

- Liên tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại

6. Khái toán chi phí đầu tư

a. Nhu cầu vốn đầu tư:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng 7 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh 9.683 tỷ đồng (tương đương 598 triệu USD).

Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng mỗi khu xử lý chất thải rắn cấp vùng cụ thể như sau:

Khu xử lý Nam Sơn - Sóc Sơn, Hà Nội: 160,0 triệu USD

Khu xử lý Sơn Dương - Hoành Bồ, Quảng Ninh: 68,0 triệu USD

- Khu xử lý Hương Văn - Hương Trà, Thừa Thiên Huế: 30,5 triệu USD

- Khu xử lý Bình Nguyên - Bình Sơn, Quảng Ngãi: 65,5 triệu USD.

- Khu xử lý Cát Nhơn - Phù Cát, Bình Định: 55,0 triệu USD

Khu xử lý Tân Thành - Thủ Thừa, Long An: 190,0 triệu USD

- Khu xử lý Tây Bắc Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh: 29,0 triệu USD

(Giá quy đổi được tính theo tỷ giá vào thời điểm 10/2007: 1USD = 16.200 VND).

b. Nguồn vốn đầu tư:

Nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và các công trình phụ trợ bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương;

- Nguồn vốn ngân sách địa phương;

- Nguồn vốn tài trợ nước ngoài;

- Nguồn vốn vay dài hạn;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Cơ chế chính sách

Để khu xử lý chất thải rắn cấp vùng được đầu tư đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi như sau:

- Miễn tiền sử dụng đất;

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí giái phóng mặt bằng, xây dựng công trình ngoài hàng rào của dự án;

- Các doanh nghiệp, chủ đầu tư được áp dụng các mức thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp…) ở mức ưu đãi nhất theo quy định hiện hành.

- Doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với đảm bảo tiền vay bằng tài sản được hình thành từ dự án;

- Doanh nghiệp, chủ đầu tư được trả kinh phí xử lý chất thải rắn nhằm bảo đảm thu hồi, hoàn trả phần vốn vay, chi phí quản lý vận hành, tích lũy tái đầu tư phát triển và lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Xây dựng

- Quản lý quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, cấp giấy chứng nhận xử lý chất thải rác mới được nghiên cứu trong nước.

- Ban hành các văn bản liên quan đến quản lý và xây dựng các khu xử lý chất thải rắn. Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm đã được phê duyệt.

- Chủ trì lựa chọn chủ đầu tư các dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh và chỉ đạo thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương thuộc 3 vùng kinh tế trọng điểm triển khai thực hiện chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ trong nước đã cấp giấy chứng nhận.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối bố trí vốn ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh đã được phê duyệt.

3. Bộ Tài chính

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối, bố trí ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh đã được phê duyệt.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc đánh giá, cấp giấy chứng nhận xử lý chất thải rắn mới được nghiên cứu trong nước.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc đánh giá, cấp giấy chứng nhận xử lý chất thải rắn mới được nghiên cứu trong nước.

- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường theo quy định đối với các khu xử lý chất thải rắn đã được đầu tư xây dựng.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng kinh tế trọng điểm:

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng các đô thị, các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chuyên ngành xây dựng bảo đảm khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các Bộ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc 3 vùng kinh tế trọng điểm và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải