Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1469/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 13 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HẠ TẦNG VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Viễn thông ban hành ngày 04/12/2009;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 04/12/2009;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định sô 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Căn cứ Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về ban hành quy định về trình tự lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 28/TTr-STTTT ngày 26/9/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, với những nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI QUY HOẠCH

- Về không gian: Trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình bao gồm 11 huyện, thành phố (các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình).

- Về thời gian: Thực hiện giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

- Về Lĩnh vực quy hoạch: Hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hòa Bình.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

- Tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động đạt khoảng 25 – 30%.

- Ngầm hóa 15 – 20% hạ tầng mạng ngoại vi hiện tại; đối với các dự án mới (tuyến đường mới, khu đô thị mới…) ngầm hóa 100% hạ tầng mạng ngoại vi (ngầm đến hộp cáp).

- Hoàn thiện cải tạo hạ tầng cột ăng ten (cải tạo cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten không cồng kềnh loại A1) tại khu vực thành phố Hòa Bình, trung tâm các huyện và khu vực các khu du lịch, khu di tích.

- Hoàn thiện cải tạo hạ tầng mạng cáp ngoại vi (cáp treo trên cột điện lực, cột viễn thông) tại khu vực thành phố Hòa Bình, trung tâm các huyện và khu vực các khu du lịch, khu di tích.

- Hoàn thiện xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng số trên địa bàn tỉnh.

- Phủ sóng thông tin di động đến 100% khu vực xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Cáp quang hóa 20 - 25% hạ tầng mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh.

III. QUY HOẠCH HẠ TẦNG VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

1. Công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

- Xây dựng các phương án cải tạo và nâng cấp dung lượng mạch vòng cáp quang: Hòa Bình – Hà Nội – Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, sử dụng công nghệ truyền dẫn quang dung lượng cao WDM, ứng dụng khuếch đại quang sợi EDFA, công nghệ chuyển mạch tự động ASON/GMPLS.

- Xây dựng tuyến truyền dẫn dự phòng, đảm bảo an toàn khi thiên tai, sự cố xảy ra.

- Nâng cấp, bảo vệ hạ tầng công trình các tuyến truyền dẫn viễn thông liên tỉnh.

2. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

2.1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ

Duy trì hiện trạng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có người phục vụ.

Phát triển 10 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet phục vụ cộng đồng tại các huyện: Cao Phong 1 điểm, Đà Bắc 1 điểm, Kim Bôi 1 điểm, Kỳ Sơn 1 điểm, Lạc Sơn 1 điểm, Lạc Thủy 1 điểm, Lương Sơn 1 điểm, Mai Châu 1 điểm, Tân Lạc 1 điểm, Yên Thủy 1 điểm.

2.2. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ

Quy hoạch xây dựng, lắp đặt các điểm truy nhập Internet không dây (điểm phát sóng Wifi) phát sóng công cộng tại các khu vực công cộng (công viên, bến xe…), khu vực trung tâm thành phố, khu vực du lịch, khu tập trung đông dân cư; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng, phục vụ phát triển du lịch, giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đến năm 2015 xây dựng 24 điểm, giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng 243 điểm:

- Thành phố Hòa Bình: 55 điểm tại 20 khu vực.

- Huyện Cao Phong: 14 điểm tại 13 khu vực.

- Huyện Đà Bắc: 21 điểm tại 20 khu vực.

- Huyện Kim Bôi: 31 điểm tại 29 khu vực.

- Huyện Kỳ Sơn: 11 điểm tại 10 khu vực.

- Huyện Lạc Sơn: 30 điểm tại 29 khu vực.

- Huyện Lạc Thủy: 17 điểm tại 15 khu vực.

- Huyện Lương Sơn: 21 điểm tại 20 khu vực.

- Huyện Mai Châu: 28 điểm tại 25 khu vực.

- Huyện Tân Lạc: 25 điểm tại 24 khu vực.

- Huyện Yên Thủy: 14 điểm tại 13 khu vực.

3. Quy hoạch cột ăng ten

3.1. Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

a. Cột ăng ten không cồng kềnh A1a, A1b

Quy hoạch phát triển cột ăng ten loại A1a tại khu vực thành phố Hòa Bình, khu vực thị trấn các huyện và khu vực các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch phát triển cột ăng ten loại A1b tại khu du lịch, khu di tích, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan, khu vực đô thị (trung tâm thành phố Hòa Bình, khu vực trị trấn…).

Địa điểm chỉ được phép lắp đặt cột ăng ten A1a và A1b: 162 khu vực, tuyến đường, phố.

- Thành phố Hòa Bình: 113 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Cao Phong: 3 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Đà Bắc: 2 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kim Bôi: 2 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kỳ Sơn: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Sơn: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Thủy: 7 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lương Sơn: 8 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Mai Châu: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Tân Lạc: 5 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Yên Thủy: 4 khu vực, tuyến đường, phố.

b. Cột ăng ten cồng kềnh (A2)

Quy hoạch từng bước chuyển đổi hệ thống hạ tầng cột ăng ten loại A2a hiện trạng sang cột ăng ten loại A1a, A1b: khu vực yêu cầu cao về mỹ quan, khu vực đô thị (trung tâm thành phố, khu vực thị trấn).

Quy hoạch khống chế chiều cao cột ăng ten loại A2b với từng khu vực cụ thể.

Xây dựng, phát triển mới cột ăng ten loại A2 tại các khu vực: nông thôn, những địa điểm có điều kiện sử dụng tài nguyên đất, những khu vực cần tăng tầm phủ sóng, không thuộc khu vực lắp đặt cột ăng ten A1a, A1b.

Địa điểm lắp đặt cột ăng ten A2:

- Thành phố Hòa Bình: 15 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Cao Phong: 13 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Đà Bắc: 20 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kim Bôi: 28 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kỳ Sơn: 10 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Sơn: 29 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Thủy: 15 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lương Sơn: 20 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Mai Châu: 23 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Tân Lạc: 24 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Yên Thủy: 13 khu vực, tuyến đường, phố.

c. Cải tạo, xắp xếp hệ thống ăng ten thu phát sóng thông tin di động

Tiêu chí thực hiện cải tạo:

- Cột ăng ten trạm thu phát sóng thuộc khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư (khu vực các phường và khu vực thị trấn các huyện).

- Khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan: khu trung tâm hành chính, khu di tích, khu du lịch…

- Các cột ăng ten không phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng của thành phố, cột không có giấy phép xây dựng.

- Cột ăng ten trạm thu phát sóng có vị trí gần mặt đường, độ cao không hợp lý, ảnh hưởng tới mỹ quan.

- Khu vực mật độ cột ăng ten trạm thu phát sóng quá dày: khoảng cách giữa các cột ăng ten quá gần nhau.

Phương hướng thực hiện cải tạo:

- Cải tạo cột ăng ten trạm thu phát sóng loại A2a thành cột ăng ten loại A1a, A1b để đảm bảo mỹ quan đô thị; cải tạo theo lộ trình thực hiện quy hoạch.

- Sử dụng chung cơ sở hạ tầng: chuyển các cột ăng ten trạm thu phát sóng không đảm bảo mỹ quan, các cột ăng ten có khoảng cách quá gần nhau về vị trí mới phù hợp hơn (vị trí có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp dùng chung; vị trí đảm bảo yêu cầu về mỹ quan).

- Xử lý các cột ăng ten chưa có giấy phép xây dựng. Cụ thể:

+ Trạm có vị trí không phù hợp: gần mặt đường, độ cao không hợp lý, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, cảnh quan kiến trúc, không đảm bảo an toàn: tiến hành tháo dỡ, di dời.

+ Trạm có vị trí phù hợp: đảm bảo mỹ quan, cảnh quan kiến trúc, đảm bảo an toàn; bắt buộc doanh nghiệp làm các thủ tục cấp phép xây dựng. Trong thời gian nhất định (6 tháng…), nếu doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục cấp phép, tiến hành tháo dỡ, di dời.

Thực hiện cải tạo, chuyển đổi 18 cột ăng ten loại A2a sang loại A1 trước 31/12/2015 đối với khu vực phường Phương Lâm, phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình) và trước ngày 31/12/2020 đối với toàn tỉnh. Cụ thể như sau:

- Thành phố Hòa Bình: 12 cột.

- Huyện Lạc Thủy: 1 cột.

- Huyện Kim Bôi: 1 cột.

- Huyện Cao Phong: 1 cột.

- Huyện Lương Sơn: 3 cột.

d. Đầu tư và khai thác sử dụng hạ tầng

Phát triển hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp đối với các cột ăng ten loại A2a, A2b mỗi vị trí cột xây dựng sử dụng chung tối thiểu cho 2 doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cấp phép xây dựng phải đảm bảo hạ tầng công trình đủ điều kiện cho các doanh nghiệp khác sử dụng chung (tối thiểu 2 doanh nghiệp).

Đối với các trạm loại A1a, A1b khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Cơ quan quản lý nhà nước công bố quy hoạch và thông tin cấp phép để các doanh nghiệp phối hợp đầu tư và sử dụng chung hạ tầng.

3.2. Cột ăng ten thu phát sóng phát thanh truyền hình

Quy hoạch xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng số trên địa bàn tỉnh trên cơ sở lắp đặt tại vị trí đài truyền thanh các huyện và đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Duy trì, bao dưỡng cột ăng ten phát sóng phát thanh truyền huyện và đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hòa Bình.

4. Quy hoạch cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

4.1. Quy hoạch các khu vực phát triển cáp viễn thông

- Triển khai xây dựng hạ tầng cống bể cáp ngầm hóa mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tại các khu vực:

+ Khu vực trung tâm hành chính (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện; khu vực các Sở, ban, ngành); khu vực khu du lịch, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan.

+ Các tuyến đường chính khu vực thành phố Hòa Bình: thuộc phường Chăm Mát, phường Đồng Tiến, phường Hữu Nghị, phường Phương Lâm, phường Tân Hòa, phường Tân Thịnh, phường Thái Bình, phường Thịnh Lang.

+ Khu vực các tuyến đường trục qua trung tâm huyện: quốc lộ 6, quốc lộ 15, quốc lộ 12B, quốc lộ 21…

+ Khu vực các tuyến đường nhánh: tuyến đường, tuyến phố khu vực các huyện, thành phố.

Ngầm hóa mạng cáp truyền hình cáp đồng bộ với quá trình ngầm hóa mạng cáp viễn thông. Quá trình thực hiện ngầm hóa triển khai đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng các ngành (giao thông, đô thị, xây dựng…) trên địa bàn mỗi khu vực. Ngầm hóa theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp, các ngành. Ưu tiên phát triển công trình kỹ thuật loại N2.

Tại những khu vực xây dựng mới hạ tầng mạng ngoại vi (khu dân cư, khu đô thị mới, tuyến đường mới xây dựng…) thực hiện ngầm hóa toàn bộ hạ tầng mạng ngoại vi tới thuê bao, cụm thuê bao.

- Các khu vực được treo cáp viễn thông:

+ Thành phố Hòa Bình: các khu vực không thuộc phường Chăm Mát, phường Đồng Tiến, phường Hữu Nghị, phường Phương Lâm, phường Tân Hòa, phường Tân Thịnh, phường Thái Bình, phường Thịnh Lang.

+ Các tuyến đường nhánh thuộc trung tâm huyện, khu vực các xã trên địa bàn tỉnh.

+ Những khu vực chưa đủ điều kiện thực hiện ngầm hóa, tiến hành cải tạo hạ tầng mạng ngoại vi (buộc gọn hệ thống dây cáp…), đảm bảo mỹ quan đô thị.

4.2. Cáp treo trên cột viễn thông

Khu vực được phép treo cáp trên cột viễn thông:

- Treo cáp viễn thông ngoài những khu vực quy hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi thuộc các phường trong thành phố Hòa Bình và các thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Các tuyến đường nhánh thành phố Hòa Bình (không thuộc phường Phương Lâm và Đồng Tiến).

- Khu vực hệ thống cột điện lực không đủ điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng hoặc khu vực không có hệ thống cột điện lực.

- Khu vực, tuyến, hướng có địa hình khó khăn, không thể triển khai ngầm hóa.

4.3. Cáp treo trên cột điện

Khu vực được phép treo cáp trên cột điện:

- Khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình ngầm tại khu vực đô thị.

- Khu vực không thể xây dựng tuyến cột treo cáp viễn thông riêng biệt tại khu vực đô thị.

- Khu vực chưa thể xây dựng hạ tầng cống bể để hạ ngầm cáp viễn thông.

- Khu vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp: khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

4.4. Cáp ngầm

Giai đoạn đến năm 2020:

- Khu vực trung tâm hành chính tỉnh.

- Thành phố Hòa Bình ngầm các truyến đường chính thuộc: phường Chăm Mát, phường Đồng Tiến, phường Hữu Nghị, phường Phương Lâm, phường Tân Hòa, phường Tân Thịnh, phường Thái Bình, phường Thịnh Lang.

- Khu vực các huyện: ngầm hóa các tuyến đường chính khu vực trung tâm thị trấn.

- Ngầm hóa mạng ngoại vi các tuyến đường nhánh tại khu vực thành phố: phường Phương Lâm, Đồng Tiến…

- Khu vực các trục quốc lộ, đường tỉnh, huyện lộ.

- Khu vực các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, tuyến đường mới xây dựng.

- Các tuyến đường được sửa chữa, nâng cấp.

Xây dựng hệ thống công trình ngầm tại 180 khu vực, tuyến đường, phố trên toàn tỉnh. Cụ thể:

- Thành phố Hòa Bình: 117 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Cao Phong: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Đà Bắc: 2 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kim Bôi: 3 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Kỳ Sơn: 7 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Sơn: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lạc Thủy: 9 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Lương Sơn: 12 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Mai Châu: 7 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Tân Lạc: 6 khu vực, tuyến đường, phố.

- Huyện Yên Thủy: 5 khu vực, tuyến đường, phố.

4.5. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp treo

Giai đoạn đến 2016: Triển khai cải tạo, chỉnh trang hạ tầng tuyến cáp treo tại khu vực thành phố Hòa Bình (khu vực các tuyến đường không bắt buộc ngầm hóa trong thành phố, khu vực trên địa bàn các xã…). Giai đoạn đến 2016 tiến hành cải tạo, chỉnh trang khoảng 130 km tuyến cáp treo trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2017 – 2020: Triển khai cải tạo, chỉnh trang hạ tầng tuyến cáp lịch, di tích văn hóa, khu vực yêu cầu mỹ quan…; hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang tuyến cáp treo tại khu vực thành phố Hòa Bình. Giai đoạn 2017 – 2020 tiến hành cải tạo, chỉnh trang khoảng 360 km tuyến cáp treo trên địa bàn tỉnh.

5. Định hướng phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2025

5.1. Dịch vụ viễn thông

Dịch vụ cung cấp cho điện thoại di động rất đa dạng khi xuất hiện điện thoại thông minh.

Điện thoại thông minh có các trình duyệt web có kết nối Wifi và băng thông rộng di động.

Nhiều ứng dụng được xây dựng cho điện thoại thông minh như: bản đồ, định vị, phần mềm văn phòng, nghe nhạc, xem phim, xem vô tuyến, các trò chơi và mạng xã hội...

5.2. Dịch vụ thông tin di động

Dịch vụ MobiTV xem các kênh truyền hình trực tiếp, các video clip theo yêu cầu.

Dịch vụ Video call có thể nghe thấy giọng nói mà cả hình ảnh thật của người nhận cuộc gọi.

Mobile Internet là dịch vụ truy cập Internet trực tiếp từ điện thoại di động.

Game mobile online: chơi game trực tuyến trên điện thoại di động

Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động: chuyển tiền ngân chuyển tiền trong hệ thống thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại di động.

Dịch vụ thương mại: bán vé máy bay qua điên thoại di động, đấu giá, mua nội dung thông tin số...

5.3. Dịch vụ Internet

FTTH là công nghệ kết nối viễn thông hiện đại đường truyền dẫn bằng cáp quang từ nhà cung cấp dịch vụ tới thuê bao, chất lượng tín hiệu ổn định, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chiều dài cáp.

Dịch vụ Metronet là dịch vụ kết nối các mạng LAN một doanh nghiệp.

Dịch vụ VPN (mạng riêng ảo).

Các ứng dụng công nghệ thông tin như: Website, Email server, Voice, Video conferencing (hội nghị truyền hình)… được sử dụng nhiều các doanh nghiệp và cơ quan tổ chức. Các ứng dụng trên cần đòi hỏi đường truyền tốc độ cao.

5.4. Phát triển công nghệ

Phát triển mạng thông tin di động theo công nghệ mới nhằm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu về máy điện thoại.

Nâng cao tốc độ và khả năng của mạng di động cho những ứng dụng dịch vụ dữ liệu như: dịch vụ cơ bản (tải file, phân phối email), dịch vụ tương tác (duyệt web, truy cập server, tìm và phục hồi cơ sở dữ liệu)

Phát triển mạng di động công nghệ mới sau 3G có băng thông rộng hơn, tốc độ dữ liệu cao hơn, chuyển giao nhanh hơn và không gián đoạn, và đặc biệt cung cấp các dịch vụ liên tục giữa các hệ thống và các mạng đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân.

Cáp quang hóa mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cáp quang.

5.5. Phát triển hạ tầng

Phát triển hạ tầng mạng thông tin di động theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, hạn chế xây dựng quá nhiều trạm thu phát sóng di động.

Các doanh nghiệp viễn thông mới đầu tư vào tỉnh phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng cùng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp khi xây hạ tầng mới phải đảm bảo có thể sử dụng chung được với các doanh nghiệp khác.

Mạng thông tin di động đáp ứng tốt nhu cầu của người dân về chất lượng dịch vụ: không bị nghẽn mạng vào các thời điểm đông người sử dụng (các ngày lễ, tết…), giảm bán kính phục vụ của mỗi trạm BTS tại các huyện có bán kính phục vụ cao.

Mạng ngoại vi: thực hiện ngầm hóa trên diện rộng. Ngầm hóa 100% khu vực thành phố, trung tâm huyện.

III. KHÁI TOÁN PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

Tổng mức đầu tư: 476 tỷ đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn của doanh nghiệp: 464,8 tỷ đồng.

- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh: 11,2 tỷ đồng.

IV. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp quản lý nhà nước

Quản lý, quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh theo định hướng các doanh nghiệp cùng đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, phát triển hạ tầng hệ thống trạm thu phát sóng thông tin di động (quy định về cấp phép xây dựng, lắp đặt). Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật, các quy định, chính sách về phát triển viễn thông nói chung và phát triển hạ tầng mạng viễn thông nói riêng; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư, phát triển viễn thông hiệu quả, bền vững.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại địa phương. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, vi phạm quy định việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và ngầm hóa mạng ngoại vi viễn thông.

Tăng cường quản lý, giám sát chất lượng thiết bị, dịch vụ và công trình viễn thông đảm bảo quyền lợi người sử dụng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Viễn thông, đặc biệt là cán bộ đầu ngành, trình độ chuyên môn sâu.

Đối với mỗi một khu vực (tuyến đường, tuyến phố…), tỉnh thực hiện quy định cấp phép 1 lần về xây dựng ngầm hóa hạ tầng ngoại vi (cấp phép 1 lần cho nhiều doanh nghiệp) tránh sự phát triển chồng chéo giữa các doanh nghiệp.

2. Giải pháp phát triển hạ tầng

Tỉnh có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới.

Tỉnh công bố quy hoạch chung trên toàn tỉnh và lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng mạng lưới trên địa bàn tỉnh (vị trí cột ăng ten, hệ thống cống bể cáp…). Khi doanh nghiệp xin giấy phép, cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ vào quy hoạch, cấp phép cho đơn vị thực hiện việc xây dựng hạ tầng viễn thông theo quy định.

Tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động, ngầm hóa mạng ngoại vi.

Doanh nghiệp phối hợp thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung thông qua Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Giải pháp cơ chế chính sách

Ban hành các quy định, quy chế về xây dựng và ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh; quy định, quy chế về cấp phép xây dựng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động.

Ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông; phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện ngầm hóa.

Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông theo hình thức xã hội hóa.

Ban hành các quy định về dành quỹ đất xây dựng hạ tầng viễn thông trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị.

4. Giải pháp thực hiện đồng bộ quy hoạch

Doanh nghiệp độc lập thực hiện đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cống bể lắp đặp cáp viễn thông tại các tuyến đường trong khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các tuyến đường xây dựng mới. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở khu vực đó có thể thuê lại cơ sở hạ tầng để sử dụng.

Các doanh nghiệp viễn thông phối hợp cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và chia sẻ hạ tầng theo tỷ lệ nguồn vốn đóng góp hoặc theo thỏa thuận đối với các tuyến đường được nâng cấp, sửa chữa hoặc bắt buộc ngầm hóa mạng cáp viễn thông doanh nghiệp có hạ tầng cáp treo trên đó sẽ cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và sử dụng chung hệ thống cống bể cáp. Xây dựng mới cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động dùng chung.

5. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Nguồn vốn trong đầu tư, phát triển hạ tầng mạng viễn thông chủ yếu từ hai nguồn chính: doanh nghiệp và ngân sách. Ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội trên cơ sở đó doanh nghiệp xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Đối với hạ tầng mạng viễn thông phát triển riêng (hạ tầng xây dựng không dựa trên hạ tầng kinh tế xã hội) nguồn vốn chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư.

Huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.

Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư hạ tầng viễn thông:

Huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm lắp đặt đặt cáp viễn thông và cho các doanh nghiệp viễn thông thuê lại hạ tầng.

Đối với các tuyến đường, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất mới xây dựng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển của ngành giao thông. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất tự đầu tư hoặc kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm lắp đặt đặt cáp viễn thông, cột ăng ten để các doanh nghiệp viễn thông thuê lại cơ sở hạ tầng khi cung cấp mạng tại khu vực đó.

Đối với các khu vực, tuyến đường hiện hữu cần ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông không có kinh phí hạ ngầm mạng cáp viễn thông. Tỉnh cho phép các doanh nghiệp ngoài ngành viễn thông xây dựng hạ tầng cống bể cáp và buộc các doanh nghiệp viễn thông phải thuê lại sử dụng với mức giá cho thuê được công bố và được kiểm soát theo Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của các Bộ: Tài Chính, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Đối với dự án số hóa phương thức truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, cần tận dụng nguồn vốn từ quỹ số hóa quốc gia, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân trong tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quy hoạch; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch và kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

2. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quy hoạch.

 3. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động của doanh nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng của tỉnh, gửi Sở Thông tin và Truyền thông để thẩm định theo quy định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

(Chi tiết Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đính kèm)

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Cửu