Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1483/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 02 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DUY TU BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 474/TTr-SKH-KGVX ngày 19/4/2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Chính

 

QUY ĐỊNH

VỀ THỰC HIỆN DUY TU, BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Điều 1. Giải thích thuật ngữ

Trong Quy định này, thuật ngữ “duy tu, bảo dưỡng” được hiểu bao gồm cả duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, trong đó:

1. Duy tu, bảo dưỡng công trình: Là công việc kiểm tra, xử lý được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư hỏng của từng chi tiết, bộ phận công trình.

2. Sửa chữa nhỏ: Là công việc được tiến hành khi công trình có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công trình, nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các chi tiết đó.

Điều 2. Mục đích việc duy tu, bảo dưỡng công trình

1. Duy tu, bảo dưỡng công trình là công việc kiểm tra, xử lý được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư hỏng của từng chi tiết, bộ phận công trình.

2. Duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm duy trì những đặc trưng kỹ thuật, mỹ thuật và công năng công trình đảm bảo công trình vận hành, khai thác, sử dụng phù hợp với yêu cầu của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.

3. Duy tu, bảo dưỡng để tăng sự bền vững của công trình, góp phần khai thác tối đa những lợi ích kinh tế - xã hội của công trình đó mang lại.

Điều 3. Đối tượng, phạm vi áp dụng

Những công trình hạ tầng phục vụ lợi ích chung trên địa bàn huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc Chương trình 30a; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 (kể cả những công trình hạ tầng được đầu tư bằng các nguồn vốn khác không thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135) do cấp có thẩm quyền giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã quản lý được sử dụng vốn hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng của Chương trình và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện.

Những công trình hạ tầng có tính chất sử dụng cho khu vực liên xã việc duy tu bảo dưỡng do các đơn vị được giao quản lý công trình thực hiện từ nguồn vốn duy tu, bảo dường hàng năm; Những công trình và hạng mục công trình phục vụ cho kinh doanh dịch vụ hoặc phục vụ lợi ích cho hộ và nhóm hộ do người sử dụng tự duy tu, bảo dưỡng.

Điều 4. Quy định cụ thể về thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với từng loại công trình

1. Công trình giao thông:

a) Về đường giao thông:

- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: vệ sinh mặt đường chống đọng nước, dọn cây, chống che khuất biển báo, bảo dưỡng hệ thống rãnh thoát nước và ổ gà, đắp nền đường bị sạt lở, sửa ta luy đường do mưa xói, tạo lại hình dáng đường, bù phụ vật liệu mặt lề đường, sửa hư hỏng cao su, lún nền đường do bị nước thấm đọng;

- Bảo dưỡng định kỳ đường: tẩy lượn sóng, tạo lại mui luyện mặt đường, gia cố mặt đường.

b) Về cầu giao thông:

- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: vệ sinh mặt cầu, không để đọng nước, sửa chữa các vết nứt mặt cầu, thường xuyên thay thế ván gỗ mục, chống mối mọt kết cấu gỗ, bảo vệ biển báo, đường lên cầu;

- Duy tu bảo dưỡng định kỳ: bảo dưỡng thay thế kịp thời các cấu kiện bị hư hỏng, sơn định kỳ các kết cấu thép, bảo dưỡng và sửa chữa các mố trụ cầu sau các mùa mưa lũ.

2. Công trình thuỷ lợi:

- Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: bảo vệ ta luy kênh mương khỏi xói lở, dọn sạch cát và rác trong lòng kênh, phát hiện kịp thời các sự cố hư hỏng, ngăn, cấm mọi hành vi gây hại cho công trình; chống mối các thân đập, kênh mương; tra dầu mỡ các chi tiết bơm theo quy trình;

- Duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ: nạo vét, trát vá định kỳ các kênh, bảo dưỡng hệ thống ống, vét bùn và gia cố các rãnh thoát nước ở chân đê, bảo dưỡng định kỳ các cống nhận nước, trồng cỏ thân đê; sửa chữa định kỳ bơm; sơn, sửa chữa hệ thống van nhận nước, cửa xả ...

3. Công trình dân dụng và các công trình công cộng khác:

- Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: Dọn dẹp rác mái, thông hệ thống thoát nước mái, lau sạch vết bẩn, mang nhện trên tường; tra dầu mỡ ổ khoá, bảo vệ cửa khi mưa gió; làm sạch thường xuyên nền nhà; vá các vết nứt, gạch bị vỡ; thay thế kịp thời bóng điện, cầu chì, ổ cắm, công tắc bị cháy; kiểm tra các tài sản trong công trình, các thiết bị cấp nước và thay thế khi hư hỏng; thông hệ thống thoát nước bị tắc; kiểm tra hệ thống thông hơi vệ sinh...

- Duy tu, bảo dưỡng định kỳ: Kiểm tra, sửa chữa lớp gạch, lớp vữa bảo vệ mái nhà bê tông; đảo ngói, thay tấm lợp, thay rui mè, sà gồ bị mục nát; chống mối hệ thống khung đỡ; quét sơn gỗ, trám, trát các vết nứt; sửa chữa các bộ phận tường, nền bị hư hỏng; sửa chữa các chi tiết của hệ thống điện; sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, vệ sinh.

4. Công trình trạm biến áp, lưới điện:

- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: Thực hiện nghiêm các quy tắc an toàn trong sử dụng điện; bảo vệ đường dây, cột điện, trạm biến áp trước tác động của mưa, gió, sét; bảo vệ thiết bị của hệ thống lưới điện, trạm biến áp...

- Duy tu, bảo dưỡng định kỳ: chống mối mọt, hệ thống cột gỗ; giằng, néo, giữ ổn định hệ thống tải điện; bảo dưỡng các thiết bị trạm biến áp theo quy định; sửa chữa theo định kỳ các nhà trạm, máy biến áp, các chi tiết thuộc lưới và cột điện ...

5. Công trình cấp nước sạch:

- Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: Bảo vệ nguồn nước sạch; dọn sạch rác, cát trong ngăn lắng; bảo vệ rừng đầu nguồn, hệ thống ống dẫn; kiểm tra, đảm bảo sự làm việc của các van xả; kiểm tra, vệ sinh thành bể sạch sẽ;

- Duy tu bảo dưỡng định kỳ: Nạo vét dòng chảy, bảo dưỡng hệ thống lưới chắn rác, nạo vét hồ chứa đầu nguồn; sửa chữa thay thế van, cút nối bị hỏng; kiểm tra hiện tượng xói lở, lún, nứt bể…

Điều 5. Tổ chức quản lý duy tu, bảo dưỡng

1. Chủ đầu tư:

a) UBND huyện làm chủ đầu tư đối với công trình duy tu, bảo dưỡng phục vụ lợi ích chung trong phạm vi huyện nghèo thuộc Chương trình 30a; Những công trình có tính chất liên xã;

b) UBND xã làm chủ đầu tư đối với công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

2. Quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng:

a) UBND huyện giao cơ quan trực thuộc UBND huyện quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn huyện do UBND huyện làm chủ đầu tư;

b) UBND xã quyết định thành lập Tổ duy tu, bảo dưỡng công trình (sau đây gọi tắt là Tổ duy tu, bảo dưỡng) để giúp chủ đầu tư quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn xã. Tổ duy tu, bảo dưỡng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, do chủ tịch UBND xã quyết định thành lập.

Chủ tịch UBND xã căn cứ số lượng, quy mô của từng công trình được đầu tư trên địa bàn quyết định thành lập Tổ duy tu, bảo dưỡng;

c) Số lượng thành viên trong Tổ từ 2 - 3 người;

d) Thành phần bao gồm: 01 tổ trưởng - cán bộ giao thông, thuỷ lợi xã; Từ 01-02 kỹ thuật viên là đại diện Hội Nông dân xã và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã.

Trách nhiệm của Tổ duy tu, bảo dưỡng:

- Phối hợp với các đơn vị được giao quản lý, sử dụng công trình trong việc kiểm tra và đánh giá chất lượng, hoạt động của các công trình để kịp thời xây dựng kế hoạch sửa chữa khi công trình có sự cố. Tiến hành vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ đối với các công trình trên địa bàn xã nếu đủ năng lực;

- Chịu trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững những công trình được giao;

- Xây dựng kế hoạch hàng năm và báo cáo tình trạng triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình trong xã và xây dựng kế hoạch sửa chữa lớn gửi UBND xã tổng hợp và trình UBND huyện phê duyệt;

- Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng trình UBND xã tư phê duyệt;

- Huy động lao động tại chỗ để sửa chữa những hư hỏng nhỏ có kỹ thuật đơn giản. Huy động người hưởng lợi đóng góp vào việc sửa chữa và bảo dưỡng công trình;

- Cử kỹ thuật viên cộng đồng tham gia các lớp tập huấn duy tu, bảo dưỡng công trình (các lớp tập huấn về xây dựng, sửa chữa hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, công trình dân dụng và các công trình công cộng khác;

- Giám sát công tác duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn.

e) Chi phí hoạt động cho Tổ duy tu, bảo dưỡng: Được trích từ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 được phân bổ hàng năm cho xã;

f) Giám sát công tác duy tu, bảo dưỡng : Sử dụng Ban giám sát xã để thực hiện nhiệm vụ giám sát thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn xã từ giai đoạn lập dự toán chi tiết đến nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán nguồn vốn.

Điều 6. Nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng

1. Nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng:

- Vốn duy tu, bảo dưỡng được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia gảm nghèo bền vững và được phân bổ hàng năm cho UBND huyện, UBND xã;

- Bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Sử dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng:

- Chi phí duy tu, bảo dưỡng công trình;

- Chi phí hỗ trợ hoạt động cho Tổ duy tu, bảo dưỡng: Mức chi bằng 5% chi phí duy tu, bảo dưỡng công trình được duyệt. Nội dung chi gồm:

+ Chi phí hỗ trợ phụ cấp cho Tổ duy tu, bảo dưỡng;

+ Chi phí mua sắm một số dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình. Tổ duy tu, bảo dưỡng căn cứ tình hình cụ thể xây dựng danh mục những dụng cụ cần mua trình UBND xã phê duyệt (những dụng cụ này chỉ được cấp 1 lần);

+ Chi phí mua văn phòng phẩm như: giấy, bút, sổ tay ghi chép.

Điều 7. Tổ chức thực hiện duy tu, bảo dưỡng

1. Lập dự toán duy tu, bảo dưỡng:

Hàng năm, UBND xã tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục cần duy tu, bảo dưỡng, tổng hợp thông qua Hội đồng nhân dân xã để trình UBND huyện phê duyệt. Căn cứ danh mục duy tu, bảo dưỡng được UBND huyện phê duyệt hàng năm, chủ đầu tư (UBND xã) giao cho Tổ duy tu, bảo dưỡng lập dự toán chi tiết trình chủ đầu tư phê duyệt thực hiện.

- Đơn vị lập dự toán: UBND xã giao cho Tổ duy tu, bảo dưỡng lập dự toán chi tiết. Trong trường hợp Tổ duy tu, bảo dưỡng không đủ điều kiện lập dự toán chi tiết, UBND xã có thể hợp đồng với các tổ chức tư vấn để lập dự toán chi tiết;

- Thẩm định dự toán duy tu, bảo dưỡng: Dự toán chi tiết sau khi được lập gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng của UBND huyện thẩm định;

- Phê duyệt dự toán chi tiết: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết;

- Đối với vật tư, vật liệu xây dựng phục vụ cho duy tu, bảo dưỡng nếu mua của các công ty, hoặc hộ kinh doanh thì bắt buộc phải có hoá đơn hợp lệ. Trường hợp vật liệu như: cát, đá, sỏi… mua bán trong dân thì phải có giấy biên nhận mua bán của hộ và có xác nhận của trưởng thôn, bản và chủ tịch UBND xã. Giá cả vật tư, lao động theo mặt bằng giá tại khu vực xã do chủ đầu tư quyết định.

2. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình:

a) Đơn vị thực hiện duy tu, bảo dưỡng: Chủ đầu tư giao cho Tổ chức cộng đồng, tổ, nhóm thợ trên địa bàn thực hiện duy tu, bảo dưỡng hoặc giao cho trưởng thôn, bản tổ chức nhân dân trong thôn bản tự duy tu, bảo dưỡng (cử đại diện ký hợp đồng với chủ đầu tư).

Trường hợp tổ chức cộng đồng, tổ, nhóm thợ, các hộ gia đình trong thôn không đủ điều kiện và khả năng thực hiện, Chủ đầu tư ký hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực hiện duy tu, bão dưỡng;

b) Nghiệm thu duy tu, bảo dưỡng: Thành phần tham gia nghiệm thu gồm: Chủ đầu tư; đại diện Tổ duy tu, bảo dưỡng; Đại diện tổ đội thi công, đơn vị quản lý, sử dụng công trình; Ban giám sát xã.

Tuỳ từng loại công trình, chủ đầu tư có thể mời thêm đại diện Phòng quản lý chuyên ngành về xây dựng của huyện và các thành viên khác tham gia nghiệm thu;

c) Đơn vị duy tu, bảo dưỡng phải chịu trách nhiệm bảo hành công việc duy tu, bảo dưỡng do mình thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

Điều 8. Thanh toán, quyết toán nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng

1. Tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mớ rộng cơ sở vật chất; Khoản 7, Điều 1, Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước; và các quy định có liên quan.

2. Quyết toán vốn duy tu, bảo dưỡng công trình:

a) Các công trình sau khi thực hiện duy tu, bảo dưỡng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, chậm nhất sau 02 tháng UBND xã phải thực hiện việc phê duyệt quyết toán;

b) Hồ sơ quyết toán gồm: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Mục 1, Chương II, Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

c) Các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp và Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính về việc quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm;

d) Quyết định phê duyệt quyết toán duy tu, bảo dưỡng công trình được niêm yết công khai tại UBND xã và được gửi đến các đơn vị: Kho bạc Nhà nước huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban giám sát xã. Hồ sơ quyết toán được quản lý lưu trữ tại UBND xã theo quy định.

Điều 9. Phân công nhiệm vụ

1. Cấp tỉnh:

1.1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trì phối hợp với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, các Sở, Ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh những nhiệm vụ sau:

- Chủ trì phối hợp với Sở: Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Ban Dân tộc phân bổ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng cho các huyện trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Tổng hợp kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình hàng năm trình UBND tỉnh;

- Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện duy tu bảo dưỡng trên địa bàn báo cáo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và UBND tỉnh;

- Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tổng hợp ý kiến của cơ sở, chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh ban hành điều chỉnh các quy định hướng dẫn thực hiện Chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

1.2. Giao Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Xây dựng xây dựng nội dung, dự toán kinh phí mở các lớp tập huấn đào tạo cho Tổ duy tu, bảo dưỡng và kỹ thuật viên về kỹ thuật (cách sửa chữa công trình khi có sự cố hư hỏng) trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Cấp huyện: UBND cấp huyện có trách nhiệm:

- Giao cho UBND xã làm chủ đầu tư nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng; cử cán bộ giúp xã thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư;

- UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã thành lập Tổ duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của Tổ duy tu, bảo dưỡng;

- Có trách nhiệm hướng dẫn các xã trong việc lập dự toán, tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán nguồn vốn;

- Phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh;

- Chỉ đạo, hướng dẫn cho các xã tiến hành triển khai ngay trong tháng 4 năm 2018, đồng thời cử cán bộ của các phòng chuyên môn giúp các xã triển khai thành lập tổ duy tu bảo dưỡng, xây dựng kế hoạch và lập dự toán chi tiết cho các danh mục duy tu bảo dưỡng hàng năm của xã.

3. Cấp xã: UBND cấp xã có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, tổ chức thực hiện theo quy định;

- Quyết định thành lập Tổ duy tu, bảo dưỡng để giúp UBND xã quản lý, thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng;

- Trên cơ sở nguồn vốn được giao tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các công trình được đầu tư trên địa bàn xã ; hàng năm, lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình do xã quản lý, sử dụng trình UBND huyện phê duyệt;

- Đôn đốc Tổ duy tu, bảo dưỡng thực hiện tốt công tác quản lý, thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tổ duy tu, bảo dưỡng hoạt động;

- Chịu trách nhiệm toàn bộ về nguồn vốn được giao và hiệu quả duy tu, bảo dưỡng;

- Giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý, sử dụng công trình trong việc duy tu, bảo dưỡng; huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, vật liệu thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình;

- Tiến hành triển khai tổ chức thực hiện ngay trong tháng 5/2018: Chỉ đạo thành lập Tổ duy tu bảo dưỡng và xây dựng quy chế hoạt động của Tổ ; hướng dẫn Tổ duy tu, bảo dưỡng xây dựng kế hoạch và lập dự toán chi tiết các danh mục duy tu bảo dưỡng hàng năm của xã.

4. Đơn vị được giao quản lý, sử dụng công trình: Đơn vị được giao quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng công trình đạt hiệu quả; thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng công trình, khi phát hiện có sự cố hư hỏng phải báo cáo ngay cho cho đơn vị quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng công trình để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 10. Chế độ báo cáo

1. UBND xã: Tổng hợp báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm gửi về UBND huyện tổng hợp.

2. UBND huyện: Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ 06 tháng, 01 năm gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, UBND tỉnh và cơ quan thường trực Chương trình Trung ương.

Điều 11.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định về thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, nếu phát sinh vướng mắc hoặc những quy định nêu trên không phù hợp với tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về cơ quan tổng hợp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020 (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, báo cáo và kịp thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp./.