- 1 Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 3 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- 4 Nghị quyết 14/NQ-HĐND năm 2020 thông qua kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 5 Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị quyết 154/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 1 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 2 Luật Quy hoạch 2017
- 3 Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch do Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 7 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8 Quyết định 518/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị quyết 119/NQ-CP năm 2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Chính phủ ban hành
- 10 Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Quốc hội ban hành
- 11 Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 13 Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1489/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 518/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tại Tờ trình số 111/TTr-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi rà soát tổng thể); Báo cáo giải trình, tiếp thu số 151/BC-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2023 và Báo cáo số 358/BC-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023; Báo cáo thẩm định số 8770/BC-HĐTĐ ngày 01 tháng 12 năm 2022 và Công văn số 2606/CV-HĐTĐ ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; Công văn số 5154/BKHĐT-QLQH ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là 6.873,56 km2, gồm 11 huyện, thị xã, thành phố:
- Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông;
- Phía Nam giáp tỉnh Bình Dương;
- Phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai;
- Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia. Tỉnh Bình Phước có tọa độ địa lý từ 11°22’ đến 12°16’ độ vĩ Bắc, 102°8’ đến 107°8’ độ kinh Đông.
II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN
a) Phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
b) Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế; đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tiếp cận, nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra đột phá, lợi thế phát triển.
c) Chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng.
d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của Vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%;
+ Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%;
+ GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD);
+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm;
+ Thu ngân sách nhà nước đạt 30.000 tỷ đồng;
+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 600 nghìn tỷ đồng;
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD;
+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%;
+ Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2030 là 15.000 doanh nghiệp;
+ Khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt khách;
+ Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.
- Về xã hội:
+ Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu;
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90%, trong đó bậc mầm non đạt 80%, bậc tiểu học đạt 90%, bậc trung học cơ sở đạt 90%, bậc trung học phổ thông đạt 100%;
+ Phấn đấu đạt 11 bác sĩ và 35 giường bệnh/vạn dân;
+ Mức tăng dân số bình quân đạt 1,6%;
+ Tạo việc làm mới cho 200 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%;
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 40%;
+ Tỷ lệ hộ nghèo đạt < 0,5%.
- Về tài nguyên và môi trường:
+ Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%;
+ 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; trên 70% chất thải rắn được thu gom, xử lý theo quy định;
+ Tỷ lệ độ che phủ rừng và cây lâu năm đạt khoảng 65%.
- Về phát triển kết cấu hạ tầng:
+ Phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng như: tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước);
+ Xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như: đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753,...
- Về quốc phòng, an ninh:
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện.
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của Vùng Đông Nam Bộ.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
a) Các nhiệm vụ trọng tâm
- Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm;
- Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch;
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh;
- Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại;
- Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
b) Các đột phá phát triển
- Về kết cấu hạ tầng: ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
- Về phát triển nguồn nhân lực: ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài. Đẩy mạnh công tác phân luồng gắn với tư vấn, hướng nghiệp; liên kết có hiệu quả với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Về cải cách thủ tục hành chính: hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
a) Công nghiệp
- Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
- Công nghiệp chế biến: phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 03 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).
- Công nghiệp chế tạo: tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
- Công nghiệp hỗ trợ: hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.
- Công nghiệp năng lượng tái tạo: phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao.
- Công nghệ thông tin: tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
b) Nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.
- Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Thương mại - dịch vụ
- Phát triển thương mại dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
- Tập trung triển khai hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới có tiềm năng.
d) Du lịch
Xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4-5 sao, sân gôn. Xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.
2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác
a) Văn hóa, thể thao
- Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện gắn với mục tiêu phát triển con người, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Phước; thúc đẩy các ngành dịch vụ văn hóa, văn hóa cộng đồng, bảo tàng, bảo tồn, sáng tác văn học nghệ thuật.
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống nhân dân. Xây dựng mới sân vận động tỉnh tại thành phố Đồng Xoài gắn với trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Bình Phước. Phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng; ưu tiên đầu tư cho công tác huấn luyện các đội tuyển thể thao trẻ, thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh.
b) Giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 Khóa XI; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề vì quê hương Bình Phước; xây dựng trường học thân thiện, tiên tiến, hiện đại. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống trường học các cấp, đặc biệt là phát triển các trường dân tộc nội trú và hệ thống cơ sở giáo dục tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
- Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đáp ứng nhu cầu về chuyên môn; chú trọng nâng cao chất lượng dạy học tin học, ngoại ngữ, xây dựng trường học thông minh.
- Khuyến khích thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp để tham gia đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, an toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu giáo dục của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
c) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh. Phát triển hệ thống y tế đồng bộ, cân đối giữa y tế dự phòng và điều trị, giữa y tế phổ cập, y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu. Chú trọng phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã.
- Khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực y tế, chăm sóc khỏe nhân dân. Có chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ y tế có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
d) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tất cả các ngành, lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh tế - xã hội; tăng nhanh đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế. Chủ động tìm kiếm công nghệ mới, hợp tác chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng, kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng và chuyển đổi số sâu rộng; nâng cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.
đ) Thông tin và truyền thông
- Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông và hạ tầng số đồng bộ, nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số; chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số và khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính.
- Phát triển các cơ quan báo chí theo mô hình trung tâm truyền thông đa phương tiện, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị hiện đại, các hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích số liệu, sản xuất tin bài.
e) Lao động, việc làm và an sinh xã hội
- Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng học sinh cùng với nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
- Chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội; tập trung nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
- Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập của tỉnh tại thành phố Đồng Xoài để chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, từng bước tiến tới cung cấp các dịch vụ cao về chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu.
g) Quốc phòng an ninh
- Xây dựng quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và người dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng.
a) Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
- Tổ chức không gian theo vùng phát triển:
+ Vùng phía Nam: bao gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Đây là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh.
+ Vùng phía Tây: bao gồm thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long.
+ Vùng phía Đông Bắc: bao gồm thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập, huyện Bù Đốp, huyện Phú Riềng, huyện Bù Đăng với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.
- Tổ chức không gian theo các trục động lực:
+ Trục phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng): trọng tâm là Quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam Quốc lộ 14.
+ Trục phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh): phát triển công nghiệp gắn với Quốc lộ 13 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
+ Trục trung tâm (Đồng Phú - Phước Long): phát triển kinh tế gắn với ĐT 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
b) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
- Đối với đơn vị hành chính cấp huyện:
+ Giai đoạn 2023-2025: dự kiến có 01 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Bình Long.
+ Giai đoạn 2026-2030: dự kiến có 01 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Phước Long.
- Đối với đơn vị hành chính cấp xã:
+ Giai đoạn 2023-2025: dự kiến có 03 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là xã Tân Quan và xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản; xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành.
+ Giai đoạn 2026-2030: dự kiến có 02 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là xã Long Giang, thị xã Phước Long và xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng.
Việc xác định phạm vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN
1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
a) Giai đoạn 2021-2025
Nâng cấp 07 xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V bao gồm: xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; xã Bù Nho, huyện Phú Riềng; xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; xã Tân Lập và xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú; xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp để hình thành 07 đô thị mới.
b) Giai đoạn 2026-2030
- Đầu tư phát triển đô thị Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II.
- Đầu tư phát triển đô thị Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III.
- Đầu tư phát triển đô thị Tân Khai, huyện Hớn Quản và đô thị Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV.
- Nâng cấp 04 xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V bao gồm xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú; xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; xã Thanh An và xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản để hình thành 04 đô thị mới.
(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)
2. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn
a) Tổ chức bố trí sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
b) Huy động mọi nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng các điểm dân cư nông thôn, các trung tâm xã theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng tiêu chí Xây dựng nông thôn mới.
c) Phát triển khu dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện và đặc trưng văn hóa, tập quán của từng khu vực. Kết hợp không gian văn hóa truyền thống của địa phương với thiết chế văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống văn minh. Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa nông thôn, các làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ thương mại.
V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG
1. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp
- Huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng.
- Mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105ha.
(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)
2. Phương án phát triển cụm công nghiệp
Phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830ha phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 03 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây,...
(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)
3. Phương án phát triển khu kinh tế
Tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh với quy mô diện tích là 25.864ha.
4. Phương án phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung
- Tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú.
- Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.
5. Phương án phát triển các khu du lịch
Tập trung đầu tư các dự án du lịch trọng điểm như: dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú), dự án Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), dự án Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long), dự án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh)…
6. Phương án phát triển các khu thể thao
- Xây dựng mới sân vận động tỉnh tại thành phố Đồng Xoài.
- Đầu tư nâng cấp khu liên hợp thể thao tại thị xã Chơn Thành.
- Xây dựng 04 sân vận động cấp huyện.
- Mỗi phường, xã tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú có sân tập thể thao kết hợp bể bơi, kết hợp với các không gian tập luyện công cộng.
7. Phương án xác định khu quân sự, an ninh
- Quy hoạch 250 vị trí đất quân sự với tổng diện tích khoảng 7.390ha.
- Quy hoạch cho các công trình, dự án trọng điểm về an ninh với tổng diện tích khoảng 1.314ha.
8. Phương án phát triển khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là chú trọng cứng hóa đường đến trung tâm xã và đường trục thôn, ấp, công trình thủy lợi, đập tràn, cầu qua suối, một số hồ, đập tại các vùng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt; các hồ, đập chưa đảm bảo an toàn, hệ thống chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…
- Đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép; hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình tái định cư hoặc ổn định tại chỗ.
VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Phương án phát triển hạ tầng giao thông
a) Đường bộ
- Phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia: phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng gồm: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
- Phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh: phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển và các tuyến đường chính của tỉnh như: Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 14 kết nối Bù Đăng - Đồng Xoài - Chơn Thành; Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 13 gắn kết Hoa Lư - Lộc Ninh - Bình Long - Hớn Quản - Chơn Thành; Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; tuyến ĐT 752, ĐT 758, ĐT 753, ĐT 759B…
(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)
b) Đường sắt
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) đoạn Chơn Thành - Đắk Nông.
c) Hàng không
Quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350ha.
d) Công trình hạ tầng giao thông khác
Đầu tư xây dựng 03 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40ha.
2. Phương án phát triển hạ tầng điện
Phát triển nguồn điện, lưới điện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia. Tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có.
(Chi tiết tại Phụ lục V kèm theo)
3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông
- Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Hạ tầng bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy chính quyền số, xã hội số.
- Phát triển hạ tầng số hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh ở Bình Phước. Phát triển hạ tầng số rộng khắp, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Phương án phát triển hạ tầng thủy lợi và cấp nước
- Xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện đời sống nhân dân.
- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn; đầu tư các công trình nối mạng cấp nước liên xã.
(Chi tiết tại Phụ lục VI, VII kèm theo)
5. Phương án phát triển hạ tầng xử lý nước thải, chất thải
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn.
- Xây dựng 05 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt.
- Tiếp tục duy trì các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại hiện có. Bổ sung 02 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và tại Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư.
VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI
- Đến năm 2030, hệ thống cơ sở y tế tỉnh Bình Phước có 02 bệnh viện tuyến tỉnh, ít nhất 02 bệnh viện tư nhân; 10 trung tâm y tế cấp huyện; 111 trạm y tế cấp xã và các đơn vị y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kiểm nghiệm.
- Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị xây dựng các Trung tâm chuyên sâu trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cấp lên bệnh viện hạng 1, quy mô khoảng 1.000 giường bệnh.
(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)
2. Hạ tầng giáo dục và đào tạo
- Đầu tư phát triển mạng lưới trường học, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2030 có 80% các trường mầm non, 90% các trường tiểu học và trung học cơ sở và 100% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Kiên cố hóa toàn bộ các trường học, đảm bảo không còn các lớp học không đảm bảo về điều kiện vật chất.
- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở. Bố trí, sắp xếp các điểm trường lẻ theo cấp phù hợp với quy định.
- Phát triển các trường mầm non tại các khu công nghiệp để phục vụ công nhân và người lao động, nhất là tại thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú.
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã đảm bảo nhu cầu của người dân.
- Đầu tư xây dựng thư viện và bảo tàng tỉnh tại thành phố Đồng Xoài.
- Đầu tư xây dựng mới sân vận động tỉnh có sức chứa 20.000-30.000 chỗ ngồi.
- Xây dựng nhà ở vận động viên và hồ bơi thi đấu cấp tỉnh nằm trong Khu Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
4. Hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật đo lường, cơ sở dữ liệu thông tin; thu hút đầu tư các hạ tầng, cơ sở vật chất khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho Vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 200ha tại thành phố Đồng Xoài.
5. Hạ tầng lao động, việc làm và trợ giúp xã hội
- Nâng cấp trung tâm dịch vụ việc làm hiện có; thành lập 02 cơ sở mới tại các khu công nghiệp Chơn Thành và Đồng Phú.
- Xây dựng mới hoặc tái lập Trung tâm Công tác xã hội tại thành phố Đồng Xoài theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Chuyển đổi trung tâm bảo trợ xã hội công lập hỗn hợp hiện tại thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng mới trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
- Nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Phát triển và nâng cấp trung tâm điều trị methadone thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện kết hợp các giải pháp trợ giúp dựa vào cộng đồng.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động.
- Xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các chợ tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Cải tạo, nâng cấp, xây mới các chợ có quy mô hạng III ở địa bàn cấp xã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển đô thị tại các địa phương. Xây dựng mới 02 chợ đầu mối nông sản tại thành phố Đồng Xoài và thị xã Chơn Thành.
- Đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa bàn đô thị như thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Thu hút đầu tư, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô phù hợp tại khu vực trung tâm các huyện và khu vực nông thôn khác.
- Đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh tại thành phố Đồng Xoài.
- Xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan. Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đầu tư xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực.
- Hệ thống xăng dầu, khí đốt:
+ Thu hút đầu tư thêm ít nhất 01 kho xăng dầu tại địa điểm phù hợp dung tích dưới 5.000m3; 02 trạm nạp khí hóa lỏng công suất tối thiểu khoảng 2.000 tấn/năm.
+ Nâng cao độ an toàn của hệ thống phân phối xăng dầu, khí hóa lỏng hiện có. Thu hút đầu tư, xây dựng thêm ít nhất 46 cửa hàng xăng dầu; khuyến khích đầu tư cửa hàng xăng dầu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)
- Tăng cường đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, nhằm rút ngắn thời gian tham gia giao thông từ các địa phương đến Bình Phước. Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch khi triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội tỉnh.
- Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, trải nghiệm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình vườn cây ăn trái gắn với loại hình du lịch homestay.
- Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch; thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí với quy mô lớn, hiện đại. Xây dựng 1 sân gôn (36 lỗ) tại xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành.
9. Hạ tầng phòng cháy, chữa cháy
- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại của lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH, được bố trí đảm bảo mỗi huyện có tối thiểu 01 đội cảnh sát PCCC & CNCH.
- Xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC& CNCH đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
VIII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế, được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là khoảng 687.356ha, trong đó: đất nông nghiệp khoảng 595.170ha; đất phi nông nghiệp khoảng 92.113ha; đất chưa sử dụng khoảng 73ha.
(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)
IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN
1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện
Triển khai lập các quy hoạch vùng liên huyện bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và theo quy định. Trên địa bàn tỉnh dự kiến có 03 vùng liên huyện gồm:
a) Vùng phía nam gồm 3 đơn vị hành chính là thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú, là trung tâm kinh tế động lực và là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh, trong đó thành phố Đồng Xoài là trung tâm phát triển của tỉnh Bình Phước. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; phát triển các ngành sản phẩm công nghiệp chính như: công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với việc khai thác có hiệu quả hệ thống đường cao tốc, đường sắt và các cảng cạn tại thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú; phát triển đô thị gắn với các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ logistics, thương mại, tài chính và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học công nghệ. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế như: Trung tâm Hội chợ triển lãm, Trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa gắn với các khu - cụm công nghiệp, chợ đầu mối.
b) Vùng phía tây gồm 3 đơn vị hành chính là thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long, là vùng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, logistics của tỉnh. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, nhất là trung tâm thương mại mua sắm tập trung kết hợp với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí; phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa; phát triển hạ tầng thương mại biên giới, cảng cạn Hoa Lư, kho hàng hóa gắn với các khu, cụm công nghiệp và chợ đầu mối trên địa bàn.
c) Vùng phía Đông Bắc gồm 5 đơn vị hành chính gồm thị xã Phước Long và các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long, là vùng miền núi, biên giới, sinh thái đầu nguồn. Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập, Núi Bà Rá, Hồ Thác Mơ và Trảng cỏ Bù Lạch; phát triển kinh tế vùng biên giới theo hướng kết hợp đẩy mạnh du lịch sinh thái, văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực.
2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện
Quy hoạch các vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm:
a) Vùng thành phố Đồng Xoài:
- Tính chất: xây dựng thành phố Đồng Xoài trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Phước.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, kho hàng hóa gắn với các khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics; phát triển dịch vụ cao cấp kết hợp nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, đại lý thương mại, hệ thống bán lẻ và cửa hàng tiện dụng; Phát triển công nghiệp hiện đại 4.0, chọn lọc các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, vật liệu, công nghệ thông tin; Phát triển nông nghiệp đô thị sạch, thông minh, hiệu quả.
b) Vùng thị xã Chơn Thành:
- Tính chất: xây dựng thị xã Chơn Thành trở thành đô thị năng động, sinh thái, thông minh.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển công nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực có chất lượng cao; Phát triển thương mại, dịch vụ, sân gôn, du lịch.
c) Vùng huyện Đồng Phú:
- Tính chất: xây dựng huyện Đồng Phú trở thành đô thị năng động, sinh thái và kết nối.
- Hướng phát triển trọng tâm: tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng và thế mạnh như chế biến nông lâm sản, chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, may mặc xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái.
d) Vùng thị xã Bình Long:
- Tính chất: xây dựng và phát triển thị xã Bình Long theo hướng đô thị bản sắc, sinh thái, văn minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực Tây Bắc của Tỉnh Bình Phước.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng); chế biến nông lâm sản, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp.
đ) Vùng huyện Hớn Quản:
- Tính chất: là vùng đệm cho tam giác phát triển Chơn Thành - Đồng Xoài
- Đồng Phú, có vai trò giảm các áp lực về đô thị, môi trường, giữ gìn các không gian xanh, quỹ đất dự trữ.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
e) Vùng huyện Lộc Ninh:
- Tính chất: là địa phương của vùng phía Tây, có vị trí an ninh quốc phòng trọng yếu; là cửa ngõ đối ngoại quan trọng của tỉnh thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp với Campuchia.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển công nghiệp chế biến nông sản, chế biến cao su, chế biến gỗ xuất khẩu, điện năng lượng mặt trời; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic tại cảng cạn Hoa Lư, thương mại biên giới.
g) Vùng huyện Phú Riềng:
- Tính chất: Phú Riềng nằm trong vùng phát triển phía Đông của tỉnh Bình Phước với trục động lực chính là Đồng Xoài - Bù Gia Mập. Là vùng đệm cho tam giác phát triển Đồng Xoài - Đồng Phú - Chơn Thành, có vai trò giảm các áp lực về đô thị, môi trường, giữ gìn các không gian xanh, quỹ đất dự trữ.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển công nghiệp chế biến cao su và chế biến điều; Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ; Phát triển chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, khép kín.
h) Vùng thị xã Phước Long:
- Tính chất: xây dựng và phát triển thị xã Phước Long theo hướng đô thị sinh thái, bản sắc, văn minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía Bắc và Đông Bắc của Tỉnh Bình Phước.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển các khu thương mại, siêu thị; Các dịch vụ vận tải, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng; Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hạt điều, chế biến gỗ, chế biến hoa quả và du lịch sinh thái.
i) Vùng huyện Bù Gia Mập:
- Tính chất: là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, có vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh, thuộc vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
- Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển nông, lâm nghiệp theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững và chăn nuôi đại gia súc; Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
k) Vùng huyện Bù Đăng:
- Tính chất: là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, cửa ngõ giáp với Tây Nguyên.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị và phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến điều, chế biến nông sản; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.
l) Vùng huyện Bù Đốp
- Tính chất: là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, có vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh, thuộc vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
- Hướng phát triển trọng tâm: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị, nhất là hồ tiêu; phát triển trồng và chế biến cây ăn trái, rau củ quả và chăn nuôi heo, gia cầm gắn với chế biến, xuất khẩu; Phát triển thương mại biên giới.
1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
a) Về phân vùng môi trường
- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: khu dân cư tập trung ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) của các đô thị loại II, loại III trên địa bàn tỉnh; nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; Các khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, phần rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu di tích lịch sử văn hóa Núi Bà Rá; Vùng đất ngập nước quan trọng Hồ Thác Mơ và vùng đất ngập nước quan trọng Hồ Phước Hòa; Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
- Vùng hạn chế phát thải, bao gồm: Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V; khu vực khác có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường cần được bảo vệ.
- Vùng môi trường khác: các khu vực còn lại.
b) Về bảo tồn đa dạng sinh học
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 03 khu bảo tồn gồm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, phần rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và khu bảo vệ cảnh quan Núi Bà Rá; 02 vùng ngập nước quan trọng thuộc Hồ Thác Mơ và Hồ Phước Hòa.
c) Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường
- Môi trường nước mặt: tổng số điểm quan trắc môi trường nước mặt gián đoạn là 81 điểm, quan trắc 18 thông số; duy trì hoạt động 05 trạm quan trắc tự động và bổ sung 1 vị trí quan trắc tự động mới tại hạ nguồn Sông Bé.
- Môi trường nước dưới đất: tổng số điểm quan trắc môi trường nước dưới đất là 106 điểm, quan trắc 14 thông số.
- Môi trường không khí: tổng số điểm quan trắc môi trường không khí 73 điểm gián đoạn, quan trắc 8 thông số và 13 điểm quan trắc tự động.
- Môi trường đất: tổng số điểm quan trắc môi trường đất là 88 điểm, quan trắc 8 thông số.
d) Phương án bảo vệ và phát triển rừng
Tập trung quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có. Xây dựng hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh trồng rừng gỗ lớn năng suất cao phục vụ chế biến và xuất khẩu; thực hiện, khai thác quản lý rừng bền vững, hiệu quả các nguồn lợi rừng; hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ rừng hình thành các chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp lâm sinh để cải tạo phục hồi rừng.
đ) Phương án quy hoạch nghĩa trang, cơ sở hỏa táng
- Đầu tư xây dựng mới 01 nghĩa trang tại khu vực phía Bắc huyện Hớn Quản giáp ranh thị xã Bình Long phục vụ thị xã Chơn Thành, thị xã Bình Long và các huyện: Hớn Quản, Lộc Ninh và 01 nghĩa trang tại phía Bắc huyện Phú Riềng phục vụ thị xã Phước Long và các huyện: Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng.
- Đầu tư xây dựng 03 cơ sở hỏa táng, trong đó 02 cơ sở tại khu vực các nghĩa trang cấp tỉnh xây mới và 01 cơ sở hiện có tại Nghĩa trang hoa viên nhân dân huyện Đồng Phú.
2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên
- Khoanh định 95 khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình phụ trợ mỏ, quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
- Quy hoạch 03 mỏ khoáng sản bô-xít với quy mô khoảng 76.000ha từ khai thác sang dự trữ theo quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Khi có nhu cầu thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
a) Phân bổ tài nguyên nước
Nguồn nước được phân bổ theo thứ tự ưu tiên: (1) Nước cho sinh hoạt; (2) Nước cho sản xuất công nghiệp; (3) Nước cho hoạt động nông nghiệp; (4) Nước cho kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước trong mùa khô hạn, nguồn nước dự phòng cho nhu cầu sinh hoạt trong trường hợp nguồn nước mặt cạn kiệt được xác định là nguồn nước dưới đất trên địa bàn các khu vực này, nhưng đảm bảo không vượt quá lượng nước ngầm có thể khai thác.
b) Bảo vệ tài nguyên nước
Tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc tài nguyên nước; triển khai lập danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước; Xây dựng vận hành, tích hợp hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước của địa phương với Trung ương, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; Điều tra đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước quan trọng, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; Tuyên truyền, phổ biến về quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
c) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
Đầu tư nâng cấp và sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hồ đập, bảo đảm chủ động phòng, chống lũ lụt theo mức thiết kế. Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, xả lũ từ các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Nâng cao năng lực cấp nước và tận dụng hết nguồn nước từ các hồ theo định mức lấy nước quy định, đặc biệt trong các giai đoạn mùa khô, cạn kiệt nguồn nước. Nâng cao năng lực quan trắc tài nguyên nước.
4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn
- Vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán: Thành phố Đồng Xoài (2 phường); thị xã Bình Long (2 xã); huyện Lộc Ninh (5 xã); huyện Đồng Phú (8 xã); thị xã Chơn Thành (6 xã); huyện Bù Đăng (5 xã); huyện Bù Đốp (4 xã); huyện Bù Gia Mập (8 xã); huyện Phú Riềng (01 xã).
- Vùng thường xuyên bị sạt lở: xã Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà; xã Bù Gia Mập, xã Đak Ơ, huyện Bù Gia Mập và xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp.
- Vùng thường xuyên bị ngập lụt: thành phố Đồng Xoài (3 phường); huyện Hớn Quản (1 xã); huyện Bù Đăng (1 xã); huyện Bù Đốp (1 xã); thị xã Phước Long (3 xã); thị xã Chơn Thành (1 phường); huyện Bù Gia Mập (3 xã).
b) Phương án quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cứu trợ cho các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, hạn hán trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa phòng, chống thiên tai, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro thiên tai; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; có cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho người làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
c) Phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai
Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống hồ đập; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, hạn chế việc san lấp ao, hồ, hệ thống thoát nước nội bộ trong đô thị và khu vực nông thôn.
XI. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)
XII. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư
- Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA, vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và các dự án hạ tầng xã hội khác trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
- Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa và kết nối, liên kết vùng.
- Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng phát triển các thành phần kinh tế; nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động vốn từ khai thác quỹ đất và xã hội hóa đầu tư; sử dụng tốt mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
2. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
- Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên kết vùng Đông Nam Bộ tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động nắm bắt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của tỉnh. Đẩy mạnh thực thi và tranh thủ các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết trong khuôn khổ các FTA "thế hệ mới" như Hiệp định CPTPP, EVFTA...
- Tăng cường thu hút các nguồn lực về tri thức, vốn, công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện đầy đủ và chuyên sâu, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế, sử dụng những chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn thực hành có kỹ năng tay nghề cao.
- Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức; kết hợp giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương với thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ bên ngoài.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, bao gồm: đào tạo nghề cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, ngoại ngữ, tin học, đào tạo sau đại học cho đội ngũ cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh cho lực lượng lao động trong các doanh nghiệp và hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia trong việc mở các khóa học đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.
4. Giải pháp về môi trường, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
- Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
- Triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hệ sinh thái.
5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
- Nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai lập, thẩm định quy hoạch.
- Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị hiện đại để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.
- Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết đô thị và nông thôn.
- Quản lý giám sát chặt chẽ đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng lưới hạ tầng chung của địa phương và các vùng phụ cận.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp đô thị.
6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đảm bảo đồng bộ.
- Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thực hiện quy hoạch một cách hiệu lực, hiệu quả.
Danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh
1. Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước
a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước;
c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh, rà soát điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Quy hoạch;
d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh;
đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt và thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội và quy định có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời, người quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.
Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động, bố trí được đầy đủ các nguồn lực thực hiện, cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; thực hiện đúng các nội dung đã cam kết tại Công văn số 4199/UBND-TH ngày 20 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên đô thị hiện hữu | Hiện trạng phân loại | Dự kiến phân loại 2021-2025 | Dự kiến phân loại 2026-2030 |
1 | Thành phố Đồng Xoài | III | III | II |
2 | Thị xã Phước Long | IV | IV | III |
3 | Thị xã Bình Long | IV | IV | III |
4 | Thị xã Chơn Thành | IV | IV | III |
5 | Đô thị Tân Khai, huyện Hớn Quản | V | V | IV |
6 | Đô thị mới: Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Bù Nho, huyện Phú Riềng; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú; Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. |
| V |
|
7 | Đô thị mới: Tân Tiến, huyện Đồng Phú; Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; Thanh An, huyện Hớn Quản; Tân Hưng, huyện Hớn Quản. |
|
| V |
8 | Đô thị Đồng Phú |
|
| IV |
Ghi chú:
- Định hướng phân loại đô thị đảm bảo phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
- Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, nếu các đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị sớm hơn hoặc muộn hơn định hướng sẽ cho phép thực hiện các thủ tục đánh giá, công nhận loại đô thị tại thời điểm đánh giá đạt các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên khu công nghiệp | Địa điểm dự kiến | Diện tích quy hoạch (ha) |
A | Các Khu công nghiệp thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 | ||
I | Các Khu công nghiệp đã thành lập | ||
1 | KCN Bắc Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | 190 |
2 | KCN Nam Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | 72 |
3 | KCN Đồng Xoài I | TP. Đồng Xoài | 163 |
4 | KCN Đồng Xoài II | TP. Đồng Xoài | 85 |
5 | KCN Đồng Xoài III | TP. Đồng Xoài | 121 |
6 | KCN Chơn Thành I | TX. Chơn Thành | 125 |
7 | KCN Chơn Thành II | TX. Chơn Thành | 76 |
8 | KCN Minh Hưng-Hàn Quốc | TX. Chơn Thành | 197 |
9 | KCN Minh Hưng III | TX. Chơn Thành | 292 |
10 | KCN Becamex-Bình Phước | TX. Chơn Thành | 2.000 |
11 | KCN Minh Hưng-Sikico | Huyện Hớn Quản | 655 |
12 | KCN Việt Kiều | Huyện Hớn Quản | 104 |
| Tổng cộng |
| 4.080 |
II | Các khu công nghiệp thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp | ||
1 | KCN Tân Khai II | Huyện Hớn Quản | 160 |
2 | KCN Minh Hưng III - Mở rộng giai đoạn II | TX. Chơn Thành | 578 |
3 | KCN Bắc Đồng Phú- Mở rộng giai đoạn II (Đồng Xoài 214ha+ Đồng Phú 293ha) | TP. Đồng Xoài và huyện Đồng Phú | 317 |
4 | KCN Nam Đồng Phú- Mở rộng giai đoạn II | Huyện Đồng Phú | 480 |
5 | KCN Hoa Lư | KKTCK Hoa Lư | 150 |
6 | KCN Ledana | KKTCK Hoa Lư | 200 |
7 | Các Khu Công nghiệp Đông Nam Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | 1.619 |
| Tổng cộng |
| 3.504 |
| Tổng cộng (I+II) |
| 7.584 |
B | Các khu công nghiệp tiềm năng thành lập mới trong trường hợp tỉnh Bình Phước được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp | ||
1 | Các Khu Công nghiệp Đông Nam Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | 2.581 |
2 | KCN Becamex-Bình Phước | TX. Chơn Thành | 450 |
3 | KCN Long Tân (Phú Riềng) | Huyện Phú Riềng | 283 |
4 | KCN Minh Lập và Minh Hưng | TX. Chơn Thành | 800 |
5 | KCN Tân Khai (Hớn Quản) | Huyện Hớn Quản | 240 |
6 | KCN Minh Đức (Hớn Quản) | Huyện Hớn Quản | 460 |
7 | KCN Minh Hưng-Sikico - Giai đoạn II (Hớn Quản) | Huyện Hớn Quản | 300 |
8 | KCN Nam Đồng Phú- Giai đoạn III | Huyện Đồng Phú | 900 |
9 | KCN Bình Phước | Huyện Đồng Phú | 500 |
10 | KCN Đồng Nơ | Huyện Hớn Quản | 500 |
11 | KCN Phú Riềng (Phú Riềng 159ha và Đồng Phú 334ha) | Huyện Đồng Phú và huyện Hớn Quản | 493 |
12 | KCN Long Hà (Phú Riềng) | Huyện Phú Riềng | 524 |
13 | KCN Bắc Đồng Phú - Giai đoạn III | Huyện Đồng Phú | 400 |
14 | KCN Minh Hưng- Sikico - Giai đoạn II | Huyện Hớn Quản | 800 |
15 | Các KCN trong phân khu công nghiệp trong Khu Kinh tế | KKTCK Hoa Lư | 1.290 |
| Tổng cộng |
| 10.521 |
Ghi chú:
Quy mô, diện tích và phạm vi ranh giới khu công nghiệp sẽ được xác định trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên cụm công nghiệp | Địa điểm | Hiện trạng | Diện tích (ha) |
I | Các cụm công nghiệp thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 | 1.253 | ||
1 | CCN Hà Mỵ | Huyện Đồng Phú | Đã hoạt động từ năm 2010 | 10 |
2 | CCN Minh Hưng 1 | Huyện Bù Đăng | QĐ 2422/QĐ-UBND tỉnh ngày 17/9/2021; QĐ 1251/QĐ-UBND điều chỉnh QĐ 2422 ngày 17/9/2021 | 44 |
3 | CCN Minh Hưng 2 | Huyện Bù Đăng | QĐ 2440/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 | 33 |
4 | CCN Nha Bích | Huyện Chơn Thành | QĐ 3258/QĐ-UBND tỉnh ngày 24/12/2020; QĐ 878/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 | 75 |
5 | CCN Tân Tiến 1 | Huyện Đồng Phú | QĐ 2769/QĐ-UBND tỉnh ngày 06/11/2020 (được điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 2178/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 và số 1036/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh) | 55 |
6 | CCN Tân Tiến 2 | Huyện Đồng Phú | QĐ 2770/QĐ-UBND tỉnh ngày 06/11/2020 (được điều chỉnh tại Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 27/8/2021, số 1039/QĐ-UBND ngày 02/6/2022, số 1037/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh) | 58 |
7 | CCN Tân Phú | Huyện Đồng Phú | QĐ 3303/QĐ-UBND tỉnh ngày 28/12/2020 (QĐ 1242 ngày 04/7/2022 điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 3303 ngày 28.12.2020; số 1096/QĐ-UBND ngày 04/7/2023 của UBND tỉnh) | 60 |
8 | CCN Tiến Hưng 1 | Đồng Xoài | QĐ 3302/QĐ-UBND tỉnh ngày 28/12/2020 | 60 |
9 | CCN Phú Nghĩa 1 (điều chỉnh thành CCN Phú Nghĩa 3) | Bù Gia Mập | Chờ phê duyệt KHSD đất 2023 sẽ lập thủ tục thuê đất | 30 |
10 | CCN Thanh Phú | TX Bình Long | Đã có Quyết định thành lập cụm, đang giải phóng mặt bằng và lập thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư | 60 |
11 | CCN Tân Lập | Đồng Phú |
| 40 |
12 | CCN Tân Hưng | Đồng Phú |
| 68 |
13 | CCN Long Giang | Phước Long |
| 50 |
14 | CCN Phước Bình | Phước Long |
| 50 |
15 | CCN Thanh Phú 2 | TX Bình Long |
| 75 |
16 | CCN Hưng Chiến | TX Bình Long |
| 75 |
17 | CCN - CS Sông Bé | Huyện Bù Đốp |
| 21 |
18 | CCN Phước Thiện | Huyện Bù Đốp |
| 40 |
19 | CCN Thiện Hưng | Huyện Bù Đốp |
| 69 |
20 | CCN Phú Nghĩa 2 | Bù Gia Mập |
| 30 |
21 | CCN Đa kia | Bù Gia Mập |
| 75 |
22 | CCN Thuận Phú | Đồng phú |
| 50 |
23 | CCN Hưng Phú | Hớn Quản |
| 75 |
24 | CCN Bù Nho 1 | Phú Riềng |
| 50 |
II | Các CCN thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp | 575 | ||
1 | CCN Đức Liễu | Huyện Bù Đăng |
| 70 |
2 | CCN Phước An | Hớn Quản |
| 75 |
3 | CCN Đại Tân | Hớn Quản |
| 70 |
4 | CCN Lộc Thái | Lộc Ninh |
| 70 |
5 | CCN Lộc Tấn | Lộc Ninh |
| 70 |
6 | CCN Lộc Thạnh | Lộc Ninh |
| 70 |
7 | CCN Phú Riềng | Phú Riềng |
| 75 |
8 | CCN Bù Nho | Phú Riềng |
| 75 |
| Tổng (I+II) |
|
| 1.828 |
Ghi chú:
Tên dự án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG BỘ
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên đường | Điểm đầu | Điểm cuối | Quy hoạch 2030 | |||
Chiều dài dự kiến (km) | Bề rộng (m) | Cấp kỹ thuật | Ghi chú | ||||
A | Cao tốc | ||||||
1 | Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư (CT30) | Ranh Bình Dương | Cửa khẩu Hoa Lư | 77 | 6 làn | 100 |
|
2 | Cao tốc Bắc - Nam Phía Tây (CT2) đoạn Chơn Thành - Gia Nghĩa | Ranh Đắk Nông | TX. Chơn Thành | 101 | 6 làn | 100 | Điều chỉnh hướng tuyến từ phía Tây QL14 hiện hữu sang phía Đông |
B | Quốc lộ | ||||||
1 | Đường Hồ Chí Minh | Ranh Đak Nông | Ngã 3 Mũi Dùi-Chơn Thành | 117,2 | 4-6 làn | II |
|
- | Quốc lộ 14 (Km 887+250 - (Ranh Đak Nông) - Km 994+380 (Ngã 3 Mũi Dùi-Chơn Thành)) |
|
| 107,1 | 4-6 làn | II |
|
- | Đoạn tránh Chơn Thành |
|
| 10,1 | 4-6 làn | II |
|
2 | Quốc lộ 13 | Ranh tỉnh Bình Dương | Cửa Khẩu Hoa Lư | 79,6 | 4-6 làn | II,III |
|
3 | Quốc lộ 14C Km413+261- Km456+261 (Ranh Đak Nông-Xã Phú Nghĩa) | Ranh Đak Nông | Xã Phú Nghĩa | 43 | 2-4 làn | III |
|
4 | Quốc lộ 14C | Ngã 3 Gerbert | Cầu Sài Gòn, Ranh Tây Ninh | 107,2 | 2-4 làn | III,IV |
|
- | Nâng cấp ĐT.741 | Ngã 3 đường Gerbert giao (QL.14C) | Phú Nghĩa | 6,0 | 2-4 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐT.760 | Phú Nghĩa | Đa Kia | 16,0 | 2-4 làn | IV |
|
- | Nâng cấp ĐT.759 | Đa Kia | Trung tâm Bù Đốp | 14,5 | 2-4 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐT.759B | Trung tâm Bù Đốp | Ngã 3 Lộc Tấn, Lộc Ninh (QL.13) | 24,3 | 2-4 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐH QL13 - Chiu Riu | Giao QL13 | Lộc Thạnh | 6,7 | 2-4 làn | III |
|
- | Mở mới Lộc Thạnh - Lộc Tấn | Lộc Thạnh | Lộc Tấn | 7,4 | 2-4 làn | III |
|
- | Nâng cấp đoạn Lộc Tấn - ĐT.752 | Lộc Tấn | ĐT.752 | 29,8 | 2-4 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐT.752 | ĐT.752 | Ranh Tỉnh Tây Ninh | 2,5 | 2-4 làn | III |
|
5 | Quốc Lộ 55B | Cầu Vĩnh Ninh (ranh Lâm Đồng) | ĐT741 | 54,7 | 2-4 làn | III |
|
- | QL 55B - Đoạn nâng cấp ĐT.755B | Cầu Vĩnh Ninh (ranh Lâm Đồng) | Ngã 3 Sao Bộng (QL.14) | 33,6 | 2-4 làn | III |
|
- | QL 55B - Đoạn mở mới | Ngã 3 Sao Bộng (QL.14) | ĐT741 (QL14C) | 21,1 | 2-4 làn | III |
|
6 | QL 13B (ĐT.741) | Ranh tỉnh Bình Dương (Bàu Trư) | Giao QL 14C | 88,2 | 4 làn | III |
|
7 | QL 13C (ĐT.753) | Ngã 4 Sóc Miên (TX Đồng Xoài) | Ranh giới với Đồng Nai | 30 | 2-4 làn | III |
|
C | Tỉnh lộ | ||||||
I | Nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện hữu | 549,6 |
|
|
| ||
1 | ĐT.741 | Bàu Trư (Ranh Bình Dương | QL.14C | 88,7 | 4-6 làn | III |
|
- | Km49+670 - Km133+040 |
|
| 63,4 | 4-6 làn | II | Nâng cấp thành QL13B |
- | Km133+040 - Km138+320 |
|
| 25,3 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL14C |
2 | ĐT.751 | Giao QL.14 (Ngã 3 Mũi tàu | Cầu Bà Và (Tây ninh) | 15,1 | 4-6 làn | III |
|
3 | ĐT.752 | Quốc lộ 13 | Ranh tỉnh Tây Ninh | 17,6 | 4-6 làn | III |
|
- | Km+000 (QL.13)- Km 5+300 (ranh nội ô TX Bình Long) |
|
| 5,3 | 4-6 làn | III |
|
- | Km5+300 - Km 17+600 (Ranh nội ô TX.Bình Long- Ranh tỉnh Tây Ninh) |
|
| 12,3 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL14C |
4 | ĐT.753 | Ngã 4 Sóc Miên | sông Mã Đà (ranh Đồng Nai | 29,4 | 4-6 làn | III |
|
- | Km0+000 - Km9+020 |
|
| 9,0 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL13B |
- | Km9+020 - Km29+400 |
|
| 20,4 | 4-6 làn | III | |
5 | ĐT.754 | Giao ĐT.754B | cầu Sài Gòn 2 (Ranh Tây Ninh | 12,3 | 4-6 làn | III |
|
6 | ĐT.754B | Giao QL.13 (Ngã 3 Đồng Tâm | Km9+916 (Trùng Km0+000 của ĐT.754 | 9,9 | 4-6 làn | III | Dự kiến chuyển đổi thành ĐT.754 |
7 | ĐT.755 | Giao QL 14 | Giao ĐT.753B | 43,3 | 4-6 làn |
|
|
- | Km0+000- Km6+140 |
|
| 6,1 | 4-6 làn | III |
|
- | Km6+140- Km43+290 |
|
| 37,2 | 4-6 làn | III |
|
8 | ĐT.755B | Giao QL.14 | cầu Phước Cát (ranh Lâm Đồng) | 33,6 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL55B |
9 | ĐT.756 | Giao QL.14 (Minh Lập) | Giao ĐT.759B (Lộc hiệp) | 50,3 | 4-6 làn | III |
|
10 | ĐT.756C | Giao ĐT.756 | Cầu Sóc 5 (ranh tỉnh Bình Dương) | 35,9 | 4-6 làn | III |
|
11 | ĐT.757 | Giao QL.13 (Cầu Cần Lê) | Giao ĐT.741 (Bù Nho) | 36,0 | 4-6 làn | III |
|
12 | ĐT.758 | Giao ĐT.741 (Thuận Phú) | Giao đường đôi | 36,9 | 4-6 làn | III |
|
13 | ĐT.759 | Giao QL.14 (Bù Na) | giao ĐT.759B (Ngã 3 Thanh Hòa) | 49,0 | 4-6 làn | III |
|
- | Km0+000 - Km15+784 |
|
| 15,8 | 4-6 làn | III |
|
- | Km15+784 - Km23+600 |
|
| 7,8 | 4-6 làn | III |
|
- | Km23+600 - Km48+997 |
|
| 25,4 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL14C |
14 | ĐT.759B | Ngã 3 Liên ngành | Hoàng Diệu | 40,5 | 4-6 làn | III |
|
- | Km0+000 - Km24+250 |
|
| 24,2 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL14C |
- | Km24+250 - Km38+750 |
|
| 14,5 | 4-6 làn | III |
|
- | Km38+750 - km40+500 |
|
| 1,8 | 4-6 làn | III |
|
15 | ĐT.760 | Giao QL.14 (Ngã 3 Minh Hưng) | giao ĐT.741 | 51,2 | 4-6 làn | III |
|
II | Các tuyến đường huyện nâng cấp/mở mới thành đường tỉnh | 790,0 |
|
|
| ||
16 | ĐT.741B (Đồng Phú-Bình Dương) | QL.14 | Ranh Bình Dương | 41,5 | 4-6 làn | III |
|
17 | ĐT.752B | Giao ĐT.756C | ĐT.756B | 18,4 | 4-6 làn |
|
|
- | Đoạn giao QL13 - Giao ĐT.756C | giao ĐT.756C | giao QL.13 | 9,7 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp đoạn trong KCN Minh Hưng | giao QL.13 | Cuối KCN Minh Hưng | 1,4 | 4-6 làn |
|
|
- | Mở mới đoạn cuối KCN Minh Hưng - QL.14 | Cuối KCN Minh Hưng | QL.14 | 7,3 | 4-6 làn |
|
|
18 | ĐT.752C (Xa Cát - Minh Đức) | QL13 | QL14C | 17,6 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐH Xa Cát - Minh Đức | QL.13 | ĐT.752 | 11,1 | 4-6 làn |
|
|
- | Mở mới đoạn ĐH Xa Cát - Minh Đức đến ĐT.752 | ĐH Xa Cát - Minh Đức | ĐT.752 | 1,7 | 4-6 làn |
|
|
- | Nâng cấp đoạn Giao QL.14C -ĐT.752 | ĐT.752 | QL.14C | 4,8 | 4-6 làn |
|
|
19 | ĐT.753B | Giao ĐT Long Tân - Tân Hưng | Ranh tỉnh Lâm Đồng | 69,6 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn giao ĐT 741 - giao ĐT Long Tân Tân Hưng | giao ĐT Long Tân Tân Hưng | Giao ĐT 741 | 12,3 | 4-6 làn | III |
|
- | Km0+000 - Km36+500 | Giao ĐT 741 | Giao ĐT.755 | 36,5 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn giao ĐT.755 - Ranh Lâm Đồng | Giao ĐT.755 | Ranh Lâm Đồng | 20,8 | 4-6 làn |
|
|
20 | ĐT.754 kéo dài | Giao QL13 (ngã ba Đồng Tâm) | Đường LKV1 (TX Phước Long) | 43,3 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐH Đồng Tâm - Lộc Khánh | Giao QL13 (ngã ba Đồng Tâm) | ĐH Đồng Tâm - Lộc Khánh | 5,3 | 4-6 làn |
|
|
- | Mở mới đoạn ĐH Đồng Tâm - Lộc Khánh tới ĐT.756 | ĐH Đồng Tâm - Lộc Khánh | ĐT.756 | 9,0 | 4-6 làn |
|
|
- | Nâng cấp đường huyện | ĐT.756 | Ranh Xã Thanh An | 6,7 | 4-6 làn |
|
|
- | Mở mới đoạn Ranh xã Thanh An - ĐT.757B | Ranh Xã Thanh An | ĐT.757B | 5,6 | 4-6 làn |
|
|
- | Nâng cấp ĐH Long Bình - Long Hưng | ĐT.757B | Đường LKV1 (TX Phước Long) | 16,7 | 4-6 làn |
|
|
21 | ĐT.755 kéo dài | QL13C | ĐT.753B | 25,6 | 4-6 làn | III |
|
22 | ĐT.756B | Giao QL14 | ĐT.756C | 8,0 | 4-6 làn | III |
|
23 | ĐT.757 kéo dài | ĐT.741 | ĐT.759 | 16,0 | 4-6 làn | III |
|
24 | ĐT.757B (Long Hà - Tân Thành) | ĐT.757 | Ranh Campuchia | 39,0 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp một phần ĐH Long Hà - Tân Thành |
|
| 18,1 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn đến ĐH Long Hà - Tân Thành - Quốc Lộ 14 C |
|
| 15,2 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp đường vào đồn Biên Phòng 797 |
|
| 5,7 | 4-6 làn | III |
|
25 | ĐT.759 kéo dài | QL.14 | ĐT.755 | 14,0 | 4-6 làn | III |
|
26 | ĐT.760 nối dài | Giao với đường Phú Nghĩa Phước Bình | Giao QL13 | 66,2 | 4-6 làn | III |
|
- | Km 0+000-Km 16+000 | Giao với đường Phú Nghĩa Phước Bình | Giao ĐT.759 | 16,0 | 4-6 làn | III | Nâng cấp thành QL14C |
- | Mở mới đoạn Giao QL13 - Giao ĐT 759 | Giao với ĐT.759 | Giao QL13 | 33,8 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp đoạn QL13 - Đi X16 | Giao QL.13 | Đi X16 | 16,4 | 4-6 làn | III |
|
27 | ĐT.760B (Thọ Sơn - Bù Gia Mập) | Giao QL14 tại xã Phú Sơn | Giao QL 14C tại Bù Gia Mập | 42,9 | 4-6 làn | III |
|
28 | Đường Chơn Thành - Đồng Phú | Đường D15 KCN Becamex | QL.13C | 37,4 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn từ Đường D15 - ĐH.507 (Bình Dương) | Đường D15 | ĐH.507 (Bình Dương) | 4,8 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp ĐH.507 | ĐH.507 | ĐH.507 | 5,9 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn ĐH.507 - QL.13 giao Tuyến số 4 (Đồng Phú) | ĐH.507 | QL.13 giao Tuyến số 4 (Đồng Phú) | 9,6 | 4-6 làn | III |
|
- | Nâng cấp tuyến số 4 | QL.13 | ĐT.741B | 9,5 | 4-6 làn | III |
|
- | Mở mới đoạn giao ĐT.741B - Ql.13C | ĐT.741B | Ql.13C | 7,6 | 4-6 làn | III |
|
29 | Tân Hiệp - Tân Khai - Nha Bích | Đường liên lết vùng phía Tây QL13 | ĐT.756B | 18,8 | 4-6 làn | III |
|
30 | ĐT Long Tân - Tân Hưng (Nâng cấp từ ĐH) | Bù Nho | ĐT 756 | 24,0 | 4-6 làn | III |
|
31 | ĐT Đa Kia - Bù Nho | Đa Kia | Bù Nho | 16,8 | 4-6 làn | III |
|
32 | ĐT Chơn Thành - Hoa Lư | Ranh Bình Dương | QL14C | 71,7 | 4-6 làn | III |
|
- | Ranh Bình Dương - Phường Minh Hưng | Ranh Bình Dương | ĐT.752B | 13,9 | 4-6 làn | III |
|
- | Phường Minh Hưng - Cổng Nông trường Bến Tre | ĐT.752B | ĐT.756C | 5,7 | 4-6 làn | III | Trùng ĐT.752B |
- | Cổng Nông trường Bến Tre - ĐT.752 | ĐT.756C | ĐT.752 | 9,4 | 4-6 làn | III |
|
- | ĐT.752 - Hoa Lư | ĐT.752 | Hoa Lư | 42,7 | 4-6 làn | III | Trùng QL14C |
33 | Tuyến tránh Bù Đăng | QL.14 | QL.14 | 10,4 | 4-6 làn | III |
|
34 | Đường tránh Lộc Ninh 1 | QL.13 | QL.13 | 10,0 | 4-6 làn | III |
|
35 | Đường tránh Lộc Ninh 2 | QL.13 | QL.13 | 15,9 | 4-6 làn | III |
|
36 | Đường kết nối QL.13B - QL.14C | QL.13B | QL.14C | 11,3 | 4-6 làn | III |
|
37 | Đường Vành đai 2 | Đường Vành đai 1 | Giao QL13C, Tân Hưng | 47,5 | 4-6 làn | III |
|
38 | Đường Vành đai 1 | QL13B - Cao tốc CT2 | QL13 - Vành đai phía đông - QL.13C | 33,2 | 4-6 làn | III |
|
39 | Đường Vành đai phía đông | Đường Vành đai 1 - QL13B | ĐH.Tân Phú -Tân Phước | 14,2 | 4-6 làn | III |
|
40 | Tuyến tránh Hớn Quản -Bình Long | ĐT.752B | Giao QL.13 | 21,6 | 4-6 làn | III |
|
41 | Đường Tránh phía Đông QL13 | ĐT.752B | ĐT.757 | 27,3 | 4-6 làn | III |
|
42 | ĐT Minh Lập - Bù Nho | Minh Lập | Bù Nho | 27,8 | 4-6 làn | III |
|
| Tổng cộng |
|
| 1339,6 |
|
|
|
Ghi chú:
Tên, vị trí, quy mô, chiều dài, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN VÀ LƯỚI ĐIỆN
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
A. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN
STT | Công trình | Công suất (MWp) | Đấu nối vào cấp điện áp |
A | Điện mặt trời |
|
|
I | Giai đoạn 2021-2030 đấu nối vào cấp điện áp 220kV | 7.148 | 220KV |
1 | Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh - giai đoạn 2: Lộc Ninh 6,7,8,9,10,11,12 | 1.200 | 220KV |
2 | Nhà máy điện mặt trời Tân Long | 40 | 220KV |
3 | Nhà máy điện mặt trời Helio Lộc Thịnh 1,2,3,4,5,6,7 | 350 | 220KV |
4 | Nhà máy điện mặt trời Khang Nam Solar | 90 | 220KV |
5 | Nhà máy điện mặt trời Ninh Phước | 200 | 220KV |
6 | Nhà máy điện mặt trời Lộc Phước | 250 | 220KV |
7 | Nhà máy điện mặt trời Lộc Tấn | 150 | 220KV |
8 | Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Bình Phước | 200 | 220KV |
9 | Nhà máy điện mặt trời 50MWp Lộc Ninh | 50 | 220KV |
10 | Nhà máy điện mặt trời Tân Hưng 1, 2 | 100 | 220KV |
11 | Nhà máy điện mặt trời Glden Star Lộc Tấn 1,2 | 100 | 220KV |
12 | Nhà máy điện mặt trờì Hải Lý Bình Phước 2 | 180 | 220KV |
13 | Nhà máy điện mặt trời Gainty Group 1 | 50 | 220KV |
14 | Nhà máy điện mặt trời Nậm La | 100 | 220KV |
15 | Nhà máy điện mặt trời Jaks Bình Phước | 149 | 220KV |
16 | Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Thiện | 250 | 220KV |
17 | Nhà máy điện mặt trời Đức Thắng 1,2,3 | 400 | 220KV |
18 | Nhà máy điện mặt trời An Khang | 150 | 220KV |
19 | Nhà máy điện mặt trời Gelex 1,2 | 480 | 220KV |
20 | Nhà máy điện mặt trời Minh Tâm | 350 | 220KV |
21 | Nhà máy điện mặt trời Lộc Tấn 1 và Lộc Tấn 2 | 160 | 220KV |
22 | Công ty Cổ đầu tư phát triển năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương | 250 | 220KV |
23 | Nhà máy điện mặt trời Jaks Bình Phước | 149 | 220KV |
24 | Nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Srok Phu Miêng | 150 | 220KV |
25 | Nhà máy điện mặt trời Srok Phu Miêng 1,2,3 | 575 | 220KV |
26 | Nhà máy điện mặt trời nổi Thác Mơ 1 và Nhà máy điện mặt trời nổi Thác mơ 2 | 150 | 220KV |
27 | Nhà máy điện mặt trời nổi Thác Mơ Giai đoạn 2 (cụm 4 nhà máy) | 375 | 110KV-220KV |
28 | Dự phòng tăng thêm | 500 | 220KV |
II | Giai đoạn 2031-2050 (Dự phòng) | 2.000 | 220KV |
Tổng cộng (A): I+II | 9.148 | 220KV | |
B | Giai đoạn 2021-2030 đấu nối vào từ cấp điện áp 110kV trở xuống | 970 |
|
I | Nhà máy điện |
|
|
1 | Nhà máy điện mặt trời Đak Glun | 50 | 110kV |
2 | Nhà máy điện Hồ Suối Giai | 40 | 110kV |
3 | Nhà máy điện mặt trời Suối Giai Ecoplexus | 50 | 110kV |
4 | Nhà máy điện mặt trời MT3 | 30 | 110kV (Phương án đấu nối theo Công văn 84/BCT-ĐL ngày 07/01/2021 của Bộ Công Thương) |
5 | Nhà máy điện mặt trời MT4 | 50 | |
6 | Nhà máy điện mặt trời Thanh Lương | 50 | 110kV |
7 | Nhà máy điện mặt trời Đồng Xoài | 50 | 110kV |
8 | Nhà máy điện mặt trời Đồng Nơ | 50 | 110kV |
9 | Nhà máy điện mặt trời Sunsise 1 | 50 | 110kV |
10 | Nhà máy điện mặt trời Gransolar BP | 50 | 110kV |
11 | Dự phòng phát triển thêm | 500 | 0,4-110kV |
12 | Giai đoạn 2031-2050 | 1.000 |
|
13 | Dự kiến phát triển thêm | 1.000 | 110kV |
II | Thủy điện |
| |
| Giai đoạn 2021-2030 | 32,9 |
|
1 | TĐ Phú Sơn | 12 | Đấu nối vào đường dây 100kV Đăk’R lấp - Bù Đăng |
2 | Thủy điện Bù Cà Mau 2 | 0,5 | 22kV |
3 | Dự án thuỷ điện Suối Lạnh | 2,4 | 22kV |
4 | Dự phòng phát triển thêm | 18 | 0,4kV-110kV |
| Giai đoạn 2031-2050 | 50 |
|
| Dự kiến phát triển thêm | 50 | 0,4kV-110kV |
III | Năng lượng mới (điện rác, điện sinh khối, điện nhiệt, đồng phát,...) | ||
| Giai đoạn 2021-2030 | 330 |
|
1 | Nhà máy điện rác Bình Phước | 20 | 110kV |
2 | Điện sinh khối DIVI Bình Phước | 10 | 110kV |
3 | Điện sinh khối Bình Phước | 100 | 110kV |
4 | Dự phòng phát triển thêm | 200 | 22kV-110kV |
| Giai đoạn 2031-2050 |
|
|
| Dự kiến phát triển thêm | 150 | 22kV-110kV |
Ghi chú:
Việc triển khai các dự án trong phụ lục này chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
B. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG DÂY
STT | Tên Công trình | Quy mô | |
Số mạch | Chiều dài (km) | ||
I | Đường dây 550KV |
|
|
1 | Ninh Sơn - Chơn Thành | 2 | 275 |
2 | Củ Chi - Rẽ Chơn Thành - Đức Hòa | 2 | 16 |
3 | Tây Ninh 1 - Rẽ Chơn Thành - Đức Hòa | 4 | 2 |
4 | Tây Ninh 2 - Rẽ Chơn Thành - Tây Ninh 1 | 4 | 30 |
5 | Bình Dương 1 - Chơn Thành | 2 | 17 |
6 | Đức Hòa - Chơn Thành | 2 | 104 |
7 | Dự phòng phát sinh đường dây 500 kV cải tạo và xây mới |
|
|
II | Đường dây 220kV |
|
|
1 | Nâng khả năng tải đường dây 220kV Bình Long - Chơn Thành | 2 | 32 |
2 | Phước Long - rẻ Bình Long -Đắk Nông | 2 | 5 |
3 | Bến Cát 2 - Rẻ Chơn Thành - Bến Cát | 2 | 20 |
4 | Lai Uyên - rẻ Chơn Thành - Bến Cát | 4 | 1 |
5 | Chơn Thành - Bến Cát | 2 | 28 |
6 | Đồng Xoài - Chơn Thành | 2 | 20 |
7 | Bình Long - Chơn Thành (mạch 3,4) | 2 | 32 |
8 | Nâng khả năng tải đường dây 220kV Chơn Thành - Mỹ Phước | 2 | 45 |
9 | Đông Bình Phước - Rẽ Bình Long - Điện phân nhôm (*) | 4 | 12 |
10 | Dự phòng phát sinh đường dây 220 kV cải tạo và xây mới |
|
|
III | Đường dây 110kV |
|
|
1 | Nhánh rẽ trạm 110kV XM Minh Tâm | 2 | 3.5 |
2 | Nhánh rẽ trạm 110kV XM An Phú | 2 | 10 |
3 | Nhánh rẽ trạm 110kV Sikico | 2 | 6 |
4 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Becamex 2 (thị xã Chơn Thành) | 2 | 0.5 |
5 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Becamex 3 (thị xã Chơn Thành) | 2 | 5 |
6 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Becamex 4 (huyện Chơn Thành) | 2 | 3 |
7 | Nhánh rẽ trạm 110kV KCN Bắc Đồng Phú | 2 | 3 |
8 | Nhánh rẽ trạm 110kV KCN Nam Đồng Phú | 2 | 3 |
9 | Nhánh rẽ trạm Minh Hưng 3 | 2 | 1.5 |
10 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Hoàng Diệu | 2 | 9 |
11 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Bom Bo | 2 | 4 |
12 | Nhánh rẽ trạm 110kV Đồng Xoài 2 | 2 | 0.3 |
13 | Trạm 110kV Nha Bích và nhánh rẽ đầu nối trạm 110KV Nha Bích TX Chơn Thành | 2 | 0.5 |
14 | Nhánh rẽ trạm 110kV Phú Riềng | 2 | 3.1 |
15 | Tuyến đường dây 110KV từ trạm 110kV Bù Đăng-Đức Liễu; Đức Liễu - trạm 220/110KV Phước Long | 2 | 50 |
16 | Nhánh rẽ trạm 110kV Bù Gia Mập | 2 | 2.5 |
17 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Tân Hưng | 2 | 7.8 |
18 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Lộc Ninh 2 | 2 | 9 |
19 | Nhánh rẽ trạm 110kV Hoa Lư | 2 | 14 |
20 | Nhánh rẽ trạm 110kV Hoa Lư 2 | 2 | 2 |
21 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Đa Kia | 2 | 2 |
22 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Thọ Sơn | 2 | 7 |
23 | Rẽ nhánh vào trạm 110KV Hớn Quản | 2 | 15 |
24 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Đồng Phú 2 | 2 | 10 |
25 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Đồng Phú 3 | 2 | 10 |
26 | Lộ ra 110KV từ trạm 220kV Chơn Thành (2 mạch) | 2 | 26 |
27 | Đồng Xoài - Phú Giáo (mạch 2) | 1 | 34 |
28 | Lộ ra 110kV từ trạm 220kV Chơn Thành ( trạm nối cấp trạm 500kV Chơn Thành) | 4 | 4 |
29 | Lộ ra 110kV từ trạm 220kV Phước Long (04 mạch) | 4 | 6 |
30 | Xây dựng mới đường dây mạch 2 từ trạm 220kV Bình Long 2 đến trạm 110kV Bình Long | 1 | 22 |
31 | ĐD 110kV từ trạm 220kV Chơn Thành- trạm 220kV Bến Cát | 2 | 30 |
32 | Xây dựng mới đường dây mạch kép Chơn Thành (220kV)- Chơn Thành 110kV | 1 | 15 |
33 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Đồng Xoài 2 | 2 | 10 |
34 | Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Phú Riềng 2 | 2 | 6 |
35 | phân pha đường dây Bình Long 2 - Minh Hưng - Dầu Tiếng | 1 | 83 |
36 | Phân pha đường dây Bình Long 2 - XM Bình Phước - Chơn Thành | 1 | 22 |
37 | Lộ ra 110kV trạm 220KV Đồng Xoài | 4 | 4 |
38 | KCN Bắc Đồng Phú - mở rộng | 2 | 2 |
39 | KCN Nam Đồng Phú - mở rộng | 2 | 2 |
40 | KCN Minh Hưng - Sikico - mở rộng | 2 | 2 |
41 | KCN & dân cư Đồng Phú (diện tích 6.317ha, trong đó KCN: 3300ha , ĐT-DV-DC 3.017ha) | 2 | 5 |
42 | KCN Bình Phước (Diện tích KCN 700ha, Dân cư 280ha) | 2 | 10 |
43 | KCN Nha Bích | 2 | 2 |
44 | KCN Tân Khai | 2 | 1 |
45 | KCN Minh Đức | 2 | 3 |
46 | KCN Đồng Nơ | 2 | 5 |
47 | KCN Phú Riềng | 2 | 3 |
48 | KCN Long Tân | 2 | 3 |
49 | KCN Long Hà | 2 | 5 |
50 | Khu kinh tế Hoa Lư 1 | 2 | 5 |
51 | Khu kinh tế Hoa Lư 2 | 2 | 5 |
52 | Phân pha dây dẫn đường dây Thác Mơ - Bình Long 2 từ 01xACSR185mm2 lên thành 02 x CSR185mm2 | 2 | 64 |
53 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Thác Mơ - Lộc Ninh từ 01xACSR185mm2 lên thành 02 x ACSR185mm2 | 2 | 58 |
54 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Bình Long - Xi Măng Tây Ninh từ 01xACSR185mm2 lên thành 02 x ACSR185mm2 | 2 | 10 |
55 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Bình Long 2 - Lộc Ninh từ 01xACSR185mm2 lên thành 02 x ACSR185mm2 | 2 | 10 |
56 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Cần Đơn - Bù Đốp - Lộc Ninh từ 01xACSR 185mm2 thành 02xACSR 185mm2 | 2 | 30 |
57 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Cần Đơn - Bình Long 2 từ 01xACSR 185mm2 thành 02xACSR 185mm2 | 2 | 42 |
58 | Phân pha dây dẫn đường dây 110kV Bình Long - Tây Ninh 2 từ 01xACSR 185mm2 thành 02xACSR 185mm2 | 2 | 66 |
59 | Nhánh rẽ đấu nối vào dự án điện mặt trời và thủy điện, điện sinh khối, điện sử dụng chất thải rắn | 2 | 150 |
60 | Dự phòng cho đấu nối phục vụ cho tăng trưởng nguồn và phụ tải tăng thêm trong giai đoạn 2021 đến năm 2030 | 2 | 50 |
Ghi chú:
- Số lượng, quy mô, vị trí tuyến đường dây 500kV, 220kV, 110kV trên địa bàn tỉnh Bình Phước căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Khối lượng, tiết diện dây dẫn, phương án đấu nối cụ thể sẽ thực hiện trong phương án đề xuất chủ trương đầu tư hoặc trong báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án) để vừa đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, vừa đảm bảo đủ công suất phục vụ phụ tải, vừa giải toả hết công suất nguồn điện.
C. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN TRẠM BIẾN ÁP
STT | Tên Công trình | Quy mô Số máy | Ghi chú MVA |
I | Trạm 550kV |
|
|
1 | Trạm 500 KV Chơn thành |
| 1800 |
2 | Dự phòng phát sinh TBA 500 kV xây mới, cải tạo nâng công suất |
| 900 |
II | Trạm 220kV |
|
|
1 | Chơn Thành 500kV nối cấp |
| 500 |
2 | Đông Bình Phước (*) |
| 500 |
3 | Phước Long |
| 500 |
4 | Đồng Xoài |
| 250 |
5 | Dự phòng phát sinh TBA 220 kV xây mới, cải tạo nâng công suất |
| 500 |
III | Trạm 110kV |
|
|
1 | Xi măng Minh Tâm | 2x25+40 |
|
2 | Xi măng An Phú | 1 | 40 |
3 | Sikico + Sikico mở rộng 1000ha KCN | 4 | 63 |
4 | Becamex | 1 | 63 |
5 | Becamex 2 | 2 | 63 |
6 | Becamex 3 | 2 | 63 |
7 | Becamex 4 | 2 | 63 |
8 | KCN Bắc Đồng Phú và mở rộng | 2 | 63 |
9 | KCN Nam Đồng Phú và mở rộng | 2 | 63 |
10 | Minh Hưng 3 | 2 | 63 |
11 | Hoàng Diệu | 1 | 63 |
12 | Bom Bo | 1 | 63 |
13 | Đồng Xoài 2 | 1 | 63 |
14 | Nha Bích | 1 | 63 |
15 | Phú Riềng | 1 | 40 |
16 | Phú Riềng 2 | 1 | 63 |
17 | Đức Liễu | 1 | 63 |
18 | Bù Gia Mập | 1 | 40 |
19 | Tân Hưng ( Hớn quản) | 1 | 40 |
20 | Hoa Lư | 1 | 40 |
21 | Hoa Lưu 2 | 1 | 63 |
22 | Lộc Ninh 2 | 2 | 63 |
23 | Đa Kia | 1 | 63 |
24 | Thọ Sơn | 1 | 63 |
25 | Hớn Quản | 1 | 63 |
26 | Đồng Phú 2 | 1 | 63 |
27 | Đồng Phú 3 | 1 | 63 |
28 | Nâng công suất MBA TBA 110kV Đồng Xoài | 2 | 63 |
29 | Nâng công suất MBA TBA 110kV Chơn Thành | 2 | 63 |
| KCN & dân cư Đồng Phú (diện tích 6.317 ha), trong đó KCN : 3300 ha , ĐT-DV-DC 3.017 ha |
|
|
30 | +KCN Đồng Phú | 7 | 63 |
31 | +Khu ĐT-DV-DC | 2 | 63 |
| KCN Bình Phước (Diện tích KCN 700ha, Dân cư 280ha) |
|
|
32 | +Diện tích KCN 700ha | 1 | 63 |
33 | +Dân cư 280ha | 1 | 63 |
34 | KCN Nha Bích | 1 | 63 |
35 | KCN Tân Khai | 1 | 63 |
36 | KCN Minh Đức | 1 | 63 |
37 | KCN Đồng Nơ | 1 | 63 |
38 | KCN Phú Riềng | 1 | 63 |
39 | KCN Long Tân | 1 | 63 |
40 | KCN Long Hà | 1 | 63 |
41 | Khu kinh tế Hoa Lư 1 | 2 | 63 |
42 | Khu kinh tế Hoa Lư 2 | 2 | 63 |
43 | Bình Long | 2 | 63 |
44 | Bù Đăng | 2 | 63 |
45 | Lộc Ninh | 2 | 63 |
46 | Phước Long | 2 | 63 |
47 | Bù Đốp | 1 | 63 |
48 | Đồng Phú | 1 | 63 |
49 | Phú Riềng | 2 | 63 |
50 | Công suất dự phòng cho tăng trưởng nguồn và phụ tải tăng thêm trong giai đoạn 2021 đến năm 2030 | 5 | 63 |
Ghi chú:
Việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THỦY LỢI
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên công trình | Địa điểm xây dựng | Nhiệm vụ công trình | |
Tưới | Cấp nước | |||
(ha) | (m3/ng.đ) | |||
A | Giai đoạn 2021-2025 (I +II) | |||
I | Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn vay ADB | |||
1 | Hồ Tà Mai | Xã Lộc Khánh, Lộc Ninh | 120 | 480 |
2 | Hồ thị trấn Lộc Ninh | Thị trấn Lộc Ninh | 70 | 720 |
3 | Tăng cường khả năng thoát lũ Suối Rạt | TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú |
|
|
4 | Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Phước | Các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành |
|
|
II | Vốn ngân sách Tỉnh (Dự án trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 14/NQ-HĐND ngày 13/7/2020) | |||
1 | Xây dựng đập làm hồ nước cung cấp cho Trung tâm hành chính huyện và đấu nối tuyến đường ĐT 760 chạy qua trung tâm hành chính | Xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập | 350 | 500 hộ dân |
2 | Hồ Suối Cam 3 | Tiến Thành, Tân Thành, TP Đồng Xoài |
| 6.000 |
3 | Đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, khai thông ngập úng cánh đồng Sơn Long (từ khu vực hồ Đăk Tôn P Sơn Giang đến thôn An Lương xã Long Giang) | Thị xã Phước Long |
| Tiêu: 80ha |
4 | Hệ thống kênh nội đồng xã An Khương | xã An Khương, Hớn Quản | 260 |
|
5 | Xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng Đăng Hà | xã Đăng hà, huyện Bù Đăng | 500 |
|
6 | Cải tạo suối chống hạn (đoạn từ chân đập nước Lộc Tấn đến cầu Lâm Trường) | Thị trấn Lộc Ninh, Lộc thái |
|
|
7 | Xây dựng hồ chứa nước Bình Hà 2 | xã Đa Kia |
|
|
8 | Xây dựng hệ thống kênh dẫn 6km sử dụng nước sau thủy điện Cần đơn tưới cho cánh đồng Sóc Nê xã Tân Tiến | xã Tân Tiến, Bù Đốp |
| 166 |
B | Giai đoạn 2026-2030 |
|
|
|
1 | Hồ số 3 | Xã Thanh Luong, thị xã Bình Long | 150 |
|
2 | Hồ Đức Thịnh | Xã Minh Đức, huyện Hớn Quản | 150 | 5.000 |
3 | Hồ Đar Ma | Xã Đường 10, huyện Bù Đăng | 200 | 2.000 |
4 | Hồ cửa khẩu Hoàng Diệu | Xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp |
| 10.100 |
5 | Hồ Suối Cam 4 | Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài |
| 10.000 |
6 | Hồ Suối Cam 5 | Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài |
| 10.000 |
STT | Tên công trình | Địa điểm xây dựng | Nhiệm vụ dự kiến | |
Tưới (ha) | Cấp nước (m3/ngày/ đêm) | |||
1 | Hồ NT2-Đội 7 | Xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập | 100 |
|
2 | Hồ Suối Giai | Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú | 500 | 20.000 |
3 | Ông Thoại | Xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng | 100 | 3.840 |
4 | Suối Láp | Xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản | 90 |
|
5 | Bình Hà 1 | Xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập | 100 |
|
6 | Đập dâng K2 | Xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp | 40 |
|
7 | Tân Đông | Xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp | 80 |
|
8 | Đập dâng Tôn Lê Chàm | Xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh | 220 |
|
9 | Hồ Suối Ông | Thị trấn Tân Khai | 30 |
|
10 | Hồ Bàu Thôn | Xã Long Hưng | 60 |
|
11 | Hồ NT 10 | Xã Phú Riềng | 70 |
|
12 | Hồ NT9 | Xã Long Tân | 100 | 6.000 |
13 | Hồ Rừng Cấm | Xã Lộc Tấn | 100 | 3.000 |
14 | Hồ Lộc Quang | Xã Lộc Quang | 550 |
|
15 | Hồ Hưng Phú | Xã Minh Hưng | 100 | 2.000 |
16 | Hồ Thọ Sơn | Xã Thọ Sơn | 120 | 1.152 |
17 | Hồ Bù Rên | Xã Bù Gia Mập |
| 200 |
TỔNG CỘNG | 2.360 | 36.192 |
Ghi chú:
Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CẤP NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên công trình | Nguồn nước | Địa điểm xây dựng | Công suất thiết kế | Công suất cấp nước | Khu vực cấp nước | ||
2025 | 2030 | 2025 | 2030 |
| ||||
1 | NMN Phước Long | Hồ Thác Mơ, thị xã Phước Long | Phường Thác Mơ, Thị xã Phước Long | 33.100 | 61.500 | 14.000 | 17.600 | Thị xã Phước Long |
8.300 | 11.600 | Huyện Bù Gia Mập | ||||||
10.800 | 32.300 | Huyện Phú Riềng | ||||||
2 | NMN Đồng Xoài | Hồ Đồng Xoài, huyện Đồng Phú | Xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú | 30.000 | 30.000 | 20.000 | 20.000 | Thành phố Đồng Xoài |
5.000 | 5.000 | Huyện Phú Riềng | ||||||
5.000 | 5.000 | Huyện Đồng Phú | ||||||
3 | NMN Hồ Sa Cát | Hồ Sa Cát, thị xã Bình Long | Phường Hưng Chiến, Thị xã Bình Long | 4.200 | 4.200 | 4.200 | 4.200 | Thị xã Bình Long |
4 | NMN Phú Riềng | Hồ chế biến và hồ Đồng Xoài | Xã Phú Riềng, Huyện Phú Riềng | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | Huyện Phú Riềng |
5 | NMN hồ Rừng Cấm | Hồ Rừng Cấm, huyện Lộc Ninh | Thị Trấn Lộc Ninh, Huyện Lộc Ninh | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | Huyện Lộc Ninh |
6 | NMN DPD | Hồ Bà Mụ, huyện Đồng Phú | Thị trấn Tân Phú, Huyện Đồng Phú | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | Huyện Đồng Phú |
7 | NMN Đức Phong | Hồ Bù Môn, huyện Bù Đăng | Thị trấn Đức Phong, Huyện Bù Đăng | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | Huyện Bù Đăng |
8 | NMN Chơn Thành | Kênh Phước Hòa | Xã Thành Tâm, TX Chơn Thành | 180.000 | 180.000 | 90.000 | 120.000 | Chơn Thành - Hớn Quản |
9 | NMN Nam Đồng Phú | Hồ Suối Giai - huyện Đồng Phú | Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | Huyện Đồng Phú |
10 | NMN Nha Bích | Sông Bé, đoạn gần cầu Nha Bích, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài | Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài | 60.000 | 180.000 | 16.000 | 23.800 | Thành phố Đồng Xoài |
15.600 | 33.100 | Huyện Đồng Phú | ||||||
10.000 | 20.000 | TX Chơn Thành | ||||||
11 | NMN hồ Suối Giai | Hồ Suối Giai | Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | Huyện Đồng Phú |
12 | NMN hồ Tân Hòa | Hồ Tân Hòa | Xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú | 5.000 | 15.000 | 5.000 | 15.000 | Huyện Đồng Phú |
13 | NMN Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư | Hồ Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh | Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh | 20.500 | 46.300 | 20.500 | 46.300 | Huyện Lộc Ninh |
|
| Sông Bé, đoạn qua xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh. |
|
|
|
|
|
|
14 | NMN Tân Hiệp | Hồ Dầu Tiếng | Xã Tân Hiệp - huyện Hớn Quản | 90.400 | 121.700 | 13.000 | 18.000 | Thị xã Bình Long |
31.400 | 57.700 | Huyện Hớn Quản | ||||||
46.000 | 46.000 | TX Chơn Thành | ||||||
15 | NMN Phú Văn | Hồ Thác Mơ | Xã Phú Văn - huyện Bù Gia Mập | 5.000 | 8.000 | 5.000 | 8.000 | Huyện Bù Gia Mập |
16 | NMN Hồ Cần Đơn | Hồ Cần Đơn | Xã Thanh Bình - huyện Bù Đốp | 9.200 | 15.600 | 9.200 | 15.600 | Huyện Bù Đốp |
17 | NMN Hồ Ông Thoại | Hồ Ông Thoại - huyện Bù Đăng | Xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng | 3.800 | 3.800 | 3.800 | 3.800 | Huyện Bù Đăng |
18 | NMN Hồ Hưng Phú | Hồ Hưng Phú - huyện Bù Đăng | Xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | Huyện Bù Đăng |
19 | NMN Minh Hưng | Hồ Thác Mơ - xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng | Hồ Thác Mơ - xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng | 13.200 | 22.800 | 13.200 | 22.800 | Huyện Bù Đăng |
|
|
| TỔNG CỘNG | 473.400 | 707.900 | 365.000 | 544.800 |
|
Ghi chú:
Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG Y TẾ
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Huyện, thị xã, thành phố | Quỹ đất đến năm 2030 (ha) | Quy mô giường bệnh (giường) | ||
2020 | 2025 | 2030 | |||
1 | Thị xã Phước Long | 6 | 240 | 350 | 400 |
2 | Thành phố Đồng Xoài | 39 | 1.158 | 1.208 | 1.258 |
3 | Thị xã Bình Long | 6 | 360 | 410 | 460 |
4 | Huyện Bù Gia Mập | 741 | 90 | 140 | 190 |
5 | Huyện Lộc Ninh | 11 | 290 | 340 | 390 |
6 | Huyện Bù Đốp | 12 | 125 | 175 | 225 |
7 | Huyện Hớn Quản | 10 | 120 | 170 | 220 |
8 | Huyện Đồng Phú | 9 | 175 | 225 | 275 |
9 | Huyện Bù Đăng | 41 | 230 | 280 | 330 |
10 | Thị xã Chơn Thành | 91 | 155 | 300 | 355 |
11 | Huyện Phú Riềng | 8 | 210 | 260 | 310 |
| Tổng | 974 | 3.153 | 3.850 | 4.450 |
Ghi chú:
Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên công trình | Vị trí dự án dự kiến | Cấp quy mô dự kiến |
A | Giai đoạn 2021-2025 |
|
|
I | Trung tâm thương mại |
|
|
1 | Trung tâm thương mại Chơn Thành | Phường Hưng Long, Thị xã Chơn Thành | Hạng 1 |
2 | Trung tâm thương mại Bình Long | Phường Hưng Chiến, Thị xã Bình Long | Hạng 2 |
3 | Trung tâm thương mại Phước Long | Phường Phước Bình, Thị xã Phước Long | Hạng 2 |
4 | Trung tâm thương mại Phú Riềng | Xã Bù Nho, Huyện Phú Riềng | Hạng 3 |
5 | Trung tâm thương mại Đồng Phú | Thị trấn Tân Phú, Huyện Đồng Phú | Hạng 2 |
6 | Trung tâm thương mại Đồng Xoài | Phường Tân Phú , thành phố Đồng Xoài | Hạng 2 |
II | Siêu thị |
|
|
1 | Siêu thị thị xã Chơn Thành | Phường Hưng Long, Thị xã Chơn Thành | Hạng 1 |
2 | Siêu thị thị xã Bình Long | Phường Phú Đức, Thị xã Bình Long | Hạng 2 |
3 | Siêu thị thị xã Phước Long | Phường Phước Bình, Thị xã Phước Long | Hạng 2 |
4 | Siêu thị thành phố Đồng Xoài | Phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài | Hạng 2 |
III | Chợ đầu mối |
|
|
| Chợ đầu mối nông sản Bình Phước | Xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài | Liên vùng |
IV | Trung tâm Dịch vụ Logistics |
|
|
1 | Trung tâm DV Logistics huyện Lộc Ninh | Khu Kinh tế Cửa khẩu, xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh | Cấp khu vực |
2 | Trung tâm DV Logistics thị xã Chơn Thành | Phường Minh Hưng, Thị xã Chơn Thành | Liên vùng |
3 | Trung tâm DV Logistics thành phố Đồng Xoài | Xã Tiến Hưng thành phố Đồng Xoài | Liên vùng |
V | Kho hàng hoá thương mại |
|
|
1 | Kho hàng hoá thương mại thị xã Chơn Thành | Thị xã Chơn Thành | Liên vùng |
2 | Kho hàng hoá thương mại thành phố Đồng Xoài | Thành phố Đồng Xoài | Liên vùng |
3 | Kho hàng hoá thương mại huyện Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | Liên vùng |
VI | Hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu |
|
|
| Phát triển 20 Cửa hàng xăng dầu | Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố |
|
VII | Các chợ trên địa bàn (25 chợ) | Các huyện, thị xã, thành phố |
|
B | Giai đoạn 2026-2030 | ||
I | Trung tâm thương mại |
|
|
1 | Trung tâm thương mại Phước Long | Phường Long Phước, Thị xã Phước Long | Hạng 1 |
2 | Trung tâm thương mại Đồng Xoài | Xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài | Hạng 1 |
3 | Trung tâm thương mại Hớn Quản | Thị trấn Tân Khai, Huyện Hớn Quản | Hạng 2 |
4 | Trung tâm thương mại Lộc Ninh | Thị trấn Lộc Ninh, Huyện Lộc Ninh | Hạng 2 |
5 | Trung tâm thương mại Bù Đăng | Thị trấn Đức Phong, Huyện Bù Đăng | Hạng 2 |
6 | Trung tâm thương mại Bù Đăng | Xã Nghĩa Trung, Huyện Bù Đăng | Hạng 2 |
7 | Trung tâm thương mại Bù Gia Mập | Xã Đa Kia, H. Bù Gia Mập | Hạng 3 |
II | Siêu thị |
|
|
1 | Siêu thị thị xã Chơn Thành | Phường Minh Hưng, Thị xã Chơn Thành | Hạng 1 |
2 | Siêu thị thị xã Bình Long | Phường Hưng Chiến, Thị xã Bình Long | Hạng 1 |
3 | Siêu thị thị xã Phước Long | Phường Thác Mơ, Thị xã Phước Long | Hạng 2 |
4 | Siêu thị thành phố Đồng Xoài | Phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài | Hạng 1 |
5 | Siêu thị huyện Phú Riềng | Xã Bù Nho, Huyện Phú Riềng | Hạng 2 |
6 | Siêu thị huyện Đồng Phú | Xã Tân Hòa, Huyện Đồng Phú | Hạng 2 |
7 | Siêu thị huyện Hớn Quản | Thị trấn Tân Khai Huyện Hớn Quản | Hạng 3 |
8 | Siêu thị huyện Lộc Ninh | Thị trấn Lộc Ninh, Huyện Lộc Ninh | Hạng 3 |
9 | Siêu thị huyện Bù Đăng | Thị trấn Đức Phong, Huyện Bù Đăng | Hạng 3 |
B | Giai đoạn 2026-2030 | ||
10 | Siêu thị huyện Bù Đốp | Thị trấn Thanh Bình, Huyện Bù Đốp | Hạng 3 |
11 | Siêu thị huyện Bù Gia Mập | Xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập | Hạng 3 |
III | Chợ đầu mối |
|
|
| Chợ đầu mối Chơn Thành | Phường Hưng Long, Thị xã Chơn Thành | Liên vùng |
IV | Trung tâm Dịch vụ Logistics |
|
|
1 | Trung tâm DV Logistics thị xã Chơn Thành | Phường Minh Hưng, Thị xã Chơn Thành | Cấp khu vực |
2 | Trung tâm DV Logistics huyện Đồng Phú | Xã Tân Hòa, Huyện Đồng Phú | Cấp khu vực |
V | Kho hàng hoá thương mại |
|
|
1 | Kho hàng hoá thương mại huyện Hớn Quản | Huyện Hớn Quản | Liên vùng |
2 | Kho hàng hoá thương mại thị xã Bình Long | Thị xã Bình Long | Liên vùng |
3 | Kho hàng hoá thương mại huyện Lộc Ninh | Huyện Lộc Ninh | Liên vùng |
4 | Kho hàng hoá thương mại thị xã Phước Long | Thị xã Phước Long | Liên vùng |
5 | Kho hàng hoá thương mại huyện Phú Riềng | Huyện Phú Riềng | Liên vùng |
VI | Trung tâm hội chợ triển lãm |
|
|
| Trung tâm hội chợ triển lãm thành phố Đồng Xoài | Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài | Cấp khu vực |
VII | Hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu |
|
|
1 | Kho xăng dầu huyện Lộc Nình | Xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh | Cấp khu vực |
2 | Kho xăng dầu huyện Đồng Phú | Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú | Cấp khu vực |
3 | Phát triển 26 Cửa hàng xăng dầu | Trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố |
|
VIII | Các chợ trên địa bàn (22 chợ) | Các huyện, thị xã, thành phố |
|
Ghi chú:
Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
Đơn vị: ha
STT | Chỉ tiêu sử dụng đất | Mã | Chỉ tiêu được phân bổ theo QĐ số 326/QĐ-TTg | Chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu của tỉnh đến năm 2030 |
1 | Đất nông nghiệp | NNP | 595.170 | 595.170 |
| Trong đó: |
|
|
|
1.1 | Đất trồng lúa | LUA | 5.493 | 5.493 |
| Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước | LUC | 521 | 521 |
1.2 | Đất rừng phòng hộ | RPH | 43.090 | 43.090 |
1.3 | Đất rừng đặc dụng | RDD | 31.348 | 31.348 |
1.4 | Đất rừng sản xuất | RSX | 73.019 | 73.019 |
| Trong đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên | RSN | 10.682 | 10.682 |
2 | Đất phi nông nghiệp | PNN | 92.113 | 92.113 |
| Trong đó: |
|
|
|
2.1 | Đất quốc phòng | CQP | 3.627 | 3.627 |
2.2 | Đất an ninh | CAN | 1.204 | 1.314 |
2.3 | Đất khu công nghiệp | SKK | 7.584 | 7.584 |
2.4 | Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh | DHT | 49.631 | 50.250 |
| Trong đó: |
|
|
|
- | Đất giao thông | DGT | 17.115 | 17.115 |
- | Đất xây dựng cơ sở văn hóa | DVH | 281 | 281 |
- | Đất xây dựng cơ sở y tế | DYT | 974 | 974 |
- | Đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo | DGD | 1.144 | 1.144 |
- | Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao | DTT | 444 | 444 |
- | Đất công trình năng lượng | DNL | 23.121 | 23.121 |
- | Đất công trình bưu chính viễn thông | DBV | 26 | 26 |
2.5 | Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia | DKG | 3 | 3 |
2.6 | Đất có di tích lịch sử văn hóa | DDT | 320 | 320 |
2.7 | Đất bãi thải, xử lý chất thải | DRA | 296 | 296 |
3 | Đất chưa sử dụng | CSD | 73 | 73 |
4 | Đất khu kinh tế | KKT | 28.364 | 25.864 |
5 | Đất khu công nghệ cao | KCN | 0 | 0 |
6 | Đất đô thị | KDT | 58.392 | 58.392 |
Ghi chú:
- Khu chức năng không tổng hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.
PHƯƠNG ÁN THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Loại khoáng sản | Số lượng mỏ | Ghi chú |
1 | Bô xít | 3 |
|
2 | Sét gạch ngói | 12 |
|
3 | Đất san lấp | 20 |
|
4 | Cát xây dựng | 2 |
|
5 | Đá xây dựng | 61 |
|
| Tổng | 98 |
|
Ghi chú:
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ quy hoạch cấp cao hơn, phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan để rà soát, xác định và điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng các điểm mỏ (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh và các quy định hiện hành. Các khu vực bãi thải của mỏ có quyết định đóng cửa mỏ và các khu vực khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thì quy mô diện tích, công suất, giai đoạn theo dự án đầu tư, đề án thăm dò được lập và phê duyệt. Đối với một số khu vực mỏ, khoáng sản dự kiến khai thác sau năm 2030, trường hợp đủ điều kiện và huy động được nguồn lực đầu tư thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho phép triển khai sớm hơn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên dự án | Địa điểm dự kiến | Tính chất dự án | Ghi chú |
A | DỰ ÁN ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH Ở QUY HOẠCH CẤP QUỐC GIA (thực hiện trong giai đoạn 2021-2025) | |||
1 | Cao tốc Bắc - Nam Phía Tây (CT2) đoạn Chơn Thành - Gia Nghĩa |
| Kết nối Bình Phước (Chơn Thành) - Đắk Nông (Gia Nghĩa) |
|
2 | Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn 7km qua TX. Chơn Thành |
| Kết nối Bình Phước với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam |
|
B | CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN | |||
I | Giao thông |
|
|
|
1 | Đường giao thông phía Tây QL13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư |
| Kết nối Chơn Thành - Hoa Lư |
|
2 | Mở rộng QL13 từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư |
| Kết nối giao thông Bình phước với Campuchia |
|
3 | Đường kết nối các KCN phía Tây Nam thành phố Đồng Xoài |
| Kết nối các KCN phía Tây Nam với thành phố Đồng Xoài |
|
4 | Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới (đường Minh Lập - Lập Hiệp) |
| Kết nối tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào |
|
5 | Nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành |
| Kết nối hai đô thị trung tâm của vùng phía Nam |
|
6 | Đường từ ngã ba Đồng Tâm huyện Lộc Ninh đi TX Phước Long |
| Kết nối huyện Lộc Ninh với TX Phước Long |
|
7 | Dự án ĐT 752 kéo dài và Long Tân - Tân Hưng |
| Kết nối Bình Phước - Tây Ninh. Thuộc trục phát triển Đông - Tây |
|
8 | Xây dựng tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương |
| Kết nối Bình Phước - Bình Dương Thuộc trục phát triển Đông - Nam |
|
9 | Xây dựng tuyến đường Chơn Thành - Đồng Phú |
| Kết nối Chơn Thành - Đồng Phú - Nghĩa Bình (Bù Đăng) - QL14). Kết nối KCN Chơn Thành - KCN Nam Đồng Phú Thuộc trục phát triển Đông - Tây |
|
10 | Xây dựng đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng |
| Kết nối Bình Phước - Bình Dương. Kết nối KCN Bắc Đồng Phú - Khu liên hiệp CN Đô thị và Dịch vụ Đồng Phú |
|
11 | Xây dựng tuyến đường Minh Lập - Phú Riềng |
| Kết nối từ Bù Nho Phú Riềng đi cao tốc CT2 Thuộc trục phát triển Bắc - Nam |
|
12 | Xây dựng tuyến đường phù hợp kết nối với sân bay quốc tế Long Thành Đồng Nai và cảng Cái Mép, Thị Vải Bà Rịa Vũng Tàu. |
| Kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải Bà Rịa Vũng Tàu |
|
13 | Xây dựng Đường kết nối ngang QL14 với tuyến ĐT755 nối ĐT753 |
|
|
|
14 | Xây dựng đường kết nối ngang QL13 và tuyến Tây QL13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư |
|
|
|
15 | Xây dựng các đường kết nối QL14 với các hồ bậc thang Suối Cam |
|
|
|
16 | Mở rộng ĐT.758 từ Bình Long đến Thuận Phú và đoạn kết nối QL14 |
|
|
|
17 | Xây dựng đường vành đai Suối Cam 1-2 kết nối QL14 |
|
|
|
18 | Đường từ QL14 xã Minh Thắng đi sân bay Technic) |
|
|
|
19 | Xây dựng đường phía tây nam huyện Đồng Phú (từ ĐT 741 vào đường Đồng Phú - Bình Dương) |
| Nhóm các tuyến giao thông ưu tiên của huyện Đồng Phú kết nối ĐT 741 vào đường Đồng Phú - Bình Dương |
|
20 | Xây dựng đường tránh phía đông QL13, đoạn qua thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh |
|
|
|
21 | Đường Đồng Tiến - Tân Phú, huyện Đồng Phú |
|
|
|
22 | Xây dựng đường kết nối Hớn Quản ra QL,14 (Nha Bích, TX Chơn Thành) |
|
|
|
23 | Xây dựng đường vành đai Suối Cam 1-2 kết nối QL14 (Giai đoạn 1: Đường Hồ Xuân Hương) |
|
|
|
24 | Xây dựng đường cặp theo đường dây 500kV đoạn Đồng Xoài - Đồng Phú |
|
|
|
25 | ĐT.757 kéo dài |
| Kết nối Bù Nho - ĐT 759 Thuộc trục phát triển Đông - Tây |
|
26 | ĐT. Tân Khai - Quốc lộ 14 |
| Kết nối KCN phía Tây, Tân Khai đi QL14, Đồng Xoài |
|
27 | Nâng cấp mở rộng ĐT.753B đoạn Lam Sơn - Đăng Hà |
|
|
|
28 | Nâng cấp, mở rộng đường ĐT 741 kết nối thị xã Phước long với huyện Bù Gia Mập (đoạn từ dốc Cùi Chỏ qua TTHC huyện Bù Gia Mập tới giáp QL14C) |
|
|
|
29 | Nâng cấp mở rộng đường ĐT 759B đoạn từ xã Phước Thiện đi cửa khẩu Hoàng Diệu |
|
|
|
30 | Đường Đồng Xoài - Tân Lập (vành đai phía Tây hồ Suối Giai) |
| Kết nối thành phố Đồng Xoài với huyện Đồng Phú |
|
31 | Xây dựng tuyến kết nối ĐT.753B với đường Đồng Phú - Bình Dương (Lam Sơn - Tân Phước) |
|
|
|
32 | Xây dựng đường kết nối Đồng Xoài - Hớn Quản |
|
|
|
33 | Xây dựng đường Đồng Hưu - Bàu Nàm, TX Chơn Thành |
| Kết nối các tuyến đường Minh Thành - Bàu Nàm |
|
34 | Xây dựng đường nối Đường vòng quanh Hồ Phước Hòa với khu công nghiệp Đồng Xoài I |
|
|
|
35 | Xây dựng đường nối Đồng Tiến - Tân Phú nối dài đến Tân Lập |
|
|
|
36 | Xây dựng đường kết nối các KCN khu vực TX Chơn Thành |
|
|
|
37 | Đường từ QL14 xã Minh Thắng đi sân bay Hớn Quản |
| Kết nối QL14 với sân bay chuyên dùng Hớn Quản |
|
38 | Xây dựng Đường vành đai thị trấn Chơn Thành kết nối KCN Becamex |
|
|
|
39 | Xây dựng Đường Nguyễn Văn Linh nối dài (từ QL14 nối với quy hoạch dự án Becamex - Bình Phước) |
|
|
|
40 | Xây dựng đường từ Trung tâm hành chính TX Chơn Thành đi xã Quang Minh kết nối KCN Becamex |
|
|
|
41 | Xây dựng các tuyến đường ngang kết nối tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư (phía Tây QL13) |
|
|
|
42 | Nâng cấp, mở rộng đường trục chính vào cụm công nghiệp và khu nông nghiệp công nghệ cao Nha Bích |
|
|
|
43 | Xây dựng tuyến đường từ khu quy hoạch trung tâm hành chính xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú kết nối với khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú |
|
|
|
44 | Xây dựng đường trục chính từ ĐT.741 vào khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú |
|
|
|
45 | Xây dựng đường từ ĐT.741 vào khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng |
|
|
|
46 | Nâng cấp mở rộng đường Phú Riềng Đỏ từ TTHC huyện đi Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú |
|
|
|
47 | Nâng cấp mở rộng đường ĐT 759B đoạn từ xã Phước Thiện đi cửa khẩu Hoàng Diệu |
|
|
|
48 | Nâng cấp mở rộng đường từ cầu bắc qua Sông Bé (kết nối TX Phước Long và huyện Bù Gia Mập đến QL14C) |
|
|
|
49 | Nâng cấp, mở rộng đường từ khu công nghiệp Việt Kiều kết nối với khu với khu công nghiệp Minh Hưng Sikico huyện Hớn Quản |
|
|
|
50 | Xây dựng đường vào Khu công nghiệp Long Tân Xây dựng đường kết nối 2 Khu công nghiệp Long Tân - Long Hà |
|
|
|
51 | Xây dựng 02 cảng cạn | KKTCK Hoa Lư, Đồng Phú | Phát triển dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu |
|
II | Các dự án hạ tầng KKT, KCN, CCN, khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
|
|
|
1 | Xây dựng hoàn thiện hạ tầng KCN Chơn Thành II | TX Chơn Thành |
|
|
2 | Các dự án hoàn thiện hệ thống thoát nước, nước thải các KCN | Các KCN |
|
|
3 | Xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư | KKTCK Hoa Lư |
|
|
4 | Hỗ trợ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp | Các CCN |
|
|
5 | Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN dự kiến thành lập mới (KCN Công nghệ cao (TX Chơn Thành), KCN Nha Bích (TX Chơn Thành), KCN Tân Khai (huyện Hớn Quản), KCN Minh Đức (huyện Hớn Quản), KCN Đồng Nơ (huyện Hớn Quản)) | TX Chơn Thành, huyện Hớn Quản, |
|
|
6 | Xây dựng hạ tầng các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành lập mới |
|
|
|
7 | Xây dựng các khu công nghiệp phía Nam huyện Đồng Phú | Huyện Đồng Phú | Sản xuất công nghiệp |
|
8 | Mở rộng khu công nghiệp Bắc Đồng Phú GĐ 2 | Huyện Đồng Phú | Sản xuất công nghiệp |
|
9 | Mở rộng khu công nghiệp Nam Đồng Phú GĐ2 | Huyện Đồng Phú | Sản xuất công nghiệp |
|
10 | Mở rộng khu công nghiệp Minh Hưng 3 GĐ 2 | TX Chơn Thành | Sản xuất công nghiệp |
|
III | Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp |
|
|
|
1 | Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn tỉnh |
| Giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghệ cao |
|
2 | Dự án phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lich sinh thái trên địa bàn một số huyện, thị |
| Phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lich sinh thái |
|
IV | Các dự án công nghệ cao |
|
|
|
1 | Trung tâm giáo dục, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp |
| Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới |
|
2 | Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước |
| Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
|
V | Các dự án năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn |
|
|
|
1 | Các nhà máy điện năng lượng mặt trời huyện Lộc Ninh |
| Phát triển năng lượng tái tạo |
|
2 | Các nhà máy điện năng lượng mặt trời huyện Hớn Quản |
| Phát triển năng lượng tái tạo |
|
3 | Nhà máy điện sinh khối Bình Phước |
| Phát triển năng lượng tái tạo |
|
4 | 05 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt |
| Xử lý chất thải |
|
VI | Các dự án hạ tầng xã hội, du lịch và an ninh quốc phòng |
|
|
|
1 | Đầu tư trang thiết bị y tế khám chữa bệnh và phẫu thuật từ xa |
|
|
|
2 | Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy |
|
|
|
3 | Xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội |
|
|
|
4 | Đầu tư xây dựng các trường THPT, THCS |
|
|
|
5 | Xây dựng khu phức hợp giáo dục và trung tâm đổi mới sáng tạo 200 ha |
|
|
|
6 | Đầu tư thiết bị phần mềm, cơ sở dữ liệu, xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh |
|
|
|
7 | Các dự án trọng điểm về du lịch |
|
|
|
8 | Các dự án quốc phòng an ninh |
|
|
|
9 | Trường phổ thông liên cấp chất lượng cao (từ Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông) |
| Phục vụ nhu cầu học tập của người dân |
|
10 | Trường đại học hoặc Phân hiệu đại học |
| Phục vụ nhu cầu học tập của người dân |
|
11 | Trường đào tạo nghề trình độ trung cấp và cao đẳng |
| Đào tạo nghề cho lao động |
|
12 | Bệnh viện đa khoa tư nhân huyện Lộc Ninh |
| Phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh |
|
13 | Bệnh viện đa khoa tư nhân thị xã Bình Long |
| Phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh |
|
14 | Bệnh viện đa khoa tư nhân thị xã Phước Long |
| Phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh |
|
15 | Bệnh viện đa khoa tư nhân thành phố Đồng Xoài |
| Phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh |
|
VII | Phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ - cao su, chế biến trái cây |
|
|
|
1 | Dự án chuỗi liên kết sản xuất điều theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn HACPP |
| Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường |
|
2 | Nhà máy sản xuất dầu từ vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu |
| Dầu từ vỏ cứng, vỏ lụa, phụ phẩm từ hạt điều: 20.000 tấn/năm |
|
3 | Nhà máy sản xuất Snack hạt điều nhân và các loại hạt khác |
| Chế biến hạt điều nhân và các loại hạt khác ăn liền: 2.000 tấn/năm |
|
4 | 02 Cụm công nghiệp chế biến chuyên ngành điều |
| Cụm công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm hạt điều |
|
5 | Nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, gia dụng, đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu |
| Sản phẩm đồ gỗ |
|
6 | Nhà máy chế biến các sản phẩm từ mủ cao su |
| Sản phẩm từ mủ cao su |
|
7 | 02 Cụm công nghiệp chế biến chuyên ngành gỗ |
| Cụm công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm từ gỗ; đồ gỗ nội thất |
|
8 | Nhà máy chế biến bột: sầu riêng, trái cây, hạt xuất khẩu |
| Bột sầu riêng xuất khẩu: 500 tấn/năm |
|
9 | Nhà máy cấp đông sầu riêng, bơ xuất khẩu |
| Cấp đông sầu riêng, bơ: 5.000 tấn/năm |
|
10 | Nhà máy sản xuất nước chanh dây, trái cây khác đóng lon |
| Nước chanh dây đóng lon: 2 tấn/giờ - 4.800 tấn/năm |
|
11 | Cụm công nghiệp chế biến trái cây |
| Cụm công nghiệp chuyên biệt chế biến trái cây |
|
VIII | Phát triển cụm ngành công nghiệp hỗ trợ - chế tạo |
|
|
|
1 | Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện - điện tử |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
2 | Nhà máy sản xuất khuôn, đúc |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
3 | Nhà máy sản xuất thiết bị, phụ tùng |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
4 | Nhà máy sản xuất lốp xe chuyên dụng |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
5 | Nhà máy cơ khí chế tạo |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
6 | Nhà máy dệt; sản xuất linh phụ kiện cho ngành dệt may |
| Phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ |
|
IX | Phát triển cụm ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu nông sản |
|
|
|
1 | Nhà máy chiếu xạ trái cây, hạt |
| Phục vụ chế biến, xuất khẩu nông sản trong tỉnh & Vùng vào thị trường chính Úc, Mỹ |
|
2 | Nhà máy tiệt trùng UHT trái cây |
| Phục vụ chế biến, xuất khẩu nông sản trong tỉnh & Vùng vào thị trường chính Úc, Mỹ |
|
X | Dự án đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại |
|
|
|
1 | Xây dựng 13 trung tâm thương mại |
| Xây dựng trung tâm thương mại tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu mua bán, hoạt động thương mại của người dân |
|
2 | Xây dựng 15 siêu thị |
| Đáp ứng nhu cầu mua bán, hoạt động thương mại của người dân |
|
3 | Hệ thống bán buôn, chợ đầu mối; các cửa hàng tiện ích; hạ tầng thương mại biên giới |
| Đáp ứng nhu cầu mua bán, hoạt động thương mại cửa khẩu, biên giới |
|
XI | Lĩnh vực đô thị - dân cư, thương mại - dịch vụ - du lịch |
|
|
|
1 | Khu đô thị mới thành phố Đồng Xoài |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ |
|
2 | Khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp thành phố Đồng Xoài |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ |
|
3 | Khu phức hợp sân Golf, đô thị và thương mại |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ |
|
4 | Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và tây Hồ Bà Mụ |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ |
|
5 | Các khu đô thị, du lịch, công viên văn hóa cộng đồng |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, văn hóa cộng đồng |
|
6 | Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Đăng |
| Phát triển du lịch |
|
7 | Các khu dân cư huyện Đồng Phú |
| Phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ |
|
8 | Khu du lịch Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết |
| Phát triển du lịch |
|
9 | Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo |
| Phát triển tour du lịch |
|
10 | Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập |
| Phát triển du lịch |
|
11 | Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá |
| Phát triển du lịch |
|
12 | Khu du lịch Đảo yến Sơn Hà |
| Phát triển du lịch |
|
13 | Khu du lịch sinh thái Cù lao, huyện Bù Đốp |
| Phát triển du lịch |
|
14 | Đầu tư xây dựng cảng cạn Chơn Thành |
| Phát triển dịch vụ logistics |
|
15 | Đầu tư xây dựng cảng cạn Đồng Phú |
| Phát triển dịch vụ logistics |
|
16 | Trung tâm cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi |
| Bảo trợ xã hội |
|
Ghi chú:
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
- Các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án trong danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.
DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên sơ đồ | Tỷ lệ |
1 | Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn | 1:100.000 |
2 | Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng | 1:100.000 |
3 | Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội | 1:100.000 |
4 | Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật | 1:100.000 |
5 | Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất | 1:100.000 |
6 | Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên | 1:100.000 |
7 | Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu | 1:100.000 |
8 | Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện | 1:100.000 |
- 1 Quyết định 1386/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1399/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1456/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1486/QĐ-TTg năm 2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành