Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 149/2003/QDD-TTG NGÀY 21 THÁNG 7 NĂM 2003 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003;
Căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 24 tháng 02 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình số 1754/TTr-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2003 và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tại Công văn số 360/TP-HTQT ngày 30 tháng 5 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định một số chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển đội tàu biển quốc gia Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu do các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam thực hiện.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam" là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước hoặc Luật Doanh nghiệp, có tàu biển được đăng ký treo cờ Việt Nam.

2. "Hàng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước" bao gồm các lô hàng được mua sắm bằng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ tiền vay của Chính phủ, tiền viện trợ của nước ngoài cho Chính phủ hoặc hàng của Chính phủ trả nợ cho nước ngoài.

3. "Hàng tài nguyên quốc gia" là các lô hàng thuộc nguồn tài nguyên khai thác tại Việt Nam bao gồm: dầu thô, than đá, clinke và các loại khoáng sản khác mà các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh xuất khẩu.

4. "Vận chuyển nội địa" là việc vận chuyển hành khách, hàng hoá, vật tư, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu được vận chuyển bằng tàu biển giữa các cảng biển trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Một số cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam

1. Về vận tải hàng hoá:

a) Đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng nguồn tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được dành quyền vận tải, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có quy định khác. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không có khả năng vận chuyển các loại hàng hoá trên thì được sử dụng tàu biển nước ngoài để vận chuyển theo quy định tại Điều 5 của Quyết định này.

b) Đối với hàng hóa vận chuyển nội địa, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được ưu tiên vận tải, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có quy định khác. Trường hợp doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không có khả năng vận chuyển thì được sử dụng tàu biển nước ngoài để vận chuyển theo quy định tại Điều 5 của Quyết định này.

c) Ưu tiên vận tải đối với hàng hóa tài nguyên quốc gia cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có quy định khác.

2. Một số hỗ trợ về tài chính:

a) Đối với tàu thuê theo phương thức thuê tàu trần và thuê tàu định hạn, doanh nghiệp vận tải biển được miễn thuế thu nhập trong thời hạn của hợp đồng.

b) Đối với các tàu vay mua, thuê mua, doanh nghiệp vận tải biển được miễn thuế thu nhập trong 02 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 02 năm tiếp theo.

c) Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển để phát triển đội tàu theo quy định hiện hành.

d) Đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, ngoài việc được áp dụng các quy định tại các điểm a, b, c trên đây, hàng năm (giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2005) còn được hưởng một số ưu đãi sau:

Được Quỹ hỗ trợ phát triển bố trí đủ vốn và được giữ lại toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm của các đơn vị thành viên, bao gồm cả phần thuế thu nhập của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong các công ty liên doanh và công ty cổ phần thuộc Tổng công ty, coi đây là khoản ngân sách cấp bổ sung làm vốn đối ứng để vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển, nhằm thực hiện các hợp đồng với Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đóng mới 32 tàu theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Trường hợp khả năng của các cơ sở đóng tàu biển trong nước không đáp ứng được nhu cầu hoặc khi Quỹ hỗ trợ phát triển không có khả năng cho vay để thực hiện dự án đóng tàu trong nước thì doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được mua tàu biển của nước ngoài theo quy định hiện hành,

4. Không cấp Giấy phép đầu tư nước ngoài thành lập công ty liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện vận tải biển, khi phần góp vốn pháp định của phía Việt Nam dưới 51%, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có quy định khác.

5. Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có trách nhiệm:

a) Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính tự huy động và nguồn tài chính được vay ưu đãi để thực hiện mục tiêu phát triển đội tàu biển Việt Nam nhằm từng bước tăng thị phần vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam.

b) Phải có biện pháp và cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng Hợp đồng đã ký với chủ hàng, theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế và phải thực hiện mức giá cước mang tính cạnh tranh so với mức bình quân trong khu vực.

Điều 4. Một số hỗ trợ tài chính đối với chủ hàng sử dụng tàu biển của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam

1. Chủ hàng của lô hàng hoá xuất, nhập khẩu theo hợp đồng mua FOB hoặc bán CIF (không phân biệt nguồn gốc tài chính), nếu có hợp đồng vận tải với đội tàu biển Việt Nam thì được xem xét giảm thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính quy định cụ thể vấn đề này.

2. Chủ hàng của lô hàng hoá xuất khẩu có thuế suất hiện hành bằng 0%, nếu có hợp đồng vận tải với đội tàu biển Việt Nam, thì chủ hàng xuất khẩu được xem xét hỗ trợ cước vận chuyển từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

Điều 5. Vận chuyển hàng hoá nội địa, hàng có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng tàu biển nước ngoài

Đối với vận chuyển hàng hóa nội địa, hàng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, khi tàu biển Việt Nam không có khả năng để vận chuyển, Bộ Giao thông vận tải cho phép sử dụng tàu biển nước ngoài theo quy trình sau:

a) Chủ hàng hoặc doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, trong đó nêu rõ lý do phải sử dụng tàu biển nước ngoài;

b) Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ hàng hoặc doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải có văn bản cho phép hoặc không cho phép (phải nêu rõ lý do) việc sử dụng tàu biển nước ngoài thực hiện vận chuyển sau khi tham khảo ý kiến Hiệp hội chủ tàu Việt Nam.

Điều 6. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Giao thông vận tải:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các quy định hiện hành về vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tuyến nội địa.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự đồng bộ và có hiệu lực trong việc khuyến khích phát triển đội tàu Việt Nam nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

c) Xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định liên quan tới việc quản lý cước vận tải; giá, phí dịch vụ hàng hải.

d) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành thống kê, theo dõi, phát hiện để xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp làm trái các quy định tại Quyết định này.

đ) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp vận tải và dịch vụ hàng hải trong việc thực hiện quy định tại các Nghị định của Chính phủ số 57/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 về kinh doanh dịch vụ vận tải biển và số 10/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2001 về kinh doanh dịch vụ hàng hải và tại quyết định này nhằm tạo lập trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam và quyền lợi quốc gia trong các lĩnh vực nói trên.

2. Bộ Tài chính:

a) Hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 4 của Quyết định này.

b) Phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quyết định này.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

d) Hướng dẫn và chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng khoản tài chính nêu tại điểm d khoản 2 Điều 3 của Quyết định này đúng mục đích và đảm bảo hiệu quả.

3. Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam:

a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan trợ giúp các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam từng bước nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

c) Tư vấn cho Bộ Giao thông vận tải trong việc nghiên cứu các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

d) Phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện các trường hợp làm trái các quy định tại quyết định này và các quy phạm khác có liên quan, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các Tổng công ty có liên quan khác và Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)