BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/QĐ-BCĐQHPTĐLQG | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 14 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 2449/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-BCĐQHPTĐLQG ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Nhà nước) thực hiện việc chỉ đạo xây dựng các công trình điện theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo Nhà nước quy định tại Quyết định số 2449/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương 2.
NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC
Điều 3. Nguyên tắc điều hành
1. Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Ban Chỉ đạo Nhà nước làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
3. Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước ủy quyền cho Phó Trưởng ban xử lý những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực được phân công.
Điều 4. Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần và các phiên họp bất thường khi cần. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các phiên họp. Các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định; trường hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo Nhà nước không thể tham dự phiên họp phải ủy quyền cho người có trách nhiệm tham dự.
Điều 5. Nội dung phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các nhà thầu; đề ra nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu thực hiện tiếp theo; xem xét giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Nhà nước.
Điều 6. Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công thành viên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; Ban Chỉ đạo Nhà nước là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra để thực hiện triển khai các dự án điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo
- Báo cáo định kỳ: Hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm; các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban phân công để kịp thời xử lý các yêu cầu và kiến nghị đề ra.
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo nội dung do Trưởng ban yêu cầu; Trưởng ban báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đầu tư các dự án điện được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Điều 8. Chế độ đi công tác
Căn cứ vào yêu cầu công việc, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chủ động đi công tác để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Chương 3.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC
Điều 9. Phân công trách nhiệm giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước
1. Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước:
a) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
b) Chỉ đạo chung hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, thông qua kế hoạch công tác, chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.
c) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn, các nhà thầu và các đơn vị có liên quan thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
d) Ủy quyền cho Phó Trưởng ban hoặc các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo Nhà nước giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban khi cần thiết.
2. Phó Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công thương:
a) Giúp Trưởng ban điều hành giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý ngành.
b) Thừa ủy quyền Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề liên ngành, các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện các dự án điện.
c) Trực tiếp chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước.
3. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan mình theo quy định tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, giám sát hướng dẫn các chủ đầu tư và giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án điện.
4. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước là Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty:
a) Thực hiện chức năng chủ đầu tư, tổng thầu trong các Dự án điện được giao, chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan trong các quá trình lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế, quản lý đầu tư và xây dựng công trình. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, nhà thầu thực hiện tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình.
b) Báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước tại các cuộc họp về những nội dung sau:
- Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước;
- Tình hình thực hiện tiến độ; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp tháo gỡ đối với các dự án điện được giao làm chủ đầu tư hoặc làm tổng thầu.
Điều 10. Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước
1. Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước là bộ phận tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Nhà nước; làm đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan; tổng hợp các báo cáo và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án điện.
2. Phó Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước và trước Thủ tướng Chính phủ về những công việc được Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công; được sử dụng cán bộ, phương tiện, các trang thiết bị do đơn vị mình quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, Bộ Công thương tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung cần bổ sung, sửa đổi trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 269/QĐ-BCĐQGĐL năm 2019 về sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
- 2 Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2019 về thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 29/QĐ-BCĐQGĐL năm 2017 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
- 4 Thông báo 368/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 2449/QĐ-TTg năm 2011 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1208/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật Điện Lực 2004
- 8 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Thông báo 368/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 29/QĐ-BCĐQGĐL năm 2017 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
- 3 Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2019 về thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 269/QĐ-BCĐQGĐL năm 2019 về sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực