ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1490/2007/QĐ-UBND | Huế, ngày 29 tháng 6 năm 2007 |
QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004, ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 “Về thi hành Luật Đất đai”; Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ “Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai”;
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13 tháng 4 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số điều của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 191/TT-TTr ngày 24 tháng 4 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, các huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
VỀ THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1490/2007/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)
Điều 1. Quy định này nhằm cụ thể hóa thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 2. Quy định này được áp dụng cho tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại về đất đai được quy định tại Luật Đất đai năm 2003;
Quy định này không điều chỉnh đối với những trường hợp tranh chấp, khiếu nại về đất đai có giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Điều 3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai
1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện):
a) Giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
b) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của mình trong quản lý đất đai.
c) Giải quyết khiếu nại về hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn; thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện trong khi giải quyết công việc về quản lý đất đai.
2. Chủ tịch UBND tỉnh:
a) Giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
b) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường, của UBND tỉnh trong quản lý đất đai.
c) Giải quyết khiếu nại về hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết công việc về quản lý đất đai.
d) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết nhưng còn tranh chấp, khiếu nại tiếp.
Điều 4. Trách nhiệm tham mưu giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai của các cơ quan trực thuộc UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh
1. Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND huyện, thành phố xem xét, giải quyết các trường hợp:
a) Tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, thành phố được quy định tại Điểm a, b, khoản 1, Điều 3 Quy định này.
b) Khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trong quản lý đất đai của Chủ tịch UBND huyện, thành phố; bao gồm:
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
- Cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất;
2. Thanh tra huyện có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND huyện, thành phố giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 Quy định này và không thuộc các trường hợp nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Quy định này.
3. Các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 4, phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết với Chủ tịch UBND huyện, thành phố trước 05 ngày tính đến ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.
Điều 5. Trách nhiệm tham mưu giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai của các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết các trường hợp:
a) Tranh chấp, khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh được quy định tại Điểm a, b Khoản 2, Điều 3 của Quy định này.
b) Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai của Chủ tịch UBND huyện, thành phố đã giải quyết được quy định tại Điểm d Khoản 2, Điều 3; Khoản 1 Điều 4 Qui định này nhưng còn khiếu nại.
2. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết khiếu nại đối với các trường hợp:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai được quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 3 của Quy định này và không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 5 của Quy định này.
b) Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, thành phố được quy định tại Khoản 2 Điều 4 đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.
3. Các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 5 phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết với Chủ tịch UBND tỉnh trước 05 ngày tính đến ngày hết thời hạn giải quyết tranh chấp, khiếu nại được quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.
TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Mục 1. TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Điều 6. Tiếp nhận đơn tranh chấp, khiếu nại về đất đai
Các cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai có trách nhiệm bố trí cán bộ thường trực tiếp nhận đơn, phân loại theo nội dung đơn và đề xuất hướng xử lý cho người có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Thời điểm tiếp nhận đơn được tính theo ngày ghi trên dấu công văn đến của cơ quan tiếp nhận hoặc kể từ ngày công dân gửi đơn trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận. Cơ quan nhận đơn tranh chấp, khiếu nại đất đai phải có trách nhiệm cập nhật vào sổ theo dõi đơn, thư.
Điều 7. Xử lý đơn tranh chấp, khiếu nại về đất đai
1. Tranh chấp, khiếu nại về đất đai thuộc một trong các trường hợp sau thì không được thụ lý giải quyết:
a) Thời hiệu khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu (15 ngày) đã hết.
b) Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính (30 ngày), thời hiệu khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (45 ngày) đã hết. Trường hợp người khiếu nại chứng minh được có trở ngại khách quan hoặc trường hợp chứng minh người giải quyết trước đó có vi phạm pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải xem xét cụ thể để xử lý.
c) Tranh chấp, khiếu nại đã có quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại cuối cùng.
d) Khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án.
đ) Tranh chấp đã được ghi nhận tại biên bản là hòa giải thành hoặc có quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật.
e) Trường hợp tranh chấp, khiếu nại mà người viết đơn không chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại; khiếu nại đòi lại đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ “Về thi hành Luật Đất đai”.
Trường hợp không thụ lý giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại phải trả lời bằng văn bản cho người tranh chấp, khiếu nại biết và việc trả lời chỉ được thực hiện 01 lần.
2. Khi nhận được đơn tranh chấp, khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết, thì người giải quyết phải thụ lý, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn tranh chấp, khiếu nại biết.
Mục 2. TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Điều 8. Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai
1. UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nhận được đơn về tranh chấp đất đai phải tổ chức hoà giải giữa các bên tranh chấp.
a) Việc hoà giải được thực hiện trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tranh chấp.
b) Việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và có xác nhận hòa giải thành hoặc hoà giải không thành của UBND cấp xã.
c) Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai được gửi cho các bên đương sự và lưu vào hồ sơ vụ việc tại UBND cấp xã.
d) Trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày tổ chức hoà giải, căn cứ vào kết quả hoà giải, Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản báo cáo UBND cấp huyện hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp khởi kiện ra Toà án.
đ) Trường hợp hoà giải thành:
Đối với trường hợp hòa giải thành, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu các bên tranh chấp không có ý kiến khác thì Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định công nhận hòa giải thành theo nội dung biên bản hòa giải thành.
Đối với trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn gửi biên bản hoà giải thành đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
e) Trường hợp hoà giải không thành:
Đối với các trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, nếu một hoặc các bên tranh chấp không nhất trí với nội dung mà UBND cấp xã đã hòa giải, thì UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn đương sự gửi đơn đến Toà án giải quyết.
Đối với các trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì UBND cấp xã hướng dẫn đương sự gửi đơn đến UBND huyện, thành phố để được giải quyết. Đồng thời, UBND cấp xã có văn bản báo cáo UBND huyện, thành phố kèm biên bản hoà giải không thành.
2. Chủ tịch UBND huyện, thành phố giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Quy định này; trường hợp các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, thành phố thì có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh để được giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.
3. Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền được quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Quy định này; trường hợp các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh thì có quyền gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
4. Tất cả các vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, các cơ quan được giao thụ lý trong quá trình thẩm tra, xác minh đều phải tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải thành thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp không có ý kiến khác thì cơ quan thụ lý tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định công nhận hòa giải thành theo nội dung biên bản đã lập.
Điều 9. Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai của cấp xã
Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai của cấp xã do UBND cấp xã thành lập, gồm có:
Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là: Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ban Thanh tra nhân dân, cán bộ Địa chính, cán bộ Tư pháp, Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, bản, buôn, sóc đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu năm tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp.
Điều 10. Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai khi các bên tranh chấp không có giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003
1. Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra.
2. Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn.
3. Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương.
4. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt.
5. Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.
6. Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất.
Điều 11. Thời hạn, thời hiệu khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai
1. Cấp huyện, thành phố:
a) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày UBND cấp huyện có quyết định hành chính trong quản lý đất đai hoặc cán bộ, công chức thuộc UBND cấp xã, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND huyện, thành phố có hành vi hành chính trong khi giải quyết công việc về quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì có quyền gửi đơn đến UBND huyện, thành phố để được giải quyết.
b) Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, thành phố mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân hoặc khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thì quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
c) Chủ tịch UBND huyện, thành phố giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai là 30 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp, vụ việc ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp mà ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết.
d) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, thành phố và quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch UBND tỉnh phải được công bố công khai theo quy định hiện hành của pháp luật và gửi cho người khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2. Cấp tỉnh:
a) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh có quyết định hành chính trong quản lý đất đai hoặc cán bộ, công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường có hành vi hành chính trong giải quyết công việc về quản lý đất đai mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh để khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh là 30 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp, vụ việc ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp mà ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết.
b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh phải được công bố công khai theo quy định hiện hành của pháp luật và gửi cho người khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
c) Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân.
Điều 12. Thời hạn, thời hiệu giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Thời hạn giải quyết tranh chấp lần đầu là không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc.
2. Trong thời hạn không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu, nếu không đồng ý thì các bên tranh chấp có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp lần cuối cùng.
3. Thời hạn giải quyết tranh chấp lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh là không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc. Quyết định giải quyết tranh chấp lần 2 là quyết định giải quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật.
Điều 13. Việc thi hành quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai
1. Trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày ký quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai được giao trực tiếp (có ký nhận) cho người khiếu nại và các bên tranh chấp hoặc gửi bảo đảm theo đường Bưu điện. Đối với vụ việc tranh chấp, khiếu nại phức tạp, giao trách nhiệm cho Thủ trưởng cơ quan tham mưu thụ lý phối hợp với Chủ tịch UBND cấp xã nơi có vụ việc tranh chấp, khiếu nại tiến hành công bố quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Việc công bố quyết định được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ vụ việc.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai đã có hiệu lực pháp luật, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Đất đai, Chủ tịch UBND các cấp phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện các quyết định đó.
3. Định kỳ 6 tháng một lần, UBND các cấp có trách nhiệm báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra tỉnh) đối với việc thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 14. Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai
Hội đồng Tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp được thành lập theo hướng dẫn tại Qui định “Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh” ban hành kèm theo Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBND ngày 05/9/2006 của UBND tỉnh, có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền. Thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Qui định ban hành kèm theo Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBND nói trên của UBND tỉnh.
1. Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND thành phố Huế, các huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành Qui định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn theo thẩm quyền; trường hợp phát sinh những vấn đề mới, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 51/2016/QĐ-UBND Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2 Quyết định 582/QĐ-UBND năm 2017 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2016
- 3 Quyết định 279/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018
- 4 Quyết định 279/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018
- 1 Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2013 về giải quyết khiếu nại đã thụ lý trước 31/7/2013, thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
- 2 Nghị định 84/2007/NĐ-CP bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai
- 3 Nghị định 136/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
- 4 Quyết định 2033/2006/QĐ-UBND về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5 Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi 2005
- 6 Thông tư 01/2005/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7 Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 8 Luật Khiếu nại, Tố cáo sửa đổi 2004
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Luật Đất đai 2003
- 11 Luật Khiếu nại, tố cáo 1998
- 1 Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2013 về giải quyết khiếu nại đã thụ lý trước 31/7/2013, thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
- 2 Quyết định 51/2016/QĐ-UBND Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3 Quyết định 582/QĐ-UBND năm 2017 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2016
- 4 Quyết định 279/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018