Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/1998/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1998 

 

QUYẾT ĐỊNH 

"VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ CÁN BỘ CỦA SỞ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Nghị quyết 109/HĐBT ngày 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế hành chính sự nghiệp;
Căn cứ thông tư liên Bộ Công nghiệp - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ số 18/LB-TT ngày 29/6/1996, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố và Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của Sở Công nghiệp Hà nội như sau:

A. CHỨC NĂNG:

Sở Công nghiệp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hà nội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngành công nghiệp (Quốc doanh và Ngoài quốc doanh) trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra Sở Công nghiệp còn được UBND Thành phố giao quản lý trực tiếp một số doanh nghiệp Quốc doanh. Sở Công nghiệp chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố và Bộ Công nghiệp hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiệm vụ chủ yếu:

1. Xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành các văn bản pháp quy (Quyết định, Chỉ thị...) để thực hiện Luật, NĐ, Pháp lệnh và các văn bản pháp luật thuộc ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Sở được ban hành các văn bản theo thẩm quyền.

2. Căn cứ phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Sở Công nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn trình UBND Thành phố phê duyệt, và chỉ đạo hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện.

Được UBND Thành phố uỷ quyền, tiến hành giao nhiệm vụ kế hoạch hàng năm cho các doanh nghiệp trực thuộc. Đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch và tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

3. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong ngành công nghệp về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm kỹ thuật, an toàn công nghiệp theo quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp và UBND Thành phố.

Nghiên cứu, phân tích tổng hợp các kiến nghị hợp lý của cơ sở, đề xuất với Chính phủ, Bộ Công nghiệp và UBND Thành phố bổ sung, sửa đổi các chính sách về sản xuất kinhdoanh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

4. Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định việc thành lập doanh nghiệp công nghiệp thuộc moi thành phần kinh tế. Tham gia thẩm định việc tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Ngoài quốc doanh theo phân công của UBND Thành phố.

5. Phối hợp với Ban quản lý các khu CN và khu chế xuất Thành phố quản lý Nhà nước theo quy định hiện hành các khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên lãnh thổ.

6. Phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Môi trường.

a. Quản lý chất lượng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn Thành phố theo quy định của Chính phủ, của các Bộ có liên quan và UBND Thành phố.

b. Hướng dẫn các DN tổ chức thực hiện, ứng dụng các tiến bộ về Khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

7. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện năng trên địa bàn Thành phố, theo quy định của Chính phủ và Bộ Công nghiệp, bao gồm: Quy hoạch về điện, giám sát điện năng, quản lý và phát triển các dạng năng lượng mới, thanh tra, an toàn về điện. Nghiên cứu, kiến nghị với Nhà nứoc những vấn đề về quản lý điện năng, giá bán điện cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiêu dùng ở nông thôn, đô thị và việc cung ứng điện trong sản xuất kinh doanh.

8. Giúp UBND Thành phố quản lý việc khai thác và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn thành phố theo Luật khoáng sản và các quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp, bao gồm: Thụ lý hồ sơ, cấp giấy phép thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các đơn vị được cấp giấy phép hành nghề trong các lĩnh vực trên, thuộc mọi thành phần kinh tế.

9. Cấp và thu hồi các loại giấy phép thuộc lĩnh vực do Sở quản lý theo quy định của pháp luật và sự uỷ quyền của UBND thành phố.

10. Hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý công nghiệp cho các phòng kinh tế quận, huyện. Nắm tình hình sản xuất kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh, tổng hợp kết quả SXKD theo định kỳ để báo cáo UBND Thành phố.

11. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp thuộc Sở do UBND Thành phố giao.

12. Quản lý cán bộ theo phân cấp của Thành uỷ và UBND Thành phố, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị trực thuộc về công tác cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành công nghiệp trình UBND Thành phố.

13. Thực hiện công tác Thanh tra Nhà nước và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

14. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND Thành phố giao.,

B. TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ CÁN BỘ CỦA SỞ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI:

1. Tổ chức bộ máy:

Sở Công nghiệp Hà nội có Giám đốc, 1 số Phó Giám đốc và các phòng, ban nghiệp vụ sau:

1. Phòng Kế hoạch - Đầu tư

2. Phòng Tài chính kế toán

3. Phòng kỹ thuật tài nguyên - Môi trường

4. Phòng quản lý điện năng

5. Phòng quản lý công nghiệp NQD

6. Phòng tổ chức cán bộ

7. Ban Thanh tra

8. Văn phòng

2. Biên chế cán bộ, nhân viên:

Biên chế cán bộ, nhân viên toàn Văn phòng Sở có 61 người, Chức năng, nhiệm vụ, biên chế cán bộ, nhân viên của từng phòng, ban do Giám đốc Sở quy định.

Điều 2. Giám đốc Sở Công nghiệp Hà nội có trách nhiệm biên soạn các quy chế, nội quy và xây dựng phương pháp làm việc và mối quan hệ công tác giữa các phòng, ban trong Sở, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của UBND Thành phố giao.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp Hà nội, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, thi hành quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Ban TCCB Chính phủ (để báo cáo)
- Bộ Công nghiệp (để b/c)
- Như điều 3
- Lưu



TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên